NextUpcoming Event

Phần thứ nhất- Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2010 - 2015

Thứ ba - 10/03/2015 11:50
BÁO CÁO
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ
Trình Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XI
nhiệm kỳ 2015 - 2020

Phát huy truyền thống qua 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), với gần 11 ngàn đảng viên, đã lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. Với quyết tâm và tinh thần đoàn kết vượt khó, đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN lần thứ X đề ra.
Đại hội XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) có nhiệm vụ phát huy những thắng lợi và bài học kinh nghiệm thu được, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để lãnh đạo toàn Đảng bộ: “Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tập trung thu hút đầu tư để phát triển Tổng công ty ĐSVN bền vững, từng bước đi lên hiện đại”.
 
PHẦN THỨ NHẤT
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
(Nhiệm kỳ 2010 - 2015)
 
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN lần thứ X (nhiệm kỳ 2010-2015) có những thuận lợi, khó khăn sau:
Thuận lợi:
Trong những năm qua, tình hình chính trị xã hội trong nước ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, mặc dù có chậm lại do có nhiều khó khăn trong nước và quốc tế. Đường lối đổi mới của Đảng đã được thể chế hóa bằng hiến pháp, pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hình thành ngày càng rõ nét. Các loại thị trường cơ bản như: hàng hóa, tài chính, chứng khoán, lao động, ...đã ra đời và từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Công tác quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp được đổi mới bằng luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các công cụ điều tiết vĩ mô, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tự chủ kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh để phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông vận tải ĐSVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Giao thông vận tải ĐSVN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một số dự án trọng điểm phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Chính phủ đồng ý chủ trương, đang tích cực nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư.
Cơ cấu về tổ chức của Đảng, chuyên môn và các đoàn thể chính trị - xã hội trong Tổng công ty ĐSVN là đồng bộ, thống nhất, đảm bảo quyền quản lý điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp; vai trò, chức năng của các tổ chức đoàn thể quần chúng được phát huy. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có điều kiện thuận lợi để truyền tải đến các tổ chức và người lao động.
Khó khăn:
Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới đã có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán trong nước suy giảm sâu và kéo dài; nợ xấu của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp tăng, đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tất cả các doanh nghiệp. Đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước gặp khó khăn, tình hình giá cả, vật tư, nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh biến động theo chiều hướng gia tăng; lãi suất ngân hàng cao; việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn vay cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển khó khăn, khi Chính phủ có chủ trương hạn chế đầu tư công, đình hoãn hoặc giãn tiến độ một số dự án đầu tư từ nguồn ngân sách, đã ảnh hưởng tiến độ triển khai các dự án đường sắt.
Bên cạnh đó, luồng hàng, luồng khách bất bình hành, sự cạnh tranh giữa các phương thức vận tải ngày càng quyết liệt, nhất là giữa đường sắt với đường bộ và hàng không giá rẻ. Vốn đầu tư cho phương tiện vận tải hạn hẹp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, nguồn vốn cho sửa chữa, bảo trì và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thấp so với yêu cầu. Hệ thống giao thông đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt tăng nhanh, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông ĐS diễn ra phức tạp.
A. KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ:
I. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN lần thứ X, Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Tổng công ty ĐSVN (ĐUĐS) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt hoạt động trong toàn Đảng bộ, trọng tâm là công tác tái cơ cấu doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. BCH, BTV đã ban hành và chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quyết định, đề án, chương trình hành động, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về sản xuất kinh doanh (SXKD) và công tác xây dựng Đảng trong từng năm và trong cả nhiệm kỳ. Triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ GTVT. Tiến hành bổ sung, sửa đổi qui chế làm việc của cấp ủy; qui chế phối hợp công tác giữa cấp ủy với Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc; điều chỉnh phân công nhiệm vụ cho các ủy viên ban chấp hành phù hợp trong từng thời kỳ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo SXKD và công tác xây dựng Đảng,...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BCH, BTV đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, chương trình sau:
Các Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng hằng năm: Nghị quyết số 02-NQ/ĐU năm 2011, Nghị quyết số 04-NQ/ĐU năm 2012, Nghị quyết số 05-NQ/ĐU năm 2013, Nghị quyết số 10-NQ/ĐU năm 2014 và Nghị quyết số 13-NQ/ĐU năm 2015;
Các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ SXKD: Nghị quyết số 01-NQ/ĐU về “Lãnh đạo nâng cao sản lượng doanh thu và hiệu quả kinh doanh vận tải hàng hóa giai đoạn 2010-2015”; Nghị quyết số 06-NQ/ĐU về “Điều chỉnh một số chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ ĐSVN lần thứ X”; Nghị quyết số 07-NQ/ĐU về “Điều chỉnh, sắp xếp khối vận tải đường sắt, thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015”; Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về “Sắp xếp tổ chức khối vận tải đường sắt theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015 điều chỉnh”; Nghị quyết số 12-NQ/ĐU về “Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN”. Chỉ thị số 06-CT/ĐU về “Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong Đảng bộ ĐSVN”; Chỉ thị số 07-CT/ĐU về “Lãnh đạo tái cơ cấu và đổi mới toàn diện Tổng công ty ĐSVN”.
Các Chỉ thị, Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng: Nghị quyết số 03-NQ/ĐU về “Tạo nguồn cán bộ trẻ”; Nghị quyết liên tịch số 08-NQ/ĐU về “Định biên, chế độ chi hoạt động, tiền lương, thưởng đối với cán bộ chuyên trách công tác đảng, đoàn thanh niên trong Tổng công ty ĐSVN”; Nghị quyết số 09-NQ/ĐU về “Phê duyệt Đề án kiện toàn bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong Đảng bộ ĐSVN”; Chỉ thị số 01-CT/ĐU về “Năng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ ĐSVN”; Chỉ thị số 02-CT/ĐU về “Lãnh đạo năm Thanh niên 2011”; Chỉ thị số 03-CT/ĐU về “Tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong ĐSVN”; Chỉ thị số 04-CT/ĐU về “Lãnh đạo đại hội công đoàn và đoàn thanh niên các cấp ...năm 2013”; Chỉ thị số 05-CT/ĐU về “Tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở đối với việc thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, tổ chức đại hội cổ đông, công tác nhân sự ở công ty cổ phần có vốn góp của ĐSVN”;
Xây dựng và chỉ đạo thực hiện Chương trình làm việc của BCH và chương trình kiểm tra, giám sát của BCH nhiệm kỳ 2010-2015; các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Đảng ủy Khối DNTW, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ GTVT.
ĐUĐS đã lãnh đạo Tổng công ty và các cấp ủy trực thuộc quyết liệt xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn tại các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, trong xây dựng thương hiệu, hình ảnh và văn hóa giao tiếp, ứng xử.
II. KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ:
1. Kết quả SXKD:
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Tổng công ty ĐSVN duy trì được mức tăng trưởng liên tục, giá trị tổng sản lượng đạt 56.115 tỷ đồng, bình quân tăng 7,2%/năm; tổng doanh thu đạt 55.166 tỷ đồng, bình quân tăng 8,2%/năm; lợi nhuận bình quân hàng năm tăng 8,7%; nộp Ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước; thu nhập bình quân tăng 11,7%/năm (số liệu xem biểu số 1 Phụ lục 1A).
An toàn chạy tàu và trật tự an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống người lao động được đảm bảo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội,...
1.1. Về sản xuất kinh doanh vận tải:
Trong giai đoạn 2010-2015, bình quân: Về Hàng hóa: Tấn xếp tăng trưởng 0,9%, T.Km tăng 2,8%; Về Hành khách: Hành khách lên tàu tăng 1,2%, HK.Km tăng 0,4%; Doanh thu tăng 12,1%. Cụ thể:
Hàng hóa: Về khối lượng: Tấn xếp thực hiện đạt 34,9 triệu tấn, bằng 82,05% so với 5 năm trước và không đạt kế hoạch đề ra là tăng trưởng bình quân 10%/năm. Về lượng luân chuyển hàng hóa: Tấn km thực hiện đạt 20.494,2 triệu Tấn.km, bằng 107,2% so với 5 năm trước và không đạt kế hoạch đề ra là tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Hành khách: Về khách lên tàu: Đạt 60,5 triệu HK, bằng 105,8 % so với 5 năm trước và không đạt kế hoạch đề ra là tăng trưởng bình quân 10%/năm. Lượng luân chuyển hành khách: Hành khách km đạt 22.337 triệu HK.km, bằng 101,2% so với 5 năm trước và không đạt kế hoạch đề ra là tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Doanh thu vận tải: Đạt 23.406 tỷ đồng, bằng 167,6% so với 5 năm trước và đạt kế hoạch đề ra là tăng trưởng bình quân 10%/năm (Chi tiết tại biểu số 2 phụ lục 1A).
Về sản lượng vận tải giai đoạn 2010 – 2015, không đạt mục tiêu đã đề ra.
Tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ: Tàu Thống Nhất đi đúng giờ đạt 98,6%, đạt xấp xỉ so với nhiệm kỳ trước và Nghị quyết đề ra (99,0%); đến đúng giờ đạt 80,3%, tăng 5,1% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu Nghị quyết là 0,3%. Tàu khách địa phương đi đúng giờ đạt 95,6%, tăng 2,9% so với nhiệm kỳ trước và tăng 0,6% so với chỉ tiêu Nghị quyết; đến đúng giờ đạt 67,6%, tăng 6,6% so với nhiệm kỳ trước và không đạt chỉ tiêu Nghị quyết (77%).
1.2. Về quản lý kết cấu hạ tầng Đường sắt
1.2.1. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng ĐS
Tăng trưởng doanh thu và sản lượng bình quân hàng năm của các đơn vị làm công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) đạt 12,2% và 12,5%, chưa đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng 15% trở lên.
Trong điều kiện hiện trạng KCHTĐS còn nhiều khó khăn, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế nhà nước cấp cho ngành đường sắt để bảo trì, sửa chữa KCHTĐS là 8.858,5 tỷ đồng, tăng bình quân 9,3%/năm; trong đó tiền thuê kết cấu hạ tầng do vận tải trả là 1.830,01 tỷ đồng, chiếm 20,6% (Chi tiết tại biểu số 4 - Phụ lục 1A).
Mặc dù vốn sự nghiệp kinh tế được cân đối hàng năm có tăng, nhưng chỉ đáp ứng 73,7% so với dự toán theo nhu cầu tối thiểu, và theo hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật mới chỉ đạt khoảng 39,05%. Tổng công ty ĐSVN đã sử dụng có hiệu quả và có những giải pháp tích cực hạn chế được tình trạng xuống cấp, cải thiện và nâng cao chất lượng một số tuyến đường sắt như gia cố, sửa chữa, nâng cấp nhiều nhà ga, tốc độ chạy tàu được giữ vững, đảm bảo an toàn, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục vụ vận tải. Công tác kiểm tra trạng thái kỹ thuật chất lượng cầu đường trên các tuyến được tăng cường để giữ vững công lệnh tải trọng và tốc độ.
Những cố gắng trên cùng với việc ứng dụng một số công nghệ mới (hàn liền ray, sử dụng thiết bị bảo dưỡng đường sắt tiên tiến của Áo và Pháp, đầu tư đổi mới phương tiện vận tải...) đã duy trì trạng thái hạ tầng đường sắt, đảm bảo tỷ lệ tàu đi đến đúng giờ và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trong những năm qua.
Trong giai đoạn 2010-2015, Tổng công ty ĐSVN đã đề ra mục tiêu tiếp tục nâng tải trọng từ 3,6T/m lên 4,2T/m trên tất cả các tuyến. Đến nay, việc thực hiện nâng tải trọng trên toàn tuyến chưa hoàn thành theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ đề ra do không được cấp đủ kinh phí.
1.2.2. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng ĐS:
Tổng số vốn ngân sách Nhà nước cấp đầu tư phát triển KCHTĐS và An toàn giao thông từ năm 2011 đến 2014 là 10.672,768 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn NSNN là 9.142,639 tỷ đồng; Nguồn trái phiếu CP là 1.542,629 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư cho các dự án ODA là 6.555 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài: 5.479,500 tỷ đồng, vốn đối ứng: 1.075,500 tỷ đồng, vốn đối ứng các dự án ODA chỉ đáp ứng 35% nhu cầu. Vốn đầu tư cho các dự án trong nước là 3.650,639 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 25% so với nhu cầu vốn. (số liệu xem Biểu số 3 - Phụ lục 1A).
Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng chỉ được 10.672,768 tỷ đồng, bằng 14,78% so với kế hoạch theo Quyết định 682/QĐ-TTg là 72.252 tỷ đồng. Do thiếu vốn nên phần lớn vốn bố trí cho các dự án chuyển tiếp, đối ứng cho các dự án ODA và dự án theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính Phủ; các dự án hầm, cầu yếu chưa được phê duyệt dự án đầu tư. Tổng công ty đã cân nhắc thứ tự ưu tiên theo khả năng các nguồn vốn để triển khai các dự án, trên cơ sở qui hoạch chiến lược phát triển GTVT đường sắt. Các dự án đã hoàn thành đều đảm bảo chất lượng; nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu kinh doanh vận tải; đã xoá bỏ được nhiều điểm xung yếu, điểm đen về ATGTĐS; giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, đảm bảo an toàn chạy tàu, nâng cao năng lực và chất lượng vận tải.
1.3. Về xây dựng cơ bản
Tỷ lệ tăng sản lượng và doanh thu của các đơn vị xây dựng cơ bản trong ngành giai đoạn 2010-2015 không đạt kế hoạch đề ra. Bình quân tăng trưởng hàng năm về sản lượng là 8,3%, doanh thu là 4,8% (Kế hoạch đề ra là: Sản lượng tăng trưởng từ 15-20%; doanh thu tăng 17%).
1.4. Về  sản xuất công nghiệp
Tăng trưởng bình quân hàng năm về sản lượng đạt 9,3%, chưa đạt mục tiêu đề ra; về doanh thu tăng cao, đạt 20,5%. Tăng trưởng không đều giữa các năm, trong đó đặc biệt năm 2011 doanh thu tăng đột biến, những năm tiếp theo đạt thấp, nên tính chung vẫn tăng trưởng khá.
Trong 5 năm qua, Tổng công ty ĐSVN đã tập trung việc thay thế, đổi mới phương tiện vận tải, cơ bản đã thay thế đầu máy công suất nhỏ, lạc hậu bằng các loại đầu máy mới, hiện đại, công suất lớn.
Đã thực hiện xong dự án lắp ráp, chế tạo 20 đầu máy đổi mới D19E (công suất 1.900 mã lực) tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm bằng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Việt Nam, trên cơ sở chủ trương nội địa hóa trong sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện của ngành cũng như của đất nước còn lạc hậu về công nghệ, nên trong sản phẩm hoàn chỉnh này tỷ lệ nội địa hóa đạt thấp.
Tổng công ty đang tập trung cải tạo, nâng cấp những đầu máy có công suất nhỏ, phù hợp với điều kiện vận dụng của ngành và tiết kiệm nhiên liệu. (Đã thực hiện xong dự án cải tạo động cơ 30 đầu máy D10H bằng loại động cơ Caterpiler 3508 tiết kiệm nhiên liệu, đang tiếp tục nghiên cứu hoán cải động cơ đầu máy D12E bằng loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu).
Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng toa xe nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu phục vụ hành khách và vận chuyển hàng hóa. Tổng công ty ĐSVN đang thực hiện dự án cải tạo 67 toa xe khách chất lượng cao của ram tàu SE3/4; đóng mới 250 xe M container, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Đã thực hiện xong dự án đóng mới 300 toa xe hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; tiến hành cải tạo, nâng cấp, lắp đặt điều hòa không khí cho một số toa xe.
1.5. Về các đơn vị sự nghiệp
Trường Cao đẳng nghề ĐS xúc tiến các dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ĐS, đã tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng nhân lực chuẩn bị cho các dự án lớn của Ngành. Đã khai thác cơ sở vật chất hiện có để tổ chức đào tạo phục vụ nhu cầu của xã hội, nhất là dự án đào tạo nguồn nhân lực chuẩn bị cho đường sắt đô thị trong thời gian sắp tới. Trường đã nghiên cứu, xây dựng và trình Tổng cục dạy nghề phê duyệt chương trình khung đào tạo các nghề mà Trường được phép đào tạo.
Đối với các dự án đầu tư cho công tác giáo dục đào tạo, trong năm 2012 Tổng công ty ĐSVN được hỗ trợ 50% vốn ngân sách Nhà nước trên tổng mức đầu tư. Trong cả giai đoạn 2012-2015 được bố trí 30 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành 2 công trình Nhà ký túc xá sinh viên và Nhà xưởng lớp học và thực hành cơ khí tại Đà Nẵng.
Trung tâm Y tế Đường sắt chủ động làm tốt công tác phòng chống các dịch bệnh, giám sát môi trường lao động, tư vấn các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường lao động và môi trường sống. Tiếp tục quan tâm công tác chăm sóc sức khoẻ cho CBCNV và hành khách đi tàu.
Báo Đường sắt đã bám sát định hướng tuyên truyền của Dảng ủy và Lãnh đạo Tổng công ty, tập trung tuyên truyền về: tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN, quá trình tổ chức, sắp xếp lại khối vận tải, các ban tham mưu Cơ quan Tổng công ty và các đơn vị; phản ánh về nỗ lực của các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ SXKD. Mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền thực hiện đổi mới phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng của Tổng công ty ĐSVN  “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả”, thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử “4 xin” và “4 luôn” gắn với việc tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, kết quả SXKD của Ngành và các đơn vị... Kịp thời phản ánh tình hình các mặt hoạt động của toàn ngành, đã xây dựng và đảm bảo sự hoạt động ổn định của báo điện tử, nâng cao được hiệu quả tuyên truyền.
2. Công tác an toàn GTĐS, quốc phòng và an ninh:
2.1. An toàn giao thông vận tải Đường sắt:
Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, cùng sự phối hợp có hiệu quả với các địa phương, nên trong những năm qua, Tổng công ty ĐSVN đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Triển khai kịp thời và quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS); ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án đảm bảo trật tự ATGTĐS. Triển khai các dự án thực hiện theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ: Hoàn thành các công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp đảm bảo an toàn như “Xây dựng mới 3 cầu theo lệnh khẩn cấp: Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu”, thông xe và hoàn thành trong năm 2013; “Xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp”, đã hoàn thành 75% khối lượng đường ngang, 100% hầm chui, 60% khối lượng đường gom. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức đảm bảo trật tự ATGTĐS cho người dân, đặc biệt là CBCNV ngành đường sắt, người dân sinh sống dọc theo đường sắt, người tham gia giao thông qua đường sắt; tổ chức các lớp học về pháp luật GTVTĐS để nâng cao nghiệp vụ và giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan đơn vị; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, các ngành, các cấp trong công tác an toàn,....
Dưới sự lãnh đạo của ĐUĐS, sự phối hợp chặt chẽ của Công đoàn và Đoàn thanh niên ĐS, Tổng công ty ĐSVN luôn xác định đảm bảo ATGTĐS là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và xuyên suốt, đã được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, cụ thể. Tình hình ATGTĐS cơ bản được giữ vững cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương giảm dần theo từng năm. Cả nhiệm kỳ: Mặc dù số lượng phương tiện, nguời tham gia giao thông ngày càng tăng, nhưng số vụ tai nạn GTĐS giảm 19%, số người chết giảm 2,4%, số người bị thương giảm 23,4% so với nhiệm kỳ trước (có phụ lục kèm theo).
Mục tiêu về ATGTĐS có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết, tuy nhiên để xảy 01 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do chủ quan, tăng 01 vụ so với nhiệm kỳ trước. Tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng do chủ quan giảm nhẹ so với nhiệm kỳ trước (giảm 2,2%); sự cố chạy tàu do chủ quan tăng so với nhiệm kỳ trước 5,9%.
2.2. Quốc phòng, an ninh:
Tổng công ty ĐSVN luôn được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua. Các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo chuyên môn và các tổ chức đoàn thể tại các cơ quan, đơn vị trong ngành luôn coi trọng công tác quốc phòng, an ninh vì vậy đã chỉ đạo sát sao sản xuất kinh doanh phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Các đơn vị của Tổng công ty đã bám sát chỉ đạo của các cơ quan chức năng, của ngành kịp thời phối hợp triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, chống khủng bố, phòng chống cháy nổ, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Lực lượng bảo vệ ĐS đã phát huy được tính chủ động bảo đảm an ninh trật tự, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Công tác kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm…Vì vậy trong giai đoạn vừa qua tình hình an ninh trật tự trong địa bàn Tổng công ty được giữ vững.
3. Công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:
Đảng ủy Tổng công ty ĐSVN đã ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN; ban hành các Nghị quyết để lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN tổ chức thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp theo theo đúng kế hoạch và lộ trình của Chính phủ và Bộ GTVT, như: Nghị quyết số 07-NQ/ĐU về “Điều chỉnh, sắp xếp khối vận tải đường sắt, thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015”; Nghị quyết số 11-NQ/ĐU về “Sắp xếp tổ chức khối vận tải đường sắt theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015 điều chỉnh”; Nghị quyết số 12-NQ/ĐU về “Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN”. Tổng công ty ĐSVN đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu và các Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện “Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012–2015”. Đồng thời, hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trong Tổng công ty triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án Tái cơ cấu.
Về công tác cổ phần hoá và sắp xếp lại các doanh nghiệp: Trong giai đoạn từ 2003 đến 2012 Tổng công ty ĐSVN đã thực hiện thành công việc chuyển đổi 28 doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần
[1]. Hoàn thành công tác sắp xếp thu gọn đầu mối khối vận tải từ 04 Công ty thành 02 Công ty và đã hoạt động theo mô hình mới từ 01/4/2014; sắp xếp các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xe lửa Dĩ An, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và tiến hành cổ phần hóa trong năm 2015. Sắp xếp lại và xây dựng cơ chế hoạt động mới cho các đơn vị sự nghiệp: Trường Cao đẳng nghề ĐS, Trung tâm Y tế ĐS, Báo ĐS theo chủ trương xã hội hóa và tự chủ nguồn kinh phí hoạt động.
Về công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp: Theo đề án Tái cơ cấu Tổng công ty, thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần có vốn góp của ĐSVN (thoái hết vốn của Tổng công ty ĐSVN tại 11 công ty; giảm vốn tại 02 công ty).
Chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã được thống nhất từ Tổng công ty đến cơ sở; sản xuất kinh doanh của tất cả các khối duy trì được mức tăng trưởng; thu nhập của người lao động cơ bản được đảm bảo và có tăng trưởng; Tổng công ty chuyển sang hình thức đa sở hữu, hoạt động kinh doanh vận hành tiệm cận hơn với cơ chế thị trường; nội bộ các doanh nghiệp dần tự chủ, ổn định và phát triển, bước đầu đã có lãi
[2].
Về công tác quản trị doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm:
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp, phân cấp triệt để và tăng cường kiểm tra, giám sát; lấy hiệu quả kinh doanh làm tiêu chuẩn để đánh giá doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp.
Thực hiện tốt công tác quản lý vốn và tài sản, được Kiểm toán Nhà nước đánh giá cao. Công tác quản lý tài chính trong 5 năm ổn định, luôn đảm bảo khả năng thanh toán; các nguồn vốn được sử dụng có hiệu quả, đáp ứng đủ vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, trả nợ vốn vay đúng kỳ hạn, thanh toán lương, thưởng cho cán bộ công nhân viên kịp thời, đảm bảo cân bằng thu chi trong SXKD vận tải. Kết quả xếp loại doanh nghiệp Tổng công ty ĐSVN luôn được xếp loại A.
Tổng công ty đã xây dựng hoàn thành phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc Hội đồng thành viên và Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty theo hướng tinh gọn, hiệu quả, các ban tham mưu giúp việc cho Hội đồng thành viên đồng thời giúp việc Tổng Giám đốc; đã thực hiện sáp nhập và giảm số Ban của Tổng công ty ĐSVN từ 15 Ban xuống còn 11 Ban. Đồng thời hoàn thiện sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các Ban tham mưu. Mô hình tổ chức mới của Tổng công ty đáp ứng yêu cầu điều hành tập trung, trên cơ sở tách hạch toán và quản lý giữa khối hạ tầng và khối vận tải (hoàn thành và thực hiện từ 01/7/2014).
Công tác cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên; hầu hết các đơn vị trong Tổng công ty ĐSVN đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2000. Đã đưa hệ thống hành chính điện tử vào hoạt động điều hành tại Cơ quan Tổng công ty và các công ty vận tải.
Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng công ty thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng theo Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra tại các đơn vị chuyên chi; giám sát, kiểm tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, công tác tiền lương đối với các đơn vị thuộc Tổng công ty.
Về công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực:
Tổng công ty đã hoàn thành xây dựng Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu đổi mới, hiện đại hoá và phát triển ngành đường sắt trong từng giai đoạn, Trường Cao đẳng nghề đường sắt đang triển khai lập dự án “Qui hoạch tổng thể phát triển Trường cao đẳng nghề đường sắt đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Đề án “Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đường sắt đô thị giai đoạn 2014-2020” đã được Bộ GTVT phê duyệt.
ĐUĐS đã ban hành kết luận số 20-KL/ĐU về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, BTV ban hành nghị quyết số 03-NQ/ĐU về tạo nguồn cán bộ trẻ; Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và các đơn vị trong Tổng công ty đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Do vậy, công tác đào tạo cán bộ luôn được coi trọng, đã cử cán bộ theo học lớp cao cấp lý luận chính trị cho 131 đồng chí cán bộ thuộc diện quy hoạch của Ngành. Các cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ cũng đã cử hàng trăm cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp tại các trường Đảng ở địa phương và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ ở đào tạo trong và ngoài ngành.  
Hàng năm, Tổng công ty đã tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, cử đi học nâng cao trình độ: học văn bằng 2, thạc sỹ, tiến sỹ tại các trường đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Tổng công ty cùng như toàn ngành
[3].
4. Lao động, đời sống và việc làm:
Tổng công ty ĐSVN hiện có 38.582 lao động, trong đó khối vận tải chiếm 48%. Thu nhập bình quân đạt 5.617.512 đồng/người/tháng, tăng 83% so với mức thu nhập bình quân của 5 năm trước (2006-2010). Cơ bản đảm bảo việc làm cho CBCNV, từng bước cải thiện điều kiện làm việc và đời sống người lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội...Tiếp tục đầu tư cung cấp điện, nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện làm việc cho các đơn vị ở những nơi đặc biệt khó khăn, tính đến hết năm 2013 đã bố trí tổng vốn đầu tư cho các công trình là 14,166 tỷ đồng (Chi tiết tại biểu số 5 - Phụ lục 1A).
5. Công tác an sinh xã hội:
Thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ: Tổng công ty ĐSVN cam kết hỗ trợ huyện Quế Phong (Nghệ An): Năm 2012 hỗ trợ 760 triệu đồng để xây dựng 152 căn nhà cho các hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng 01 nhà bán trú dân nuôi tại huyện Quế Phong.

Tổng công ty ĐSVN đã vận chuyển miễn cước hàng cứu trợ hàng chục tỷ đồng cho đồng bào các tỉnh bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lụt và nhiều lô hàng ủng hộ người nghèo. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách giảm giá vé hành khách cho các đối tượng, theo thống kê hai năm 2011 và 2012 đã thực hiện giảm giá cho 1.380.144 lượt hành khách, tương ứng số tiền giảm thu là 101 tỷ đồng. Tổ chức chạy tàu ở các tuyến, khu đoạn khó khăn phục vụ nhân dân và an ninh quốc phòng từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2014 đã bù lỗ là 288,5 tỷ đồng.
6. Công tác hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường:
Công tác hợp tác quốc tế
Tổng Công ty ĐSVN đã tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức đường sắt quốc tế như UIC, OSZD, chủ động tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với đường sắt các nước, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN... và các đối tác nhằm kêu gọi vốn đầu tư ưu đãi nước ngoài vào các dự án nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải như các dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu: 3 tuyến phía Bắc và khu đầu mối Hà Nội, Hà Nội - Vinh, Vinh - Sài Gòn, dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Yên Viên - Lào Cai, dự án nâng cao an toàn cầu trên tuyến đường sắt Thống Nhất, dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải, dự án mua ray của Áo... Những dự án này đã góp phần nâng cao an toàn chạy tàu, giảm thời gian hành trình, tăng cường năng lực vận tải. Tổng công ty ĐSVN cũng đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng Giám đốc ĐS ASEAN lần thứ 36, các hội nghị của OSZD, UIC góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Tổng công ty ĐSVN trong khu vực và trên thế giới.
Công tác khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường
Hoạt động khoa học công nghệ cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của ngành. Trong giai đoạn 2011- 2014, Tổng công ty đã thực hiện 217 đề tài nghiên cứu. Các đề tài đều có tính ứng dụng cao, làm cơ sở xây dựng chiến lược, cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao an toàn chạy tàu, giám sát quản lý thiết bị, phương tiện hiệu quả, sử dụng các nguyên vật liệu có sẵn trong nước để tạo ra sản phẩm thay thế sản phẩm nhập ngoại, dự báo và đưa ra giải pháp khắc phục, chủ động ứng phó với những biến đổi của môi trường, tin học hóa các hoạt động quản lý, tác nghiệp. Điển hình như: công nghệ lắp ráp đầu máy diesel công suất từ 1.500 - 1900 CV, thiết bị giám sát đuôi tàu thay thế toa xe trưởng tàu, triển khai hệ thống bán vé điện tử, lắp thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách, ứng dụng nhiên liệu bio diesel cho đầu máy, đầu tư hệ thống điện khí tập trung kiểu SSI trên tuyến Hà Nội – Vinh, kiểu 6502 trên tuyến Hà Nội –Lào Cai và Nha Trang – Sài Gòn,.... Từ đó giúp cho cán bộ Tổng công ty ĐSVN nâng cao khả năng tiếp cận, chuyển giao và thích nghi với những công nghệ mới.
Tổng công ty ĐSVN triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ GTVT và các cấp có liên quan về công tác bảo vệ môi trường đến các đơn vị thành viên. Đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ, cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, đặc biệt tổ chức tốt ngày môi trường thế giới 5/6 và ngày môi trường đường sắt 5/11 hàng năm.
 

[1] Tổng số vốn điều lệ của 28 doanh nghiệp đã cổ phần hóa là 531,331 tỷ đồng, vốn nhà nước do Tổng công ty ĐSVN quản lý là 221,343 tỷ đồng (chiếm bình quân 41,66%). Trong giai đoạn từ 2013 đến 2015 theo Quyết định 198/QĐ-TTg ngày 21/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty thực hiện công tác cổ phần hóa tại 02 công ty TNHH MTV: In đường sắt và In đường sắt Sài Gòn. Thực hiện các bước để tiến hành cổ phần hóa 02 công ty vận và sẽ đi vào hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ 01/01/2016. Xây dựng và trình Bộ GTVT Đề án sắp xếp, chuyển đổi 20 doanh nghiệp khối kết cấu hạ tầng thành 20 công ty cổ phần, hoàn thành trong năm 2015 và sẽ đi vào hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ 01/01/2016.
[2] Thực hiện Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước, Tổng công ty xây dựng phương án thoái vốn của Tổng công ty ở 14 công ty cổ phần khác, trong đó thoái hết vốn tại 10 công ty, thoái đến mức Tổng công ty nắm giữ dưới 30% vốn điều lệ ở 2 công ty, dưới 20% ở 2 công ty.  
 
[3] Kết quả từ năm 2011-2014 đã tổ chức đào tạo được 5 lớp cho 220 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, 132 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 5.193 CBCNV, đào tạo lại chuyển đổi nghề cho 200 lao động. Tổng công ty tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác về giáo dục để đào tạo về công nghệ, quản lý, vận hành đường sắt hiện đại, từ năm 2012-2013 đã tổ chức cho 26 đoàn với tổng số 138 CBCNV tham gia các khoá đào tạo về đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, hệ thống Thông tin tín hiệu ĐS; 198 lượt cán bộ Tổng công ty tham dự các khóa đào tạo tại nước ngoài bằng nguồn hỗ trợ của các nước; mở các lớp học bồi dưỡng kiến thức quản lý cho 155 đồng chí cán bộ chủ chốt, các lớp ngoại ngữ cho 142 đồng chí. Cử đào tạo cao cấp lý luận chính trị 131 cán bộ chủ chốt cơ sở; hàng trăm cán bộ từ trưởng, phó phòng trở lên ở các doanh nghiệp được đào tạo trình độ lý luận chính trị sơ cấp, trung cấp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây