NextUpcoming Event

Gặp người lính tham gia bắt sống tướng de Castries

Thứ tư - 23/04/2014 23:51
Đã 60 năm trôi qua, nhưng có lẽ ông Đàm Sính ở tổ 22, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, một trong những người tham gia bắt sống tướng de Castries, vẫn vẹn nguyên những ký ức không thể nào quên về một trận chiến ác liệt, gian khổ mà oai hùng.

Tướng de Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ ra hàng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Năm nay bước sang tuổi 80, nhưng khi gặp và nghe chúng tôi hỏi chuyện, những ký ức hào hùng của một thời máu lửa lại hiện về trong tâm trí ông. 


Ông Sính nói trong cuộc đời người lính, tôi may mắn và vinh dự được chứng kiến và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp vào hầm bắt sống tướng de Castries và các sỹ quan cao cấp của Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để có được chiến công, phải nói đến công sức và sự hy sinh của biết bao chiến sỹ, đồng đội và của cả dân tộc.

Ông Sính kể, năm 1954, vì biết tiếng Pháp nên ông được Cục Địch vận cử tham gia bắt sống và áp giải tướng de Castries từ Yên Bái về Tuyên Quang. Khi tướng de Castries bị áp giải qua thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, lúc đó người dân thị trấn Vĩnh Lộc đổ ra xem rất đông. 

Sau đó, tướng de Castries được giam giữ riêng tại xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Còn các sỹ quan cao cấp khác của Pháp được giam ở xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. 

Ngoài ra, ông còn dẫn phóng viên nhiếp ảnh thời sự người Nga đến quay cảnh tù binh Pháp tại trại Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Sau này tướng de Castries được trao trả cho Pháp ở cầu Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ông Đàm Sính, sinh năm 1935, tên thật là Đàm Nhí (thường gọi là Nhỏ), trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 

Năm 1946, dù mới 11 tuổi, ông đã được đồng chí Chu Đốc - Cục trưởng Cục Bảo vệ giao cho đi trinh sát vụ án Ôn Như Hầu. Hàng ngày, ông đi bán lạc rang để thực hiện nhiệm vụ.

Đến năm 1950, ông trở lại Tuyên Quang để tiếp tục học tập. Do biết tiếng Pháp, nên ông được bổ sung vào Cục Địch vận, tại đây ông tiếp tục học tiếng Pháp và được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. 

Không chỉ là người lính dũng cảm trong thời chiến, ông còn là người cựu chiến binh hết lòng vì đồng đội trong thời bình. 

Sau khi nghỉ hưu, năm 1998, ông đã thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Tuyên Quang và làm Trưởng ban liên lạc suốt 10 năm.

Trở lại với cuộc sống đời thường, ông Sính cũng như những người lính năm xưa trong Ban liên lạc cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Tuyên Quang, vẫn phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng chính quyền tại địa phương, giáo dục con, cháu trở thành người có ích cho xã hội, góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây