NextUpcoming Event

Đường sắt trên cao: Giải pháp cho đô thị hiện đại

Thứ ba - 27/04/2010 14:07

Đường sắt trên cao: Giải pháp cho đô thị hiện đại

Hệ thống đường sắt đô thị sẽ là một trong những giải pháp làm giảm thiểu các tác động xấu đến phát triển kinh tế xã hội tại các đô thị lớn do tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đang gia tăng; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư và du lịch. Theo kế hoạch phát triển tổng thể thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt nội đô. Trong đó, tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên là tuyến số 1 và cũng là tuyến được đặc biệt chú ý.

Đường sắt trên cao Hà Nội: tuyến giao thông quan trọng đối với Đường sắt quốc gia và đô thị.

Tuyến đường sắt đô thị đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên là tuyến ưu tiên số 1 trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Đây là tuyến giao thông quan trọng không những cho đường sắt quốc gia mà còn cho giao thông đô thị của TP. Hà Nội, tuyến đi xuyên tâm theo trục Đông Bắc - Tây Namcủa thành phố Hà Nội với hy vọng giải tỏa ùn tắc giao thông.

Dự án do Tổng Công ty ĐSVN làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC-JSC) là tư vấn lập dự án.

Tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Hà Nội - Giáp Bát - Văn Điển - Ngọc Hồi có tổng chiều dài 28km, sẽ đi qua 2 cầu lớn là Long Biên và Đuống. Về cơ bản, tuyến đường sắt trên cao này vẫn đi theo tim đường sắt cũ.

Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc tách dự án đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên thành 2 dự án đầu tư riêng biệt theo 2 giai đoạn. Việc tách này là hoàn toàn hợp lý, bởi mỗi giai đoạn đều được tổ chức thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng trước để đáp ứng nhu cầu giao thông trên đoạn có lưu lượng lớn nhất; giai đoạn 2 sẽ được đầu tư xây dựng sau đó khi nhu cầu giao thông đòi hỏi.

Giai đoạn 1 sẽ tập trung xây dựng các kết cấu công trình và đường sắt trên cao đoạn từ Giáp Bát đến Gia Lâm và tổ hợp khu ga Ngọc Hồi; cung cấp và lắp đặt thiết bị cho hệ thống thông tin, tín hiệu, điện khí hóa và cung cấp năng lượng; mua sắm các đoàn tàu đô thị chạy điện EMU. Việc xây dựng cầu Long Biên mới cũng được thực hiện trong giai đoạn 1.

 

Giai đoạn 2 sẽ xây dựng đường sắt trên cao từ Ngọc Hồi đến Giáp Bát và từ Gia Lâm đến Yên Viên để hoàn thiện toàn tuyến từ Yên Viên đến Ngọc Hồi, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020.

 

Giai đoạn 1, đoạn Giáp Bát - Gia Lâm được xây dựng với tổng đầu tư 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA Nhật Bản hơn 13.972 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng. Dự kiến đến cuối năm 2016 giai đoạn 1 sẽ hoàn thành nhằm giảm thiểu tắc nghẽn giao thông đô thị.

 

Tuyến Giáp Bát - Gia Lâm dài 15,36km với 10,57km đi trên cao (cầu cạn và ga trên cao 8,87km, cầu vượt sông 1,7km) và 4,79km đi trên mặt đất (khu vực Ga Ngọc Hồi dài 3,85km, khu ga Gia Lâm dài 0,94km). Trên tuyến sẽ xây mới 9 nhà ga và cải tạo lại ga Gia Lâm. Trong số đó, có 4 ga lớn là Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm sẽ không chỉ là ga dành riêng cho đường sắt đô thị mà còn là ga dùng chung cho cả đường sắt quốc gia. Đây sẽ là trung tâm lưu chuyển hành khách của các chuyến tàu Bắc - Namvà các chuyến tàu của các tỉnh phía Bắc xuống.

 

Các ga nhỏ như: Phương Liệt, Bạch Mai, công viên Thống Nhất, Phùng Hưng… sẽ là những điểm đón khách đi lại trong nội đô.

Vận chuyển 150.000 hành khách/ngày, công nghệ thân thiện với môi trường.

Với tổng chiều dài của giai đoạn 1, dự án sẽ đi qua 7 quận huyện của thành phố Hà Nội, 1.116 hộ dân sẽ phải di rời. Theo dự kiến, tổng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Các tiểu dự án di dời sẽ được TP. Hà Nội giao lại cho các địa phương thực hiện để đảm bảo cho hành lang an toàn phải đạt khoảng 5m. Chỉ trừ những vị trí quá đặc biệt có thể là 3m, nhưng trong quy hoạch không được cấp phép xây dựng các công trình kiên cố xung quanh.

Ban Quản lý các dự án đường sắt đã lập đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua. Khi đi vào vận hành, tàu trên tuyến này sẽ sử dụng đầu máy tự hành chạy điện. Tiếng ồn cũng sẽ giảm rất nhiều bởi công nghệ đường ray hàn liền và làm đường chống ồn. Hành khách và các hộ dân xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn khi đường sắt hoạt động.

Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành với 27 đoàn tàu gồm 3 toa, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt trên cao này vào khoảng 150.000 hành khách/ngày.

Cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Mục tiêu của dự án là từng bước thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng giao thông đô thị của thủ đô Hà Nội. Đồng thời nâng cao năng lực khai thác của đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm đạt các yêu cầu cơ bản như phục vụ chạy tàu khách Thống Nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị. Từng bước đưa hệ thống giao thông bánh sắt đô thị vận chuyển nhanh, khối lượng lớn vào hoạt động, cung cấp một hệ thống vào vận tải hành khách công cộng thường xuyên, đúng giờ, an toàn và nhanh chóng trong đô thị.

Theo dự kiến, cứ 04 phút sẽ có một chuyến tàu chạy trên tuyến. Do chạy trên cao, nên loại hình vận tải này hạn chế những điểm giao cắt vốn dễ gây tai nạn và ách tắc giao thông. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã giao Tổng Công ty ĐSVN thực hiện bồi thường, tái định cư hơn 1.800 hộ dân của 7 quận, huyện trên địa bàn (là Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình và Long Biên); giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 của tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi. Phần diện tích chiếm dụng vĩnh viễn của dự án ước tính khoảng 146.03 ha; trong đó đất hiện có khoảng 125.03ha. Tổng số hộ dân phải di dời, tái định cư khoảng 1.812 hộ dân. Diện tích cần thiết cho các khu tái định cư của dự án khoảng 16,5 ha.

Dự kiến tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ cho công tác thu hồi đất lên tới 3.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được xây dựng vào năm 2012. Khi có tuyến đường sắt trên cao này, thời gian đi từ Giáp Bát đến Gia Lâm chỉ mất 23 phút, thay vì gần 2 tiếng đồng hồ như hiện nay.

Tác giả bài viết: Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây