NextUpcoming Event

100 NĂM CHUYẾN NGỰ GIÁ BẮC TUẦN BẰNG XE LỬA CỦA VUA KHẢI ĐỊNH (1918-2018)

Thứ tư - 07/03/2018 09:35
Bài viết này được tóm lược từ biên khảo của tác giả Võ Hương An trong cuốn sách Vua Khải Định hình ảnh & sự kiện (1916-1925), Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2016.
Bìa sách Vua Khải Định

Năm 1918, vào tuổi 33, vua Khải Định đã đi kinh lý miền Bắc Việt Nam trong khoảng thời gian từ 19/4/1918 đến 8/5/1918. Chuyến kinh lý đặc biệt này vào thời kỳ đó được gọi là Ngự giá Bắc tuần và rất nhiều lộ trình nhà vua đi bằng xe lửa.

Lên làm vua vào giữa tháng 5/1916, đến tháng 9/2016 vua Khải Định đã đi kinh lý Đà Nẵng, Quảng Nam.Năm 2017,nhà vua đã ngỏ ý đi kinh lý miền Bắc Việt Nam với Toàn quyền Albert Sarraut khi ông ta vào Huế dự lễ tế Nam Giao.Trước nhiệt tình muốn đi đó đi đây của vua, Sarraut đồng ý về nguyên tắc, nhưng hẹn trả lời sau. Đầu năm 1918, Toàn quyền Albert Sarraut gửi thư cho vua, thông báo rằng ông ta sẵn sàng đón tiếp vua và phái đoàn vào khoảng nửa sau của tháng tư năm ấy.

Ngày 29/3/1918, vua xuống chiếu nói về cuộc ngự giá bắc tuần, với mục đích trước là để bái yết lăng mộ tổ tiên tại Gia Miêu ngoại trang (thường gọi là Quý hương) thuộc huyện Tống Sơn (thường gọi là Quý huyện) ở Thanh Hóa, nơi phát tích của nhà Nguyễn ; sau là thăm người dân cho biết sự tình và mục kích tận mắt những đổi thay của đất nước.

Nội dung chiếu của nhà vua ấn định rõ ngày lên đường, miễn cho dân cho các phủ huyện việc đón rước và đặt bàn hương án bái vọng khi vua đi qua để cho dân yên ổn làm ăn. Về chi phí thì trích từ quỹ dự trữ của Nam triều để tránh tốn kém. Phái đoàn tháp tùng chuyến đi này được lựa chọn đủ thành phần nhưng tinh gọn, tổng cộng chỉ trên 20 người; trong đó có: Viện trưởng Viện Cơ mật kiêm Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt, Thống chế Lê Văn Bá, Tham tri Bộ Lễ Bửu Thạch, Chưởng vệ Nguyễn Hữu Tiễn, Tham tá Nội các Phạm Hoan, Ngự tiền Văn phòng kiêm thông ngôn Hường Đề, Lang trung Ty Cẩn tín Ưng Bàng. Ngoài ra, quan lại tùy tùng còn có 2 ngự y, 8 thị vệ, 2 quan Nội các và 1 nhân viên Viện Cơ mật.

Để so sánh, chúng ta hãy nhớ lại chuyến ngự giá Bắc tuần năm 1822 của vua Minh Mạng có tới 1.782 quan văn võ lớn nhỏ và 5.150 lính hộ vệ - Lúc đó ta chưa bị Pháp đô hộ và chưa có hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ như năm 1918.

Hành trình từ Huế ra Hà Nội
Ngày 15/4/1018, vua cho cấp phát áo mới cho các quan trong phái đoàn.

Vào 12 giờ 30 phút ngày 19/4/1918, chuyến xe lửa đặc biệt khởi hành từ ga Huế đưa vua Khải Định và phái đoàn ra Bắc. Cùng lúc, trước Kỳ đài, 9 phát ống lệnh nổ vang kinh thành báo hiệu chuyến ngự giá Bắc tuần bắt đầu.Tiễn đưa vua hôm đó tại ga Huế có một số người Pháp, các quan của triều đình Huế và tỉnh Thừa Thiên, học sinh các trường và rất đông dân chúng.

Đoàn tàu tạm dừng bánh tại ga Quảng Trị trong ít phút để Công sứ và Tuần vũ Quảng Trị lên tàu chào vua và tiễn đưa phái đoàn ra Đông Hà. Bấy giờ, đường sắt Huế-Hà Nội còn một đoạn giữa Đông Hà và Vinh làm chưa xong, vì vậy phái đoàn xuống tàu ở Đông Hà, lên 8 chiếc xe hơi để đi bằng đường bộ đến Đồng Hới.

Tại những nơi chưa có cầu, người ta kết đò rồi lót ván, làm thành cầu nổi cho đoàn xe đi qua. Mặc dầu vua đã có chiếu chỉ miễn việc đón chào cho các địa phương có vua đi qua, nhưng dọc đường người ta vẫn bày hương án với cờ lọng, và hương chức khăn đóng, áo rộng chỉnh tề, cùng dân chúng trực sẵn bên đường, bái vọng khi xe vua đi qua. Cái khác biệt so với đón nguyên thủ quốc gia ngày nay là hồi ấy, người ta nôn nóng chờ vua tới, nhưng khi thấy xe vua ngang qua thì mọi người lại im lặng, kính cẩn vòng tay cúi đầu, chứ không vẫy tay hoan hô ầm ĩ, vì làm thế là bất kính.

Những nơi vua chính thức dừng lại là Đồng Hới (19/4/1918), Hà Tĩnh (20/4), Vinh (22/4), Thanh Hóa (23/4). Nơi nào vua cũng được đón tiếp long trọng với đầy đủ lễ nghi quân cách, nghĩa là có 21 phát đại bác chào mừng, có quân lính đón chào, có đầy đủ giới chức Việt và Pháp trong tỉnh cùng học sinh các trường nghênh đón. Phái đoàn thường đến các tỉnh vào buổi chiều, dự dạ tiệc chiêu đãi ngay tối hôm đó, và sáng hôm sau là lễ lạy mừng của tất cả quan lại trong tỉnh, diễn ra tại hành cung, theo nghi thức đại triều, nghĩa là vua và hết thảy quan lại đều mặc triều phục, và các quan lạy vua 5 lạy.

Từ Nghệ An ra Thanh hóa, phái đoàn đi xe lửa. Vào địa phận Thanh Hóa, các nhà ga đều có bày hương án với cờ xí rực rỡ và đốt pháo chào mừng khi “xa giá” đi qua, trong khi các thân hào khăn áo nghiêm chỉnh quỳ lạy trên sân ga. Vua phải cho tàu chạy chậm để chào đáp lễ. Cuộc đón tiếp tại Thanh Hóa được xem là long trọng và rầm rộ. Ngoài sự có mặt của tất cả giới chức Tây, ta trong tỉnh, còn có chừng ba chục ngàn dân tụ tập đón mừng. Tại đây, vua không tạm trú ở Dinh Công sứ, vì hành cung đã được chuẩn bị đẹp đẽ và tiện nghi như điện Càn Thành ở Huế, để vua thấy thoải mái như ở nhà. Hôm sau, ngày 24/4/1918, vua dành trọn một ngày để viếng lăng Trường Nguyên (lăng của Nguyễn Kim, được truy tôn làm Triệu tổ Tĩnh hoàng đế của nhà Nguyễn) tại núi Triệu Tường, thuộc Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn và làm lễ tế tại Nguyên miếu; sau đó đi viếng đền Phố Cát, nơi thờ công chúa Liễu Hạnh, vốn nổi tiếng linh thiêng, giống như điện Hòn Chén thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na ở Huế.  

Ngày 25/4/1918, vua cho các quan trong tỉnh làm lễ lạy mừng tại hành cung, sau đó đi thăm các cơ sở trong tỉnh như trường học, bệnh viện, trại lính, cơ sở từ thiện, lò gốm Nguyễn Văn Được, nhà máy diêm Hàm Rồng.

Đến 13 giờ 26/4, vua lên xe lửa ra Hà Nội. tàu tạm dừng ở ga Đồng Giao – ranh giới giữa Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ và Ninh Bình thuộc Bắc Kỳ. Ở đây, tỉnh Ninh Bình đã dựng một khải hoàn môn thật lớn để đón tiếp vua. Thanh tra Conrandy, đại diện Thống sứ Bắc Kỳ từ Hà Nội vào, cùng Công sứ, Tuần vũ Ninh Bình và các quan lại, lính tráng, dân chúng túc trực để chào mừng vua ngay tại sân ga.

 
Ga Nam Định 1918

Sau phần lễ nghi, phái đoàn lại lên tàu tiếp tục hành trình.Tàu đi qua các ga Nam Định, Phủ Lý, Đỗ Xá đều được quan lại địa phương đến chào mừng, nhưng không dừng lại lâu.Vào 17 giờ chiều 26/4/1918 tàu tới ga Hà Nội.

Đón vua Khải Định tại Hà Nội

Tại sân ga Hà Nội, các viên chức người Pháp và quan lại Việt nam sắp hàng sau lưng Toàn quyền Albert Sarraut sẵn sàng nghênh đón khi vua bước xuống tàu. Vua được đưa vào phòng khách danh dự ở ga. Đốc lý Hà Nội, Jabouille đọc diễn văn chào mừng. Sau đó, phái đoàn lên xe về Phủ Toàn quyền, nơi đây diễn ra cuộc tiếp đón chính thức của Toàn quyền Đông Dương. Vua tạm trú ở ngay trong phủ.

Từ 27/4 đến sáng 30/4/1918, lịch trình của vua Khải Định dày đặc các cuộc viếng thăm, tiếp xúc. Sáng 27/4, tại Phủ Toàn quyền, các quan đến làm lễ lạy mừng vua; sau đó vua đi thăm và đặt vòng hoa tại tượng đài cựu Toàn quyền Paul Bert, đi thăm bệnh viện bản xứ. Chiều 27/4, vua đi thăm Trường Thuốc, nơi đào tạo y sĩ , rồi đến thăm Trường Trung học bảo hộ (trường Bưởi); thăm nhà máy thuốc lá. Tối đến là dạ tiệc do Phủ Toàn quyền tổ chức, xem chiếu phim, có quay cảnh lăng tẩm ở Huế và lễ tế Nam Giao 1917. Ngày 28/4, vua đi thăm Bảo tàng Thương mại, dự lễ khánh thành Đại học Đông Dương, thăm Văn Miếu, dự Hội chợ từ thiện. Ngày 29/4, vua dự lễ duyệt binh cùng Toàn quyền và Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương; sau đó vua đi thăm tỉnh Sơn Tây, thăm đồn điền cà phê của Borel dưới chân núi Ba Vì. Sáng 30/4, vua đi thăm pháp đình Đông Dương, trường trung học Paul Bert và bệnh viện Mắt, thăm tòa báo và nhà in Viễn Đông.

Vua đi thăm Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn
Chiều 30/4, vua Khải Định lại lên xe lửa đi thăm Lạng Sơn cùng Toàn quyền và Thống sứ. Đến ga Gia Lâm thì phái đoàn xuống tàu đi ô tô đến Bắc Ninh rồi đi tiếp đến Phủ Lạng Thương (Bắc Giang). Tại Phủ Lạng Thương, việc đón tiếp vua rầm rộ không kém ở Bắc Ninh. Con đường chính của tỉnh lỵ đầy cổng chào, hương án và cờ lọng. Các cổng chào tuy làm bằng vật liệu thông thường của địa phương như tre, lá cọ, lá thiên tuế, hoa .v.v..nhưng được trình bày rất nghệ thuật, rất sáng tạo, khiến các phóng viên ghi nhận và khen ngợi. Dân chúng chật ních hai bên đường nhưng đón chào trong sự lặng lẽ, kính cẩn. Sau nghi lễ chào mừng của chính quyền địa phương tại dinh Công sứ, phái đoàn lên tàu tiếp tục hành trình đến Lạng Sơn. Dọc tuyến đường sắt Phủ Lạng Thương - Lạng Sơn, tàu chạy chậm lại khi qua các ga vì ga nào cũng có hương án, đốt pháo mừng và hương lý quỳ lạy trên sân ga. Đặc biệt, tàu đã dừng ở ga Bắc Lệ để nhận sự lạy mừng tung hô “vạn tuế” của các tù trưởng người Thổ, dưới sự hướng dẫn của Tri châu.

 
Ga Phủ LạngThg 1
Ga Bắc Lệ

Sáng 1/5, phái đoàn lên xe hơi đi thăm pháo đài trấn thủ biên giới, thăm đồn Đông Đăng và hang Kỳ Lừa, động Nhị Thanh, Tam Thanh. Phái đoàn trở về Hà Nội bằng xe lửa. Tàu cũng đều chạy chậm khi qua các ga để đáp lễ các kỳ lão chầu chực sẵn trên sân ga lạy chào tiễn đưa.

Chuyến đi thăm Hải Phòng, Quảng Ninh
Ngày 2/5/1918, vua cùng Thống sứ Bắc Kỳ Bouvier St-Chafray lên xe lửa đi thăm Hải Phòng. Trên đường, đoàn dừng lại ở ga Hải Dương dự cuộc đón tiếp trọng thể của tỉnh rồi đi tiếp tục đi Hải Phòng.Tại sân ga Hải Phòng, Đốc lý Maspéro cùng các quan chức chờ sẵn để đón phái đoàn, đưa về tòa Đốc lý dự lễ đón tiếp.Phái đoàn đã đi thăm cảng Hải Phòng, thăm bãi biển Đồ Sơn, thăm nhà máy cơ khí Robert.Đêm 2/5, tất cả xuống xà lúp đi Quảng Yên. Sáng 3/5, phái đoàn đi thăm vịnh Hạ Long, thăm khu mỏ than Cẩm Phả; đến chiều 3/5, vua trở lại Hải Phòng và lên ngay chuyến xe lửa đặc biệt để về Hà Nội trong đêm hôm đó.
Ga Hải Phòng xưa 1

Vua trở lại Hà Nội và trở về Huế
Ngày 5/5/1918, Toàn quyền Sarraut lại đưa vua Khải Định đi thăm Thư viện và Viện Bảo tàng của trường Viễn đông Bác Cổ (L’Ecole Française d’Extrême-Orient) và Phòng Thương mại.


Ngày 6/5/1918, vua chính thức rời Hà Nội.Lễ tiễn đưa diễn ra long trọng ở nhà ga. Toàn quyền, Thống sứ Bắc Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ Charles (mới ra sau) đều lên tàu với nhà vua.Tàu đã dừng ở ga Phủ Lý nhận sự đón tiếp trọng thể của địa phương.Ở đây, nhân danh Chính phủ Pháp, Toàn quyền tặng vua Bắc Đẩu bội tinh.Sau đó, vua đi thăm thành phố, bệnh viện, nhà máy sợi và nhà máy dệt Nam Định.

Sáng 7/5/1918, vua và Khâm sứ lên tàu tại ga Nam Định đi về Huế, còn Toàn quyền và Thống sứ quay về Hà Nội. Chuyến tàu về đến ga Quảng Trị có hoàng tử Vĩnh Thụy ra đón. Chiều 8/5/1918, tại ga Huế đã long trọng diễn ra lễ đón vua cùng phái đoàn trở về của chính quyền Nam triều, bảy phát ống lệnh nổ trước Kỳ đài chào đón và báo hiệu chuyến ngự giá Bắc tuần mà vua Khải Định thường ao ước đã hoàn thành tốt đẹp./.
Tiễn vua Khải Định tại ga Nam Định

 

Tác giả bài viết: Khuất Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây