Học tập và làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh

Thứ ba - 24/12/2013 11:04

Học tập và làm theo phong cách nêu gương Hồ Chí Minh

(TG) - Theo giới nghiên cứu Việt Nam, cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã thực hành trọn vẹn năm điều cao cả, lớn lao: Thực hành lý luận; thực hành dân chủ; thực hành dân vận; thực hành đại đoàn kết và thực hành đạo đức.

Hồ Chí Minh rất trân trọng, quý mến và đề cao đạo lý làm gương của dân tộc Việt Nam và các dân tộc phương Đông. Là cư dân điển hình của văn hóa trồng lúa nước, người dân Việt Nam, nhất là nông dân, chú trọng thực tiễn, hành động, việc làm, tôn thờ những tấm gương nghĩa liệt, những con người có thật đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực, xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. 

Những tấm gương cao cả đó thời nào cũng có, làm thành một dòng chảy liền mạch, không bao giờ gián đoạn, đứt gãy trong lịch sử nước ta, xây đắp nên vốn văn hóa để dân tộc này “vạn thuở vững âu vàng”. Trong nhiều bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường lấy những ví dụ điển hình trong lịch sử để giáo dục cán bộ, đảng viên về truyền thống dám xả thân vì nghĩa lớn, coi việc học tập tấm gương sáng của hiền nhân là sứ mạng và trách nhiệm thiêng liêng. Người đã đúc kết thành một triết lý nhân sinh hành động, khơi gợi lương tri và bản lĩnh làm người theo đúng đạo lý sống của mỗi người Việt Nam yêu nước:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nói là làm, bản thân Hồ Chí Minh đã thực hành triệt để đạo làm gương của dân tộc Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm.

Trước hết, cần nêu gương trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình, phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng; không dối trá, lừa lọc, đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc "dĩ công vi thượng" (để việc công lên trên, lên trước việc tư).

Sinh thời, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, đứng trước nạn đói đang đến gần, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt "giặc đói" bằng một hành động cụ thể, mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói. Người đã nói những lời chân tình và cảm động: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(1) và chính Người đã làm gương thực hiện trước. Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống "thương người như thể thương thân" của dân tộc, nâng lên thành triết lý hành động cách mạng vì dân, vì nước trong mỗi con người.

Thực hành đạo làm gương ở Hồ Chí Minh làm nên chuỗi giá trị mang tính nhất quán. Khuyên nhân dân rèn luyện thân thể để có sức khỏe kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì bản thân Người ngày nào cũng tập thể dục; phát động Tết trồng cây, Người tiên phong đi đầu, trồng cây nào sống cây đó; khuyên thanh niên tự học, bởi Người đã là một tấm gương tự học suốt đời trong trường đời đấu tranh cách mạng. Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động của một lãnh tụ biết lắng nghe tiếng nói của nhân dân, nghiêm khắc với bản thân nhưng lại độ lượng hết mực với đồng chí, đồng bào, nhất là trong phê bình người khác, bao giờ Người cũng thấu tình đạt lý, biết trân trọng sĩ diện, nhân cách người khác, giúp người ta tự tin biết sống và dám sống sau mỗi lần phạm sai lầm, khuyết điểm…

Thực hành nói đi đôi với làm là điều nói dễ, làm khó. Hồ Chí Minh đã chỉ ra một thực tế là có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng lại bị vật chất cám dỗ mà phạm vào tham ô, lãng phí, bị bắn chết bởi “đạn bọc đường”, hại đến Tổ quốc, nhân dân, làm mất uy danh của Đảng. Bởi vậy, mọi cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, phải bằng hành động của mình làm gương cho quần chúng noi theo. Nếu họ lợi dụng chức, quyền để làm lợi cho cá nhân, làm hại đến Tổ quốc và sự nghiệp cách mạng, thì phải có hình thức kỷ luật thích đáng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, vụ án đại tá Trần Dụ Châu là điển hình cho sự nghiêm minh về kỷ luật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một cán bộ quân đội, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, nhưng Trần Dụ Châu đã tha hóa, biến chất, làm tổn hại đến thanh danh của Đảng, của Quân đội, bởi vậy, Người đã chuẩn y mức án tử hình đối với bị cáo. Sau này, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, vụ án Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng cũng được Người xử lý nghiêm minh theo tinh thần “thà đau đớn chặt đứt một cành sâu để cho cây xanh tốt”. Trên thực tế, Hồ chí Minh đã giữ đúng cán cân công lý của luật pháp, thực hành một loại pháp quyền nhân nghĩa đặc trưng có một không hai-Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh.

Thứ hai, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức mẫu mực cho mọi người học tập và noi theo. Ở Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Khi địa vị càng cao, uy tín càng lớn, Hồ Chí Minh càng ra sức tự hoàn thiện, trở thành tấm gương đạo đức trọn vẹn. Hồ Chí Minh cho rằng: "Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" (2). Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Hồ Chí Minh từng dạy: "Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân.  Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công"(3). Hồ Chí Minh cho rằng, con người nói chung, đặc biệt là người phương Đông, coi trọng thực tiễn hơn lý thuyết. Chính vì thế, Người nhắc nhở đảng viên: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước" (4). Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Thứ ba, để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người chủ trương: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới" (5). Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

Hồ Chí Minh thấy được một triết lý sâu xa rằng, cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc đều do mồ hôi, nước mắt của dân mà ra, nên chúng ta phải đền bù xứng đáng cho dân. Cán bộ, đảng viên phải xông xáo, nhiệt tình, sâu sát nhân dân, gương mẫu và dám chịu trách nhiệm trước dân cả về lời nói và việc làm; phải luôn quyết tâm, bền bỉ, chịu đựng gian khổ, quan tâm và tìm mọi cách giải quyết kịp thời, hiệu quả những nhu cầu mà dân đặt ra, kể cả chấp nhận sự hy sinh để bảo vệ dân, phấn đấu vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, người lãnh tụ kính yêu của cách mạng Việt Nam, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, người mà cả cuộc đời là một tấm gương lớn cho các thế hệ con cháu mãi mãi noi theo.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc tự mình làm gương, mà luôn quan tâm đến việc nêu nhiều tấm gương người tốt, việc tốt để đảng viên và quần chúng noi theo. Người luôn theo dõi những điển hình tiên tiến được phản ánh trên các báo, cả báo Trung ương, địa phương, các ngành, Bản tin Việt Nam Thông tấn xã để tổng hợp và tìm cách nhân rộng. Theo thống kê, từ tháng 2-1956 đến tháng 12-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem và đánh dấu hơn hai nghìn bài viết về người tốt, việc tốt trên các báo và có bút tích thưởng Huy hiệu; được cắt ra và đóng lại thành 20 tập. Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với đồng chí Hà Huy Giáp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa tuyển chọn những gương tiêu biểu để xuất bản thành sách Người tốt, việc tốt. Trong Lời giới thiệu cuốn sách, Người viết: Nêu gương “những người bình thường hằng ngày có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, ai ai cũng có thể làm theo”. Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, các nhà xuất bản trên cả nước, tùy theo đối tượng và mục đích của mình tiếp tục cho ra loại sách đó với những tên gọi khác nhau. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản loại sách “Vì nước, vì dân”, nhằm tiếp tục tôn vinh những người tốt, việc tốt; qua đó, thực hiện một nguyên tắc quan trọng trong thực hành đạo đức là xây đi đôi, đi trước chống. Nghĩa là, phải tạo dựng một mẫu hình con người mới: vừa hồng, vừa chuyên, để đối lập và đi đến triệt tiêu những con người lấy chủ nghĩa cá nhân làm phương tiện và cứu cánh của cuộc sống (6).

Xây dựng đạo đức cách mạng, chống những biểu hiện phi đạo đức trong ứng xử đạo đức lấy cái thiện làm trung tâm, là một quá trình phấn đấu bền bỉ không có điểm kết thúc trong đời sống của mỗi con người, của một xã hội. Ở đâu và lúc nào không quan tâm đến thực hành đạo đức, thì ở đó, lúc đó, cái ác sẽ lấn át cái thiện và muốn trở về cái thiện đòi hỏi một quá trình lâu dài, phức tạp khó khăn hơn bội phần. Hiểu rõ tầm quan trọng của đạo đức trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, Đảng ta đã chủ trương tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; coi đó như việc làm thường xuyên, chế độ công tác và sinh hoạt Đảng. Chủ trương này đã từng bước đi vào cuộc sống, làm chuyển biến một bước về nhận thức và thực hành đạo đức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc làm này chưa đủ sức ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên, đặc biệt, những đảng viên có chức, có quyền, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Vì thế, mới đây Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp, để “tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh”; trong đó, yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải tự giác trong tự phê bình và phê bình, thực sự gương mẫu trong lời nói và việc làm, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh hơn… Hy vọng rằng, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, và mới đây là kết luận của Hội nghị lần thứ năm, lần thứ sáu, lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về quy hoạch cán bộ chiến lược, nhất định chúng ta sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội; mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đều thực hành làm gương và nêu gương, làm cho cái thiện được gieo mầm, nảy nở ngày càng nhiều sẽ lấn át cái ác, tham nhũng và lãng phí sẽ bị đẩy lùi, làm cho dân tộc Việt Nam xứng đáng là một dân tộc văn minh, đủ tư cách hội nhập trong đời sống mọi mặt của cộng đồng nhân loại./.

PGS.TS Phạm Ngọc Anh

-------------------------
(1) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 1995, t.4, tr.31; 150.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.263.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.552.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.558.
(6) PGS. TS. Phạm Xanh: Làm gương và nêu gương - Cốt lõi của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 10-2012.                     

Nguồn tin: Tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây