NextUpcoming Event

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn ở Bình Định

Thứ tư - 25/11/2009 16:02
Bác Hồ đã từng nói “ Cán bộ là cái gốc của công việc”, mọi việc thành hay bại đều do cán bộ mà nên. Đối với công tác Đoàn cũng vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện. Từ thực tế và những quan điểm đó, công tác cán bộ Đoàn ở tỉnh Bình Định trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư đúng mức và có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể cho công tác Đoàn và phong trào TTN.

Hiện nay, tỉnh Bình Định có 11 huyện, thành Đoàn và 7 Đoàn tương đương; 159 xã, phường, thị trấn. Trong đó, 90 cán bộ chuyên trách cấp huyện; 159/159 cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn. Cán bộ Đoàn ở cơ sở có khoảng 70% hoạt động năng nổ, nhiệt tình, biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Đoàn vào công tác; biết huy động các nguồn lực để phục vụ cho hoạt động. Cán bộ chuyên trách huyện, thành Đoàn có 85% trình độ, chuyên môn cao đẳng, đại học, đa số được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác thanh niên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ (biên chế cán bộ Đoàn mỗi huyện từ 8-9 người, riêng thành phố Quy Nhơn là 12 người). Cán bộ chuyên trách cấp tỉnh (39 biên chế), hầu hết phát huy được vai trò của mình trong công tác, 90% có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, kỹ năng nghiệp vụ công tác thanh niên đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Xác định rõ công tác cán bộ là then chốt, trong đó vấn đề quy hoạch, đào tạo phải được quan tâm hàng đầu, các cấp bộ Đoàn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và ban hành các chính sách cho cán bộ Đoàn. Từ năm 2003-2008 đã có 250 cán bộ Đoàn được đào tạo trung, cao cấp chính trị và nghiệp vụ thanh vận (cấp tỉnh mở một lớp thanh vận); 230 cán bộ Đoàn tốt nghiệp hoặc đang học Đại học tại chức, đại học văn bằng 2 và sau đại học; 25.943 lượt cán bộ Đoàn được tập huấn kỹ năng nghiệp vụ; cán bộ Đoàn các cấp ngày càng được trẻ hóa, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác thanh thiếu nhi; có 334 cán bộ Đoàn được luân chuyển, điều động, bố trí công tác ở các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, các Hội, đoàn thể; 156 đồng chí đang là cấp ủy viên, 275 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân và 410 đồng chí là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh đoàn đã cùng với các ngành tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ Đoàn có điều kiện học tập, nâng cao trình độ  chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là tham mưu cho tỉnh hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ Đoàn ở chi đoàn thôn, khối phố với mức 120.000đ/tháng; mặc dù chưa cao nhưng đã góp phần động viên tinh thần rất lớn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đoàn ở chi đoàn thôn, khối phố.

 

Nhiều địa phương đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ như: TP Quy Nhơn có 74,6% cán bộ Đoàn tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, độ tuổi của BCH Đoàn là 24,2 tuổi; huyện Hoài Nhơn có 55,2% tốt nghiệp từ trung cấpp trở lên, độ tuổi của BCH Đoàn là 25,1 tuổi; huyện miền núi Vĩnh Thạnh có 32,1% tốt nghiệp từ trung cấp trở lên, độ tuổi của BCH Đoàn là 25,7 tuổi, nhiều cán bộ trẻ trưởng thành từ Đoàn đang giữ các chức danh chủ chốt của địa phương.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, công tác cán bộ Đoàn của tỉnh Bình Định vẫn còn những vấn đề bất cập, khó khăn, hạn chế cần quan tâm giải quyết là: cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quan niệm, nhận thức của mọi người về nghề nghiệp, việc làm, thu nhập, trong số cán bộ Đoàn, một số đồng chí chưa thật sự an tâm công tác, gắn bó với công việc, với tổ chức Đoàn. Đầu ra của một số ít cán bộ Đoàn đã hết tuổi, chế độ phụ cấp cho Phó Bí thư xã Đoàn còn thấp (350.000đ/tháng). Sự chu chuyển cán bộ Đoàn diễn ra khá nhanh nhất là ở cơ sở, trong khi đó Đoàn lại không chủ động được trong khâu tuyển chọn cũng như chu chuyển cán bộ. Cấp ủy ở một số nơi thiếu sự quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Nhiều nơi còn áp đặt khi giới thiệu nhân sự chủ chốt tham gia công tác Đoàn gay tâm lý không tốt trong cán bộ, đoàn viên ở địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Đoàn tuy có sự chuyển biến nhưng chưa thực sự mạnh mẽ; đa số cán bộ Đoàn ở cơ sở chỉ được đào tạo trung cấp thanh vận hoặc tham gia các lớp ngắn hạn; cán bộ cấp tỉnh chủ yếu rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ công tác Đoàn thông qua kinh nghiệm công tác…

 

Để làm tốt hơn công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới, trong thời gian tới tỉnh Bình Định sẽ triển khai một số giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn ngày càng mạnh cả về chất lượng và số lượng, góp phần tích cực cho công tác Đoàn và phong trào TTN địa phương, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới:

 

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện NQ TW 7 khóa X của Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, NQ 02 của BCH TW Đoàn khóa VIII về “Công tác cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới”; đồng thời xác định xây dựng Đoàn là yếu tố không tách rời công tác xây dựng Đảng, sự lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng Đoàn vững mạnh. Tăng cường vai trò tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ Đoàn, về nguồn tuyển chọn cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ Đoàn. Tiếp tục tham mưu nâng mức phụ cấp cho Phó Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn, Bí thư chi đoàn thôn, khu phố; cán bộ Đoàn công tác ở miền núi, vùng cao của tỉnh. Cải tiến mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn  TN với cấp ủy nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất trong công tác cán bộ.

 

Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ Đoàn theo ba nội dung: cơ cấu độ tuổi; cơ cấu chất lượng, cơ cấu thành phần. Quy hoạch cán bộ cần dựa vào các nguyên tắc kết hợp, gắn quyền lợi với trách nhiệm, gắn nhiệm vụ với lợi ích, phát triển đi đôi với tinh giản bộ máy cán bộ; kết hợp phát triển tuần tự, có kế hoạch với phát triển đột biến. Quan tâm đến việc một người có thể là nguồn cho một chức danh; nhiều nguời là nguồn cho một chức danh để khi có sự chu chuyển cán bộ có thể kiện toàn bộ máy kịp thời, có chất lượng, hoạt động ổn định.

 

Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và thuyên chuyển cán bộ: từng cấp bộ Đoàn phải tranh thủ mọi cơ hội, điều kiện từ nhiều phía khác nhau nhằm xã hội hóa công tác đào tạo; tận dụng tối đa khả năng cơ sở vật chất, kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và các chuyên ngành vừa đáp ứng phục vụ cho công tác trước mắt vừa chuẩn bị cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ Đoàn sau này. Theo kế hoạch, quý 4 năm 2009, tỉnh Đoàn phối hợp cùng với các ngành, đơn vị liên quan mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đoàn cho 120 đồng chí là cán bộ Đoàn chuyên trách hoặc cán bộ quy hoạch dự nguồn các cấp đã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên để kịp thời bổ sung nguồn cán bộ Đoàn hiện nay.

 

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy quản lý cán bộ Đoàn ở cấp mình thông qua hồ sơ và hiệu quả công việc của từng chức danh, giúp các cấp bộ Đoàn phát huy được sức mạnh của từng chức danh cán bộ, đồng thời tạo động lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn phấn đấu, trưởng thành. Quản lý cán bộ Đoàn phải thông qua việc giữ vững kỷ cương, tổ chức kỷ luật của Đoàn, đánh giá đúng cán bộ, nắm chắc quá trình chu chuyển của mỗi cán bộ Đoàn.

 

Đổi mới và xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong điều kiện hiện nay là vấn đề then chốt, vì vậy, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn là việc làm thường xuyên của từng cấp bộ Đoàn và cấp ủy Đảng; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ chắc chắn sẽ làm cho hoạt động Đoàn ngày càng tốt hơn.

Tác giả bài viết: Hà Văn Cát

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây