NextUpcoming Event

Phần thứ 9 - 10: Khen thưởng, kỷ luật của Đoàn

Thứ tư - 09/07/2014 08:07

PHẦN THỨ CHÍN

KHEN THƯỞNG CỦA ĐOÀN

    Thực hiện theo Quy chế thi đua, khen thưởng của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

PHẦN THỨ MƯỜI

KỶ LUẬT CỦA ĐOÀN

    A- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

    1- Mục đích kỷ luật của Đoàn nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đoàn. Thi hành kỷ luật để giáo dục cán bộ, đoàn viên vi phạm khuyết điểm sửa chữa sai lầm khuyết điểm đồng thời đảm bảo kỷ luật của Đoàn được nghiêm minh.

    2- Cán bộ đoàn và đoàn viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đoàn, nếu vi phạm khuyết điểm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm đều bị xem xét xử lý.

    3- Kỷ luật Đoàn không thay thế kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật của các đoàn thể khác hoặc ngược lại.

4- Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện cán bộ, đoàn viên vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng thì báo cáo cấp bộ đoàn cùng cấp phối hợp với cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

    5- Khi xem xét xử lý kỷ luật, phải căn cứ kết quả tự phê bình và kết quả thẩm tra xác minh để đảm bảo kết luận khách quan, chính xác, không bỏ sót khuyết điểm. Khi xem xét, xử lý cần làm rõ nguyên nhân sai phạm, động cơ sai phạm và hoàn cảnh sai phạm.

    6- Cán bộ, đoàn viên có khuyết điểm đang trong quá trình kiểm tra, xem xét, không được rút đơn khỏi danh sách ban chấp hành hoặc xét đơn xin ra Đoàn của cán bộ, đoàn viên đó.

    7- Trường hợp tại nhiệm kỳ của ban chấp hành, ủy ban kiểm tra khóa cũ chưa kết luận và xử lý kỷ luật, phải chuyển giao hồ sơ để ban chấp hành, ủy ban kiểm tra khóa mới tiếp tục xem xét, kết luận và xử lý.

    B- CÁC HÌNH THỨC KỶ LUẬT CỦA ĐOÀN

    I - ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐOÀN, ĐOÀN VIÊN

    1- Khiển trách: áp dụng đối với những cán bộ đoàn, đoàn viên mắc khuyết điểm lần đầu, khuyết điểm ở mức độ nhẹ, nhất thời, ảnh hưởng gây tác hại trong phạm vi hẹp, đã nhận thấy khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa.

    2- Cảnh cáo: áp dụng đối với cán bộ đoàn, đoàn viên vi phạm kỷ luật bị khiển trách mà còn tái phạm hoặc tuy mới vi phạm lần đầu nhưng mang tính chất tương đối nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng tương đối rộng.

    3- Cách chức: áp dụng đối với cán bộ đoàn vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức Đoàn, không xứng đáng để giữ chức vụ đó.

    Khi áp dụng hình thức kỷ luật cách chức cần lưu ý một số vấn đề sau.

    - Đối với cán bộ giữ nhiều chức vụ:

    + Cán bộ giữ nhiều chức vụ vi phạm kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cách một chức, nhiều chức hay cách hết chức vụ Đoàn hiện đang đảm nhiệm.

    + Trường hợp cán bộ đoàn giữ nhiều chức vụ trong một cấp như là bí thư (hoặc phó bí thư), ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành... khi vi phạm kỷ luật phải cách chức thì: Nếu cách chức bí thư (hoặc phó bí thư) còn là ủy viên ban thường vụ và ủy viên ban chấp hành; nếu cách chức ủy viên ban thường vụ còn là ủy viên ban chấp hành; nếu cách chức ủy viên ban chấp hành thì hết các chức vụ.

    + Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức vụ ở nhiều cấp khi vi phạm kỷ luật phải cách chức thì cách chức ở cấp nào thì chỉ mất chức ở cấp đó, các chức vụ ở cấp khác vẫn còn.

    + Trường hợp một cán bộ vừa là ủy viên ban chấp hành vừa là ủy viên ủy ban kiểm tra cùng cấp, khi vi phạm kỷ luật phải cách chức thì: Nếu cách chức ủy viên ban chấp hành không còn chức ủy viên ban kiểm tra; nếu cách chức ủy viên ban kiểm tra thì tùy thuộc mức độ sai phạm đề nghị cấp bộ đoàn xem xét tư cách ủy viên ban chấp hành.

    4- Khai trừ:

- Là hình thức kỷ luật cao nhất của Đoàn, áp dụng đối với cán bộ đoàn, đoàn viên phạm khuyết điểm ở mức rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến tổ chức Đoàn, không xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

- Đoàn viên bị khai trừ, sau một năm thì được xem xét kết nạp lại. Thời gian bị khai trừ không được tính tuổi đoàn viên.

     II- ĐỐI VỚI CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐOÀN

    1- Khiển trách: Áp dụng đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn vi phạm Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết, các nguyên tắc của Đoàn, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà tính chất và mức độ không lớn; ảnh hưởng trong phạm vi hẹp.

    2- Cảnh cáo: Áp dụng đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn vi phạm Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết và các nguyên tắc của tổ chức Đoàn, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước mà tính chất và mức độ lớn, ảnh hưởng trong phạm vi rộng nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức giải tán hoặc đã bị Đoàn cấp trên kỷ luật khiển trách mà còn tái phạm.

    3- Giải tán: Áp dụng đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn vi phạm rất nghiêm trọng Điều lệ Đoàn, không đủ khả năng lãnh đạo công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

III- MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP KHÔNG PHẢI LÀ HÌNH THỨC KỶ LUẬT

    1- Đình chỉ chức vụ, đình chỉ công tác đối với cán bộ đoàn và đình chỉ công tác, sinh hoạt đoàn đối với đoàn viên để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kiểm tra và kết luận những vi phạm có khuyết điểm có liên quan đến đoàn viên hoặc cán bộ đó. Thời gian đình chỉ không quá 3 tháng. Quá thời gian 3 tháng, chưa có kết luận kiểm tra, nếu thấy cần thiết có thể tiếp tục đình chỉ lần thứ 2, thời gian đình chỉ lần thứ 2 không quá 3 tháng.

    2- Xóa tên trong danh sách đoàn viên (khoản 3, điều 4, chương I, Điều lệ Đoàn).

C- THI HÀNH KỶ LUẬT CỦA ĐOÀN

I- THẨM QUYỀN THI HÀNH KỶ LUẬT CỦA ĐOÀN

    1- Những tổ chức có thẩm quyền kỷ luật:

    - Chi đoàn và chi đoàn cơ sở.

    - Ban chấp hành từ đoàn cơ sở trở lên.

    - Các ban cán sự đoàn được Ban Thường vụ Trung ương Đoàn cho phép.

    Riêng thẩm quyền kỷ luật của tổ chức Đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo qui định tại mục A, phần thứ năm của Hướng dẫn này.

    2- Thẩm quyền thi hành kỷ luật

    a) Đối với đoàn viên:

    Khi vi phạm kỷ luật phải được kiểm điểm trước chi đoàn với sự có mặt của ít nhất hai phần ba tổng số đoàn viên chi đoàn và được trên một phần hai ý kiến biểu quyết đồng ý của đoàn viên có mặt trong hội nghị.

    Từ hình thức cảnh cáo trở lên chi đoàn báo cáo lên đoàn cấp trên trực tiếp xét và quyết định.

    b) Đối với cán bộ đoàn:

    - Ủy viên ban chấp hành đoàn cấp nào do hội nghị ban chấp hành cấp đó (có mặt ít nhất hai phần ba tổng số ủy viên ban chấp hành) thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số ủy viên ban chấp hành đoàn có mặt tại hội nghị, đồng thời phải được cấp bộ đoàn cấp trên trực tiếp xét, quyết định. Đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn họp biểu quyết, quyết định hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai số Ủy viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị.

    - Thẩm quyền kỷ luật đối với ủy viên ủy ban kiểm tra đoàn các cấp áp dụng như kỷ luật ủy viên ban chấp hành cùng cấp.

    - Trường hợp ủy viên ban chấp hành hoặc ủy viên ủy ban kiểm tra trong độ tuổi đoàn viên, khi vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm tại chi đoàn nơi đồng chí đó sinh hoạt.

    - Trường hợp cán bộ đoàn là cấp ủy viên tham gia ban chấp hành đoàn, nếu vi phạm kỷ luật, trước khi kiểm điểm, phải báo cáo xin ý kiến cấp ủy quản lý trực tiếp cán bộ đó.

    - Trường hợp cán bộ giữ nhiều chức vụ trong nhiều cấp, khi vi phạm kỷ luật thì cấp nào quản lý trực tiếp cấp đó kiểm điểm, thảo luận biểu quyết hình thức kỷ luật và đề nghị đoàn cấp quản lý chức vụ cao nhất xét và quyết định kỷ luật.

    - Trường hợp cán bộ đoàn chuyên trách có chức vụ trong cơ quan của Đoàn nhưng không tham gia ban chấp hành, nếu vi phạm kỷ luật, cấp nào bổ nhiệm, cấp đó xử lý kỷ luật.

    Chú ý: Trường hợp cán bộ, đoàn viên, tổ chức Đoàn vi phạm kỷ luật đã được tổ chức Đoàn và ủy ban kiểm tra cấp trên nhắc nhở mà cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức thì ủy ban kiểm tra cấp trên đề nghị cấp bộ đoàn cùng cấp trực tiếp xem xét và quyết định thi hành kỷ luật hoặc sửa đổi hình thức kỷ luật.

    c) Đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn:

    - Khiển trách, cảnh cáo cơ quan lãnh đạo của Đoàn do ban chấp hành đoàn cấp trên trực tiếp xét và quyết định với sự đồng ý của trên một phần hai số ủy viên ban chấp hành có mặt tại hội nghị.

    - Giải tán cơ quan lãnh đạo của Đoàn do hội nghị ban chấp hành đoàn cấp trên trực tiếp (có mặt ít nhất hai phần ba số ủy viên ban chấp hành) thảo luận và quyết định với sự đồng ý của trên một phần hai số ủy viên ban chấp hành đoàn có mặt tại hội nghị.

  

    II- QUYỀN CỦA CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN, CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA ĐOÀN KHI BỊ KỶ LUẬT

    Cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật vẫn được hưởng các quyền sau:

    1- Được trình bày ý kiến của mình trước hội nghị chi đoàn hoặc hội nghị ban chấp hành.

    2- Được biểu quyết về hình thức kỷ luật của mình.

  

    III- QUY TRÌNH TIẾN HÀNH XÉT KỶ LUẬT

    1- Kiểm tra xác minh: quá trình kiểm tra, xác minh phải khách quan, thận trọng. Khi gặp gỡ đương sự hoặc người có liên quan phải ghi biên bản. Kết thúc quá trình kiểm tra xác minh phải có báo cáo kết luận.

    2- Tổ chức kiểm điểm:

    - Triệu tập họp chi đoàn (đối với trường hợp vi phạm là đoàn viên) hoặc ban chấp hành đoàn (trường hợp vi phạm là cán bộ đoàn).

    - Cán bộ, đoàn viên trình bày kiểm điểm (bằng văn bản) trước chi đoàn hoặc ban chấp hành đoàn và tự nhận hình thức kỷ luật.

    - Báo cáo kết luận kiểm tra xác minh, đề xuất hình thức kỷ luật.

    - Các thành viên dự họp góp ý kiến phân tích nguyên nhân, tính chất, mức  độ sai phạm.

    - Chủ tọa cuộc họp tóm tắt, kết luận vấn đề.

    3- Biểu quyết kỷ luật: Biểu quyết hình thức kỷ luật nhất thiết phải bằng phiếu kín.

    - Nếu kết quả bỏ phiếu quá một phần hai thì đề nghị đoàn cấp trên xem xét quyết định (trường hợp chi đoàn kỷ luật đoàn viên bằng hình thức khiển trách thì có hiệu lực ngay sau khi công bố).

    - Trong trường hợp kết quả bỏ phiếu đề nghị kỷ luật không có hình thức nào quá bán hoặc kết quả bỏ phiếu bằng nhau thì làm văn bản báo cáo lên ủy ban kiểm tra, đoàn cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.

    4- Hồ sơ kỷ luật gồm:

    - Bản tự kiểm điểm của người vi phạm.

    - Biên bản họp chi đoàn hoặc ban chấp hành đoàn xét kỷ luật.

    - Văn bản đề nghị của ban chấp hành đoàn.

    - Các văn bản khác có liên quan như kết luận của cơ quan thanh tra, quyết định kỷ luật của Đảng, chính quyền, đoàn thể khác… (nếu có).

    5- Việc công nhận tiến bộ theo điều 35, Điều lệ Đoàn thực hiện theo Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn.

  

    IV- GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ KỶ LUẬT ĐOÀN

    1- Tổ chức Đoàn, cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng (30 ngày) kể từ ngày nhận quyết định kỷ luật, có quyền khiếu nại bằng đơn về hình thức kỷ luật của mình lên ủy ban kiểm tra hoặc đoàn cấp trên. Ủy ban kiểm tra hoặc đoàn cấp trên có trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời cho người gửi đơn khiếu nại biết.

    2- Ban thường vụ đoàn, ủy ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật Đoàn phải tuần tự từ cấp ra quyết định sau đó mới đến cấp trên ra quyết định.

    3- Thời gian giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đoàn thực hiện theo quy định tại điểm e (1.2), mục 1 (II), phần thứ sáu của Hướng dẫn này.

 

    4- Không khiếu nại vượt cấp khi tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật Đoàn chưa giải quyết xong, không gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp cùng một lúc, đến nhiều tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết, không khiếu nại hộ cá nhân, tổ chức bị kỷ luật.

Nguồn tin: Web TW Đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây