NextUpcoming Event

Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 năm 1923

Chủ nhật - 01/11/2009 11:27
Hồ Chí Minh toàn tập - tập 1 năm 1923

VỰC THẲM THUỘC ĐỊA

Nước Pháp có một hệ thống thuộc địa rộng mười triệu kilômét vuông với dân số là 56 triệu người da vàng và da đen. Để "khai thác" tất cả những cái đó, ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cần có ba hay bốn tỷ phrăng. Muốn thế, ông đã "tổ chức" một chiến dịch báo chí rộng rãi và đã đọc không biết bao nhiêu là diễn văn. Ngài Bộ trưởng lại còn viết cả một pho sách dày 656 trang (giá 20 phrăng một cuốn). Trong khi chờ đợi thu được những tỷ đó, xin phép Ngài Bộ trưởng hãy cho chúng tôi bổ sung đôi chút vào những lý lẽ của Ngài.
    Ngân sách Nam Kỳ chẳng hạn, năm 1911, là 5.561.680 đồng (12.791.000 phrăng); năm 1912 là 7.321.817 đồng (16.840.000 phrăng). Năm 1922, ngân sách đó lên tới 12.821.325 đồng (96.169.000 phrăng). Một con tính đơn giản chỉ cho chúng ta thấy rằng giữa hai năm 1911 và 1922, trong ngân sách của thuộc địa này có một sự chênh lệch là 83.378.000 phrăng (tỷ suất hối đoái của đồng bạc hai năm đó là 2 phrăng 25 và 7 phrăng 50). Số tiền đó chạy đi đâu? Chạy vào các khoản chi về nhân viên mà thôi, vì các khoản này đã nuốt gần hết 100 phần 100 tổng số thu.
    Rồi hết những điên rồ này đến những sự điên rồ khác đã làm vung phí đồng tiền mà người dân An Nam đáng thương hại đã phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm ra được. Hiện chúng tôi chưa biết rõ số tiền mà đức vua An Nam đã chi tiêu về việc sang du ngoạn bên Pháp đúng là bao nhiêu đồng, nhưng chúng tôi biết rằng, để đợi
được ngày tốt cho con Rồng nan1) có thể ngự giá xuống tàu, người ta đã phải bồi thường phí tổn cho tàu Poóctốtxơ về bốn ngày chờ đợi, mỗi ngày 100.000 phrăng (tức là 400.000 phrăng). Tiền tàu hết 400.000 phrăng. Tiền chiêu đãi hết 240.000 phrăng (không kể tiền lương trả cho bọn cảnh sát để canh gác những người An Nam ở Pháp) 77.600 phrăng để trả tiền ăn ở tại Mácxây cho số lính khố xanh An Nam dùng để bồng súng chào Cụ lớn Bộ trưởng và Hoàng thượng.
    Vì nói đến Mácxây, nên nhân tiện chúng ta hãy xem thử cuộc triển lãm thuộc địa ở đây đã tổn phí cho chúng ta biết bao nhiêu. Trước hết, và ngoài những kẻ thần thế ở chính quốc ra, người ta còn cho mời ba chục viên chức cao cấp ở các thuộc địa về, - bọn này hằng ngày phè phỡn ở Cannơbie mà vẫn được lĩnh phụ cấp cả ở Triển lãm lẫn ở thuộc địa. Riêng Đông Dương phải bỏ ra 12 triệu cho cuộc triển lãm đó. Và các bạn có biết người ta đã chi tiêu số tiền đó như thế nào không? Đây là một thí dụ: Cái việc gọi là dựng lên mô hình các cung điện Ăngco đã làm tốn mất 3000 mét khối gỗ xây dựng, giá mỗi mét là 400 hay 500 phrăng. Tổng cộng: 1 triệu 200 nghìn đến 1 triệu 500 nghìn phrăng.
    Còn những việc vung phí khác nữa. Để chuyên chở quan Toàn quyền, mà chỉ dùng các xe hơi và những cỗ xe ngựa thì cũng chưa đủ. Ngài cần phải có một toa xe đặc biệt nữa kia, việc sắp xếp toa xe đó tổn phí cho công khố 125.350 phrăng.
    Trong vòng mười một tháng hoạt động, Cục kinh tế Đông Dương đã làm cho ngân sách Đông Dương hao hụt một số tiền là 464.000 phrăng.
    Tại Trường thuộc địa, nơi đào tạo những "nhà đi khai hoá" sau này, 44 giáo sư đã được đài thọ để dạy từ 30 đến 35 học viên, lại bao nhiêu là nghìn phrăng nữa.
Sở thanh tra thường trực các công trình phòng thủ thuộc địa hằng năm tốn cho ngân sách hết 758.168 phrăng. Thế mà các ngài thanh tra thì không bao giờ rời khỏi Pari, và đối với các thuộc địa thì các ngài cũng không hiểu biết gì hơn là hiểu biết việc trên mặt trăng.
    Nếu đến các thuộc địa khác, thì ở đâu, chúng ta cũng thấy một tình trạng tệ hại như vậy. Để đón tiếp một phái đoàn "kinh tế" bán chính thức, kho bạc Máctiních "vợi đi" mất 400.000 phrăng. Trong vòng mười năm, ngân sách Marốc đã từ 17 triệu tăng lên tới 290 triệu phrăng, mặc dầu người ta đã giảm đi 30% các khoản chi tiêu cho bản xứ, tức là những khoản chi tiêu có thể đem lại lợi ích cho dân bản xứ.
    Đó là số tiền hàng triệu và thậm chí hàng tỷ mà nếu người ta biết cách tìm thì có lẽ người ta sẽ kiếm ra được một cách dễ dàng. Nhưng Ngài Bộ trưởng lại cứ muốn gõ vào dân bản xứ.

NGUYỄN ÁI QUỐC

Xin hỏi
    Có phải vì quá nhiều tính nhân đạo, như ông Xarô đã nhiều lần tuyên bố, mà người ta đã bắt các phạm nhân ở nhà tù Nha Trang (Trung Kỳ) phải ăn khan, nghĩa là ăn cơm mà không được uống nước không? Có phải người ta đã quét tanhtuyađiốt lên mũi các phạm nhân để dễ nhận ra họ khi họ vượt ngục không?

NGUYỄN ÁI QUỐC.
Báo L'Humanité, ngày 9-1-1923.

============================

NHỮNG NGƯỜI BẢN XỨ ĐƯỢC ƯA CHUỘNG

    Năm 1604, một người Anh tên là Sếchxpia vốn là một nhà văn chuyên nghiệp, ông ta có nhã ý đưa ra một vở kịch mà vai chính là một người da đen. Người da đen này tên gọi Ôtenlô, quả là một anh hùng, một anh hùng thật sự anh hùng. Ôtenlô đã từng chinh chiến nhiều, nhưng không phải là đánh Cácpăngchiê, cũng không phải vì anh là người được ông Đianhơ tuyển mộ, cũng không phải vì anh là người dưới trướng của tướng Mănggianh, vả lại hồi đó vẫn chưa nổ ra cuộc chiến tranh vì công lý - mà là đánh những cường quốc hiếu chiến ở châu Âu và châu Phi. Ôtenlô làm thống soái của quận công xứ Vênêxi. Cứ theo lời ông Viviani nói thì trên mái tóc xoăn của Ôtenlô đã có biết bao nhiêu vòng hoa chiến thắng. Nhưng chiến công lớn nhất của Ôtenlô là đã thắng được Đêxđêmônia.
    Đêxđêmônia không phải là một thành phố của bọn bôsơ, cũng không phải là một thuộc địa. Đó chỉ là tên một cô gái dịu dàng, xinh xắn, đầy hạnh phúc, con của nguyên lão nghị viện Brabantiô. Ôtenlô đã chiếm được trái tim nàng bằng cách kể lại cho nàng nghe lịch sử cảm động của đời mình, những trận đánh vĩ đại, những trận vây thành dài đằng đẵng, những chiến công rực rỡ, tóm lại là những chuyện tán tỉnh hay ho gì đó! Biết cha mình vốn chức tước như thế thì sẵn có nhiều thành kiến, nhất là thành kiến chủng tộc, nên nàng Đêxđêmônia hiền hậu chỉ một lòng nghe theo tiếng gọi của tình yêu, nàng quyết lấy chàng da đen làm chồng mà không cần đến ý kiến của cha.
    Trong vở kịch này, những người da trắng như tay thám tử Iagô và anh chàng Rôđrigô bị khinh bỉ, đều không đóng một vai gì choáng lắm; chính họ lại là những vai đen tối nhất. Song cái đó chẳng can gì đến chúng ta.
    310 năm đã trôi qua. Người bản xứ lại được đưa lên sân khấu: nhưng đây là sân khấu chiến tranh1). Tác giả lần này giấu biệt tên tuổi, tìm cũng chẳng thấy, song các vai diễn,- anh hùng hay không- nhưng vì quá nhập vai của mình nên phần đông đã nằm lại trên sân khấu. Thật là một tấn bi kịch! Năm 1922, lại thấy xuất hiện những người bản xứ được ưa chuộng. Ta không nói đến Batuala, con người được phong tặng và Xiki, kẻ ân nhân của khoa học làm gì. Ta chỉ nói đến những người bản xứ đã thích ứng được, hoặc được thích thú.
    Bị trói gô vào cột buồm tàu và được đưa đi làm quân tình nguyện ở châu Âu, đánh phường man rợ để bảo vệ văn minh, nhưng một khi đến xứ văn minh rồi thì những người bản xứ của ông Têry lại được cái thú tha hồ nếm "trái cây trong vườn cấm". Những người bản xứ còn sống sót sau cuộc tàn sát năm 1914 cũng như những người bản xứ còn sống sót sau đại chiến 1914-1918 đều có thể tự hào rằng vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng, họ không những đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm tin của mình nữa.
    Ông Sếchxpia trước kia lấy làm hài lòng thấy người dân bản xứ trong vở kịch của mình đã đàng hoàng lấy được cô gái mẫu quốc. Còn ông Têry ngày nay thì chỉ nhận thấy có một điều là người bản xứ của ông rất đắc lực để góp phần làm cho dân số phình lên bằng cách làm phình bụng các cô nàng da trắng. Ông Xasa Ghitơry còn đi xa hơn nữa. Ông muốn người bản xứ phải được văn minh hoàn toàn. Ông muốn họ phải cắm sừng các ông chồng da trắng cơ! Ông đã được hoàn toàn toại nguyện, vì chín tháng sau cuộc "chinh phục" bà Mácgrít Đênoayê đã sinh hạ được một cậu bé bản xứ. Nhưng chúng ta lấy làm tiếc rằng Đênoayê đã không hoan nghênh chú bé bản xứ đó cho lắm. Vốn là một nhà yêu nước từ đầu đến chân, nên ông ta muốn rằng chú bé màu da "sôcôla" kia ra đời giá đừng có nhẵn nhụi và bé nhỏ như thế, mà lại là một người râu ria xồm xoàm, ba lô trên lưng, súng trên vai để bảo vệ đất nước, thì quý biết chừng nào.
    Ngay cả trong các trang tiểu thuyết đăng trên báo, người bản xứ cũng đã giành được địa vị của mình. Ông Angiabe - ấy xin lỗi, ông Anbe Giăng chứ - đã chẳng kể chuyện rằng ở Hội chợ Mácxây có một chàng An Nam kia làm nghề kéo xe đã lọt được vào mắt xanh của một bà đầm xinh đẹp nọ. Sau khi đi thăm Hội chợ về, bà bèn cho gọi anh xe đến phòng ngủ lộng lẫy của bà. Và vân vân ... Người yêu bị cắm sừng của bà bỗng nhiên tới. Bối rối, lẩn núp, v.v.. Nhưng cái chính của câu chuyện lại ở chỗ khác kia. Nguyên là chàng công tử kia đã đánh cắp được một viên ngọc bích bày ở gian thờ của Đông Dương và đến để khoe với người ngọc của mình. (Ôi! lương thiện vậy thay!). Người An Nam kia đứng nấp đằng sau trông thấy quả tang hành vi đầy tội lỗi ấy, liền nhảy ra đánh cho anh chàng ăn cắp ngã gục, rồi mang lễ vật quý đó về bàn thờ.
    Không kể các điệu nhạc khiêu vũ và các cuộc Hội chợ thuộc địa đã làm cho anh em thuộc địa chúng ta tự hào một cách chính đáng, chúng ta lại còn lấy làm sung sướng được biết rằng từ sang năm trở đi, tất cả các bà đầm thuộc giới lịch sự sẽ mang một cái gì của chúng ta trên người và trong người họ; các cửa hàng thời trang lớn ở Pari, sang xuân tới, sẽ tung ra những kiểu vải thuộc địa và kiểu quần áo thuộc địa. Người ta sẽ đặt cho những bộ áo mặc trong nhà và các áo khác đủ thứ tên nào là: Thị Ba, Bămbara, Uôlốp, Luphơlúp, v.v..
    Hỡi những người con của thuộc địa! Ngày vinh quang đã tới rồi.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 10, ngày 15-1-1923.

============================

THƯ NGỎ GỬI ÔNG LÊÔNG ÁCSIMBÔ

    Nghị sĩ hạt Đrômơ. Báo cáo viên về Ngân sách thuộc địa, Uỷ viên Hội đồng thuộc địa tối cao
    Thưa ông,
    Trong bài diễn văn đọc tại Hạ nghị viện, ông có nói rằng, nếu muốn thì ông có thể vạch trần những chuyện xấu xa ở thuộc địa ra; nhưng ông thấy tốt hơn là ỉm đi không nói đến những tội nặng tội nhẹ mà các nhà khai hoá của ông đã phạm ở các thuộc địa. Đó là quyền của ông, và điều đó chỉ liên quan đến ông, đến lương tâm ông và đến những cử tri của ông thôi. Đối với chúng tôi, những người đã từng chịu khổ và hiện vẫn đang hằng ngày chịu khổ vì những "ân huệ" của chủ nghĩa thực dân, thì chúng tôi chẳng cần đến ông mới biết được những cái ấy.
    Nhưng chính ông đã "phóng đại" khi ông viết trên báo Rappel30 rằng những sự việc mà ông Béctôn vạch ra, đều là sai hoặc phóng đại! Trước hết, chính ngay ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cũng đã buộc phải thừa nhận rằng: "Tình trạng tư tưởng khinh rẻ sinh mệnh người bản xứ vẫn đang còn". Và ông ta đã "không hề chối cãi một sự việc tàn nhẫn nào", mà nghị sĩ Boanớp đã vạch ra. Sau nữa, thưa ông ácsimbô, liệu ông có thể chối cãi được rằng, trong những năm vừa qua, - tức là sau cuộc chiến tranh "vì công lý"-, đã có đến 80 vạn người bản xứ "tình nguyện" đến làm việc hoặc bỏ mình trên đất Pháp, trong lúc đó thì các nhà khai hoá của ông đã ăn cắp, lường gạt, giết hại hoặc thiêu sống (và chắc chắn là không bị trị tội) những người An Nam, người Tuynidi, hay người Xênêgan?
    Ông còn viết tiếp rằng những hành vi bất công ở Pháp còn nhiều hơn ở các thuộc địa. Thế thì thưa ông ácsimbô, hãy cho phép tôi nói rằng, không nên có cao vọng đem những bài học về bình đẳng hoặc công lý đi dạy cho người khác, khi người ta không thực hiện được những bài học đó ở nước mình. Đó là cái lôgích sơ đẳng nhất, phải không ông?
    Theo ông, những hành vi và cử chỉ của các quan cai trị thuộc địa của ông đều đã được các phủ toàn quyền và Bộ Thuộc địa thừa biết, nhận xét và kiểm tra rồi. Vậy, ắt phải là một trong hai điều sau đây: hoặc là vì ông đãng trí nên đã quên mất những tên như Bôđoanh, Đáclơ, Luycaxơ và biết bao nhiêu tên khác nữa, hợp thành đám hảo hán đã làm rạng rỡ và vẻ vang cho bộ cai trị thuộc địa của ông; chúng đã làm những điều đại gian ác, thế mà chỉ bị trừng phạt bằng cách thăng chức và thưởng huân chương thôi. Hoặc là ông đã ngang nhiên chế giễu độc giả của ông.
    Ông nói rằng, về mặt thuộc địa, nếu nước Pháp có phạm lỗi thì chẳng qua là do có quá nhiều tinh thần cao cả đấy thôi. Thưa ông ácsimbô, xin ông cho chúng tôi biết có phải vì tinh thần cao cả ấy mà người ta tước mất của người bản xứ tất cả mọi quyền ngôn luận, đi lại, v.v. không? Phải chăng cũng vì tinh thần ấy mà người ta buộc họ phải chịu cái thân phận dân bản xứ hèn mọn, mà người ta tước hết ruộng đất của họ để cho bọn xâm lăng, và sau đó buộc họ phải lao động như kẻ nô lệ? Chính ông đã nói rằng giống người Tahiti vì nghiện rượu mà đã chết mòn dần và hiện đang đi đến diệt vong. Phải chăng cũng vì quá ư cao cả mà các ông đã tìm đủ cách để làm cho người An Nam say khướt với rượu cồn của các ông và trở nên u mê, đần độn với thuốc phiện của các ông?
    Sau cùng, ông nói đến "bổn phận", đến "nhân đạo" và "khai hoá"! Vậy bổn phận ấy là cái gì? Ông đã đem phô bày trong suốt cả bài diễn văn của ông rồi. Đó là thị trường, là cạnh tranh, là lợi tức, là đặc quyền. Buôn bán, tài chính, đó là những cái tượng trưng cho lòng nhân đạo của các ông. Sưu thuế, lao dịch, bóc lột nặng nề, - công cuộc khai hoá của các ông, tóm lại là thế đó!
    Thưa ông ácsimbô, trong lúc đợi cho ông có "một chức tước hiển vinh nhất mà người ta có thể mơ ước đến" thì tôi xin phép nói rằng, nếu trước kia Víchto Huygô biết là hiện nay ông viết ra những đ...iều như thế trên tờ báo của ông ta, thì ông ta đã không sáng lập ra nó.
    Mong ông, v.v..

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 10, ngày 19-1-1923.

============================

SỰ LIÊM KHIẾT THỰC DÂN

    Tin sau đây chúng tôi trích ở tờ Journal Officiel31, nói về buổi họp thứ nhất ngày 22-12-1922:
    "Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều lính Phi gửi ngân phiếu cho gia đình với những số tiền nhiều khi rất lớn. Nhưng các ngân phiếu ấy không bao giờ đến tay người nhận cả".
    Một bạn đồng nghiệp lại vừa cho chúng tôi biết một hiện tượng tương tự như thế. Lần này, sự việc xảy ra ở đảo Rêuyniông. Đã nhiều tháng nay, nhân dân trên đảo không hề nhận được một bưu kiện nào gửi đến cho họ cả. Tờ Journal viết:
    "Hiện tượng ấy làm cho cả người gửi hàng lẫn người không nhận được hàng đều phải lấy làm lạ.
    "Nhiều người khiếu nại. Cuộc điều tra mới mở đã rọi ngay được ánh sáng vào điều bí mật nói trên, và phát hiện được một loạt vụ đánh cắp được tiến hành một cách chu đáo và kiên trì lạ thường.
    "Người ta bắt một nhân viên, rồi một nhân viên nữa, rồi đến lượt ông "xếp", và cuối cùng, khi tất cả nhân viên bị còng tay thì đến phiên ông giám đốc ngành bưu điện cũng theo họ vào tù nốt.
    "Mỗi ngày, cuộc điều tra lại đưa ra ánh sáng vài sự việc mới. Số bưu kiện bị đánh cắp trị giá trên 125.000 phrăng. Giấy tờ, kế toán đều làm gian cả. Sổ sách gian lận rối beng đến nỗi phải mất hơn 6 tháng mới gỡ ra được.
    "ở trong một ngành nào đó, đôi khi có thể có một vài viên chức gian tham, song rất ít khi lại có cả một ngành suốt từ trên xuống dưới nhiễm phải bệnh ăn cắp đến như vậy; điều lạ kỳ hơn nữa là tại sao tất cả bọn ăn cắp ấy lại có thể hoành hành được trong mấy năm ròng mà vẫn được bình yên vô sự".

Nguyễn Ái Quốc
Báo La Vie Ouvrière,ngày 19-1-1923.

============================

SƯU TẬP ĐỘNG VẬT

    Thật chúng tôi đã nghĩ đến nát cả bộ óc người da vàng của chúng tôi ra, cũng không tài nào tìm thấy cái lẽ vì sao mấy ông bà người Pháp lại thành lập một tổ chức kỳ cục là Hội bảo trợ loài vật. Trước hết, chúng tôi sở dĩ không sao tìm ra được nguyên nhân đó, vì chúng tôi thấy hiện nay còn có biết bao nhiêu là con người cùng khổ đang đòi hỏi được người ta săn sóc đến họ một chút mà cũng chẳng được. Sau nữa vì những con vật đó không đáng được thương yêu đến thế, mà chúng nó cũng có khổ sở gì cho cam. Trừ con sư tử đen là có ích cho những người có thói quen xỏ chân vào giày da thú, còn hầu hết những con vật đó đều độc ác, rất độc ác.
    Cái con chó ngắn mõm chẳng đã chạy đến nhe bộ răng khả ố của nó ra mà xé toạc cả cơ cấu của Hội nghị Pari đó sao? Thành thử con khỉ phlamăng và con gà sống gôloa phải một mình đương đầu với con phượng hoàng giécmanh ở miền Ruya.
Trong khi hãy còn bị xích cổ, thế mà con hổ chẳng đã nhá nghiến mất nhiều bộ của nước Cộng hoà đó sao? Người ta chẳng đã phí hàng mấy triệu, mấy tỷ để nhờ hai ông bạn vinh quang của chúng ta là Contrắc và Vranghen mua hộ da con gấu Mátxcơva, là con vật ngày nay hơn bao giờ hết, nó không thích để cho người ta tuỳ ý muốn làm gì thì làm đó sao? (Chao! con vật mới quái chứ).
    Trong số các bạn hữu ở chính quốc của chúng ta, ai là người không phải phàn nàn về tai hại do loài diều hâu gây ra? Loài quạ mà lại chẳng phải là những kẻ phá hoại tai hại trong địa hạt tinh thần à? Còn những con mọt già thì có làm được việc gì ngoài cái việc chỉ chuyên tìm cách lợi dụng những sự bất hoà và những chuyện xích mích trong xã hội? Lại còn con vật nào đó chẳng đã vô sỉ đến nỗi muốn cho phép tất cả các chàng rể láo xược cứ việc dùng tên nó để gọi mẹ vợ họ đó sao? Bọn mèo quý phái há chẳng thật sự là những kẻ đã dập tắt cả hạnh phúc gia đình của nhiều nhà đó ư? Và những con chuột cống ở khách sạn chẳng đã là những kẻ thù muôn thuở của tất cả những người đi du lịch đó sao?
    Chưa kể đến chó sói lúc nào cũng là kẻ có lẽ phải vì đó là kẻ mạnh hơn, và những con chiên ghẻ là một mối tai hoạ cho cả một xã hội trung thực, chúng tôi... Nhưng trước khi kết thúc, ta hãy nói một chút về những con vật ở thuộc địa.
    Đúng giữa lúc ông Ghinan chuẩn bị để nhờ ông Mănggianh chuyển lên Viện Hàn lâm khoa học một bài nghiên cứu về việc sử dụng da cá mập, thì ông Anbe Xarô lên đường đi Đảo Chó đọc một bài diễn văn bộ trưởng của ông tại xưởng ướp cá thu Xanh Pie và Micơlông, còn về phần ông Xitơrôen thì ông cho "con Sâu" khai hoá của ông bò xuyên qua Xahara. Hai cuộc đi công cán này - việc công và việc nửa công nửa tư - chắc hẳn thế nào cũng sẽ thu được kết quả tốt đẹp mà người ta có quyền chờ đợi: tức là làm cho con chuột nhắt đẻ ra những quả núi và củng cố địa vị của những con cá mập thực dân.
Người ta thường quên tưởng rằng các nhà bảo hộ của chúng ta lúc nào cũng thi hành cái chính sách của loài đà điểu. Nhưng lầm to rồi các bạn ạ! Chả phải thế đâu, này nhé: Chỉ có nhận lời mời của chú cá nục ở Hải cảng cũ thôi mà chính phủ thuộc địa đã không ngần ngại một chút nào mà không chi tiêu:
    1- Đông Dương 13.190.846 phrăng
    2- Tây Phi thuộc Pháp 5.150.000 -
    3- Châu Phi xích đạo thuộc Pháp 348.750 -
    4- Camơrun 390.000 -
    5- Mađagátxca 1.837.600 -
    6- Máctiních 108.000 -
    7- Guyađơlúp 55.000 -
    8- Guyan 62.500 -
    9- Tân Caliđôni 75.000 -
    10- Tân Hêbrít 60.000 -
    11- Châu Đại Dương 65.000 -
    12- ấn Độ 135.000 -
    13- Xômali 97.000 -
    14- Đảo Rêuyniông 85.000 -
    15- Xanh Pie và Micơlông 14.000 - để đưa vài con lạc đà, vài con bò cái và vài con cá sấu từ các thuộc địa về thành phố Mácxây.
    Lại cũng phải nhận rằng các nhà đi khai hoá của chúng ta đã không từ một sự cố gắng nào để cắm cho mấy con chim sẻ bản xứ- rất dễ bảo và rất ngoan ngoãn - vài cái lông công làm cho chúng trở thành những con vẹt hay những con chó giữ nhà. Và nếu nhân dân châu Phi và châu á mà được "hoà bình" và "thịnh vượng" đến như thế này, thì chính những "vị đi gieo rắc dân chủ" không biết mỏi mệt đó là con nhặng đánh xe1) chứ còn ai vào đó nữa?
    Nói tóm lại, số phận của tất cả những con vật ấy tương đối đã dễ chịu. Vậy, nếu các hội viên của cái hội cao cả là Hội bảo trợ các loài vật cần phải giết thì giờ, thì nên chăm sóc đến những con khỉ bị bác sĩ Vôrônốp làm cho đau đớn2) và đến những con cừu dân bản xứ khốn khổ kia luôn luôn bị hớt trụi lông3), đó có lẽ lại là một việc ích lợi hơn.

Nguyễn Ái Quốc
Báo Le Paria, số 11, ngày 1-2-1923.

============================

Y NHƯ NƯỚC MẸ

    Cho đến nay, trên thế giới chỉ có thành phố Tuynlơ1) là có thể tự hào đã có những bức thư nặc danh vang dội. Ngày nay, xứ Nam Kỳ với lòng hiếu thảo và mong muốn tỏ lòng trung thành không bờ bến đối với nước khai hoá văn minh cho mình - vừa rồi cũng có cái vụ thư nặc danh "của nó". Nhưng xứ thuộc địa này đã "bắt chước" vụng về vì không phải là vụ một nàng Lavan diễm lệ mà là vụ một hương chức An Nam già nua vừa bị bắt bỏ tù, không phải vì đã lạm dụng thư nặc danh mà vì đã bị thư nặc danh tố cáo. Việc ấy thực chất như thế này:
    Một đêm tháng 12 năm 1922, cụ hương cả An Nam đang mơ màng thì bỗng nghe tiếng mõ huyên náo báo cho dân làng biết có cướp ở trên sông cái, ngay trước mặt Chợ Lách! (Ô! vậy thì cái nền an ninh mà các nhà chức trách từng ca tụng ở đâu nhỉ?). Cụ hương cả nhà ta vùng dậy vớ lấy khẩu súng - nguyên cụ hương cả cũng đồng thời là trương tuần của một trại ấp lớn - và lập tức cùng với hai gia nhân xuống thuyền bơi ra sông.
    Vừa đến nơi, cụ hương cả và hai gia nhân liền bị bọn cướp nổ súng bắn; một trong hai gia nhân bị trúng đạn giữa ngực và vài phút sau thì tắt thở. Cụ hương cả bắn trả lại bọn cướp một phát không trúng, trái lại bị bọn cướp bắn bị thương vào tay phải.
    Rồi chỉ vì thư nặc danh tố cáo, mà cụ hương cả nọ đã bị bắt giam về tội là đã giết gia nhân của mình.
    Mặc dù cha người xấu số và người gia nhân còn sống đã đệ đơn minh oan cho bị cáo, nhưng cụ hương nọ vẫn còn nằm trong "buồng tối" "để chờ ánh sáng của công lý".

NGUYỄN ÁI QUỐC.
Báo Le Paria, số 11, ngày 1-2-1923.

============================

LÒNG NGAY THẲNG CỦA CHÍNH PHỦ THUỘC ĐỊA

    Trong thời chiến tranh vinh quang, để có được những "tình nguyện quân", người ta đã hứa trời hứa biển với dân bản xứ. Chiến tranh hết, những lời hứa trang trọng ấy cũng được trang trọng quên đi.
    Trong kỳ công trái trước lần cuối - công trái mà dân bản xứ hưởng ứng "một cách tự nguyện với một tấm lòng sốt sắng và phấn khởi" đến nỗi phải đóng két lại trước thời hạn vì đã được gấp hai lần rưỡi số tiền dự định. Đối với lần công trái này, ngoài những biện pháp thúc ép, người ta còn hứa với những người mua, phẩm hàm, hoàn tiền dễ dàng, và hàng lô cái khác nữa.
    Bây giờ, khi lòng trung thành đã được chứng tỏ, những người mua công trái trở thành người dại dột. Không những các cơ quan tài chính không nhận mua lại trái phiếu mà còn từ chối cả việc cầm cố trái phiếu. Thế đó, những việc tốt trở thành xấu! Còn về những phẩm hàm và sắc phong cao quý khác thì xin kiếu!
Còn nữa, muốn lĩnh được những trái phiếu đã hoàn toàn quá hạn trả, người chủ phiếu còn bắt buộc phải xuất trình thẻ thuế thân.
Chúng ta có nên phàn nàn cho 72.177 kẻ "khốn khổ"1) là đồng bào của chúng ta đã mua công trái hay không ? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy tự hỏi xem việc này, nếu phải là một việc có ích thật, mà không công bố là của nhà nước, không tuyên truyền, chẳng quảng cáo, thì liệu có bao nhiêu đồng bào hào hiệp này của chúng ta chịu nhả ra một xu?
    Sự thông minh tính toán của đám "dã dân" cũng chẳng lép gì so với tài loè bịp hứa hẹn của giới "nắm quyền".

NGUYỄN ÁI QUỐC

T.B. Phủ Toàn quyền Đông Dương sắp được phép phát hành đợt hai công trái 90.000.000 phrăng. Khéo đấy, anh em ơi!

Báo Le Paria, số 11, ngày 1-2-1923.

============================

CHẾ ĐỘ THỰC DÂN

    Không phải chỉ có những người cộng sản mới nổi lên chống lại sự bóc lột thuộc địa một cách quá mức. Báo chí và các diễn giả tư sản cũng phản đối sự khắc nghiệt mà người bản xứ phải chịu đựng; phản đối sự vô sỉ luôn bao trùm bộ máy cai trị thuộc địa; phản đối tình trạng thiếu hẳn một chính sách thuộc địa nghiêm chỉnh. Vì vậy, chúng tôi đã gặp gỡ các địch thủ giai cấp của chúng tôi để đưa ra những phản đối tương tự. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, chúng tôi sẽ chia tay họ ngay khi đề cập đến cách giải quyết vấn đề.
    Những người cộng sản đòi hỏi chấm dứt bóc lột thuộc địa, một bộ phận của bóc lột tư bản nói chung. Các nhà tư sản thì chỉ nghĩ đến việc tăng cường hệ thống thuộc địa để khai thác lợi nhuận cao hơn, để tăng cường sự cưỡng đoạt. Dĩ nhiên chính quyền lợi của họ, hoặc là một thứ tình cảm nhân đạo mập mờ nào đó đôi khi đã thúc đẩy họ lên tiếng yêu cầu làm dịu bớt số phận người bản xứ. Nhà bình luận của tờ Oeuvre lấy làm tiếc là người ta chỉ nhìn nhận những người da đen như một thứ nhân lực mà họ yêu cầu phải tước đoạt sạch những gì họ tìm thấy ở những con người này? Nhưng người ta không hề kết luận là phải từ bỏ chủ nghĩa thực dân. Người ta chỉ sợ những người bị bóc lột nổi dậy. Người ta yêu cầu nên nghiên cứu cách đàn áp những biến loạn có thể xảy ra, hoặc tốt hơn nên cần có những biện pháp làm dịu để ngừa trước hậu quả của những biện pháp tàn nhẫn quá hung bạo. Vấn đề vẫn chỉ là buộc các thuộc địa phải làm ra nhiều hơn, vì lợi nhuận tối đa của các công ty tư bản.
Những người cộng sản vui sướng tìm được ở đối thủ tiếng vọng hưởng ấy lời phản đối của mình. Nhưng những người cộng sản đấu tranh cho sự giải phóng dân tộc và kinh tế của các thuộc địa, chứ không phải cho những biện pháp tạo điều kiện dễ dàng cho sự cướp bóc.
    Sau đây, chúng tôi thông báo tóm tắt những hành động xấu xa của chính sách thuộc địa. Nhưng chúng tôi lưu ý một lần nữa là đối với những người cộng sản, vấn đề không phải là cải thiện hệ thống thuộc địa mà phải bãi bỏ nó.

*
* *

    Những hy sinh xương máu và tiền bạc, những cuộc xâm chiếm đất đai rộng mênh mông, nguồn của cải không bao giờ cạn, địa hạt vô biên dành cho hoạt động của con người là để làm gì? Chi phí cho việc chiếm đóng tiếp tục làm thâm thủng ngân sách, còn các thuộc địa bị ảnh hưởng của cơn khủng hoảng đang giết chết đất nước này.
    Người Pháp ít di cư, vài ngành công nghiệp đang phồn thịnh mà nước Pháp nâng đỡ thì lại nằm trong tay người nước ngoài.
    Lẽ ra cần phải xây dựng một chương trình hợp lý chứ không phải chiếm đoạt tài sản, của cải để bóc lột một cách ngấu nghiến. Người ta đã hoàn toàn truất quyền sở hữu của người bản xứ. Vì thế, sự phát triển của các thuộc địa thật là khó khăn: Thuộc địa là những khách hàng yếu ớt của nền công nghiệp chính quốc cũng đang bị tổn thất; thuộc địa là những người cung ứng nhỏ nhoi do những sai lầm trong khai thác.
    Ngày nay, những người bóc lột nghĩ tới việc tổ chức lại theo kiểu hiện đại. Nước Angiêri cần 1.000 triệu; Tây Phi thuộc Pháp muốn 1.200 triệu mà lẽ ra các nước nói trên phải là những trợ lực quý báu cho chính quốc. Tình hình tài chính ở những nước này thật thảm hại. Việc kinh doanh ở đó thật khó khăn chính là do tính tham lam vô lương tâm của một số người cai trị. Sự bóc lột ích kỷ đó chỉ có thể thực hiện bằng cách tước đi mọi quyền độc lập của các thuộc địa. Tài nguyên thiên nhiên của các thuộc địa đủ để họ thế chấp các khoản vay nợ; các thuộc địa có thể giúp nước Pháp, nhưng thực tế họ lại là nạn nhân của sự thiếu hụt tài chính. Thật là thảm hại khi phải ghi nhận là mặc dù phải gánh chịu các vùng còn bị tàn phá cái khoản trợ cấp cho người goá bụa do chiến tranh họ lại phải giúp đỡ những tổ chức đang chết trên đống của.
    Vì sao chính phủ lại phung phí hàng tỷ bạc vào Xyri? Nó không dám thú nhận điều đó. Vậy đến bao giờ người ta mới biết được sự thật về những vụ bê bối ở Nigiê?
    Người ta không bao giờ muốn nói xâm chiếm thuộc địa là việc đốt nhà, tàn sát hay cướp bóc; và cũng không muốn nói đó là việc làm cho kiệt quệ một đất nước chỉ mong muốn được phát triển. Mà đó là triệt hạ sự sống của cả một vùng khi đặt nó vào tay một vài ông lớn chứ không phải để cho dân chúng canh tác trên mảnh đất đó.
    Dân tộc Pháp được lợi lộc gì từ các thuộc địa của họ? Chẳng qua một vài đội quân đi làm dịu những xung đột giữa tư bản và lao động. Vì vậy, cần bắt buộc tất cả các ứng cử viên phải có chương trình về thuộc địa trong các cuộc bầu cử sắp tới.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo L' Humanité, ngày 5-2-1923.

============================

TỪ VỤ BÊ BỐI NÀY ĐẾN VỤ BÊ BỐI KHÁC

    Mặc dù có sự rùm beng xung quanh cuộc triển lãm ở Mácxây, những bài diễn văn long trọng, những cuộc du ngoạn của hoàng gia và những bài khoa trương trên các báo, tình hình ở Đông Dương vẫn tồi tệ.
    Chiếc ghế bị cáo mà viên quan cai trị "thanh liêm" Lanô vừa rời khỏi chưa kịp nguội thì đã có tin về những vụ bê bối mới.
    Trước hết, đó là vụ Buđinô. Ông Buđinô là một "nhà khai hoá" điển hình; một quan cai trị chuyên ăn hối lộ. Khoản cơ bản của lời buộc tội ông ta là như sau:
    "Làng Tân An đã lấy quỹ làng và vay tiền để xây dựng một trạm điện. Việc ấy tỏ ra thành công, vì thu nhập do trạm đem lại trang trải có dư tất cả mọi khoản chi tiêu.     Ngoài ra, các nhà công cộng và đường làng được bảo đảm điện đèn không mất tiền.
    Thế mà một viên quan cai trị khôn khéo (ông Buđinô) đã thực hiện một sự sắp đặt như sau: làng Tân An nhượng không trạm điện cho một anh thầu khoán, để được hưởng cái thú phải trả tiền điện thắp sáng các nhà công cộng và đường làng. Rồi người ta bỗng nhận thấy nên chuộc lại đặc quyền đã nhượng không và muốn thế làng phải xếp ra mấy chục nghìn đồng. Toàn bộ chuyện này giống một cuốn tiểu thuyết thực sự, trong đó, viên cựu công sứ đã bộc lộ trí tưởng tượng của mình với một sự vô sỉ không thể tưởng nổi.
    Vụ bê bối thứ hai là vụ Têa. Đây là điều bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Đông Dương kể lại:
    "Chúng tôi sống trong một bầu không khí... thực sự phi thường: vụ Buđinô, vụ Lanô và ít lâu sau là vụ Têa.
    Ông Têa, một kỹ sư có rất nhiều công lao, giám đốc một hãng lớn của Pháp ở Hải Phòng, ông đến nhà ông Xcala, giám đốc Sở đoan và muốn ngoặc với chính quyền để bán thuốc phiện, ông đã đưa cho ông ta số tiền một vạn đôla, lấy cớ là trả tiền trước hạn, không cần lấy bất cứ biên lai, giấy tờ gì cả. Để dám đi một bước như vậy, cần phải đắn đo suy nghĩ kỹ và phải tin chắc rằng người ta sẽ không tìm thấy trong hành vi đó một điều gì không bình thường. Điều đó có nghĩa là trong giới kinh doanh ở Đông Dương, những việc giao dịch như vậy là chuyện bình thường.
    Tất cả những kẻ có quyền hành như vậy cũng đều sẽ lợi dụng để vơ vét của cải cho bản thân mình và bằng cách đó sẽ mang lại tổn thất lớn cho xã hội".
    Nếu tên đao phủ Đáclơ, công sứ tỉnh Thái Nguyên, được cử làm Uỷ viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, còn ông Bôđoanh, người đang được quan toà Oaren nóng lòng mong đợi đã trở thành quyền Toàn quyền Đông Dương, thì các ông Têa và Buđinô ít ra cũng nên được gắn bội tinh mới phải.

Nguyễn Ái Quốc
Báo L'Humanité, ngày 5-2-1923.

============================

NẠN THIẾU TRƯỜNG HỌC

    Dân chúng đang đòi hỏi phải có trường học, mà hiện nay, trường học đang thiếu một cách tệ hại. Mỗi năm, cứ đến ngày khai trường, các bậc cha mẹ dù có đi gõ cửa khắp nơi, cầu xin mọi sự giúp đỡ, thậm chí xin nộp gấp đôi tiền ăn học mà họ vẫn không gửi được con cái đến trường. Và những đứa trẻ này, có đến hàng nghìn, bị đày vào cảnh ngu dốt chỉ vì không có đủ trường sở cho chúng đi học.
    Người ta sẽ nói rằng, vì ngân sách không đủ cho chính phủ xây thêm trường mới. Không hẳn thế đâu. Trong số 12 triệu đồng của ngân sách Nam Kỳ, thì 10 triệu đồng đã tìm được cách lọt vào túi các công chức.
    Mặt khác, sợ rằng thanh niên An Nam bị tiêm nhiễm chủ nghĩa bônsêvích, Chính phủ thuộc địa làm mọi cách có thể làm để ngăn cản họ sang học ở chính quốc. Điều 500 (Bis) của nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1921 về học chính ở Đông Dương nói như sau:
    "Mọi người bản xứ, vô luận là dân thu

Nguồn tin: TTHCM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây