NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Phần thứ 2: Những vấn đề tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Thứ tư - 09/07/2014 08:36

Doan TNCS HCM

Doan TNCS HCM

PHẦN THỨ HAI

NHỮNG VẤN ĐỀ TỔ CHỨC CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

    I- CÔNG TÁC BẦU CỬ CỦA ĐOÀN

1- Việc bỏ phiếu kín áp dụng trong các trường hợp:

    - Bầu ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, bí thư thứ nhất và các bí thư ban chấp hành Trung ương Đoàn.

    - Bầu đại biểu đi dự đại hội đoàn cấp trên (kể cả đại biểu dự khuyết).

    - Bầu ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

    2- Bầu cử tại hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban Kiểm tra

     - Bí thư hoặc phó bí thư đoàn khóa cũ có trách nhiệm triệu tập phiên họp thứ nhất của ban chấp hành khóa mới và chủ trì để bầu chủ tọa hội nghị. Trong trường hợp cần thiết, đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp thống nhất chỉ định một ủy viên ban chấp hành khóa mới làm triệu tập viên để bầu chủ tọa hội nghị.

- Hội nghị ban chấp hành bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Hội nghị ủy ban kiểm tra bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

         - Ban chấp hành có quyền quyết định số lượng ủy viên ban thường vụ, phó bí thư (các bí thư đối với Trung ương Đoàn), ủy viên ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Số lượng ủy viên ban thường vụ không quá một phần ba (1/3) số lượng ủy viên ban chấp hành. Số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra không nhiều hơn số lượng ủy viên ban thường vụ.

    3- Việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội Đoàn

    - Đại hội chi đoàn và đại hội đoàn các cấp được trực tiếp bầu bí thư khi được sự thống nhất của đoàn cấp trên trực tiếp và cấp ủy đảng cùng cấp.

     - Tiến hành bầu theo một trong các cách sau đây:

    + Cách 1: Đại hội bầu ra ban chấp hành, sau đó bầu bí thư trong số các ủy viên ban chấp hành.

    + Cách 2: Đại hội bầu bí thư, sau đó bầu số ủy viên ban chấp hành còn lại.

4- Phiếu bầu:

    - Là phiếu do đại hội hoặc hội nghị phát hành, được in hoặc viết tay sẵn danh sách bầu cử do đại hội hoặc hội nghị đã thông qua theo vần chữ cái A,B,C... Nếu số lượng người trong danh sách bầu cử bằng với số lượng người được bầu thì phải sử dụng phiếu bầu có cột "đồng ý" và "không đồng ý".

    Nếu trong danh sách bầu cử có nhiều người trùng cả họ và tên thì được phép chú thích chức danh hoặc tên cơ quan công tác, đơn vị học tập hoặc cư trú của những người đó tại thời điểm tiến hành bầu cử.

    - Phiếu bầu không hợp lệ là:

+ Phiếu không do đại hội hoặc hội nghị phát hành,

+ Phiếu bầu thừa so với số lượng đã được đại hội, hội nghị quyết định.

+ Phiếu không bầu ai hoặc không rõ để ai, gạch ai.

+ Phiếu viết tên người ngoài danh sách bầu cử được đại hội, hội nghị thông qua.

+ Phiếu có ký hiệu riêng.

+ Phiếu không ghi (hoặc không đánh dấu) đồng ý hay không đồng ý, hoặc phiếu đánh dấu vào cả hai cột “Đồng ý” và “Không đồng ý” đối với phiếu bầu có cột “Đồng ý” và “Không đồng ý”.

 - Phiếu bầu thiếu so với số lượng đã được đại hội, hội nghị quyết định vẫn là phiếu hợp lệ.

5- Về điều kiện trúng cử

- Kết quả bầu cử được tính là số phiếu bầu đồng ý hợp lệ trên tổng số phiếu phát ra tại đại hội, hội nghị.

- Người trúng cử là người có số phiếu đồng ý hợp lệ đạt trên một phần hai tổng số phiếu phát ra tại đại hội, hội nghị.

    6- Những trường hợp khác

    - Trường hợp bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng đã quyết định bầu, thì việc có tiếp tục bầu nữa hay không do đại hội, hội nghị quyết định.

    - Nếu đại hội, hội nghị tiến hành bầu lần thứ 2 mà vẫn thiếu số lượng định bầu thì không tiến hành bầu tiếp nữa. Nếu là bầu các chức danh chủ chốt của Đoàn thì báo cáo với cấp ủy và đoàn cấp trên trực tiếp quyết định. Nếu là bầu đại biểu đi dự đại hội đoàn cấp trên thì báo cáo để ban chấp hành cấp triệu tập đại hội quyết định.

- Bầu đại biểu dự đại hội đại biểu đoàn cấp trên phải bầu đại biểu dự khuyết. Số lượng đại biểu dự khuyết do đại hội, hội nghị quyết định. Không lấy những người không được quá nửa số phiếu bầu trong danh sách bầu đại biểu chính thức làm đại biểu dự khuyết. Bầu đại biểu chính thức trước, bầu đại biểu dự khuyết sau.

    II- VIỆC TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP

    1- Về đại biểu đại hội.

    a) Số lượng đại biểu:

    Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội xem xét quyết định số lượng đại biểu phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

    b) Thành phần đại biểu:

    - Ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên (kể cả kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể). Ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội ở đơn vị nào là đại biểu chính thức của đoàn đại biểu đơn vị đó.

    - Đại biểu do đại hội, hội nghị đại biểu cấp dưới bầu lên theo phân bổ số lượng của ban chấp hành cấp triệu tập đại hội. Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội phân bổ số lượng đại biểu đại hội theo những căn cứ chủ yếu sau:

    + Số lượng đoàn viên.

    + Số lượng tổ chức trực thuộc cấp đó.

    + Tính đặc thù, những đặc điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...

    - Đại biểu chỉ định: Chỉ chỉ định những trường hợp cần thiết và phải bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu. Không chỉ định những người đã bầu cử ở cấp dưới không trúng cử chính thức hoặc dự khuyết làm đại biểu của đại hội. Đại biểu được chỉ định không quá 5% số lượng đại biểu đại hội. Đại biểu chỉ định là thành viên của các đoàn đại biểu nơi đại biểu đó công tác.

    - Khi đại biểu chính thức (trừ ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập đại hội) không đến đại hội được thì đại biểu dự khuyết thay, việc lấy đại biểu dự khuyết theo thứ tự số phiếu từ cao xuống thấp.

    Trường hợp đã thay thế hết số đại biểu dự khuyết thì ban chấp hành cấp triệu tập đại hội xem xét, quyết định chỉ định bổ sung theo đề nghị của ban thường vụ đoàn cấp dưới.

    2- Về xây dựng ban chấp hành khóa mới:

    a) Xây dựng ban chấp hành bảo đảm 5 yêu cầu cơ bản sau:

    - Đảm bảo tiêu chuẩn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quy định.

    - Đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

    - Đảm bảo tính thiết thực.

    - Đảm bảo tính kế thừa.

    - Đảm bảo độ tuổi bình quân.

    b) Cơ cấu ban chấp hành: Cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm, chủ chốt các cấp; đoàn viên tiêu biểu có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

    - Coi trọng cán bộ trưởng thành từ phong trào thanh niên. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, thành phần dân tộc, cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội,...

    - Trong dự kiến cơ cấu ban chấp hành cần dự kiến cả nhiệm vụ sẽ được phân công sau đại hội.

    c) Số lượng ủy viên ban chấp hành đoàn các cấp:

    - Chi đoàn:

    + Có dưới 9 đoàn viên: Có bí thư, nếu cần thiết thì có thể có 01 phó bí thư.

    + Có từ 9 đoàn viên trở lên: Ban chấp hành có từ 3 đến 5 ủy viên, trong đó có bí thư và phó bí thư.

    - Đoàn cơ sở: Ban chấp hành có từ 5 đến 15 ủy viên. Nếu ban chấp hành có dưới 9 ủy viên thì có bí thư và 01 phó bí thư; có từ 9 ủy viên trở lên thì bầu ban thường vụ gồm bí thư, phó bí thư và các ủy viên ban thường vụ; trường hợp cần thiết, sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của cấp ủy đảng cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp ban chấp hành có thể bầu 2 phó bí thư.

    - Đoàn cấp huyện: Ban chấp hành có từ 15 đến 33 ủy viên; ban thường vụ có từ 5 đến 11 ủy viên. Trong ban thường vụ có bí thư và từ 1 đến 2 phó bí thư, trường hợp đặc biệt có thể có 3 phó bí thư do ban chấp hành quyết định sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của cấp ủy đảng cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp.

    - Đoàn cấp tỉnh: Ban chấp hành có từ 21 đến 45 ủy viên; ban thường vụ có từ 7 đến 15 ủy viên và không quá 3 phó bí thư.

    + Tỉnh đoàn Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Nghệ An được phép bầu không quá 55 ủy viên ban chấp hành, 17 ủy viên ban thường vụ và 4 phó bí thư. Thành đoàn Hà Nội, Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh được phép bầu không quá 61 ủy viên ban chấp hành, 19 ủy viên ban thường vụ và 4 phó bí thư.

    + Trường hợp đặc biệt do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quyết định.

    3- Về kéo dài hoặc rút ngắn thời gian nhiệm kỳ đại hội

- Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ đại hội đoàn cấp tỉnh khi cần.

- Ban thường vụ đoàn cấp tỉnh được quyết định kéo dài, rút ngắn nhiệm kỳ đại hội đoàn cấp huyện và cấp cơ sở để phù hợp với nhiệm kỳ chung nhưng không quá nửa nhiệm kỳ của cấp đó.

- Đối với tổ chức Đoàn mới thành lập: Ban thường vụ (ở nơi không có ban thường vụ thì ban chấp hành) đoàn cấp trên trực tiếp có quyền quyết định điều chỉnh thời gian nhiệm kỳ đại hội lần thứ nhất để phù hợp với thời gian nhiệm kỳ đại hội đoàn cấp trên sau khi thống nhất với cấp ủy cùng cấp (trừ những nơi không có tổ chức Đảng).

    III - VỀ HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU

    1- Số lượng đại biểu:

    Không nhiều hơn số lượng đại biểu của đại hội nhiệm kỳ. Việc phân bổ số lượng đại biểu của hội nghị đại biểu như căn cứ phân bổ số lượng đại biểu đại hội đoàn.

    2- Thành phần đại biểu của hội nghị đại biểu:

    a) Ủy viên ban chấp hành cấp triệu tập hội nghị không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên (kể cả kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể).

    b) Các đại biểu do ban chấp hành cấp dưới cử lên gồm:

    + Cán bộ chủ chốt của ban chấp hành cấp dưới.

    + Một số cán bộ đoàn chuyên trách, không chuyên trách.

    + Đoàn viên tiêu biểu.

    Danh sách đại biểu dự hội nghị đại biểu cấp trên do ban chấp hành cấp dưới thảo luận, thống nhất đề nghị; ban chấp hành cấp triệu tập hội nghị quyết định chuẩn y và triệu tập.

  

     IV- CHO RÚT TÊN, XÓA TÊN, THÔI GIỮ CHỨC VỤ VÀ BỔ SUNG ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, PHÓ BÍ THƯ, BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN CÁC CẤP

    Việc này áp dụng với cả ủy viên ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra các cấp.

    1- Việc cho rút tên, xóa tên, thôi giữ chức vụ

    - Ủy viên ban chấp hành chuyển khỏi công tác đoàn thì thôi tham gia ban chấp hành và cho rút tên trong kỳ họp ban chấp hành gần nhất. Trường hợp đặc biệt do ban chấp hành xem xét quyết định.

    - Đối với các chức danh bí thư, phó bí thư đoàn các cấp trước khi cho rút tên khỏi danh sách ban chấp hành phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy đảng (ở nơi có cấp ủy đảng) và đoàn cấp trên trực tiếp.

    - Nếu rút tên hoặc xóa tên trong ban chấp hành thì không còn là ủy viên ban thường vụ và không còn giữ chức vụ bí thư, phó bí thư (nếu có). Nếu chỉ rút tên trong ban thường vụ thì không còn giữ chức vụ bí thư, phó bí thư (nếu có) nhưng vẫn còn là ủy viên ban chấp hành. Nếu chỉ thôi giữ chức vụ bí thư, phó bí thư thì vẫn còn là ủy viên ban thường vụ.

    2- Việc bổ sung, kiện toàn

    Chỉ bổ sung ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư khi khuyết các chức danh đó. Sau khi bầu bổ sung thì gửi văn bản đề nghị, biên bản bầu cử, biên bản họp ban chấp hành và lý lịch trích ngang của người được bầu lên đoàn cấp trên xét quyết định công nhận trong thời hạn không quá 15 ngày.

    a) Bổ sung ủy viên ban chấp hành từ cấp tỉnh trở xuống:

    Số lượng bổ sung trong cả nhiệm kỳ không quá số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định. Việc bổ sung ủy viên ban chấp hành vượt quá phạm vi số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định thì phải tổ chức hội nghị đại biểu để bầu cử.

    b- Bổ sung ủy viên ban thường vụ:

    Ban chấp hành bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ trong số các ủy viên ban chấp hành.

    c) Kiện toàn bí thư, bổ sung phó bí thư

    Ban chấp hành bầu bí thư, phó bí thư trong số các ủy viên ban thường vụ. Trước khi tiến hành bầu phải được sự thống nhất của cấp ủy cùng cấp và đoàn cấp trên trực tiếp.

    d) Bổ sung người chưa là ủy viên ban chấp hành vào ban thường vụ, phó bí thư, bí thư của cấp đó:

    - Ban chấp hành tiến hành bầu bổ sung người đó vào ban chấp hành sau đó bầu vào ban thường vụ, bầu bí thư, phó bí thư.

    - Trong cùng một cuộc họp, người vừa được bầu bổ sung vào ban chấp hành chưa có quyền bầu cử tại cuộc họp đó.

    e- Trường hợp cần thiết, đoàn cấp trên trực tiếp có quyền:

    - Chỉ định người vào ban chấp hành, ban thường vụ và giữ các chức danh theo đề nghị của ban chấp hành đoàn cấp dưới (nếu cấp ủy cùng cấp thống nhất).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây