NextUpcoming Event

Ký ức Nhật Bản - Điểm đến của những tư tưởng lớn

Thứ hai - 09/06/2014 09:03

Ký ức Nhật Bản - Điểm đến của những tư tưởng lớn

Fellowship Course là khóa học do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) bắt đầu tổ chức từ năm 1993 dành cho các kỹ sư trẻ của 7 Đường sắt các nước gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Mông Cổ, Myama, Philipin và Việt Nam với mục đích tăng cường giao lưu văn hóa. Khóa học tập trung vào 7 ngành học là Hệ thống thông tin, Chiến lược Marketing, Lập kế hoạch và điều khiển vận tải, Bảo dưỡng đầu máy toa xe, Bảo dưỡng đường, Thông tin tín hiệu và Kinh doanh ngoài vận tải. Từ năm 1995 đến nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) đã cử 40 cán bộ tham dự khóa học này. Thông qua khóa học Fellowship, các học viên của TCT ĐSVN không chỉ gặt hái được kiến thức hữu ích về chuyên môn đường sắt mà còn có cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người Nhật Bản cũng như nâng cao trình độ tiếng Anh và tiếng Nhật.

Đầu năm 2014, Hiệp hội Văn hóa Đường sắt Đông Nhật Bản - đơn vị chịu trách nhiệm xuất bản Tạp chí Japan Railway & Transport Review (JRTR) đã mời đại diện học viên Fellowship của TCT ĐSVN có bài viết về khóa học này. Bài viết của đồng chí Đinh Duy Khánh - đoàn viên thuộc Đoàn thanh niên Ban Quản lý các dự án Đường sắt - học viên Fellowship năm 2012 đã được chọn đăng trên Tạp chí số 63, tháng 3/2014. JRTR là Tạp chí được xuất bản hàng quý với các bài viết bằng tiếng Anh theo các chủ đề liên quan đến đường sắt quốc tế. Phần lớn độc giả của JRTR là các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt cũng như các nhà lãnh đạo của các viện nghiên cứu, trường đại học, v.v…

Ban Biên tập xin đăng nội dung bài viết của đồng chí Đinh Duy Khánh do Ban Hợp tác Quốc tế biên dịch để các độc giả cùng tham khảo. Hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa cán bộ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ trẻ, tiếp tục trau dồi khả năng ngoại ngữ để tham dự các khóa học bổ ích do các tổ chức, công ty nước ngoài dành cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Thời gian trôi qua thật nhanh và thế là đã một năm kể từ ngày Khóa học Fellowship kết thúc với những giọt nước mắt hân hoan cùng những nụ cười ngập tràn yêu thương. Thành thực mà nói, hai tháng học tập tại Nhật Bản là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi vì được trải nghiệm nhiều điều nhiều lý thú, cảm xúc thân thương và những bài giảng khó quên. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đặt chân đến sân bay Narita, gặp gỡ các thành viên của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East), hít thở bầu không khí trong lành của một miền đất mới cũng như cố gắng hiểu những câu chuyện về Nhật Bản khi nó được nói bằng một ngôn ngữ khác. Sau một đêm nghỉ tại khách sạch gần sân bay Narita, chúng tôi lên tàu về Omiya. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một môi trường trong sạch với hệ thống giao thông quy củ. Tôi thầm nghĩ “Nhật Bản có những thứ mà rất nhiều quốc gia đang khao khát”. Tôi có cuộc gặp đầu tiên với các cán bộ quản lý và nhân viên Ký túc xá Omiya, nơi tôi sinh sống trong suốt thời gian tham gia khóa học. Tôi thực sự choáng ngợp bởi sự đón tiếp nồng nhiệt và trang trọng theo nghi thức Nhật Bản. Hàng ngày, tôi đi tuyến metro Shona-Shinjuku từ Omiya đến học tại trụ sở chính của JR East gần ga Shinjuku. Khóa học năm 2012 có 6 học viên, trong đó 2 học viên của ĐS Indonesia, 1 học viên của ĐS Mông Cổ, 1 học viên của ĐS Thái Lan và 2 học viên đến từ ĐSVN. Thật khó để so sánh công nghệ và cơ sở hạ tầng hiện có ở Việt Nam với những gì tôi được học tại Nhật Bản. Từ những bài học giới thiệu tổng quan về Nhật Bản đến giới thiệu chi tiết về các hệ thống của JR East, những cán bộ của JR East đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về Nhật Bản. Tôi được tham quan các cơ sở bảo dưỡng đường, điều hành chạy tàu, các trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cũng như các trung tâm mua sắm sầm uất bên trong nhà ga. Để đảm bảo an toàn chạy tàu và cung cấp các dịch vụ hoàn hảo tới hành khách, JR East đã đặc biệt quan tâm đến công tác Nghiên cứu và Phát triển phục vụ đổi mới, cải tiến phương pháp và công nghệ kỹ thuật bởi vì JR East đang nắm giữ vị trí khá quan trọng trong ngành giao thông Nhật Bản. Không như các quốc gia khác, Nhật Bản hứng chịu nhiều thiên tai như bão, động đất, v.v.... Chính vì vậy việc đầu tư cho hệ thống phòng chống thiên tai được ưu tiên hàng đầu để tạo tâm lý yên tâm cho hành khách đi tàu.


(Tác giả bài viết tại Nhật Bản)

Cũng như các học viên khác, bên cạnh việc học tập và thu thập kiến thức, tôi dành những dịp nghỉ cuối tuần để tham quan các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Với suy nghĩ “di tích lịch sử là nơi lưu lại vết tích của thời gian”, tôi đến thăm Hoàng Cung Tokyo vào kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên. Sau 40 phút đi tàu từ Omiya đến ga Tokyo và 10 phút đi bộ, tôi đã đặt chân tới trước Hoàng Cung nơi có những bức tường thành cổ kính bằng đá và những tòa tháp canh đồ sộ. Tiếp đó, tôi đi bộ qua Tây Viên, đây là một không gian xanh tuyệt đẹp nằm giữa thành phố sôi động. Tôi tin rằng mùa xuân là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để tận hưởng vẻ đẹp nên thơ nơi đây. Sau đó, tôi khám phá vẻ đẹp của một Tokyo hiện đại xung quanh Ga Tokyo và Vịnh Tokyo. Rất nhiều tổ hợp cửa hàng, nhà hàng, quán cà phê tạo nên một “thành phố ngầm” ngay trong ga Tokyo, một nơi không thể bỏ qua. Chỉ mất 20 phút đi tàu từ Ga Tokyo đến Vịnh Tokyo, thoát khỏi trung tâm thương mại sầm uất là đến được không gian của nhưng du thuyền sang trọng, không gian của gió và đại dương xanh.

Để hiểu hơn về hệ thống đường sắt của Nhật Bản, tôi không chỉ đi tàu quanh khu vực Kanto mà còn nghiên cứu về đường sắt ở vùng nông thôn bởi nơi đây có rất nhiều điểm tương đồng với các nước đang phát triển. Một phần của chương trình học là đến Shinjo để tìm hiểu thêm về các kết cấu hạ tầng đường sắt giống với hệ thống ĐS tại Việt Nam. Shinjo thuộc tỉnh Yamagata, gần với quê hương của nhân vật Oshin, một hình tượng nổi tiếng trong bộ phim cùng tên của Nhật Bản đã được phát sóng trên truyền hình Việt Nam vào những năm 90 của thập kỷ trước. Tôi đặc biệt ấn tượng với sắc thu và sự kết hợp hoàn hảo của tự nhiên với những dòng sông quanh co uốn lượn quanh chân núi.

Giống với hình ảnh hoa Anh Đào, núi Phú Sĩ là biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản. Đây chính là điểm dừng chân tiếp theo của tôi. Vào một ngày Chủ Nhật đẹp trời tháng Mười Một, tôi cùng người hướng dẫn khóa học đi tàu, sau đó thuê xe ô tô tự lái lên đến tầng 5, lưng chừng núi Phú Sĩ. Chỉ đỉnh núi có tuyết bao phủ nhưng nhiệt độ ở đây cũng xuống dưới 5 độ, đủ lạnh để đóng băng một vài chỗ. Đứng ở đây, tôi thấy mình như đang đứng trên vai của đấu sĩ Samurai khổng lồ, nhân vật có cái đầu lạnh và sức mạnh thần kỳ để cai trị lãnh địa thân yêu của mình. Giờ đây, tôi có thể tự hào nói rằng “Watashi wa Fuji-san e ikimashita” (tôi đã đến núi Phú Sĩ).

Một trong những cơ hội tuyệt vời của tôi trong thời gian ở Nhật Bản là hai ngày thăm Di sản Thế giới Nikko. Nơi đây nổi tiếng với Cầu Shinkyo, Thác nước Kegon, Lăng Toshogu và Sông Kinugawa. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác thích thú khi ngồi trên chiếc thuyền gỗ nhỏ, đáy bằng xuôi dòng sông Kinugawa dưới sự điều khiển khéo léo của người lái thuyền trong trang phục màu xanh truyền thống. Tất cả 6 học viên chúng tôi đã liên tục thốt lên “ôi, đẹp quá, đẹp quá” khi được băng trên bọt nước trắng xóa, len lỏi giữa những vách núi phủ sắc thu hai bên bờ và những cây cầu thơ mộng bắc qua sông.

Bên cạnh những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, tôi cũng đã trải nghiệm ẩm thực của Nhật Bản. Tôi thử ăn nhiều món như sashimi (cá sống), udon (mỳ sợi trắng), v.v. Rượu sake cũng là lựa chọn yêu thích của tôi. Nhâm nhi vài chén sake nóng ở một quán nhậu nhỏ trong đêm mùa đông thật là thú vị. Nhật Bản có nhiều phong cách ẩm thực khác nhau để đáp ứng mọi sở thích cá nhân, đặc biệt là hải sản có độ tươi đặc biệt, rất ngon và tốt cho sức khỏe.

Trong 2 tháng ở Nhật Bản, tôi đã chứng kiến 3 vụ động đất nhỏ cũng như được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người Nhật, thăm quan nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, ăn các món ăn của người Nhật, trò chuyện với các bạn Nhật, học tập về hệ thống đường sắt, v.v. Mọi thứ giờ đây gợi tôi nhớ về những con người có tinh thần tương trợ chống chọi với thiên tai, được đấu sỹ samurai khổng lồ Phú Sỹ bảo vệ chờ mùa hoa anh đào đến. Nếu có cơ hội được quay trở lại Nhật Bản, tôi vẫn sẽ lại bắt đầu thăm Hoàng Cung vào ngày nghỉ cuối tuần đầu tiên và dành nhiều thời gian hơn nữa ở nơi đây.

(Dịch từ bài viết của tác giả Đinh Duy Khánh - RPMU

đăng trên Tạp chí Japan Railway & Transport Review số 63, tháng 3/2014)

 

Tác giả bài viết: Bảo Vân

Nguồn tin: (Ban Hợp tác quốc tế)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây