Chuyên đề 4 TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ SỨC MẠNH CỦA NHÂN DÂN, CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC

Thứ hai - 22/04/2013 19:58
.
I. Cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.

1. Quan niệm của Hồ Chí minh về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.

- Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh.

+ Hồ Chí Minh khẳng định: “...Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1).

+ Đầu thế kỷ XX, nước ta đang dưới chế độ tàn bạo của thực dân Pháp, “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”(2), Hồ Chí Minh chỉ ra: cách mệnh thì sống, không cách mệnh thì chết...; “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”(2).

- Tập hợp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân chính của mọi thắng lợi của cách mạng.

+ Khi nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh nói: “Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Lực lượng toàn dâ là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(3).

+ Khi nói về công việc “Kháng chiến kiến quốc”, Người hỏi: Ai thực hiện “Kháng chiến kiến quốc”? Và trả lời: “Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”(4).

- Sức mạnh của dâ tộc được tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất.

+ Về nguyên nhân thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã kháng chiến thắng lợi, lập lại hòa bình ở Đông Dương, hoàn toàn giải phóng miền Bắc”(5).

+ Năm 1955, Người viết: “.... với sự đoàn kết nhất trí của tất cả những người xứng đáng là con Lạc cháu Hồng - Mặt trận nhất định sẽ thành công trong việc đánh tan âm mưu của Mỹ và bè lũ tay sai của chúng và thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”(6).

- Trong thời đại mới, Hồ Chí Minh đặt sự đoàn kết toàn dân tộc trong mối quan hệ với đoàn kết quốc tế.

Người đã đưa ra câu nói nổi tiếng:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công” (7)

Ba từ “đoàn kết” đó là sự thể hiện: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, đoàn kết quốc tế.

 

2. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.

- Truyền thống dân tộc.

+ Chủ nghĩa yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc của dân tộc Việt Nam đã được hình thành và củng cố qua hàng ngàn năm lịch sử..., tạo thành một truyền thống bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi con người Việt Nam.

+ Truyền thống đó đã trở thành tình cảm tự nhiên, là triết lý nhân sinh, phép ứng xử và tư duy chính trị, cấu trúc xã hội: nhà – làng - nước, thành phép đánh giặc giữ nước: “trên dưới đồng lòng, cả nước chung sức”, “tướng sĩ một lòng phụ tử”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

+ Hấp thụ truyền thống của dân tộc Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Từ xưa đế nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy (yêu nước) lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn (đoàn kết), nó lướt qua mọi sự nguy hiểu, khó khăn, nó nhất chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(8).

- Từ tổng kết những kinh nghiệm của phong trào cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh nhận thấy các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều thất bại do chưa có đường lối đúng, chưa tập hợp được quần chúng. Bởi vậy, Hồ Chí Minh xác dịnh: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(9).

- Nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm của cách mạng thế giới.

+ Hồ Chí Minh nghiên cứu cách mạng tư sản, đặc biệt cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp; do tính chất không triệt để của nó mà gười cho rằng đó là các cuộc cách mạng “không đến nơi”.

+ Nghiên cứu thực tiễn đấu tranh của các dân tộc thuộc địa cho tới lúc đó, Người thấy rõ sức mạnh tiềm ẩn to lớn ở họ, và cả những hạn chế ở họ: chưa có sự lãnh đạo đúng đắn, chưa biết đoàn kết, chưa có tổ chức và chưa biết tổ chức.

+ Nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh rút ra nhiều bài học, đặc biệt là bài học về huy động, tập hợp lực lượng công nông giành và giữ chính quyền cách mạng..., xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Hồ Chí Minh cũng chú ý nghiên cứu cách mạng Trung Quốc, Ấn Độ, tìm hiểu con đường giải phóng dân tộc của Tôn Dật Tiên, Găngđi...

- Chủ nghĩa Mác - Lênin.

+ Hồ Chí Minh tiếp thu những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử; giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng thắng lợi trước hết phải trở thành dân tộc; liên minh công nông là cơ sở to lớn để xây dựng lực lượng cách mạng; đoàn kết dân tộc phải gắn với đoàn kết quốc tế....

+ Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin từ yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, chủ yếu qua hoạt động cách mạng thực tiễn. Nhờ vậy, Người đã nắm được linh hồn của chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam và trong thời đại mới để hình thành và hoàn chỉnh tư tưởng của Người về sức mạnh của quần chúng nhân dân và đại đoàn kết dân tộc.

II. Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.

1. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thành công.

Trong tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh có tới trên 405 bài nói và viết về đoàn kết, nổi bật là:

 - Đoàn kết làm ra sức mạnh, “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”(10).

- “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”(11).

- “Đoàn kết” là điểm mẹ. “Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt”(3).

- “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

- Thành công, thành công, đại thành công”.

Đặt trong một nước thuộc địa, nghèo nàn, lạc hậu, tư tưởng đoàn kết làm nên sức mạnh của Người có ý nghĩa chiến lược, không chỉ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mà cả trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

2. Đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng.

- Đại đoàn kết dân tộc phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 Ngày 3-3-1951, trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là:

“ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”.(12)

- Đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của mọi giai đoạn cách mạng.

Ngày 31-8-1963, nói chuyện với cán bộ tuyên huấn miền núi về cách  mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh chỉ rõ:

“Trước cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm sao cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc. Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”(13).

- Đại đoàn kết dân tộc còn là mục tiêu, mục đích nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc.

Như vậy đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức, thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân.

3. Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân.

- Khái niệm dân, nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất rộng, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người Việt Nam cụ thể, cả hai đều là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc. Đó là “Mọi con dân nước Việt”, “Mỗi một con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, “già, trẻ gái trai, giàu nghèo, quý tiện”.

 - Đại đoàn kết dân tộc là tập hợp được mọi người dân vào cuộc đấu tranh chung.

Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(14).

- Muốn đại đoàn kết toàn dân thì phải kế thừa truyền thống yêu nước – nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc, phải có tấm lòng khoan dung, đại độ với con người.

Hồ Chí Minh tha thiết kêu gọi tất cả những người thật thà yêu nước, không phân biệt tầng lớp nào, tín ngưỡng nào; chúng ta hãy thật thà cộng tác vì dân vì nước. Người căn dặn: Cần xóa bỏ hết thành kiến, cần phải thật thà đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ để phục vụ nhân dân.

- Đại đoàn kết dân tộc dựa trên nền tảng của khối liên minh công nông.

Hồ Chí Minh viết:“Lực lượng chủ yếu trong khối đoàn kết dân tộc là công nông, cho nên liên minh công nông là nền tảng của mặt trận dân tộc thống nhất”(15). Sau này Hồ Chí Minh nêu rõ, nền tảng đại đoàn kết dân tộc là liên minh công - nông – lao động trí óc.

4. Đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất.

- Ngay từ đầu Hồ Chí Minh tập hợp mọi người vào các hội, nghiệp đoàn. Người sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Đông Dương, quy tụ người Việt Nam yêu nước cả trong và ngoài nước.

 - Mặt trận dân tộc thống nhất phải được xây dựng theo những nguyên tắc:

+ Trên nền tảng liên minh công nông (sau thêm lao động trí óc) dưới sự lãnh đạo của Đảng.

+ Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng.

+ Đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

- Phương châm đoàn kết các giai cấp, tầng lớp khác nhau của Hồ Chí Minh là “cầu đồng tồn dị”.

Năm 1962, tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận, Người nói: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân... Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc... Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”(16).

- Tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh là đoàn kết phải bao gồm đấu tranh, đấu tranh để đoàn kết tốt hơn.

Người viết: “Đoàn kết thật sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau và phê bình trên lập trường thân ái, vì nước, vì dân”(17).

Trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng ta luôn luôn đấu tranh trên hai mặt trận chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả những lực lượng có thể tranh thủ được; đồng thời chống khuynh hướng đoàn kết một chiều đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức trong nội bộ Mặt trận.

5. Đảng cộng sản vừa là thành viên của Mặt trận dân tộc thống nhất, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc.

- Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là của giai cấp công nhân, vừa là của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Vì vậy, “đại đoàn kết dân tộc... thành vấ đề máu thịt của Đảng”.

 - Muốn quy tụ được cả dân tộc, Đảng Cộng Sản Việt Nam phải: “Vừa là đạo đức, vừa là văn minh”; “Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại”; “Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí”; “được nhân dân thừa nhận”.

Người viết: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận tập trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thành nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(18).

- Đảng lãnh đạo Mặt trận, trước hết bằng việc xác định chính sách mặt trận đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ cách mạng.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”(19).

- Đảng lãnh đạo Mặt trận - thực hiện theo nguyên tắc Mặt trận: hiệp thương dân chủ, phải dùng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối xử, cảm hóa, khơi gợi tinh thần tự giác, tự nguyện....

Người viết: “Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng. Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người....Cán bộ và đảng viên có quyết tâm làm như thế thì công tác Mặt trận nhất định sẽ tiến bộ nhiều”(3).

6. Đại đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế.

- Hồ Chí Minh khẳng định: yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

- Chuẩn bị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh xác định: “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(20).

- Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới”, “Cách mạng Việt Nam chỉ giành được thắng lợi khi đoàn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới”. Người là hình mẫu của những hoạt động không mệt mỏi vì sự đoàn kết giai cấp công nhân, Đảng cộng sản và các dân tộc trên thế giới.

Nêu cao tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, Hồ Chí Minh không những được cả nước tôn vinh là lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn được thừa nhận là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, danh nhân văn hóa nhân loại.


 

(1) . Sđd, t.8, tr.276.

(2), (2) . Sđd, t.2, tr.262.

(3) . Sđd, t.4, tr.19-20.

(4) . Sđd, t.5, tr.409.

(5) . Sđd, t.10, tr.604.

(6) . Sđd, t.8, tr.61-62.

(7) . Sđd, t.10, tr.350.

(8) . Sđd, t.6, tr.171.

(9) . Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.14.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.392.

(11), (3) . Sđd, t.11, tr.22, 254.

(12) . Sđd, t.6, tr.183.

(13) . Sđd, t.11, tr.130.

(14) . Sđd, t.7, tr.438.

(15) . Sđd, t.10, tr.18.

(16) . Sđd,  tr.605-606.

(17) . Sđd, t.9, tr.137.

(18) . Sđd, t.3, tr.139.

(19) , (3) . Sđd, t.10, tr.605, 606, 607.

(20) . Sđd, t.2, tr.267 – 268.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây