NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua "Di chúc" của Người

Thứ năm - 16/05/2013 10:23

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua "Di chúc" của Người

Tháng Năm lại về, là tháng mà cả nước vui tươi, phấn khởi tổ chức các hoạt động, phát động phong trào thi đua hướng về Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta, đất nước Việt Nam ta.

Bác là người Việt Nam đẹp nhất và là một trong những con người đẹp nhất của thời đại chúng ta, một người cộng sản mẫu mực, có tư tưởng sáng suốt, tâm hồn cao thượng, ý chí kiên cường, tình cảm trong trẻo, tác phong khiêm tốn, cuộc sống giản dị.

Đó là một tấm gương tuyệt vời về con người mới, con người yêu nước sâu sắc nhất và yêu chủ nghĩa xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân, con người của lao động, tình thương và lẽ phải, kết hợp đúng đắn cuộc sống của cá nhân với cuộc sống của tập thể và của toàn xã hội.

Kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2013) và cũng là 44 năm thực hiện bản "Di chúc" của Người (1969 - 2013), chúng ta nguyện tiếp tục học tập tư tưởng cách mạng của Bác, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, nguyện ra sức phấn đấu thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác.

Đảng ta khẳng định Bác Hồ không chỉ vận dụng tư tưởng Mác – Lê nin, mà còn là tư tưởng sáng tạo riêng của Bác làm phong phú thêm tư tưởng Mác - Lênin, bắt nguồn sâu xa từ tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, trở thành ngọn cờ tư tưởng dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đây mãi mãi là tinh thần vô giá mà dân tộc Việt Nam luôn tự hào đến ngày nay và đến cả mai sau.

Image

Nhớ về Bác, chúng ta cần hiểu rõ hơn sự nghiệp vĩ đại cao quý của Bác. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng – người học trò ưu tú của Bác, là người đã làm việc và gần gũi với Bác đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã xem như thân thiết từ lâu”.

Hay lãnh đạo Cuba, Fidel Castro, đã gửi bức điện lúc Bác mất (lúc đó ông ta chỉ khoảng hơn 40 tuổi), trong đó có đoạn viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp người đặc biệt, cái chết gieo mầm cho sự sống đời đời bất diệt”.

Một học giả của Ba Lan cũng đã viết: “Hồ Chí Minh là hình ảnh tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam”. Điều này, cũng tương đồng bởi dân tộc ta có câu ca dao “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Cũng một học giả người nước ngoài đã viết: “Hồ Chí Minh là hình ảnh đẹp nhất con người Việt Nam, trong Hồ Chí Minh có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…”

Và còn rất nhiều nhà lãnh đạo, học giả nước ngoài nói, viết về Bác Hồ của chúng ta với cả lòng kính trọng, thán phục và yêu mến. Tất cả đó là điều mà các thế hệ người Việt Nam luôn tự hào về Bác; học tập và noi gương Bác để càng làm ngời sáng thêm các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Người lãnh tụ vĩ đại và vô vàn kính yêu của dân tộc ta tuy đã đi xa, song Người đã để lại cho đất nước ta, các thế hệ của dân tộc ta một tài sản vô giá đó là bản "Di chúc" cùng những lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Đây chính là một di sản vô giá và thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Bản "Di chúc" của Người đơn sơ, giản dị, nhưng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có giá trị đến muôn đời sau. Càng tìm hiểu, nghiên cứu về “Di chúc” của Bác ta càng cảm nhận bao điều thâm thúy, vô cùng có ý nghĩa, nhất là càng thấy rõ hơn trí tuệ, đạo đức, văn hóa lối sống của Người, cả cuộc đời Bác dành cho dân, cho nước.

Bác viết bản Di chúc đầu tiên ngày 15/5/1965, Bác trực tiếp đánh máy, chỉ có 03 người biết về bản Di chúcnày, đó là Bác, đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Vũ Kỳ. Bác viết bản "Di chúc" lúc Bác 75 tuổi, Bác viết "Di chúc" trong tư thế thanh thản, minh mẫn lạ thường. Bác viết trên bản "Di chúc" là tuyệt đối bí mật, không cho ai biết, không ai nao núng, Bác chọn dịp sinh nhật của mình để viết "Di chúc".

Bản "Di chúc" đó năm nào Bác cũng sửa. Năm 1968 Bác sửa nhiều nhất, Bác sửa "Di chúc" trong khoảng thời gian nhất định, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng. Điều đặc biệt là Bác viết "Di chúc" dịp sinh nhật, sửa "Di chúc" trong giờ tâm linh, hay khi Bác mất lại càng linh thiêng hơn - đó là mất vào giờ tâm linh, ra đi ngay ngày thành lập nước.

Thế giới đã đánh giá về Bác: “Hồ Chí Minh là một trong số những lãnh tụ hiếm hoi trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống”. Một nhà thơ Xô Viết chỉ tiếp xúc với Bác có nửa giờ đồng hồ và đã viết: “Hãy nhìn vào đôi mắt Nguyễn Ái Quốc, trong đôi mắt ấy tỏa ra cái gì rất lạ, hoàn toàn không chỉ là phương Đông, hoàn toàn không phải là phương Tây, mà dường như có sự gặp gỡ giữa Đông và Tây. Trong đôi mắt đó báo hiệu cả một nền văn hóa của tương lai”.

Trong "Di chúc" của mình, Bác viết: “Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả đồng chí, bạn bè trong phong trào Cộng sản quốc tế, gởi lời chào thân ái các cụ già và các cháu nhi đồng”.

Đọc kỹ bản "Di chúc" ta càng phát hiện ra nhiều điều mới, toát lên từ lời văn, câu chữ. Bác biết rõ tình hình sức khỏe của mình. Năm 1965 Bác viết: “Ai mà đoán biết được tôi còn sống mà phục vụ nhân dân mấy năm, mấy tháng nữa”. Đến năm 1968, Bác viết: “Ai mà đoán biết được tôi còn sống mấy tháng, mấy năm nữa”. Đến năm 1969, sức khỏe Bác yếu dần, Bác viết lại: “Ai mà đoán biết được tôi còn sống bao lâu nữa”, mắt đã mờ, các bác sĩ Trung Quốc khám bệnh cho Bác đã báo cáo với Trung ương đáy mắt Bác đã xuất huyết.

Năm ấy, Bác không đồng ý cho tổ chức sinh nhật Bác, nhưng đồng chí Lê Duẩn vào thưa với Bác xin Bác tổ chức sinh nhật để các đồng chí Trung ương, Bộ Chính trị đến chúc thọ Bác. Bác bảo sinh nhật Bác chỉ cần tặng Bác 05 hoa hồng là đủ. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ chuẩn bị pha trà, lấy bánh kẹo cho Bác tiếp khách. Vào chúc thọ Bác có 4 đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp.

Cũng trong năm 1969, một lần Bác đang chủ trì buổi họp, Bác nhìn đồng hồ 9 giờ Bác nói các đồng chí dự họp nghỉ giải lao, giải lao xong chú Ba (tức đồng chí Lê Duẩn) thay Bác chủ trì, Bác về nhà có việc riêng đây. Bác về khu nhà sàn và Bác sửa bản "Di chúc". Đây là lần sửa cuối cùng trước khi Bác mất 4 tháng.

Image

Bản "Di chúc" của Bác là một bản đại tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của cách mạng Việt Nam. Trong bản "Di chúc" của Bác còn toát lên 2 định nghĩa quan trọng, đó là: định nghĩa về đổi mới và định nghĩa về chủ nghĩa xã hội.

Điểm cốt lõi nữa là Bác còn căn dặn sau khi thắng Mỹ, chúng ta phải làm bia tưởng nhớ những người có công, trồng hoa các bia tưởng niệm, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ không để đói nghèo, chính quyền từ xã đến tỉnh phải quan tâm giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng.

Bác còn dặn đưa thanh niên đi đào tạo ở nước ngoài về học vấn, trình độ kỹ thuật công nghệ, đào tạo lớp người vừa hồng, vừa chuyên. Đặc biệt, Bác căn dặn Đảng và Nhà nước ta phải có chương trình, kế hoạch tỉ mỉ và cụ thể, tránh rơi vào tình trạng bị động, thiếu sót và sai lầm.

Trong "Di chúc" Bác còn dặn khi cách mạng thành công thì tiến hành miễn thuế cho dân trong vòng một năm. Sau này, khi đã đủ điều kiện, Đảng ta tiến hành miễn thuế nông nghiệp cho dân.

Trong bản "Di chúc" Bác dặn phải tập hợp sức dân thành phong trào, thành lực lượng để xây dựng đất nước. Xây là chống, chống lại xấu xa, hư hỏng, lỗi thời. Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, lâu dài, bền bỉ dựa vào dân để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Nói về chủ nghĩa xã hội Bác nói: “Điều mong muốn của tôi là toàn Đảng toàn dân đoàn kết một lòng xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh góp phần xứng đáng vào phong trào cách mạng thế giới. Đó cũng chính là chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta gọi là “10 chữ vàng” trong mục tiêu đổi mới "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Bác hết sức khiêm nhường, Bác không gọi bản "Di chúc", "Di chúc" là do chúng ta gọi. Bác viết: “Tôi để sẵn mấy lời phòng khi tôi đi gặp các cụ C. Mác, Lênin và các vị cao niên cách mạng đàn anh khác thì đồng bào, đồng chí trong Đảng và bạn bè quốc tế không cảm thấy đột ngột”.

Năm 1968, Bác sửa bản "Di chúc", lời mở đầu Bác viết: “Tôi đọc lại bức thư này, tình hình đã có nhiều thay đổi nên cần phải nói rõ thêm và ở đây cốt nói 2 điều. Trước hết là nói về Đảng, việc đầu tiên là nói về con người. Về Đảng, Bác dặn nhiều điều quan trọng, đầu tiên là vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết là truyền thống quý báu của Đảng ta, cho nên các đồng chí trong Đảng từ Trung ương đến Chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình”.

Bác còn dặn trong Đảng phải ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, phục vụ nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự gương mẫu, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Bác nói về chức phận, địa vị, chức năng trong Đảng, Bác có mấy câu: “Đảng là một cơ thể sống, Trung ương là bộ não của toàn Đảng, là cơ  quan thần kinh, cấp ủy là lực phát của Đảng. Đảng viên và chi bộ là cầu nối giữa Đảng và quần chúng nhân dân”.

Bác còn viết: “Về  việc riêng, là người suốt đời phục vụ cách mạng và nhân dân đến lúc phải từ biệt thế giới này tôi không có gì ân hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ cách mạng, không được phục vụ Đảng và nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Đọc bản Di chúc chúng ta cảm nhận tấm lòng, tình cảm thiêng liêng, bao la của Bác. Trong trái tim của Bác dường như có chỗ cho tất cả mọi người”.

Cuộc đời Bác toàn tâm toàn ý với nước, với dân, Bác dặn: “Khi tôi đã qua đời chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, thi hài tôi, tôi yêu cầu được đốt đi, nói chữ là hỏa tán, sau này có điện là điện tán nên trở thành phổ biến như thế vừa hợp vệ sinh vừa tốt cho người đang sống, lại đỡ tốn đất ruộng. Tro chia làm 3 hộp sành, miền Bắc 1 hộp, miền Trung 1 hộp và miền Nam 1 hộp".

Bác dặn trên mộ không cần bia đá tượng đồng, chỉ cần 1 ngôi nhà nhỏ thoáng đãng để ai đến thăm Bác có chỗ nghỉ tránh nắng, tránh mưa. Ai đến thăm Bác nhớ trồng 1 cây, lâu dần cây nhiều thành rừng, vừa đẹp cho phong cảnh vừa có lợi. Bác dặn trồng cây nào tốt cây ấy. Về việc này Bác có ý nhờ các cụ bô lão giúp cho. Một số học giả người nước ngoài cho rằng về việc này có thể xem Bác là một nhà môi trường.

Nhớ lại thời điểm trước khi Bác mất, lúc đó chiến tranh rất khó khăn, bão lụt, đê vỡ hàng loạt, tình báo nước ta thông báo một tin tuyệt mật, kẻ thù âm mưu phá hủy hàng loạt đê điều, chúng muốn Hà Nội ngập trong biển nước. Lúc đó Bác nằm trên giường bệnh, đồng chí Lê Duẩn vào báo tin lại với Bác, đề nghị với Bác đi một nơi nào cao ráo để chữa bệnh, Bác bảo Bác không đi đâu cả, Bác không bỏ dân mà đi được, Bác bảo đưa Bác xuống nhà ngang để các thầy thuốc chăm sóc Bác đỡ vất vả.

Lúc Bác gần mất, các đồng chí Trung ương Đảng ngày đêm túc trực bên giường Bác. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người gần gũi Bác nhiều nhất, Thủ tướng nắm tay Bác, nhưng Bác không nhận ra. Lúc tỉnh, Bác hỏi “Chú Tô đâu?”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại gần Bác nói: “Thưa Bác, Bác có dặn gì không?”, Bác hỏi kỷ niệm Quốc khánh năm nay là lần thứ bao nhiêu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trả lời “Thưa Bác lần thứ 24” Bác nói “hai giáp rồi phải không?", Bác dặn đốt pháo hoa cho dân mừng, rồi Bác dặn Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Chú là Thủ tướng, đọc diễn văn phải vui lên, đừng để dân buồn, Bác không ra được với dân Bác buồn lắm, hay là dìu Bác ra với dân có được không?".

Lúc đó, vào những ngày cuối Tháng Tám, Bác không biết Trung ương đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh vì lo sức khỏe Bác yếu Bác không qua khỏi. Dân ta rất nhạy cảm, trong ngày kỷ niệm lễ Quốc khánh, lần đầu tiên không thấy Bác đã lo lắng, sợ cho sức khỏe của Bác. Sáng hôm sau, mới tờ mờ sáng, Quốc ca đã nổi lên, Trung ương thông báo sức khỏe Bác rất yếu nên đang tập trung các thầy thuốc, bác sĩ chữa bệnh cho Bác, thật ra lúc đó Bác đã qua đời.

Thông báo tin Bác mất cho dân cũng phải thông báo một cách từ từ. Bác bệnh nặng, lúc tỉnh lúc mê nhưng lúc tỉnh câu đầu tiên Bác hỏi về tình hình chiến trường miền Nam, Bác hỏi về tình hình chuẩn bị năm học mới, Bác hỏi đê vỡ đồng bào có kịp đi sơ tán không. Bác không ăn uống được, trước lúc đi xa Bác muốn nghe một bài dân ca xứ Nghệ. Từ trong sâu thẳm tâm hồn Bác nhớ về cha mẹ, nhớ làng Sen xứ Nghệ. Các nghệ sĩ Trung ương được mời đến để hát cho Bác nghe, nhưng không ai cầm được nước mắt, không ai hát được.

Cuối cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng cùng nắm tay hát bài hát "Kết đoàn" cho Bác nghe. Bác nhìn các đồng chí rất trìu mến. Bác bảo Bác muốn uống một ít nước dừa. Lúc này, các thầy thuốc lo ngại cho sức khỏe của Bác nên ngần ngại không muốn cho Bác uống. Lúc đó, đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác nói to “Bác yếu lắm rồi, giờ làm được gì cho Bác thì cứ làm”. Ngay lập tức các chiến sĩ chạy ra khu vườn phía sau của Bác, hái 02 trái dừa từ hai cây, một cây dừa miền Bắc, một cây dừa của dân Bến Tre gửi tặng Bác, chặt dừa lấy nước 2 trái hòa làm 1 cho Bác uống, nhưng không kịp nữa. Bác đã đi, các đồng chí hộ lý lấy một ít nước dừa đặt lên môi Bác, tiễn Bác đi xa.

Đến nay bản "Di chúc" của Bác để lại đã 44 năm và được xem như là bản đại tổng kết, một văn kiện lý luận quan trọng của Đảng, di sản văn hóa thiêng liêng của dân tộc, xứng đáng được xem là áng thiêng cổ hùng văn, thể hiện ý chí mãnh liệt, nghị lực phi thường, tinh thần mẫn tiệp, đạo đức cao thượng.

Bác Hồ kính yêu của đất nước ta, dân tộc ta ra đi là một tổn thất không gì bù đắp cho Đảng ta. Nhưng Bác đã để lại các thế hệ dân tộc ta một kho tàng tri thức, chuẩn mực đạo đức, biểu tượng của người Việt Nam yêu hòa bình, di sản văn hóa cho dân tộc.

Bản "Di chúc" của Bác là tài sản tinh thần vô giá, làm nổi bật những tư tưởng cơ bản, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức trong sáng của Người, là ngọn đèn pha chói lọi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Có thể khẳng định, Bác là người Việt Nam đầu tiên đẹp nhất - đẹp như vì sao sáng trên bầu trời, cũng như sự nghiệp vĩ đại của Bác đẹp như bản tình ca mùa xuân, bản anh hùng ca bất diệt.

Thời gian dần dần rồi cũng trôi qua, nhưng giá trị tư tưởng của Bác trong bản "Di chúc" của Người mãi mãi trường tồn cùng dân tộc ta cho đến muôn đời sau. Và đâu đấy vẫn còn âm vang lời của Bác: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nhớ về Bác, chúng ta hãy tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua "Di chúc" của Bác; vận dụng sáng tạo, thực hiện xuất sắc "Di chúc" của Bác trong suy nghĩ, hành động cụ thể là trách nhiệm và lương tâm của cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam. Điều đó sẽ thật sự có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, giữ vững cơ đồ, xứng đáng với những gì Bác mong đợi, nhắc nhở chúng ta cho ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.

Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là học suốt đời trong công tác, trong sinh hoạt, cũng như học qua lời căn dặn của Bác trong bản "Di chúc", một di sản vô giá mang triết lý nhân văn sâu sắc, một hành trang vững chắc để chúng ta đoàn kết một lòng, đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, tạo lập cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, bảo đảm cho mọi người trên đất nước ta "ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Tất cả chúng ta hãy học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đó là góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nước nhà, làm cho thời đại ngày nay - thời đại của Hồ Chí Minh trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng tỏa sáng.

Tác giả bài viết: Văn Tuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây