NextUpcoming Event

Khai thác có hiệu quả đầu máy lắp ráp trong nước

Thứ ba - 12/01/2010 16:29

Đầu máy D19 do Đường sắt Việt Nam tự lắp ráp

Đầu máy D19 do Đường sắt Việt Nam tự lắp ráp
Sản xuất, lắp ráp đầu máy trong nước đã và đang được triển khai và đưa vào sử dụng, hoạt động tốt trên ĐSVN, mang lại hiệu quả cao về đồng vốn đầu tư, đồng thời đưa công nghiệp sản xuất đầu máy, toa xe tại Việt Nam lên một tầm cao mới.

1. Quá trình sản xuất:

 

Dự án sản xuất, lắp ráp đầu máy tại Việt Nam được khởi động từ năm 2006. Dự án được thực hiện theo hình thức EPC, Tổng Công ty ĐSVN ký hợp đồng với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (trước đây là Công ty Xe lửa Gia Lâm, trực thuộc Liên hiệp Sức kéo), các khâu thiết kế, hợp đồng mua sắm thiết bị, sản xuất lắp ráp đều do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thực hiện, có sự tham gia của các nhà thầu phụ Trung Quốc như Công ty Đầu máy Tư Dương, Công ty Cơ điện Vĩnh Tế và các Công ty trong nước như Công ty V-Trac, Công ty Ratraco, Công ty Xe lửa Dĩ An...

 

Theo hợp đồng, các đầu máy được thiết kế, sản xuất, lắp ráp theo mẫu đầu máy Đổi mới D19E, đã được Đường sắt Việt Nam nhập mua nguyên chiếc từ Trung Quốc năm 2002, với một số thay đổi, cải tiến và một số bộ phận nội địa hoá. Đây là loại đầu máy tương đối tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện khai thác của ĐSVN và hơn nữa giá thành lại rẻ hơn nhiều so với đầu máy nhập từ các nước Châu Âu (720.000 USD). 

 

Loại đầu máy D19E này có công suất 1900 mã lực, tốc độ tối đa 120 km/h. Theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các đầu máy Đổi mới D19E được Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đặt hàng chế tạo theo đặc điểm và điều kiện thực tế của Đường sắt Việt Nam, khắc phục các nhược điểm của loại đầu máy D19E đã nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc, cải tiến kiểu dáng khung vỏ và cabin đầu máy đẹp hơn.

 

Đầu máy có chức năng điều khiển kỹ thuật số, có hộp đen ghi và lưu giữ số liệu vận hành của đầu máy. Động cơ lắp trên đầu máy là động cơ CAT do Mỹ chế tạo, có độ bền và độ tin cậy cao, có tính năng điều khiển kỹ thuật số trong việc phun nhiên liệu, kết hợp với tính năng điều khiển kỹ thuật số của đầu máy, tự động điều chỉnh lượng cung cấp nhiên liệu theo tải trọng thực tế, tự động lựa chọn dải công suất phù hợp nhất giữa động cơ và máy điện, nên lượng tiêu hao nhiên liệu là phù hợp và tiết kiệm nhất.

 

Đầu máy được chế tạo có 2 ca bin điều khiển, khi vận dụng không phải quay đầu, thuận tiện khi vận dụng tại những nơi không có cầu quay hoặc đường tam giác quay đầu máy, mặt khác tạo điều kiện quay vòng nhanh. Ca bin được trang bị máy điều hoà không khí, tạo điều kiện tốt cho sức khoẻ tài xế khi lái tầu.

 

Việc thực hiện sản xuất 20 đầu máy chia ra 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: từ tháng 2/2007 đến tháng 4/2007. Giai đoạn này chỉnh bị 1 đầu máy nhập nguyên chiếc và lắp ráp 4 đầu máy từ các bộ phận linh kiện rời.

- Giai đoạn 2: từ tháng 5/2007 đến tháng 6/2008. Giai đoạn này sản xuất, lắp ráp 15 đầu máy. Một số bộ phận chính của đầu máy như giá xe, thân, vỏ đầu máy, bộ phận gạt chướng ngại được nội địa hoá. Sau đó các bộ phận, chi tiết rời được lắp ráp lên khung bệ đã sản xuất, thành đầu máy hoàn chỉnh. Trong mỗi công đoạn sản xuất đều có Tư vấn giám sát quá trình sản xuất, thử nghiệm đạt yêu cầu kỹ thuật.

 

Sau khi đầu máy hoàn thành, Hội đồng thử nghiệm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức các bước thử nghiệm, khắc phục thiếu sót, tồn tại rồi mới đưa ra vận hành, khai thác.

 

2. Quá trình vận hành, khai thác:

 

Hiện nay, các đầu máy D19E sản xuất tại Việt Nam được giao cho 2 đơn vị quản lý:

- Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội quản lý 10 đầu máy, khai thác trên khu đoạn: Hà Nội - Đồng Hới dài 520 km, thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam và một số tuyến đường khác thuộc khu vực phía Bắc Việt Nam.

- Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn quản lý 10 đầu máy, khai thác trên khu đoạn: Sài Gòn - Diêu Trì dài 630 km, thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam.

 

Các đầu máy Đổi mới D19E có công suất lớn (1900 mã lực), tốc độ cao (120 km/h), gia tốc nhanh, tiêu hao nhiên liệu và dầu bôi trơn thấp, có độ tin cậy cao khi vận dụng, ít có sự cố dọc đường nên được Đường sắt Việt Nam sử dụng tối đa để kéo các đoàn tàu khách và tàu hàng, đã phát huy vai trò chủ lực trong sức kéo tầu khách và các đoàn tàu hàng nặng. Trong những năm gần đây, Đường sắt Việt Nam chủ trương tăng tốc độ các đoàn tàu khách và tàu hàng, nhằm rút ngắn thời gian chạy tàu, đồng thời tăng năng lực thông qua các tuyến đường sắt trọng điểm. Vì vậy, đầu máy D19E được sử dụng để kéo tất cả các đoàn tàu trên tuyến chính Bắc - Nam. Trong 3 khu đoạn, đầu máy D19E đảm nhiệm kéo 2 khu đoạn: Hà Nội - Đồng Hới  và Sài Gòn - Diêu Trì, còn khu đoạn Đồng Hới - Diêu Trì do đầu máy D20E nhập khẩu từ Cộng hoà Liên bang Đức và đầu máy D18E nhập khẩu từ Vương quốc Bỉ đảm nhiệm.

 

Về tàu khách, đầu máy D19E được sử dụng để kéo tất cả các đoàn tàu khách trên tuyến chính Bắc - Nam trong đó có các đoàn tàu khách cao cấp nhất của Đường sắt Việt Nam. Ngoài ra, đầu máy D19E còn được sử dụng để kéo các đoàn tàu khách trên các tuyến địa phương có số toa khách nhiều, trọng lượng lớn, cần tốc độ chạy nhanh.

 

Với tàu hàng, do có sức kéo lớn, được phép kéo tới 1200 tấn trên khu đoạn có độ dốc 10%o  nên đầu máy D19E có vai trò lớn trong việc kéo các đoàn tàu hàng nặng. Ví dụ, trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, khu đoạn Yên Viên - Yên Bái có độ dốc lớn nhất 10%o, khu đoạn Yên Bái - Lào Cai có độ dốc lớn nhất 12%o; do tải trọng trục lớn nên đầu máy D19E không thể khai thác được trên khu đoạn Yên Bái - Lào Cai; vì vậy sử dụng đầu máy D10H có công suất nhỏ hơn, tải trọng trục thấp hơn, sức kéo thấp hơn và tiêu hao nhiên liệu lớn hơn để kéo; khi tới Yên Bái thì giải thể, lập tàu lại cho đầu máy D19E kéo; việc này làm tăng năng lực thông qua của khu đoạn Yên Viên - Yên Bái và tiết kiệm nhiên liệu hơn. 

 

Khi sử dụng đầu máy D19E kéo tàu hàng, nhất là đoàn tàu hàng nặng, đủ trọng lượng kéo cho phép, mức tiêu hao nhiên liệu giảm rất thấp so với các loại đầu máy khác, chỉ tiêu hao 30 - 33 kg nhiên liệu cho 1 vạn T.km, trong khi với một số loại đầu máy khác là 37 - 38 kg nhiên liệu cho 1 vạn Tấn.km.

 

Do kéo tàu đường dài và quay vòng nhanh nên bình quân km chạy mỗi năm đạt khoảng 180.000 km. Tỷ lệ đầu máy sẵn sàng vận dụng cao, thường xuyên đạt 80 - 85%, cá biệt khi cần ở những đợt vận tải cao điểm như Tết, hè tỷ lệ vận dụng đầu máy có thể lên tới 95 - 100%.

 

3. Tổ chức công tác bảo hành chất lượng đầu máy:

 

Sau khi xuất xưởng, các đầu máy này được bảo hành chất lượng trong 24 tháng. Việc bảo hành chất lượng đầu máy được nhà sản xuất lên kế hoạch, chuẩn bị nhân lực và phụ tùng thay thế cần thiết đặt tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội và Sài Gòn. Mỗi khi đầu máy có trục trặc thuộc lỗi của nhà sản xuất thì có ngay nhân viên bảo hành đến kiểm tra và khắc phục sự cố.

 

Từ khi các đầu máy được đưa vào khai thác, đã có một số vấn đề phát sinh, như: vị trí còi gió không phù hợp, hiện tượng đế lò xo đầu máy chạm khung giá chuyển hướng, cảnh báo tắc bầu lọc nhiên liệu không báo sự cố, hệ thống điều hoà không khí hoạt động không ổn định, vòng bi động cơ điện kéo bị lỏng chốt vòng cách, đèn pha bị nóng, tróc lớp mạ dẫn tới độ sáng và độ chiếu xa bị giảm, một số động cơ diesel bị nhiệt độ khí xả cao.

 

Các hư hỏng trên đều được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý khai thác đầu máy phối hợp với nhà thầu khắc phục, giải quyết kịp thời. Đến nay, một số đầu máy D19E sản xuất lắp ráp trong nước đã hết thời gian bảo hành, các đầu máy đó vẫn đang bảo đảm chất lượng vận dụng.

 

Ngoài trách nhiệm bảo hành của nhà sản xuất, sau khi các đầu máy được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ xong, các xí nghiệp quản lý khai thác đầu máy cũng có trách nhiệm bảo hành các bộ phận của đầu máy được bảo dưỡng, sửa chữa theo quy trình. Vì vậy, các đầu máy D19E luôn bảo đảm chất lượng khi vận dụng, khai thác. 

 

4. Tổ chức công tác bảo dưỡng, sửa chữa:

 

Quy trình sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đầu máy D19E và các tài liệu hướng dẫn được phổ biến tới các đơn vị quản lý, khai thác đầu máy. Chukỳ bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy được chấp hành đầy đủ, nghiêm túc. Khi đầu máy vào xưởng được kỹ thuật viên kiểm tra đánh giá chất lượng, xác định công việc cần làm theo quy trình sửa chữa. Sau khi đầu máy được bảo dưỡng, sửa chữa xong lại được các nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiệm thu, đăng kiểm xem xét, xác nhận đủ chất lượng ra vận dụng.

 

Việc đầu tư thiết bị kiểm tra, sửa chữa cũng đáp ứng những yêu cầu cơ bản nhất trong việc bảo dưỡng, sửa chữa đầu máy D19E, đó là các thiết bị kiểm tra sửa chữa sự cố về động cơ, hệ thống điện điều khiển, hệ thống đồng hồ tốc độ và lưu trữ số liệu, các thiết bị thuộc hệ thống hãm, thử nghiệm công suất cụm động cơ - máy phát điện chính. Các thiết bị đó đã tạo điều kiện cho các công nhân và cán bộ kỹ thuật xác định chính xác trạng thái chất lượng của đầu máy trước khi đưa đầu máy ra vận hành.

 

5. Hiệu quả chung của dự án sản xuất lắp ráp đầu máy:

 

Dự án chế tạo, lắp ráp 20 đầu máy D19E của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thực sự có hiệu quả. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (trước đây là Công ty xe lửa Gia Lâm) đã khá vững vàng trong việc thi công sản xuất lắp ráp đầu máy D19E nói riêng và đầu máy diesel nói chung. Ngoài Nhà máy Xe lửa Gia Lâm còn có Công ty Xe lửa Dĩ An cũng đã tham gia vào dự án, đã có một số kinh nghiệm trong việc sản xuất một số bộ phận chính của đầu máy.

 

Hiệu quả trong việc khai thác cũng thể hiện rất rõ:

- Giá thành sản xuất đầu máy thấp.

- Tiêu hao nhiên liệu và dầu bôi trơn ít so với các loại đầu máy khác.

- Chi phí sửa chữa thấp so với các loại đầu máy khác.

 

Kết quả thực tế cho thấy rằng, chất lượng đầu máy sản xuất lắp ráp trong nước không thua kém đầu máy nhập nguyên chiếc. Hiện nay, cả 20 đầu máy sản xuất lắp ráp trong nước đều đang hoạt động tốt trên Đường sắt Việt Nam, mang lại hiệu quả cao về đồng vốn đầu tư, đồng thời đưa công nghiệp sản xuất đầu máy toa xe tại Việt Nam lên một tầm cao mới. 

 

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Ngọc Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây