NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Thứ năm - 07/03/2013 15:47

Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1), làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng.

Trong văn kiện thành lập Đảng tháng 2 năm 1930, Bác Hồ đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội “thực hiện nam nữ bình quyền”. Điều đó chứng tỏ, ngay từ khi thành lập Đảng, vấn đề giải phóng phụ nữ đã được Bác Hồ và Đảng ta hết sức coi trọng, là một nội dung trong đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Nét đặc biệt là Người đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quyền của phụ nữ gắn liền quyền dân tộc độc lập, quyền dân tộc tự quyết. Đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc thì mới thực hiện được quyền bình đẳng của phụ nữ. Trên con đường đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, tình cảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc bị áp bức là nỗi đau trăn trở đối với Bác. Trong hàng loạt bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Lơ Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”(2). Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Vì vậy, chỉ khi nào đánh đuổi được bọn thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc, người phụ nữ mới được giải phóng.

(Ảnh tư liệu)

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày và khi đã là lãnh tụ cách mạng, Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích cho con người, trong đó phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Đó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Người, nội dung cơ bản là huy động phụ nữ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới. Muốn làm được điều đó, “phụ nữ cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”(3).

Giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị. Bởi vì nước mất, nhà tan, phụ nữ là người bị đọa đày đau khổ nhất. Dân tộc được giải phóng thì phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật. Theo Bác, muốn giải phóng phụ nữ một cách triệt để thì phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập… Phụ nữ phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng CNXH”(4) .

Hai là, giải phóng về xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội. Đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân gia đình. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò của mình trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Người chỉ rõ: Công bằng cho phụ nữ là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tuỳ theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khoẻ. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Ba là, giải phóng tâm lý tự ty, đầu óc phụ thuộc bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Bác nhắc nhở phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Muốn vậy phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ty, ngồi chờ Chính phủ giải phóng cho mình. Người khẳng định: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”(5).

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên khắp cả nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống xâm lược Pháp và Mỹ, hàng triệu phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn, hàng nghìn anh hùng, liệt sĩ là nữ mà tên tuổi của họ còn ghi mãi trong sử vàng dân tộc. Trong bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”(6).

Trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước hiện nay, phụ nữ Việt Nam luôn vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, thiên nhiên và gia đình, bản thân. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y tế, xây dựng gia đình văn hóa mới đều có và ngày càng nhiều phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới. Vị thế và vai trò người phụ nữ ngày càng nâng cao. Trong gần 20 năm qua, liên tục có phó chủ tịch nước là nữ. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng luôn có nữ là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và nhiều ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng; tỷ lệ nữ trong quốc hội chiếm 25%... Trong phát triển kinh tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 50% trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước chỉ dành cho nam giới. Ở lĩnh vực khoa học, công nghệ phụ nữ tham gia tới gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Đặc biệt trong giáo dục, đào tạo và y tế, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ lớn và nhiều người có trình độ cao...

Trong những năm qua, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ luôn được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Quan điểm của Người ngời sáng niềm tin vào tinh thần yêu nước và khả năng lao động sáng tạo của phụ nữ. Người đã khởi động, xây dựng, phát huy phong trào phụ nữ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.
----------------------------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 204
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, Tr.96
(3). Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 37
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 294-296
(5). Hồ Chí Minh toàn tập, t.11, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 97
(6). Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 148, 149

Tác giả bài viết: Trương Thị Hoài

Nguồn tin: Tạp chí xây dựng Đảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây