Tuyên ngôn Độc lập và quyền dân tộc tự quyết
Thứ ba - 01/09/2015 17:26
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã rất sáng tạo khi phát triển, tiếp cận với quyền dân tộc từ quyền con người.
Ngày 2/9 năm nay, tròn 70 năm Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Điều đặc biệt trong Bản Tuyên ngôn này là việc Người đã rất sáng tạo khi phát triển, tiếp cận với quyền dân tộc từ quyền con người. Quyền dân tộc ở đây không chỉ là quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình mà còn là quyền tự quyết định, lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và con đường phát triển. Luận đề này đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu) |
Trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, song bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy rộng ra cụm từ “Tất cả mọi người” thành “Tất cả các dân tộc". Người nói: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Tài tình của Bác nằm trong ba chữ “suy rộng ra”, từ quyền lợi con người nói chung, Bác đã phát triển thành quyền lợi dân tộc cụ thể.
Đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với dân tộc Việt Nam trước thực tế Tổ quốc thường xuyên phải đối mặt với các thế lực xâm lược. PGS-TS Nguyễn Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Quyền con người theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập gắn bó chặt chẽ với quyền dân tộc, quyền tự quyết của dân tộc, quyền độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam. Chính vì sự tác động gắn bó biện chứng như thế cho nên Tuyên ngôn Độc lập đã nâng căn cứ pháp lý về quyền con người đó lên thành giá trị mang tính thời đại”.
Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Dân tộc Việt Nam được quyền tự quyết, trước hết là quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định, lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp. Thay mặt cho quốc dân, đồng bào, Người trịnh trọng tuyên bố: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.
Lời khẳng định thật đanh thép, thể hiện rõ quyết tâm của cả dân tộc sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, mất mát để bảo vệ thành quả quý giá nhất, lớn lao nhất vừa giành được. PGS.TS Phạm Xanh thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Độc lập là khát vọng của dân tộc Việt Nam, khát vọng ấy đi theo dân tộc ta từ cuộc kháng chiến chống Tống bên bờ sông Như Nguyệt. Điều này được thể hiện trong bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, chúng ta có "Bình Ngô đại cáo". Đến giữa thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên đọc trước đồng bào và nhân dân thế giới Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
PGS-TS Phạm Xanh nói: “Nói như vậy để khẳng định, độc lập, tự do và hạnh phúc của Việt Nam hội đủ 2 giá trị hết sức lớn: giá trị của thế giới và giá trị của Việt Nam. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thể hiện khát vọng Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của dân tộc chúng ta...”.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hưởng - Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng cho rằng, trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia, dân tộc ngày càng tùy thuộc lẫn nhau và quyền dân tộc, quyền độc lập tự do ngày càng được mở rộng. Mới đây, việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng như việc Mỹ đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự thừa nhận lẫn nhau cùng tồn tại trong một thế giới đa dạng.
“Điều đó cho thấy, các quốc gia dân tộc đều có quyền quyết định thể chế chính trị và lựa chọn con đường phát triển của mình trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay. Điều đó cũng cho thấy giá trị bền vững, giá trị to lớn trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hưởng nêu rõ.
Từ xa xưa, dân tộc ta sớm hình thành ý thức về độc lập, chủ quyền dân tộc, xem quyền lợi của dân tộc là tiền đề để thực hiện quyền lợi của mỗi cá nhân, từ đó đặt quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy. Tư tưởng này thấm đẫm trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời sự. Việc bảo vệ và thực hiện quyền con người không thể tách rời việc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Nước Việt Nam là của người Việt Nam. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, chung sống hoà bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi./.
Tác giả bài viết: ĐH
Nguồn tin: VOV.VN