NextUpcoming Event

Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 năm 1921

Chủ nhật - 01/11/2009 11:21
Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 năm 1921

NĂM 1921:

10 TRƯỜNG HỌC, 1500 ĐẠI LÝ RƯỢU
KẺ ĐẦU ĐỘC NGƯỜI BẢN XỨ

Ông Xarô tốt bụng, Bộ trưởng cấp tiến Bộ Thuộc địa, cái người bố thân yêu của dân bản xứ (ông ta nói thế), âu yếm người An Nam và được họ quý trọng.
    Để truyền thụ nền văn minh của Pháp mà ông ta là tác nhân chính, ông ta không lùi bước trước một cái gì hết, kể cả những hành vi hèn hạ và những tội ác. Đây là một bằng chứng: một lá thư mà với cương vị Toàn quyền Đông Dương và để cho phồng túi của những tên kẻ cướp ở thuộc địa và túi ông ta, ông ta gửi cho các viên chức cấp dưới:
    "Kính gửi ông công sứ,
    "Tôi trân trọng yêu cầu ông hết sức giúp đỡ Nha thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông tổng giám đốc Nha thương chính Đông Dương.
    "Để công việc tiến hành có kết quả, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; tới nay phần đông các xã này vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện.
    "Thông qua các quan và các xã trưởng Cao Miên, ông có thể dùng ảnh hưởng lớn của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi.
    "Về phần chúng tôi thì những viên chức lưu động trong lúc đi
kinh lý cũng tìm cách đặt đại lý, trừ khi nếu ông công sứ muốn họ chờ ông vận động các quan chức địa phương trước đã, thì họ phải chờ. Trong trường hợp ấy, tôi xin ông vui lòng báo cáo cho tôi biết.
    "Chúng ta chỉ có thể đạt được kết quả mỹ mãn, nếu chúng ta đồng lòng phối hợp chặt chẽ và liên tục, vì lợi ích tối đa của công khố.

Ký tên: Anbe Xarô"

    Lúc đó có một nghìn năm trăm ty rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cũng cho bấy nhiêu làng. Ngay cả trước bức thư nổi danh đó, người ta đã cho 12 triệu người bản xứ - kể cả đàn bà và trẻ con - nốc 23 đến 24 triệu lít rượu mỗi năm.
    Lời bình luận nào cũng là thừa.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo La Vie Ouvrière,
số 100, ngày 1-4-1921.

=============================

ĐÔNG DƯƠNG

    Tuy rằng Quốc tế Cộng sản đã làm cho vấn đề thuộc địa có được tầm quan trọng xứng đáng với nó bằng cách coi nó là thuộc về những vấn đề thời sự khẩn trương nhất, nhưng trong thực tiễn, các ban thuộc địa ở các cường quốc thực dân, cho đến nay, vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, thậm chí các ban này cũng chưa xem xét vấn đề một cách nghiêm túc!
    Sự không hoạt động này thật đáng ngạc nhiên, nhất là khi không còn sự tranh cãi nội bộ trong đảng đã được thanh trừ, và đáng ngạc nhiên khi vấn đề tuyển mộ người thuộc địa lại được chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc của chính quốc nghiên cứu ráo riết. Sự không hoạt động này có lẽ do các đồng chí chúng ta không hiểu biết tình hình chính xác của những xứ bị áp bức. Do vậy, tôi thấy có ích, nếu phác hoạ ngắn gọn ở đây tình hình của một trong những thuộc địa lớn nhất của nước Pháp, là Đông Dương.
    Nói rằng Đông Dương gồm hai mươi triệu người bị bóc lột, hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai, nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta thường vẫn nghĩ như thế, thì lại càng sai hơn nữa. Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm... Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng. Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại.
    Bị đầu độc cả về tinh thần lẫn về thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm, người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi mãi bị dùng làm đồ để tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương. Người Đông Dương
không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ - bọn quan lại - cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất màu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.
    Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tạp chí La Revue Communiste,
số 14, tháng 4-1921.

==============================

NHỮNG KẺ BẠI TRẬN Ở ĐÔNG DƯƠNG

    Trong thời gian chiến tranh vừa qua, cuộc chiến tranh vì chính nghĩa và công lý để cho các dân tộc giành quyền tự quyết, những người An Nam lại buộc phải tình nguyện sang bảo vệ nước Mẹ (?). Bấy giờ người ta nói với họ như đã nói với người Pháp: "Bọn bôsơ sẽ trả công!".
    Tuy nhiên, giờ đây hai năm sau chiến tranh, nước Mẹ bị mắc nợ một cách thắng lợi, những khu nhà nghỉ mát đắt tiền của các quan chức cao cấp của Nhà nước không đem lại được bổng lộc bao nhiêu, và bọn bôsơ vẫn không trả gì. Bấy giờ, nước Mẹ bảo hộ âu yếm quay về những đứa con nuôi của mình và nói một cách âu yếm hơn nữa: "Vì bọn Đức lật lọng không muốn trả, vậy thì các con, những kẻ lao động An Nam, hãy trả thay cho chúng".
    Nhưng hãy nghe lời nói của ông Xarô tốt bụng, trong một cuộc tranh luận về ngân sách thuộc địa, vị uỷ viên nhân dân thuộc địa đó đã tuyên bố: "Chừng nào mà xứ Đông Dương còn có thể tự đảm đương một số gánh nặng tài chính mà chính quốc không gánh vác nổi, xứ Đông Dương sẽ gánh vác, vì dù sao nước Pháp, chính quốc, đã cứu Đông Dương thoát khỏi sự tham lam của nước Đức".
    Nhân danh hàng nghìn người An Nam đã bỏ thây ở nước Pháp trong chiến tranh, tôi xin cám ơn ông, ông Xarô. Hãy tin chắc rằng chúng tôi biết rất rõ chính chiến thắng trên sông Mácnơ đã ngăn cản quân xung kích Đức tiến về sông Mê Kông, để truyền bá trên ruộng đồng chúng tôi chế độ dã man của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc Phổ. Nếu không có ngài và người thay mặt đáng kính của chúng tôi, ông Utơrây, chúng tôi sẽ mất cái tự do thân yêu được say sưa bằng rượu cồn và cái bình đẳng quý giá được đầu độc bằng thuốc phiện; không có ngài, giai cấp vô sản bản xứ không còn được nhồi nhét vào tai những bài diễn văn hay ho và những lời hứa tốt đẹp được ngài ban cho một cách hữu ái; không có ngài.... Nhưng hãy cho qua và quay trở lại bài diễn văn của ngài.
    Ngài còn nói: "Tôi tin rằng trong một thời gian không xa nữa, xứ Đông Dương sẽ không tiêu mất một đồng xu nào nữa của chính quốc và nó sẽ tự hào và hạnh phúc được đem lại sự đóng góp của mình".
    Nhất định thế, đến thời kỳ đó, không còn xa lắm, như ngài nói, giai cấp vô sản chính quốc sẽ làm nhiệm vụ của mình: họ sẽ tống cổ tất cả bọn ăn bám ra khỏi cửa; sau khi đã giải phóng mình, họ sẽ giải phóng những người anh em ở Đông Dương; được giải phóng khỏi ách đế quốc chủ nghĩa, nhân dân Đông Dương nhất định sẽ tự hào và hạnh phúc, tự hào và hạnh phúc hơn là ông tưởng, đem lại sự đóng góp của mình, cùng với những người lao động Pháp xây dựng Tổ quốc chung. Trong khi chờ đợi, hãy cứ bắt những người bại trận ở Đông Dương trả tiền. Ngài hãy khéo xoay xở theo phương pháp D1). Nếu hòm tiền của nhân dân rỗng, thì còn có các lăng mộ của vua chúa.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo La Vie Ouvrière,
số 101, ngày 8-4-1921.

=============================

QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH CHIẾN

    "Những người lính chiến có quyền đối với chúng ta", ông Clêmăngxô, người cha của chiến thắng đã nói như vậy. "Những người lính chiến có quyền đối với chúng ta", những người con, những nạn nhân An Nam nhắc lại như vậy. Đối với ông Clêmăngxô, những người lính chiến có quyền thiêng liêng là chết đi để bảo vệ két sắt, những chiếc két sắt làm bằng mồ hôi thợ thuyền của họ và nhét đầy bằng máu binh lính của họ. Đối với người An Nam, thì những người lính chiến - hay những người còn lại trong số lính chiến trước kia - có quyền thiêng liêng được bọn tư bản thuộc địa ban cho, là duy trì nền văn minh tư sản, nghĩa là đầu độc người bản xứ sau khi đã giết hại một số lớn vì quyền lợi của tư bản.
    Theo báo chí Đông Dương, các môn bài bán lẻ thuốc phiện sẽ được cấp cho những quả phụ của binh lính Pháp chết trận và thương binh Pháp.
    Như vậy, chính phủ thuộc địa đã làm một việc mà phạm hai tội ác phản nhân loại. Một mặt, họ thấy tự mình làm công việc đầu độc bẩn thỉu đó chưa đủ, họ muốn lôi kéo thêm những nạn nhân khốn khổ của họ trong cuộc chém giết huynh đệ tương tàn tham gia vào. Mặt khác, họ đánh giá quá thấp tính mệnh và xương máu của những kẻ bị họ lừa bịp, mà họ tưởng rằng vứt cho mẩu xương thừa đó là có thể đủ đền bù sự mất mát một cẳng tay cẳng chân hay cái tang của một người chồng.
    Chúng tôi tin rằng những thương binh và những quả phụ sẽ đá tung món quà hôi hám đó và sẽ công phẫn nhổ vào mặt những kẻ đã đề xướng việc đó; và chúng tôi chắc chắn rằng cả thế giới văn minh và những người Pháp lương thiện sẽ cùng với chúng tôi lên án bọn cá mập ở các thuộc địa đã không ngần ngại đầu độc cả một chủng tộc để làm đầy túi tiền của mình.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo La Vie Ouvrière,
số 105, ngày 7-5-1921.

================================

PHONG TRÀO CỘNG SẢN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG

    Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Đấy là vấn đề mà chúng ta đang quan tâm hiện nay.
    Muốn hiểu vấn đề đó, chúng ta phải xem xét tình hình hiện nay ở lục địa châu á về mặt lịch sử và địa lý.
    Lục địa rộng lớn đó có diện tích 80 lần lớn hơn nước Pháp (45.000.000 km2), với dân số gần 800 triệu người, có một cơ cấu chính trị tương đối phức tạp.
    Trong tất cả các nước châu á, Nhật Bản là nước duy nhất mắc phải một cách trầm trọng nhất chứng bệnh truyền nhiễm là chủ nghĩa tư bản đế quốc. Từ chiến tranh Nga - Nhật, chứng bệnh đó diễn biến ngày càng nguy kịch, lúc đầu bằng sự thôn tính Triều Tiên, tiếp đấy là sự tham gia vào cuộc chiến tranh "vì chính nghĩa".
    Để ngăn cản nước Nhật trượt dài đến vực thẳm của hiện tượng phương Tây hoá không thể cứu vãn nổi, nghĩa là để phá tan chủ nghĩa tư bản trước khi nó có thể bắt rễ sâu vào quần đảo Nhật Bản, một đảng xã hội vừa được thành lập. Cũng như tất cả các chính phủ tư sản, chính phủ Thiên hoàng đã dùng mọi cách mà chúng có thể để chống lại phong trào đó. Cũng như tất cả các lực lượng công nhân ở châu Âu và châu Mỹ, phong trào công nhân Nhật Bản cũng vừa thức tỉnh. Mặc dù sự đàn áp của chính phủ, phong trào do Đảng Xã hội Nhật Bản lãnh đạo vẫn phát triển khá nhanh.
    Các đại hội đảng bị cấm ở các thành phố Nhật Bản, những cuộc đình công, những cuộc biểu tình của dân chúng vẫn nổ ra.
    Trung Quốc, trước kia và hiện nay vẫn là con bò sữa của tư bản Âu, Mỹ. Nhưng sự thành lập chính quyền của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên ở phía Nam, đã hứa hẹn với chúng ta một nước Trung Hoa được tổ chức lại và vô sản hoá. Có thể hy vọng một cách không quá đáng rằng, trong một tương lai gần đây, hai chị em - nước Trung Hoa mới và nước Nga công nhân - sẽ nắm tay nhau trong tình hữu nghị để tiến lên vì lợi ích của nền dân chủ và nhân đạo.
    Bây giờ, chúng ta hãy đi đến châu á đau khổ.
    Nước Triều Tiên nghèo đói đang ở trong tay chủ nghĩa tư bản Nhật. ấn Độ - xứ ấn Độ đông dân và giàu có - bị đè nặng dưới ách bọn bóc lột người Anh. May sao, ý chí giải phóng đang làm sôi sục tất cả những người bị áp bức đó, và một cuộc cổ động cách mạng sôi nổi đang lay chuyển tinh thần ấn Độ và Triều Tiên. Tất cả mọi người đều chuẩn bị một cách từ từ nhưng khôn khéo cho cuộc đấu tranh tối cao và giải phóng.
    Và Đông Dương! Xứ Đông Dương bị chủ nghĩa tư bản Pháp bóc lột, để làm giàu cho một số cá mập! Người ta đưa người Đông Dương vào chỗ chết trong cuộc chém giết của bọn tư bản để bảo vệ những cái gì mà chính họ không hề biết. Người ta đầu độc họ bằng rượu cồn và thuốc phiện. Người ta kìm họ trong ngu dốt (cứ 10 trường học thì có 1.000 đại lý thuốc phiện chính thức). Người ta bịa đặt ra những vụ âm mưu để cho họ nếm những ân huệ của nền văn minh tư sản ở trên máy chém, trong nhà tù hay đày biệt xứ!
    75 nghìn kilômét vuông đất đai, 20 triệu dân bị bóc lột tàn nhẫn trong tay một nhúm kẻ cướp thực dân, đấy là xứ Đông Dương hiện nay.
    Bây giờ hãy xét những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu á, dễ dàng hơn là ở châu Âu.
    Người châu á - tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại. Và đây là lý do tại sao:
    Gần 5.000 năm trước đây, Hoàng đế (2.679 trước C.N) đã áp dụng chế độ tỉnh điền: ông chia đất đai trồng trọt theo hai đường dọc và hai đường ngang. Như vậy sẽ có chín phần bằng nhau. Người cày ruộng được lĩnh mỗi người một phần trong 8 miếng, miếng ở giữa tất cả đều cùng làm và sản phẩm được sử dụng vào việc công ích. Những đường phân giới được dùng làm mương dẫn nước.
    Triều đại nhà Hạ (2.205 trước C.N) đặt ra chế độ lao động bắt buộc.
    Khổng Tử vĩ đại (551 trước C.N) khởi xướng thuyết đại đồng và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xoá bỏ nghèo nàn, v.v..
    Học trò của Khổng Tử là Mạnh Tử, tiếp tục tư tưởng của thầy và vạch ra một kế hoạch chi tiết để tổ chức sự sản xuất và tiêu thụ. Sự bảo vệ và phát triển lành mạnh của trẻ em, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám, sự nghỉ ngơi của người già, không có điều gì đề án của ông không đề cập đến. Việc thủ tiêu bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải cho một số đông mà cho tất cả mọi người, đấy là đường lối kinh tế của vị hiền triết.
    Trả lời một câu hỏi của vua, ông đã nói thẳng thắn: dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.
    Về của cải tư hữu, luật pháp An Nam cấm mua bán toàn bộ đất đai. Hơn nữa, một phần tư đất trồng trọt bắt buộc phải để làm của chung. Cứ ba năm người ta chia lại ruộng đất đó. Mỗi người dân trong xã thôn được nhận một phần. Điều đó không hề ngăn cản một số người trở nên giàu có, vì còn ba phần tư đất đai khác có thể mua bán, nhưng nó có thể cứu nhiều người khác thoát khỏi cảnh bần cùng.
    Cái thiếu đối với chúng tôi, mà trách nhiệm của chúng tôi phải nói lên ở đây để những đồng chí của chúng ta có nhiệt tình truyền bá chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột và đi vào gia đình chung của giai cấp vô sản quốc tế, để cho những đồng chí đó có thể giúp đỡ chúng tôi một cách có hiệu quả. Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động:

                    Tự do báo chí
                    Tự do du lịch
                    Tự do dạy và học
                    Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hoá thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man).

    Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tạp chí La Revue Communiste,
số 15, tháng 5-1921.

============================

VỤ ÂM MƯU Ở ĐÔNG DƯƠNG

    Đông Dương là một cô gái cưng. Cô rất mực xứng đáng với bà mẹ Pháp quốc. ở bà mẹ có cái gì thì cô ta cũng có cái nấy: nào chính phủ, nào những bảo đảm, nào công lý và cũng có cả âm mưu phiến loạn nho nhỏ nữa. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ nói về hai vấn đề sau thôi.
    Công lý được tượng trưng qua hình ảnh một nữ thần tay cầm cân và tay cầm kiếm. Nhưng Đông Dương lại ở quá xa nước Pháp, muôn trùng cách trở, nên khi nữ thần tới xứ này thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng và biến thành những tẩu thuốc phiện và những chai rượu ty. Trên tay nữ thần tội nghiệp ấy chỉ còn độc cái kiếm để chém giết. Bà đã chém những người vô tội và cũng chỉ chém có họ mà thôi!
    Còn về vụ âm mưu thì lại là một câu chuyện khác.
    Ở đây, chúng tôi không nói về những vụ âm mưu nổi tiếng trong năm 1908 hay 19162). Lúc đó, nhiều thần dân bảo hộ số đỏ của nước Pháp đã được may mắn nếm đủ mùi ân huệ của nền văn minh thực dân hiền hoà trên máy chém, trong nhà tù hay ở những nơi bị đưa đi đầy. Những vụ âm mưu ấy đã qua lâu rồi, và bây giờ chỉ còn lại những nét ảm đạm trong trí nhớ của người dân bản xứ đã héo mòn vì đau khổ.
    Hãy nói đến vụ âm mưu gần đây nhất. Trong khi ở Mẫu quốc có một vụ âm mưu bônsêvích nổi tiếng thì ở Đông Dương các ngài thực dân cũng muốn có một vụ âm mưu tương tự và ... cuối cùng các ngài ấy cũng nặn ra một vụ âm mưu thật sự, chẳng khác nào như trong câu chuyện ngụ ngôn con nhái muốn phình to bụng như con bò.
    Câu chuyện ấy đã được dựng lên như thế này: Một ngài quan Pháp (quan công sứ), một quan huyện và một thầy lý trưởng được giao trách nhiệm dựng lên một vụ âm mưu đúng quy cách. Để chuẩn bị ra biểu diễn, bộ ba tớ thầy ấy bèn tung ra cái tin: Có một âm mưu phiến loạn định làm nổ tan xứ Bắc Kỳ bằng 250 quả bom. Công việc chuẩn bị xong xuôi. Màn kịch kéo lên. Công chúng xúc cảm mạnh mẽ và dư luận xôn xao. Bắt bớ vây lùng dồn dập như mưa. Hiện nay, chúng ta chưa biết các ngài công sứ, quan huyện và thầy lý, một cựu phạm đã được thăng chức và ban bổng lộc gì chưa, nhưng nếu bây giờ chưa được thì rồi tất nhiên họ cũng sẽ được. Giờ đây, chúng tôi nói tiếp đến chuyện Công lý. Ngày 16 tháng 2, Toà Đại hình Hà Nội đã mở phiên toà cuối cùng xử vụ án này. Trong quá trình toà luận tội, người ta được biết rằng không hề có một tổ chức cách mạng nào đã chuẩn bị những bom phá đó, và vụ âm mưu ấy chỉ là một thủ đoạn xảo quyệt của bọn quan lại mong được chính phủ ban thưởng bổng lộc và chức tước. Như vậy, liệu chúng ta có thể tin tưởng rằng sau vụ xét xử ấy, người ta sẽ tha bổng cho những người An Nam chẳng may đã bị bỏ tù, bị tố giác tham gia vụ phiến loạn bịa đặt ấy không? Không đâu! Bất cứ bằng giá nào, người ta cũng phải bảo vệ uy tín cho các quan cai trị chứ! Vì thế, mà lẽ ra chỉ cần phong thưởng một cách bình thường cho những con người sáng tạo ra âm mưu ấy, thì người ta lại kết tội tù từ 2 đến 5 năm 12 người An Nam phần lớn là nhà nho, và trên tấm cổng lớn của nhà tù kia, người ta thấy đề rành rành mấy chữ đại tự, cố nhiên là bằng tiếng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Chao ôi! Nực cười thay. Và các báo chí xưa nay vẫn tự xưng là bênh vực cho người bản xứ vội vàng lên tiếng ca ngợi cái chí công vô tư của nền Công lý nực cười này. Chúng ta hãy nghe tờ La Dépêche Coloniale11 là tờ báo giữ vai trò vô địch về bài xích người An Nam, nói: "Toà án nước Pháp vừa mới xét xử xong một vụ án. Toà tha bổng cho một nửa số bị can, còn một nửa số thì được hưởng án nhẹ. Trong vụ án này, để có lý buộc tội, người ta đã tung dư luận rầm lên một cách thiên tư trước khi xử, và sau đó, người ta đã kết án các nhà nho làm những bài thơ tồi ca tụng công đức của nền Tự do".
    Đó thật là tai vạ cho những người An Nam nào ca ngợi công đức của nền Tự do. Người ta phạt họ 5 năm tù chỉ vì có thế thôi! Tờ báo ấy viết tiếp: "Đúng, ta phải bằng lòng với cái bản án chí công vô tư của các vị quan toà và thẩm phán của chúng ta chứ!". Và tờ La Dépêche Coloniale đã vui vẻ đăng tin bản án chí công vô tư về vụ âm mưu nổi tiếng ấy ở Vĩnh Yên. Những người An Nam ở Pari, cũng như đồng bào phương xa của họ tin tưởng các vị quan toà, họ đã tuyên bố các vị ấy xét xử rất công minh và vụ án được kết thúc mỹ mãn. Không phải như thế đâu, thưa ông Puvuốcvin, ông đã thổi phồng một cách quá đáng đấy! Để trả lời, chúng tôi chỉ xin nhắc lại điều mà ông đã viết trong phần đầu bài báo của ông: "Những con chó sủa, v.v. thôi đi, hỡi những người anh em bất hạnh, các anh em đã lầm to rồi, các anh em cũng thừa hiểu rằng làm gì có tự do cho chúng ta mà lại đi hoan nghênh với ca ngợi nó. Nhưng, người An Nam chúng tôi ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ kiên quyết đưa sự bất công ghê tởm và phi lý ấy ra phản đối trước tất cả mọi người Pháp chân chính. Chúng tôi mong rằng dư luận nước Pháp thông cảm với những nỗi đau khổ của các anh em và sẽ đấu tranh đòi cho Công lý được thực hiện".

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại
Viện lịch sử Đảng.

=============================

PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở ẤN ĐỘ

    Cuộc xung đột Hy Lạp - Kêman12 hay đúng hơn là cuộc xung đột Anh - Thổ đang diễn ra. Các cuộc khởi nghĩa ở Malaba13 đang được dư luận hết sức chú ý. Đế quốc Anh đang phải chống đỡ khắp nơi. Nhắc lại lịch sử phong trào cách mạng ấn Độ lúc này là một việc lý thú.
    Từ cuộc khởi nghĩa năm 1857, đế quốc Anh tưởng đã dìm được tinh thần cách mạng của nhân dân ấn Độ trong cuộc đàn áp đẫm máu và thiết lập vĩnh viễn sự bóc lột áp bức dã man của phương Tây lên hai bờ sông Hằng. Chúng đã lầm to.
    Năm 1880, nhà triết học Rama Kơrisơna dùng tôn giáo để truyền bá cách mạng. Ông tôn thờ nữ thần Kali và khuyên đồng bào mình tôn thờ nữ thần, người mẹ của lực lượng phá hoại và xây dựng.
    Đamôđa và Bankơrisơna kế tục sự nghiệp của Rama và giáo dục chủ trương cách mạng một cách dũng cảm, công khai. Tất nhiên cả hai đều bị bắt giữ và đày biệt xứ.
    Đến năm 1897 tờ báo Kêxari mới ra đời, người chủ trương là Tilắc. Bài báo đầu tiên của ông là bài văn xuất sắc "Lời than của Xiôgi". Nội dung kể chuyện một ông vua cũ tỉnh dậy từ dưới mồ sâu, trở lại thăm vương quốc thân yêu. Ông rất buồn khi thấy thần dân của mình phải chịu kiếp nô lệ khổ nhục. Ông kêu gọi tất cả những người ấn Độ hãy thức tỉnh và hợp lực để lật đổ ách ngoại bang và giành lại nền độc lập mà ông đã truyền lại cho họ.
    Tờ báo thường xuyên phổ biến cho độc giả tìm hiểu phương pháp cách mạng Nga.
    Một phong trào giải phóng được lãnh đạo dũng cảm, cho đến khi tờ báo bị đình bản và chủ nhiệm bị đi đày.
    Nhân tiện xin nói rằng ở châu Á, người ta quan niệm sự chân thật và lương tâm nhà báo khác với châu Âu. Những nhà báo tư sản phương Tây sẽ cười nếu chúng ta nói với họ rằng phần lớn các bài ở các báo xã hội chủ nghĩa như tờ Kêxari, Vihari, v.v. đều viết không lấy tiền và đôi khi cả biên tập viên còn được trả công bằng những tháng, thậm chí bằng những năm tù. Đấy là trường hợp của tờ Vihari, ba biên tập viên đều bị bắt và lần lượt bị kết án. Nhưng điều đó không làm thay đổi thái độ lẫn cách suy nghĩ của họ. Trong số "người làm công", những ai có thể tự cho mình như thế?
    Cuộc vận động đặc biệt lên cao từ sau chiến tranh Nga - Nhật. Hai sự kiện tiêu biểu sau đây đánh dấu tình hình tư tưởng của người bản xứ. Tượng nữ hoàng Víchtôria bị bôi nhọ vào đêm trước lễ kỷ niệm ngày sinh của nữ hoàng. Bài hát Banđêmataran - bài Mácxâye của người ấn Độ - được phổ biến nhanh chóng và được hát bằng tất cả các thổ ngữ của ấn Độ.
    Những hội Amxilam Xanitơ - tổ chức rèn luyện tinh thần và thể lực - được thành lập khắp nơi như có phép lạ. Việc tẩy chay hàng hoá Anh và làm tan rã tinh thần các đơn vị lính bản xứ được nghiên cứu rất công phu.
    Những nỗ lực không ngừng đó đã đem lại kết quả. Tháng 1 năm 1915, nhiều trung đoàn nổi lên bạo động và do sự gián đoạn của mậu dịch Anh - ấn, các ngân hàng thuộc địa ở khu Xiti đã bị thua thiệt một triệu phrăng do những cổ phiếu không được thanh toán trong năm 1920.
    Thảm hoạ của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết.
Nhiều nhân vật tiên tiến, nhiều giáo sư đại học như Hácđayan và những người khác đã hy sinh tài sản, đã từ chối những chức vụ cao mà chính phủ thuộc địa muốn ban cho họ để dễ bề khuất phục. Họ đi từ làng này qua làng khác, kêu gọi đấu tranh cho độc lập. Sinh viên, học sinh cũng tham gia công tác tuyên truyền.
    Về phía mình, những chiến sĩ chủ trương hành động trực tiếp cũng không ngồi yên. Họ chịu trách nhiệm thủ tiêu những quan chức thiên vị, những kẻ phản bội và những tên ác ôn cảnh sát chính trị. Với những chức vị rất kêu, các phó vương và thống đốc cũng không làm cho họ sợ, những sự kiện năm 1907, 1908 và 190914 đã chứng minh điều đó. Năm 1916, một cậu bé 16 tuổi đã ném bom ngay giữa đường và giữa ban ngày vào xe của tên cầm đầu nổi tiếng của cục điều tra. Lòng dũng cảm không trừ già hay trẻ.
    Danh sách những người bị hy sinh kéo dài rất đau xót. Trong mười năm, không kể những vụ thảm sát tập thể, đã có hơn 200 người lấy máu đào tưới gốc cây cách mạng và lý tưởng. Trong số những người tuẫn tiết, có 70 sinh viên, 16 thầy giáo, 20 điền chủ, 23 hay 25 nhà buôn, 7 thầy thuốc, 20 công chức. Trong số những người hy sinh có 50 người tuổi chỉ từ 16 đến 20!
    Vì vậy mà bọn chủ hốt hoảng, gần như kinh hoàng. Một nhân vật thượng lưu đã thốt lên: "Nếu sự việc đó còn tiếp diễn, thì những người đáng kính của chúng ta buộc phải cuốn gói khỏi nơi này".
    Lúc đó, song song với bộ máy đàn áp thẳng tay, người ta thi hành một chính sách ngu dân hoàn toàn.
    Các hội "Xamiti" bị giải tán, hội viên bị bắt giam, mọi cuộc hội họp và các tổ chức chính trị đều bị ngăn cấm. Các biện pháp "cấp cứu" mọc lên như nấm. Trận mưa đàn áp đó chỉ làm cho hoa cách mạng thêm nở rộ.
    Một cuộc tổng khởi nghĩa đang được chuẩn bị trong năm 1914 và 1915. Không may cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Hàng trăm người lưu vong trở về nước với quyết tâm giáng một đòn đập tan ách thống trị đang đè nặng đất nước. Họ bị phát hiện và đều bị bắt giữ trước khi đặt được chân lên quê hương mà họ đã hứa hẹn sẽ giải phóng hoặc hy sinh. Một lần nữa, bọn kẻ cắp lại gặp may!
    Nhưng lò lửa đã nhóm lên, không gì có thể dập tắt nổi. Các khẩu hiệu được truyền từ người này qua người khác. Các hội "Xamiti" bí mật hội họp. Những cuộc lạc quyên vì độc lập được tiến hành nhanh chóng, hoặc là do tự nguyện đóng góp, đôi khi bằng hình thức "đaicốt".
    Chúng tôi thấy cần phải giải thích một tí về chữ "đaicốt", mà từ trước đến nay những người phương Tây thường hiểu sai. Người Anh gọi là "đaicốt" cũng như người Pháp gọi cướp bóc. Cả hai đều không hề phân biệt giữa sự cướp bóc với sự đóng góp đôi khi bắt buộc cho sự nghiệp chung, cũng như họ không hề phân biệt giữa những người yêu nước đấu tranh cho đất nước mình với bọn cặn bã ở thành thị.
    Muốn làm một việc gì, tất nhiên phải có tiền vốn, và muốn có vốn, phải biết nơi nào có để tìm.
    Để chứng minh sự cương trực của những hội viên "Xamiti" phụ trách tài chính của Uỷ ban cách mạng, chỉ cần kể những thí dụ sau đây:
    Một trong những điều của điều lệ hội "Xamiti" nêu rằng những người gia nhập hội phải luôn nhớ rằng họ đang hoạt động cho cách mạng nhằm thiết lập lại những quyền đã bị chà đạp chứ không phải vì sự hưởng thụ cá nhân của một số người. Rằng tất cả các hội viên phải từ bỏ việc uống rượu, từ bỏ mọi thứ xa hoa phù phiếm.
    Mỗi lần đóng góp bắt buộc hay đaicốt, người đóng được gửi đến một biên lai. Sau đây là một đoạn trích trong biên lai:
    "Đồng bào thân mến, bạn phải biết rằng muốn giải phóng đất nước thân yêu của chúng ta thoát vòng nô lệ, thì cần phải có sự hy sinh, lòng tin cậy và cảm tình của tất cả đồng bào chúng ta. Nếu tất cả những người có khả năng như bạn đều hiểu những khó khăn của công việc chúng tôi và tự nguyện đóng góp vào sự nghiệp của chúng tôi, thì chúng tôi không bị buộc phải quấy rầy bạn như thế này; nước Nhật được tự do và hùng cường là nhờ có lòng hy sinh và sự thắt lưng buộc bụng của toàn dân Nhật. Anh linh của Tổ quốc hãy hun đúc trái tim và soi sáng tâm thần của anh em chúng ta! v.v.. Ký tên: I.B. Thư ký tài chính của phân cục B. của Hội Độc lập ấn Độ".
    Phong trào càng lan rộng càng được củng cố. Khi thấy đã tương đối mạnh, phong trào rời khỏi bóng tối để ra giữa ánh sáng, dưới những con mắt kinh ngạc của nhà cầm quyền. Một đại hội được triệu tập với hai vạn đại biểu có mặt. Một vài đảng viên "xã hội" Anh cũng tham dự, họ được tiếp đón không lấy gì làm nồng nhiệt lắm vì những lý luận màu hồng nhạt của họ.
    Mahatma Găngđi đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi. Trẻ em rời bỏ trường học của người Anh. Các luật sư rời khỏi toà án của người Anh. Các viên chức và thợ thuyền không làm việc trong các công sở và nhà máy mà chủ là người Anh. Không còn quan hệ, không còn buôn bán giữa người Anh và người ấn. Để giữ vững phong trào, cần phải có những quỹ cứu tế. Trong thời gian ba tháng, người ta đã quyên được hơn sáu mươi triệu phrăng. Những người ấn Độ giàu có lấy nhà mình làm trường học. Những vụ kiện được đưa ra xử trước các toà án bản xứ mới thành lập. Một số người ấn Độ tự nguyện góp đến ba mươi triệu đồng một năm "cho đến khi độc lập hoàn toàn".
    Trước làn sóng như vậy, lá cờ không bao giờ thấy mặt trời lặn có nguy cơ rơi xuống mặt trăng. Đế quốc Anh không biết xoay xở cách nào. Chúng tưởng rằng ký một hiệp định thương mại với nước Cộng hoà Nga là có thể ngăn chặn tư tưởng cách mạng thâm nhập ấn Độ, như một tờ giấy thấm hút một giọt mực!
    Chúng dùng Côngxtăngtin làm cái chụp để dập tắt lò lửa của phong trào Liên Hồi giáo. Chúng nhặt Phayxan lên để chống đỡ toà nhà đế quốc đang sụp đổ ở phương Đông. Và sau nữa thì sao? ít ra chúng có thể tự an ủi khi thời hạn rời khỏi ấn Độ của chúng đã đến, bằng cách tự nhủ rằng chúng đã tàn nhẫn kéo theo sự sụp đổ của đế quốc Pháp, đang hoạt động ở Đông Dương một cách xấu xa.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tạp chí La Revue Communiste,
số 18-19, tháng 8, 9-1921.

===========================

NỀN VĂN MINH THƯỢNG ĐẲNG

    Bạn Vinhê Đốctông của chúng ta bằng một cuộc khảo sát phong phú về tư liệu, sẽ cho độc giả báo Libertaire15 thấy dưới nhãn hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và nhân danh "nền dân chủ Pháp", người ta đang đầu độc một cách có hệ thống chủng tộc Đông Dương. Nhưng, bên cạnh việc đầu độc tập thể và chính thức đang làm vẻ vang lớn cho đất nước có bản Tuyên ngôn nhân quyền16 kia, còn có cả những vụ giết hại cá nhân của những kẻ đi khai hoá. ở đây, chúng tôi nêu lên vài vụ trong những chiến công đó, đã được ghi lại và thẩm tra, hoặc qua nhiều nhân chứng, hoặc qua chính bản thân các tác giả đã kể ra để tự khoe khoang bằng một sở thích quái ác thượng đẳng và đặc biệt của những kẻ thực dân. Chúng tôi xin trích từ cuốn nhật ký hành trình của một người lính thực dân sự việc sau đây:
    "Khi "những người từng ở Bắc Kỳ" vui đùa trên tàu thì dưới mạn tàu phía bên phải có vài chiếc thuyền bán hoa quả, ốc hến. Để đưa hàng đến tận tay chúng tôi, những người An Nam buộc giỏ đựng hàng vào đầu ngọn sào rồi giơ lên. Chúng tôi chỉ việc chọn mà thôi. Nhưng đáng lẽ phải trả tiền, thì người ta lại có nhã ý bỏ vào giỏ đủ thứ như sau: những ống tẩu thuốc lá, khuy quần, mẩu thuốc lá. (Có lẽ họ làm như thế để dạy cho người bản xứ tính ngay thật
trong việc mua bán chăng!). Đôi khi, để mua vui, một

Nguồn tin: TTHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây