Người luôn căn dặn: Vai trò lãnh đạo của Đảng không
tự nhiên mà có, không phải cứ tự nhận mà được. Đó là kết quả của một quá
trình vận động của lịch sử, được thực tế chứng minh là hoàn toàn hợp
quy luật. Đảng sẽ không thể làm tròn nhiệm vụ, không thể đóng vai trò
lãnh đạo được nữa, nếu Đảng bị suy yếu. Người khẳng định: “Một dân
tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn
lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và
ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[1].
Vì vậy, việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn không chỉ là công việc thường
xuyên của bản thân Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu
tranh giành, giữ chính quyền, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm
lược mà trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước và hội nhập quốc tế càng đặt ra một cách quyết liệt, triệt để
hơn.
Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu về sự vận động của bản thân
Đảng trong quá trình biển đổi, phát triển của tình hình cách mạng và chỉ
rõ tất yếu khách quan của công tác phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tác phẩm phẩm
Sửa đổi lối làm việc năm 1947, Người đã chỉ ra một số cán bộ đảng viên
trở nên thoái hoá biến chất, vì thế nguy cơ xa dần, mất dần quần chúng
đã đến rất gần, xuất hiện căn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chuyên quyền…
đồng thời, Người cũng chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp để khắc phục những
căn bệnh nói trên.
Năm
1950, tại Việt Bắc, trong Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong,
Người nói: “... Tự phê bình và phê bình phải thật thà vạch khuyết điểm.
Có lỗi mà không vạch ra không khác gì người có bệnh mà không chịu khai
với thầy thuốc... Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các
cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước...”[2].
Cũng tại đây, thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức trắng đêm
trăn trở, suy nghĩ và đành hạ bút bác đơn xin ân xá khỏi án tử hình của
tử tù Trần Dụ Châu - người mà hơn một năm trước, Bác đã ký quyết định
phong quân hàm sĩ quan cao cấp quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chỉ hơn
một năm sau, con người này đã suy thoái đạo đức, làm ảnh hưởng đến
thanh danh và uy tín của Đảng, của quân đội. Quyết định của Người để làm
gương và củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tập
hợp sức mạnh của cả nước vào cuộc kháng chiến, không để “một con sâu”
như Trần Dụ Châu làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cán bộ, đảng viên.
Năm
1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn
gay go, quyết liệt, nhân nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán
bộ dân, chính, đảng các cơ quan trung ương Người nói: “Nếu Đảng đã thập
toàn thập mỹ thì tại sao lại phải chỉnh? Là vì có số đông đảng viên
gương mẫu, tận tâm tận lực phục vụ cách mạng, nhân dân, giai cấp, nhưng
còn một số, không phải là ít, không làm đúng chính sách của đảng, của
chính phủ, không đi đúng đường lối của nhân dân, còn yếu... Những đảng
viên ấy chưa thực sự đứng đắn cho nên phải chỉnh”.
Những
lời dạy của Bác về xây dựng Đảng và tấm gương đạo đức sáng ngời của
Người có sức lan toả sâu rộng, cảm hoá lòng người mạnh mẽ, là động lực
tinh thần giúp cán bộ đảng viên khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết một
lòng, tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ, đưa cuộc kháng chiến
“toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa và sức mình là chính đến thắng lợi
hoàn toàn bằng chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại các kỳ Đại hội, hội nghị, các
buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tự
đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, trước lúc đi xa, trong Di chúc
thiêng liêng để lại cho dân tộc Việt Nam, Người căn dặn “còn non, còn
nước còn người. Chiến thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”,
trong đó, Người đặc biệt bày tỏ mong muốn, sau khi cuộc chống Mỹ, cứu
nước của nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn, thì “việc cần
phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi
đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho
mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công
việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”[3].
Khắc sâu lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chung sức
đồng lòng, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng
hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối vào năm 1975.
Đại
hội VI của Đảng - mốc son đánh dấu khởi xướng đường lối đổi mới: Đổi
mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp
bách, đồng thời là việc thường xuyên, lâu dài, trong đó đặc biệt coi
trọng “đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi
mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”[4].
Bốn vấn đề này, các đại hội sau đã bổ sung khía cạnh này hay khía cạnh
khác, nhưng nhìn chung đều nói lên bản thân Đảng ta - với tư cách là
đảng cầm quyền - phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn!
Sự
nghiệp đổi mới của dân tộc ta bước đầu đạt được những kết quả nhất định
- cơ sở “sức đề kháng” để Đảng và dân tộc Việt Nam chống lại mọi ảnh
hưởng bất lợi, cản trở con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trước sự khủng
hoảng và sụp đổ của Liên xô, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, dân tộc ta vững vàng trên con đường đi lên CNXH, tiếp tục thực hiện
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 không chỉ đưa ra những nội
dung quan trọng về: mô hình xã hội XHCN ở Việt Nam; chính thức đưa vào
Văn kiện “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”… mà còn
chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về
chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh
đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”[5].
Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn không phải chỉ tiến hành một lần, trong
một thời gian ngắn là đủ. Vì vậy, Đại hội VIII của Đảng khẳng định:
“Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn... đây là một quy luật
phát triển của Đảng”[6].
Đại hội VII của Đảng đòi hỏi phải “khai trừ khỏi Đảng những đảng viên
thoái hoá, biến chất về chính trị và đạo đức, gây chia rẽ, bè phái, tham
ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng. Đưa ra khỏi Đảng bằng những hình thức
thích hợp những đảng viên không tha thiết với Đảng, giảm sút ý chí chiến
đấu”.
Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng cũng đã chỉ ra bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam:“Nguy
cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên
thế giới do điểm xuất phát thấp; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa
nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn
tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động diễn biến hoà
bình của các thế lực thù địch”[7].
Bốn nguy cơ này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đang trở thành
những thách thức hiển hiện trong thực tế và ngày càng trở nên bức thiết
đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và Đảng lãnh đạo nói riêng!
Trong
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác xây
dựng đảng chỉ rõ: “Vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy
tội”, “chạy bằng cấp”. Vậy chạy ai? Ai chạy? Đó là câu hỏi và là một vấn
đề nhức nhối trong Đảng! Công tác chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí
và các tiêu cực khác trong toàn xã hội và trong nội bộ Đảng chưa đạt
được hiệu quả cần thiết! Trước tình trạng đó, những lời dạy của Bác năm
xưa về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị, luôn được Đảng ta
đặt lên hàng đầu và được tiến hành đổi mới trên cả 3 mặt: Tư tưởng,
chính trị và tổ chức! Đại hội IX của Đảng khẳng định: phải coi xây dựng
Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là yếu tố quyết định
đến sự tồn tại và phát triển của Đảng ta, là nhân tố bảo đảm thắng lợi
của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tại Đại hội X, Đảng ta chỉ
rõ: Tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp
công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của Đảng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư
tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng
trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn
gắn bó với nhân dân. Cùng với thực hiện nghị quyết Đại hội X, Bộ Chính
trị ra Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 về tổ chức cuộc vận
động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Kết
quả sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém
phát triển, bộ mặt của đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay
đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế
và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… là thước đo
năng lực, uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại
hội XI của Đảng khẳng định: thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt
được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta
là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp
quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Song, bên
cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế,
yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm
kỳ chậm được khắc phục… Đại hội XI của Đảng chỉ ra “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”[8].
Từ “một bộ phận” đã lan ra “một bộ phận không nhỏ” như Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”
chỉ rõ: tình trạng ấy không chỉ ở “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng
viên mà “trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả
một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý
tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo
danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy
tiện, vô nguyên tắc…”[9].
Không chỉ nói thẳng, nói đúng, nói trúng sự thật, chỉ ra hạn chế, yếu
kém, Nghị quyết TW 4 còn đưa ra mục tiêu, phương châm, đặc biệt là một
số giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong quá
trình lãnh đạo của Đảng “nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối
với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XI) thể hiện quyết tâm của Đảng xây dựng một
đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiếp bước truyền thống vẻ vang lãnh
đạo hơn 83 năm qua vào thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhạp quốc tế
hôm nay. Đảng đã lãnh đạo dân tộc đánh thắng giặc ngoại xâm, đẩy lùi
giặc dốt và đói nghèo, nhất định sẽ đẩy lùi được những tiêu cực mà Bác
Hồ gọi là giặc “nội xâm”, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng, cùng dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như sinh thời Bác Hồ
hằng mong.
Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H.2002, tr.557-558. [2] t.6, tr.110. [3] Sđd, t.12, tr.503. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr.124.[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb CTQG, H.1991, tr.21.[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H.1998, tr.47.[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.53, tr.198. [8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, H.2011, tr.173.[9] Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTW ĐCSVN (khoá XI),Nxb CTQG, H.2012, tr.27-28.