NextUpcoming Event

Hỏi - đáp Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IX

Chủ nhật - 01/11/2009 13:23
Hỏi - đáp nghị quyết Hội nghị ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IX

* CÂU HỎI 1:

Những nét cơ bản về Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ IX?

TRẢ LỜI:

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 12 năm 2007. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Tham dự Đại hội có 1.033 đại biểu đại diện cho hơn 6 triệu đoàn viên cả nước, trong đó có 6 đại biểu là đoàn viên, sinh viên Việt Nam tiêu biểu đang học tập và công tác tại nước ngoài đã về dự. Đại hội vinh dự đón đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến dự, chỉ đạo và chung vui với Đại hội. Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng và thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng thanh niên Việt Nam bức trướng mang dòng chữ: “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, đoàn kết, sáng tạo, xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để phát huy trí tuệ của các đại biểu, ngoài diễn đàn tại Hội trường, Ban tổ chức Đại hội đã bố trí 14 trung tâm thảo luận với nhiều chủ đề khác nhau liên quan các vấn đề thiết thân của đoàn viên, thanh thiếu nhi như học tập, việc làm, vui chơi, giải trí, kỹ năng hoạt động xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam trong giai đoạn mới. Đại hội đã có cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở với đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số bộ, ngành. Đại hội đã thông qua Nghị quyết, Điều lệ Đoàn bổ sung và sửa đổi, bầu Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khoá IX gồm 145 đồng chí, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn 27 đồng chí, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đoàn 12 đồng chí. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng tái đắc cử Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, các đồng chí Lâm Phương Thanh, Nguyễn Hoàng Hiệp được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

* CÂU HỎI 2:

Tiêu đề báo cáo Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX và khẩu hiệu hành động có nội dung, ý nghĩa gì?

TRẢ LỜI:  

Tiêu đề báo cáo Đại hội Đoàn toàn quốc lần
thứ IX: Nâng cao chất lư­ợng tổ chức Đoàn, tăng cường bồi dư­ỡng lý t­ưởng cách mạng, đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ý nghĩa của tiêu đề cũng là yêu cầu đặt ra với tổ chức Đoàn trong giai đoạn mới, đó là:

- Với tinh thần Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập và Phát triển, Đại hội Đoàn IX thể hiện ý chí và nguyện vọng của thế hệ trẻ Việt Nam được đem tài năng, sức trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải thực sự vững mạnh về tổ chức, đủ năng lực đoàn kết, tập hợp và đồng hành với thanh niên trên đường phát triển và hội nhập.

- Đoàn phải tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên.

- Tổ chức Đoàn trong thời kỳ mới phải thực sự là người bạn, người đồng chí thân thiết, chăm lo cho thanh niên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; đi cùng và định hướng cho thanh niên lập thân, lập nghiệp.

- Tổ chức Đoàn phải huy động đông đảo các lực lượng thanh thiếu niên, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khẩu hiệu hành động: “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, đoàn kết, xung kích, sáng tạo, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ý nghĩa của khẩu hiệu thể hiện yêu cầu của thời đại, sự kỳ vọng của Đảng, của dân tộc đối với thế hệ trẻ Việt Nam, đó là: phải nuôi dưỡng ước mơ, có
hoài bão, phát huy được tố chất của thế hệ trẻ góp phần thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng và toàn dân tộc.

* CÂU HỎI 3:

Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong nhiệm kỳ 2002 - 2007 đạt được những kết quả cơ bản nào?

TRẢ LỜI:

- Công tác giáo dục của Đoàn có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, nổi bật là các đợt sinh hoạt chính trị: "Tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng",“Tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác"; diễn đàn "Tiếp lửa truyền thống, mãi mãi tuổi 20", "Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích".... đã góp phần định hướng lối sống và nâng cao chất lượng chính trị của người đoàn viên. 

- Phong trào "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" được tổ chức rộng khắp, góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường học có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, chống tiêu cực trong thi cử. Thanh niên nông thôn được hỗ trợ kỹ thuật, vay vốn phát triển sản xuất. Phong trào “Sáng tạo trẻ” đã phát huy sức sáng tạo thanh niên, ứng dụng tiến bộ khoa học vào đời sống. Cán bộ, công chức trẻ tích cực tham gia chương trình cải cách hành chính. Thanh niên đô thị góp phần giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội. Thanh niên quân đội đẩy mạnh phong trào “Giành 3 đỉnh cao quyết thắng, cuộc vận động “Thanh niên quân đội mẫu mực xây dựng chính quy”. Thanh niên Công an triển khai sâu rộng phong trào “Hai thi đua, hai tình nguyện thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”. Cuộc vận động "Nghĩa tình biên giới, hải đảo" góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ về tình hình, nhiệm vụ mới đối với chủ quyền an ninh quốc gia. Hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", nhân đạo từ thiện được triển khai sâu rộng. Phong trào "Khoẻ để lập nghiệp, giữ nước" được duy trì ở cơ sở. Phong trào Thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mạnh, góp phần tham gia giải quyết những khó khăn, bức xúc của cộng đồng, tạo dựng hình ảnh đẹp của người thanh niên thời đại mới.

- Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng có chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thiếu nhi. Công tác quốc tế thanh niên góp phần tăng cường hiểu biết, tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác với thanh niên và nhân dân các nước, góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hoạt động Đoàn tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân được coi trọng, góp phần nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong xây dựng hệ thống chính trị.

- Công tác xây dựng tổ chức Đoàn được tập trung chỉ đạo; chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, chất lượng cán bộ Đoàn, chất lượng đoàn viên được nâng lên. Công tác đoàn viên được quan tâm, chương trình rèn luyện đoàn viên được nhiều cơ sở Đoàn thực hiện. Công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên dân tộc, tôn giáo có tiến bộ. Công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên Việt Nam đang học tập, công tác tại nước ngoài đã có chuyển biến bước đầu. Công tác kiểm tra của Đoàn được tăng cường, góp phần giữ vững kỷ cương trong Đoàn. Công tác chỉ đạo của Đoàn tiếp tục được đổi mới, tập trung cho cơ sở, chăm lo giải quyết những vấn đề bức xúc của thanh niên và công tác Đoàn; tăng cường tham mưu xây dựng và tích cực thực hiện chính sách đối với thanh niên; coi trọng phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác thanh niên.

* CÂU HỎI 4:

Những điểm hạn chế, yếu kém của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2002 - 2007 là gì?

TRẢ LỜI:  

Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm và chỉ ra 5 điểm hạn chế, yếu kém của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 5 năm qua là: 

Thứ nhất, hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn chưa cao, Đoàn chưa tận dụng hết các cơ hội, chưa phát huy hết sức mạnh của các lực lượng xã hội và các nguồn lực trong công tác giáo dục thanh niên. Phương thức giáo dục chưa thực sự phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu, tâm lý của đoàn viên, thanh niên.

Thứ hai, hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng cho thanh niên chưa đầu tư đúng mức nên chưa tương xứng với tiềm năng của tổ chức Đoàn; việc tham mưu xây dựng chính sách tài năng trẻ, khuyến khích thanh niên học nghề, chính sách huy động thanh niên tham gia phát triển giáo dục cộng đồng, hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Thứ ba, công tác thiếu nhi trên địa bàn dân cư còn khó khăn; vai trò tiền phong, gương mẫu của một bộ phận đoàn viên, thanh niên trong chăm sóc, giáo dục thiếu nhi chưa rõ. Đoàn chưa hoàn thành chỉ tiêu hàng tháng mỗi chi đoàn có một việc tốt dành cho trẻ em, mỗi đoàn viên là một phụ trách thiếu nhi.

Thứ tư, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn, chất lượng đoàn viên, chất lượng cán bộ Đoàn, chất lượng hoạt động Đoàn tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa theo kịp sự chuyển động của tình hình thanh niên cũng như yêu cầu tập hợp thanh niên trong giai đoạn hiện nay.

Thứ năm, lý luận về công tác vận động thanh niên, về tập hợp thanh niên, mô hình tổ chức và hoạt động của Đoàn ở một số lĩnh vực chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng còn hình thức, chưa có tác dụng tích cực cổ vũ và thúc đẩy phong trào thanh thiếu nhi.

* CÂU HỎI 5:

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và những bài học kinh nghiệm?

TRẢ LỜI:  

Đại hội đã chỉ ra 4 nguyên nhân của hạn chế
đó là: 

Thứ nhất, một số chủ trương của Đoàn chưa sát thực tế, khi triển khai thiếu đôn đốc, kiểm tra, tổng kết kịp thời; sự vận dụng và cụ thể hóa các chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn ở nhiều nơi còn hạn chế; có biểu hiện "dễ làm, khó bỏ"; bệnh thành tích, hành chính hóa, thiếu sâu sát cơ sở trong chỉ đạo và tổ chức phong trào thanh niên chậm được khắc phục.

Thứ hai, công tác cán bộ của Đoàn còn bất cập; năng lực, trình độ nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, xã hội của một bộ phận cán bộ Đoàn còn yếu; cán bộ Đoàn ở một số địa phương không có điều kiện luân chuyển hoặc khi luân chuyển lại không chuẩn bị tốt đội ngũ thay thế, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Đoàn; một số đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đoàn các cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Việc tham mưu cho Đảng trong tạo nguồn, đào tạo, sử dụng và luân chuyển cán bộ nhìn chung còn yếu.

Thứ ba, điều kiện, phương tiện hoạt động và nguồn lực cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi còn khó khăn; sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu kinh tế, tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội gia tăng, sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tư tưởng thanh niên, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Thứ tư, tổ chức Đoàn còn chậm thích nghi với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thanh niên; công tác tổng kết thực tiễn, đầu tư cho nghiên cứu lý luận về công tác thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số nơi cấp uỷ Đảng chưa thật sự quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Đại hội đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm cơ bản sau:

Một là, mọi hoạt động của Đoàn phải thiết thực, hướng tới mục tiêu tập hợp, giáo dục, chăm lo lợi ích của thanh niên, khơi dậy và phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tinh thần xung phong, tình nguyện của thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên tự khẳng định và phát triển.

Hai là, kiên trì thực hiện chủ trương tập trung cho cơ sở, coi trọng công tác cán bộ và mở rộng mặt trận tập hợp, đoàn kết thanh niên là những điều kiện có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của tổ chức Đoàn.

Ba là, chủ động tham mưu cho Đảng lãnh đạo toàn diện công tác thanh niên; tận dụng mọi cơ hội và phát huy tốt vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn trong phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tiến hành công tác thanh niên, từng bước xã hội hoá công tác thanh niên.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; coi trọng kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện các chủ trương công tác của Đoàn; thường xuyên, kịp thời phát hiện, tôn vinh và nhân rộng các sáng kiến, điển hình tiên tiến, nhân tố mới của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. 

 

* CÂU HỎI 6:

Thời cơ đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình hiện nay là gì?

TRẢ LỜI:

Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay đang đứng trước những thời cơ lớn, đó là:

- Đảng ta luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đảng xác định thanh niên là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước, là đội quân xung kích cách mạng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xuất phát từ quan điểm đó, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đối với thanh niên và tổ chức Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh.

- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, các hoạt động của Đoàn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phù hợp với từng đối tượng thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn từng bước quan tâm, chăm lo tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên, trở thành người bạn gần gũi của thanh niên. Hoạt động của Đoàn, đặc biệt là hoạt động tình nguyện ngày càng được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

- Trong công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, thanh niên là lớp người được đón nhận nhiều nhất những lợi ích và cơ hội. Hội nhập kinh tế quốc tế là cánh cửa mở ra cho thanh niên những cơ hội để khẳng định bản lĩnh, tài năng, thực hiện những ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ. Môi trường cuộc sống sôi động, đầy tính cạnh tranh là điều kiện thuận lợi bắt buộc thanh niên phải có sự nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện.

* CÂU HỎI 7:

Những thách thức đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay là gì?

TRẢ LỜI:

Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay đang đứng trước những thách thức như sau:

- Thách thức lớn nhất đó là sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hoà bình” nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà biết bao thế hệ cha anh chúng ta đã hy sinh xương máu để gây dựng lên. Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động lôi kéo, tha hoá thanh niên, kích động thanh niên tham gia các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của đất nước.

- Nền kinh tế nước ta vẫn đang trong tình trạng kém phát triển, sức cạnh tranh thấp và luôn chứa đựng nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự mất cân đối trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng, những tiêu cực và tệ nạn xã hội có chiều hướng ngày càng phát triển; cùng với những vấn đề xã hội của thanh niên về học tập, việc làm, thu nhập, vui chơi, giải trí, lối sống thực dụng, thờ ơ trước các vấn đề xã hội của một bộ phận thanh niên… là lực cản ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thế hệ trẻ.

- Do sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp bị thu hẹp đã tạo cho thanh niên khu vực nông thôn thiếu việc làm, thu nhập không ổn định và phải đi làm ăn xa đang diễn ra hết sức gay gắt. Ngay trong từng đối tượng thanh niên cũng đang có sự phân hoá, chênh lệch rất lớn về mức sống, trình độ học vấn, điều kiện học tập, vui chơi, giải trí… Điều đó tác động rất lớn tới tâm tư, nguyện vọng và ý thức chính trị của thanh niên.

* CÂU HỎI 8:

Mục tiêu, phương hướng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2007 - 2012 đã được xác định như thế nào?

TRẢ LỜI:

- Mục tiêu chung: Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hoá cho thanh thiếu nhi; xây dựng Đoàn vững mạnh; tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam xung kích Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

- Phương hướng:

Một là, xây dựng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tập trung nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng cán bộ, chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn; tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát triển Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thanh niên khác do Đoàn làm nòng cốt; đề cao trách nhiệm của Đoàn trong phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác Tư tưởng - Văn hóa, công tác thông tin, truyền thông của Đoàn; phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhân dân và huy động các nguồn lực xã hội nhằm chăm lo giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu nhi.

Ba là, kết hợp hài hoà việc bảo vệ, chăm lo,
bồi dưỡng và phát huy thanh niên thông qua triển khai phong trào "Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".

* CÂU HỎI 9:

Mẫu hình thanh niên thời đại mới được xác định như thế nào? Công tác giáo dục của Đoàn cần tập trung những nội dung gì?

TRẢ LỜI:

Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ quan trọng của Đoàn là xây dựng lớp thanh niên với những phẩm chất cơ bản:

- Giàu lòng yêu nước;

- Biết xử lý hài hoà lợi ích của bản thân trong lợi ích chung của tập thể, cộng đồng;

- Có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng;

- Có tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lao động giỏi;

- Có văn hóa và sống tình nghĩa;

- Có sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh;

- Giàu nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần tình nguyện.

Mục tiêu hướng đến hình thành những cán bộ quản lý trẻ giỏi, doanh nhân trẻ giỏi, công nhân trẻ giỏi, nhà khoa học trẻ giỏi, chiến sỹ trẻ giỏi, nghệ sỹ trẻ giỏi... hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để thực hiện mục tiêu đó, công tác giáo dục của Đoàn cần tập trung 4 nội dung cơ bản sau:

Một là, triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác. Cụ thể hóa các nội dung "5 xây - 5 chống" thành các tiêu chí rèn luyện cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong cuộc sống hàng ngày. Phát triển các hình thức gặp gỡ, học tập những tập thể, cá nhân thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, đối tượng.

Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn theo hướng nội dung giáo dục phải gần gũi, thiết thực, phương thức phải gợi mở, coi trọng giáo dục bằng hoạt động thực tiễn thông qua các phong trào thi đua yêu nước.

Ba là, phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Thực hiện chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam“, tổ chức để các nhà hoạt động xã hội, các nhà khoa học, các doanh nhân, văn nghệ sỹ nổi tiếng, các điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực giao lưu, trao đổi với thanh thiếu nhi cả nước. Phát triển các loại giải thưởng và các hình thức khen thưởng thích hợp, ghi nhận và tôn vinh cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi đạt thành tích xuất sắc trong học tập, công tác.

Bốn là, phát huy các nguồn lực xã hội trong bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu nhi. Đầu tư nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền giáo dục, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; khai thác tốt các nguồn lực và phối hợp với các lực lượng xã hội trong công tác giáo dục thanh niên. Phát huy vai trò của báo chí, xuất bản và các thiết chế do Đoàn quản lý; chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, các tổ chức, các cấp chính quyền trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

 

Nguồn tin: TWĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây