NextUpcoming Event

Xây dựng và thực hiện Công trình Thanh niên

Thứ ba - 27/04/2010 14:50

Xây dựng và thực hiện Công trình Thanh niên

Năm 2010, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn chủ đề công tác năm là “Công trình thanh niên”. Đây là cơ hội rất lớn để Đoàn thanh niên các cấp phát huy vai trò xung kích thực hiện các công trình, phần việc hiệu quả, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp và các ngày Lễ trọng đại của đất nước.

Công trình thanh niên (CTTN) là thuật ngữ khá quen thuộc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Đây là một trong nhiều phương thức hoạt động hiệu quả, mang tính đột phá của Đoàn huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mỗi đơn vị. CTTN thường gắn với vai trò xung kích của ĐVTN đảm nhận các việc khó, việc mới, việc cần tập trung cao độ. Nói đến CTTN là nói đến những sản phẩm cụ thể có thể lượng hóa được bằng các chỉ số. Một CTTN hiệu quả phải mang lại lợi ích thiết thực, đảm bảo về chất lượng, tiến độ công trình.

 

Khi đảm nhận các CTTN cần dựa trên một số cơ sở và điều kiện chủ yếu sau: phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ SXKD của đơn vị, giải quyết được những đòi hỏi, yêu cầu cấp bách trong hoạt động SXKD. CTTN bao giờ cũng có khối lượng, kết quả cụ thể, có thời gian khởi công và kết thúc rõ ràng, thời gian dài, ngắn tùy theo tính chất từng công việc. Lực lượng ĐVTN tham gia công trình phải chiếm từ 50% tổng số lao động tham gia thực hiện công trình; có quy chế giám sát, phối hợp thuận lợi từ chuyên môn, các đoàn thể, các bộ phận chức năng; có hợp đồng trách nhiệm và các điều kiện đảm bảo kèm theo để thực hiện công trình, phần việc thanh niên đúng nội dung, chất lượng, tiến độ đề ra.

 

Khi đã có đầy đủ các điều kiện cơ bản trên, việc tiến hành đảm nhận và tổ chức thực hiện CTTN cần có quy trình chặt chẽ, cụ thể như sau:

 

BƯỚC 1: CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

 

1. Tổ chức nghiên cứu, xem xét về quy mô, tính chất, ý nghĩa của công trình:

 

Đây là bước đầu tiên và đặc biệt quan trọng liên quan đến sự thành công hay thất bại của công trình; là bước chuẩn bị về tinh thần, lực lượng, các điều kiện vật chất, tranh thủ ý kiến chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo cấp ủy, chuyên môn, các chuyên gia, các nhà tư vấn thiết kế, hỗ trợ để thực hiện công trình.

 

2. Tiến hành ký kết hợp đồng trách nhiệm:

 

Là khâu khẳng định năng lực thực hiện của tổ chức Đoàn với chuyên môn trên cơ sở ký cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu về nội dung, chất lượng, thời gian tổ chức thực hiện CTTN.

 

3. Thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý CTTN:

 

Là bộ phận chịu trách nhiệm cao nhất trước lãnh đạo Đảng, chuyên môn, Ban Chấp hành Đoàn TN đơn vị về chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nội dung công trình; kịp thời đề xuất, tham mưu những phương án khả thi, những vấn đề khó, những việc mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo, Ban quản lý là những thành viên có năng lực, sức khỏe, chức vụ, trình độ chuyên môn nhất định hoặc mời chuyên gia, các lãnh đạo chủ chốt tham gia để tăng cường năng lực tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công trình.

 

4. Chuẩn bị cơ sở, vật chất, kỹ thuật, tổ chức lực lượng:

 

Xác định định mức kinh tế, dự trù kinh phí, chuẩn bị nguyên vật liệu, trang thiết bi, số lượng lao động can huy động; nhận thức tư tưởng cho ĐVTN về mục đích ý nghĩa của công trình, yêu cầu tiến độ, chất lượng cũng như thuận lợi, khó khăn sẽ gặp phải trong quá trình đảm nhận thực hiện CTTN.

 

BƯỚC 2: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Lễ khởi công:

 

Phương châm: “Trang trọng, ngắn gọn, thiết thực”. Đây là một trong những khâu cần thiết đối với thực hiện CTTN nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi ngay trong giờ phút ra quân. Tại Lễ ra quân nên tổ chức ký cam kết, giao ước thi đua giữa tổ chức Đoàn, chuyên môn, ĐVTN trong quá trình thực hiện.

 

2. Tổ chức các phong trào thi đua:

 

Là để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, công đoạn, hạng mục của công trình, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tiết kiệm chi phí, thời gian, nguyên vật liệu mà vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra; kịp thời phát hiện, biểu dương những gương người tốt, việc tốt…

 

3. Chú trọng đến đời sống, sức khỏe, điều kiện lao động của thanh niên:

 

Tổ chức ăn, nghỉ, chế độ bồi dưỡng, tiền lương, thưởng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT ngoài giờ ngay trên công trình; kịp thời giải quyết những vướng mắc mới nảy sinh.

 

4. Công tác tư tưởng và tổ chức:

 

Theo dõi diến biến tư tưởng của thanh niên; động viên, khơi dậy ý thức trách nhiệm và niềm tự hào tham gia thực hiện CTTN. Thông qua CTTN bồi dưỡng, giới thiệu những đoàn viên ưu tú đề nghị cấp ủy Đảng xem xét kết nạp, nâng cao khả năng hoạt động thực tiễn cho cán bộ đoàn.

 

BƯỚC 3: TỔNG KẾT VÀ BÀN GIAO CÔNG TRÌNH

 

Là bước đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, kiểm nghiệm chất lượng công trình, đánh giá, rút kinh nghiệm để các công trình sau được hoàn thiện hơn. Lễ bàn giao phải được tổ chức trang trọng, có báo cáo đánh giá, có trao đổi kinh nghiệm, có khen thưởng, tuyên truyền và tổ chức gắn biển CTTN. Thông qua việc tổ chức tổng kết để khẳng định và nâng cao vai trò, vị trị, uy tín của tổ chức Đoàn, thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc tham gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD của đơn vị.

 

Lưu ý: Để đạt được kết quả tốt nhất, nên chọn CTTN vừa sức với nguồn lực sẵn có và có thể huy động được; thời gian thực hiện không quá dài; mang lại hiệu quả rõ nét, có sản phẩm cụ thể. Bên cạnh đó cần tuyên truyền rộng rãi việc tổ chức thực hiện công trình; tuân thủ đúng các quy định, các bộ luật liên quan đến hoạt động xây dựng; đảm bảo thủ tục thanh quyết toàn khi thực công trình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây