Lĩnh vực giao thông đường sắt nước ta đã có mặt hơn 100 năm nay. Là một ngành giao thông mang tính xã hội cao hiện nay mạng lưới giao thông đường sắt có 5 tuyến chính với tổng chiều dài gần 3000km được phân bổ đi qua 34 tỉnh thành phố kết nối các trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Trong nhiều năm qua bên cạnh sự phát triển của lĩnh vực giao thông bánh sắt, thì các vấn đề về đô thị hóa, sự thiếu qui hoạch đồng bộ ở các địa phương đã đẩy mạnh tốc độ phát triển những khu dân cư kề sát nhà ga và bám dọc các tuyến đường sắt. Cùng với nhân thức chưa cao của một bộ phận không nhỏ người dân đang là nguyên nhân báo động tình trạng xả chất thải bừa bãi trên các tuyến đường sắt hiện nay ngày càng gia tăng.
Qua khảo sát đánh giá của ngành Đường sắt, chất thải đang xả trực tiếp vào mạng lưới đường sắt quốc gia hiện nay dưới dạng chất thải sinh hoạt rắn và lỏng chủ yếu là do người dân hoặc hành khách đi tàu thiếu ý thức vứt rác bừa bãi cũng như nước thải sinh họat từ các khu dân cư liền kề nhà ga và dọc hai bên đường sắt, ước chừng mỗi ngày xả ra 10,4 tấn rác thải. Ngoài ra còn có cả chất thải công nghiệp được xả ra từ một số cơ sở sản xuất ở địa phương . Chính những tồn tại này đã và đang làm ảnh hưởng đến môi trường sống , nguồn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng dân cư và là tác nhân giảm tuổi thọ dẫn đến hư hỏng các trang thiết bị kết cấu hạ tầng đường sắt gây mất an toàn chạy tàu .
Theo thống kê của Ban Khoa học công nghệ Đường sắt Việt Nam thì trên toàn mạng đường sắt hiện đang tồn tại gần 900 điểm xả rác, nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu. Trong đó đặc biệt nổi cộm ở các tuyến Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai... và tập trung nhiều tại các khu vực đường sắt đầu mối đông dân cư .
Trong hơn 3 năm qua Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thường xuyên tập trung vào giải quyết thu gom và xử lý hàng nghìn tấn rác thải ở các khu ga trọng điểm. Ngoài việc phát động cán bộ công nhân viên nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, các đơn vị còn thành lập những tổ thu gom rác tại các nhà ga tập kết rác thải trên các đoàn tàu vào những địa điểm cố định và ký kết hợp đồng với địa phương hoặc các doanh nghiệp có chức năng thu gom vận chuyển và tiêu hủy. Qua đánh giá cho thấy công tác bảo vệ môi trường ngành Đường sắt đang ngày được chú trọng và bước đầu đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề xây dựng nguồn kinh phí dành cho hoạt động về bảo vệ môi trường, trang bị đầu tư thiết bị máy móc hạng mục công trình xử lý ô nhiễm theo đúng quy định của pháp luật
Hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6, với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” hơn 4 vạn CBCNV chức lao động ngành Đường sắt đồng loạt ra quân tuyên truyền, làm vệ sinh môi trường ở khu vực nhà ga, đoàn tàu và dọc hai bên đường sắt ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Theo đó là các hoạt động truyền thông hướng dẫn chủ đề tiết kiệm, tránh lãng phí thực phẩm tới cán bộ công nhân viên và cộng đồng dân cư nhằm thay đổi nhận thức hành khách đi tàu hướng tới thân thiện với môi trường. Ngay trong ngày ra quân, cán bộ công nhân viên và nhân dân dọc hai bên đường sắt đã thu gom được gần 3 nghìn mét khối rác thải sinh hoạt. Tại buổi Lễ ra quân đồng chí Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có đánh giá: “Tổng Công ty ĐSVN là đơn vị đi đầu trong ngành giao thông vận tải trong ý thức về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm và đã được xác định rất rõ trong đề án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, trong đó giai đoạn từ nay đến 2015 cần tập trung vào việc thu gom rác thải, quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường đối với các chuyến tàu vận tải hành khách, ưu tiên nâng cao bảo vệ môi trường trong lĩnh vực vận tải”. Đồng thời, đồng chí Thứ trưởng cũng kêu gọi tất cả hành khách dùng phương tiện giao thông nói chung và phương tiện đường sắt nói riêng hãy ý thức hơn và vì cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Thông qua những hoạt động như thế này không chỉ nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên chức lao động, mà còn tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc phổ biến tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư, bảo vệ môi trường đường sắt. Đặc biệt là đưa ra ngay các biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt tình trạng người dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường trên mạng đường sắt và khu vực ga còn tồn tại phổ biến hiện nay. Một trong những giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng xả rác thải còn tồn tại trên mạng đường sắt hiện nay, phụ thuộc vào vai trò trách nhiệm sự phối hợp đồng bộ tích cực của các cơ quan chức năng và nhất là chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua. Trong đó nâng cao nhận thức của mọi đối tượng người dân về vệ sinh môi trường nhằm góp phần khai thác hiệu quả lĩnh vực giao thông vận tải bánh sắt trong phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Xin mời theo dõi phóng sự "Vấn đề rác thải đường sắt" tại địa chỉ: http://hanoitv.vn/MediaCenter/154/Video/Category68/Item2699.htv
Tác giả bài viết: Thu Phương
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn