ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
TRUYỀN THỐNG VẺ VANG 61 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
CỦA ĐOÀN THANH NIÊN TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Có thể nói: hơn nửa thế kỷ phát triển của Đoàn Thanh niên Đường sắt Việt Nam đã góp phần quan trọng tô thắm thêm truyền thống 135 năm xây dựng và phát triển ngành Đường sắt. Ngay từ những năm 1930, phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân Đường sắt đã phát triển sâu rộng, luôn là tấm gương tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân cả nước lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người thợ Đường sắt trẻ tuổi nói riêng và đội ngũ công nhân ĐS lúc bấy giờ nói chung đã đoàn kết chặt chẽ bên nhau, đấu tranh không khoan nhượng với giới chủ và chính quyền thực dân, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, giành chính quyền về tay nhân dân ở các địa phương trong cả nước.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu (07/5/1954), miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong nhiệm vụ to lớn, nặng nề và khó khăn đó, việc khôi phục, xây dựng và phát triển hệ thống ĐS và vận tải ĐS phục vụ công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội của miền Bắc XHCN và chi viện cho chiến trường miền Nam được Bác Hồ và Đảng ta rất coi trọng. Trước tình hình đó, ngày 06/4/1955 Tổng cục Đường sắt đã được thành lập. Cùng với việc thành lập Tổng cục Đường sắt, hệ thống tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn Thanh niên lần lượt được hình thành.
Trước yêu cầu phải tập hợp lực lượng thanh niên trên các công trường, các tuyến ĐS đi vào hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của tổ chức Đoàn; từ đó phát huy cao nhất sức trẻ tham gia thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển Đường sắt trên cơ sở hình thành được một số tổ chức cơ sở Đoàn. Ngày 15/8/1955 Ban Bí thư TW Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam đã ra quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ngành Đường sắt trực thuộc TW Đoàn và cử ra Ban cán sự do đồng chí Vũ Đức làm Trưởng ban, các đồng chí Lê Hùng, Trần Thọ là Phó ban.
Sự kiện thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam ngành Đường sắt có ý nghĩa hết sức quan trọng trong lịch sử phong trào thanh niên Đường sắt, thể hiện bước trưởng thành mới của phong trào thanh niên Đường sắt; khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của lực lượng thanh niên Đường sắt trong công nhân ĐS nói riêng, trong phong trào thanh niên Việt Nam nói chung lúc bấy giờ. Đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của TW Đoàn, của lãnh đạo Tổng cục ĐS đối với tuổi trẻ ngành ĐS trong sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Từ đây, phong trào thanh niên Đường sắt bước sang một thời kỳ phát triển mới.
I- PHONG TRÀO THANH NIÊN ĐƯỜNG SẮT THỜI KỲ 1955 - 1975:
1. Phong trào Thanh niên Đường sắt thời kỳ 1955 - 1964:
Những ngày đầu mới thành lập, với bao khó khăn, cùng với việc hình thành, xây dựng tổ chức Đoàn, thanh niên ĐS đã nhanh chóng hoà mình vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, thi đua học tập và rèn luyện do chính tổ chức Đoàn phát động. Trên các công trường khôi phục ĐS, hàng vạn nam, nữ CB - ĐVTN đã ra sức khắc phục mọi khó khăn gian khổ, bấp chấp cái rét, cái đói của những nơi “rừng thiêng, nước độc” như: Bảo Hà, Trái Hút, Đồng Giao, Bỉm Sơn,…để hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng, khôi phục xong nhiều tuyến đường quan trọng: Tuyến Hà Nội - Mục Nam Quan, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thanh Hoá và nhiều cây cầu lớn: Cầu Việt Trì, Cầu Phủ Lạng Thương, ... Thời gian này đã xây dựng được những mô hình sản xuất, công tác mang mầu sắc, tính chất thanh niên, thể hiện tính độc lập, vai trò đi đầu của lớp người mới xã hội chủ nghĩa. Đó là những kiểu mẫu về các tổ sản xuất thanh niên, ga thanh niên, cung đường thanh niên, đoàn tàu thanh niên,…và ở lĩnh vực nào cũng xuất hiện những điển hình tiêu biểu làm gương cho thanh niên toàn ngành học tập như: Tổ lái máy thanh niên 424(Đoạn đầu máy Hà Nội), Tổ lái máy thanh niên 402 (Đoạn đầu máy Hà Lào), Cung đường thanh niên Cầu Nhò, Ga thanh niên Cầu Họ,…và rất nhiều các cá nhân, tập thể điển hình, tiêu biểu khác. Chính bằng những cố gắng phi thường của mình, TNĐS đã góp phần cùng với CB.CNV toàn ngành hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ trong một thời gian ngắn.
Để kịp thời biểu dương thành tích của tuổi trẻ ngành Đường sắt, tổng kết kinh nghiệm điển hình cho toàn ngành và phong trào thanh niên nói chung, ngày 25/7/1956, BCH Đoàn ngành tổ chức Đại hội thanh niên tích cực toàn ngành lần thứ nhất tại thủ đô Hà Nội. Quan tâm đến ngành Đường sắt và phong trào thanh niên Đường sắt, khi biết có Đại hội thanh niên tích cực của ngành ĐS, Bác Hồ đã đến dự và ân cần căn dặn thanh niên Đường sắt nhiều điều quý báu. Sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đã tiếp thêm sinh lực cho tuổi trẻ Đường sắt bền gan phấn đấu xây dựng ngành ĐS và đất nước.
Phong trào thanh niên và tổ chức Đoàn ngành ĐS lớn mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Đại hội Liên hoan thanh niên tích cực lần II (tháng 2/1959) và Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên ĐS lần thứ nhất tại Hà Nội (tháng 10/1959). Đại hội Đoàn toàn ngành lần thứ nhất đã kiểm điểm hoạt động của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên ĐS từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đoàn khóa mới do đồng chí Tạ Văn Sỹ làm Bí thư.
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Đại hội Đoàn ngành đường sắt lần thứ II được khai mạc tháng 10-1961. Trọng tâm của Đại hội Đoàn ngành kỳ này là động viên, tổ chức phong trào thanh niên thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, góp phần xứng đáng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của ngành đường sắt, đồng thời tiếp tục xây dựng phong trào thanh niên, phong trào và tổ chức Đoàn vững mạnh. Biện pháp quan trọng là phát động, chỉ đạo phong trào thanh niên đường sắt xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm. Đại hội cũng đã bầu BCH Đoàn ngành nhiệm kỳ mới do đồng chí Đào Văn Nhượng làm bí thư.
Hưởng ứng phong trào“ Thanh niên tình nguyện thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)” do ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ III phát động, BCH Đoàn ngành đã chỉ đạo, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, phát động phong trào “ Ghi tên tình nguyện vượt mức kế hoạch” thu hút trên 2 vạn ĐVTN trong ngành hưởng ứng, tham gia trên khắp các lĩnh vực, với nhiều phong trào thi đua cụ thể, như: phong trào “kéo khoẻ, kéo an toàn”, phong trào “Bỏ cờ xanh, giành cờ đỏ”, phong trào “Dùng than cám chạy tàu thay than luyện” với khẩu hiệu “Than là vàng đen của Tổ Quốc”,…hay từ mô hình tập thể SXTN trước đây, bây giờ Đoàn ta đã có “Công trường thanh niên xây dựng ĐS Đông Anh - Thái Nguyên”- một công trình trọng điểm của đất nước lúc bấy giờ. Khắp các đơn vị trong toàn ngành, từ cơ quan đến các phân xưởng, từ nhà ga đến các công trường đã dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi của ĐVTN lao động sản xuất vượt mức kế hoạch 5 năm. Đặc biệt, từ phong trào “Ngày thứ 7 LĐSX đấu tranh thống nhất nước nhà” được khởi xướng từ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Đoàn TNĐS đã phát động, nhân rộng ra thành phong trào chung trong toàn ngành và tuổi trẻ toàn Miền Bắc. Và cũng chính từ khí thế của phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”, thi đua LĐSX để trả thù cho liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, ngày 22-12-1964 chiếc đầu máy hơi nước đầu tiên do các kỹ sư, công nhân Đường sắt Việt Nam tự lực chế tạo chính thức xuất xưởng với tên gọi đầu máy Nguyễn Văn Trỗi và được Ban Bí thư TW Đoàn gắn Huy hiệu. Phong trào “Em yêu đường sắt quê em” được phát động từ năm 1959 tiếp tục được tổ chức Đoàn các cấp duy trì, triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các em thiếu niên ở các trường học dọc hai bên đường sắt tham gia. Từ thực tiễn những phong trào lao động, học tập, rèn luyện, đến năm 1958 tổ chức Đoàn ngành đã có hơn 4.000 đoàn viên. Trung bình mỗi năm (thời kỳ 1958 - 1960) Đoàn đã giới thiệu cho Đảng kết nạp được 300 Đảng viên ưu tú, hàng ngàn cán bộ đoàn viên được nâng cao tay nghề, kiến thức văn hóa, chính trị và được đề bạt vào các cương vị chuyên môn của đơn vị.
Đại hội Đoàn toàn ngành lần thứ III (tháng 9/1964) là mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của Đoàn TNĐS. Với hơn 1 vạn đoàn viên trong tổng số hơn 2 vạn thanh niên, tổ chức Đoàn ngành ĐS thực sự là một tổ chức cách mạng to lớn, quan trọng của tuổi trẻ ĐS và của Đoàn khối công nghiệp cũng như của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam. Đại hội vinh dự được nhận cờ “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm” do Đảng bộ Tổng cục Đường sắt trao tặng. Tại Đại hội đồng chí Đào Văn Nhượng tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Đoàn ngành.
Có thể nói, chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển có một ý nghĩa rất to lớn; đã tạo dựng được hành trang để tuổi trẻ Đường sắt cùng CBCVNV toàn ngành bước vào giai đoạn mới - giai đoạn vừa chiến đấu sản xuất, vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ghi nhận những đóng góp to lớn của tuổi trẻ Đường sắt, ngày 21/4/1962 Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cho Đoàn TNĐS Việt Nam vì “Đã nêu cao vai trò nòng cốt và lập nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước ba năm (1958-1960)”. Thời gian này, phong trào TNĐS còn nhận được Bằng khen của Hội đồng hoà bình thế giới, Bằng danh dự của Liên đoàn TN dân chủ thế giới.
2 - Phong trào Thanh niên Đường sắt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, chi viện cho miền Nam chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975):
Trải qua mấy ngàn ngày đêm dưới “Mưa bom bão đạn”, tuổi trẻ Đường sắt đã cùng CBCNV toàn Ngành thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ngay trên mặt trận giao thông vận tải, giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường lớn miền Nam,… Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, “Sản xuất chiến đấu với khi thế tiến công. Học tập, xây dựng cuộc sống trên tư thế người chiến thắng”, hơn 2 nghìn TNXP Đường sắt đã gia nhập quân đội. Trên các mặt trận, trên các công trường, tuổi trẻ ĐS chắc tay búa tay súng, bám trụ từng cây cầu, mét đường đánh trả giặc Mỹ bằng sức lực, bằng trí tuệ của khoa học giao thông vận tải thời chiến với các phương thức vô cùng độc đáo, như “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “Xây dựng cầu phà liên hợp, làm cầu tạm ngày tháo, đêm lắp”,…. Những khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi” cùng với những phương châm “Địch đánh đến đâu sửa đến đấy, đánh lúc nào sửa lúc ấy”; hay gương dũng cảm bám máy, bám ban với khẩu hiệu “Có tàu là đi, có hàng là kéo”, sẵn sàng lên đường trong mọi tình huống để chuyển hàng phục vụ kịp thời cho tiền tuyến,… đã trở thành lẽ sống và mục tiêu hành động cụ thể của Thanh niên Đường sắt lúc bấy giờ.
Sau khi dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” ngày 05/8/1964, từ ngày 07/02/1965 đế quốc Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá miền Bắc, chủ yếu nhằm vào GTVT nhất là vận tải ĐS với mức độ ngày càng khốc liệt trên toàn tuyến đường sắt. Ngành Đường sắt bước vào thời kỳ mới - thời kỳ chống Mỹ, với tư thế chủ động sẵn sàng và quyết tâm chiến thắng. Tháng 5/1965 Hội nghị Ban chấp hành Đoàn Đường sắt họp tại Đông Anh (Hà Nội) đã quyết định chuyển hướng nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn từ thời bình sang thời chiến.
Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Đoàn phát động, thanh niên công nhân đường sắt xác định rõ vị trí chiến đấu chủ yếu của mình là: đảm bảo giao thông vận tải đường sắt, thường xuyên liên tục an toàn - đáp ứng mọi yêu cầu của sản xuất và chiến đấu. Hội nghị Ban chấp hành Đoàn Đường sắt tháng 9/1965 đã quyết định triển khai những biện pháp tổ chức để đoàn kết động viên thanh niên toàn ngành vươn lên hàng đầu trong mặt trận giao thông vận tải đường sắt. Năm 1966, phát huy khí thế “Ba sẵn sàng” Đoàn thanh niên toàn ngành ta đã phát động một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, hướng đoàn viên, thanh niên suy nghĩ, hành động theo khẩu hiệu “Sản xuất chiến đấu với khí thế tiến công. Học tập, xây dựng cuộc sống trên tư thế người chiến thắng”. Thi đua với tiền tuyến, đội ngũ TNĐS ở các XN công nghiệp, các đơn vị cầu đường, thông tin tín hiệu, các đoạn đầu máy, khối phục vụ, các trường dạy nghề,… đã phát động nhiều phong trào thi đua: “Giỏi một nghề, biết nhiều nghề”; hay phong trào “Phất cao cờ 3 sẵn sằng, giành 5 nhất thắng Mỹ”,…thi đua lao động sáng tạo, cùng toàn ngành hoàn thành vượt mức kế hoạch vận tải, 12000 đoàn viên đã đạt danh hiệu 5 nhất.
Với những đóng góp to lớn đó, ngày 28/8/1967, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất lần thứ II cho “CBCNV và TNXP chống Mỹ cứu nước ngành ĐS vì đã nêu cao tinh thần dũng cảm, quyết tâm khắc phục khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo giao thông vận tải, góp phần tích cực vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.
Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, học tập đạo đức cách mạng của Người, nhiều công trình của ngành Đường sắt mang tên “Công trình thanh niên làm theo lời Bác”; tiêu biểu nhất là công trình cầu Phú Lương, với 73% lao động trên công trường là ĐVTN…
Tháng 4/1969, Đại hội Đoàn ngành lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội đã ghi nhận những cống hiến lớn lao của tuổi trẻ và sự trưởng thành của phong trào Đoàn trong những năm chống Mỹ cứu nước như sau: “Luôn luôn bám chắc nhiệm vụ chính trị, phương châm chỉ đạo của Đảng bộ trong từng thời kỳ, biết chuyển hướng kịp thời, vận dụng sáng tạo nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn phù hợp với thời chiến, phát huy mạnh mẽ khí thế ba sẵn sàng, xung kích vào các khâu khó khăn nguy hiểm, nhất là trong vùng có chiến sự ác liệt, đồng thời phát huy tác dụng trên một số mặt tham gia quản lý kinh tế và đi vào khoa học kỹ thuật, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành”. Đại hội đã bầu BCH Đoàn do đồng chí Phan Thịnh làm Bí thư.
Tháng 5/1974, Đại hội Đoàn toàn ngành lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã xác định nhiệm vụ cụ thể của toàn Đoàn trong những năm 1974 - 1975 là: “Giáo dục động viên, tổ chức và phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào thi đua LĐSX, cần kiệm xây dựng CNXH, trong củng cố quốc phòng sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, trong học tập xây dựng cuộc sống mới, con người mới”. Đại hội đã bầu BCH Đoàn ngành do đồng chí Nguyễn Nhiễu làm Bí thư.
Trong thời kỳ này, tổ chức Đoàn toàn ngành đã xây dựng được 118 tổ sản xuất, 3 đội lái máy, 43 đầu xe, 83 đoàn tàu kiểu mẫu của thanh niên. Việc xây dựng tổ, đội thanh niên xung kích là phương thức vận động sản xuất của Đoàn có tác dụng thiết thực, có sức thu hút đông đảo thanh niên ở mọi ngành nghề, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trên mọi lĩnh vực. Những hoạt động sôi nổi, có hiệu quả trong các phong trào thi đua và tinh thần lao động có năng suất cao, có kỷ luật tốt của tuổi trẻ ĐS đã góp phần quan trọng cùng toàn ngành thực hiện nhiệm vụ phục vụ phát triển KTXH ở Miền Bắc, tổ chức các chiến dịch vận tải lớn phục vụ Miền Nam; đặc biệt là trong chiến dịch vận tải phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân Miền Nam.
Chặng đường 10 năm 1965-1975 là thời kỳ mà tuổi trẻ ĐS đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, lập nên những kỳ tích rực rỡ, đã góp phần làm rạng rỡ thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thanh niên Việt Nam, tô thắm, thêm truyền thống “Dũng cảm- Kiên cường-Thông minh-Sáng tạo” của đội ngũ công nhân Đường sắt; góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
II- PHONG TRÀO THANH NIÊN ĐƯỜNG SẮT THỜI KỲ XÂY DỰNG ĐƯỜNG SẮT THỐNG NHẤT TRONG CẢ NƯỚC (1976 - 1989):
Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: đất nước thống nhất cùng đi lên CNXH. Trong lúc này, nhiệm vụ khôi phục đường sắt được đặt ra khẩn trương, bên cạnh đó là việc nhanh chóng củng cố tổ chức ĐS ở Miền Nam, chuẩn bị cho thống nhất ĐS cả nước. Lại một lần nữa, tuổi trẻ Đường sắt bước vào trận chiến mới trên đại công trường khôi phục Đường sắt Bắc - Nam. Cùng với CBCNV toàn ngành, hàng nghìn ĐVTN với quyết tâm “Tất cả cho đường sắt thống nhất” đã khắc phục khó khăn, gian khổ, lao động dũng cảm và sáng tạo; vừa tham gia khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vừa khẩn trương thi công. Ngày 4-12-1976 mối ray cuối cùng trên đường sắt thống nhất được nối liền sau bao năm chia cắt tại km 446 +885 khu gian Minh Cầm - Chu Lễ và ngày 31-12-1976 đường sắt thống nhất chính thức thông xe. Thắng lợi này có ý rất quan trọng đối với công cuộc XD đất nước VN thống nhất. Đường sắt thống nhất là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, ý chí thống nhất của dân tộc ta sau ngày thắng Mỹ. Trong lúc này, một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Đoàn TNĐS đã khẩn trương thực hiện đó là tiếp nhận, thống nhất tổ chức các cơ sở Đoàn Thanh niên Đường sắt Miền Nam, nhiều cán bộ nòng cốt miền Bắc tiếp tục được tăng cường cho bộ máy tổ chức Đoàn ở miền Nam. Đến đầu năm 1977, hệ thống tổ chức Đoàn thống nhất toàn ngành về cơ bản đã được ổn định.
Tháng 6/1978, Đại hội Đoàn toàn ngành lần thứ VI được tổ chức. Đây là Đại hội đầu tiên của tuổi trẻ ĐS sau ngày thống nhất đất nước. Nghị quyết Đại hội đã xác định nhiệm vụ của tuổi trẻ toàn ngành là: “Phát huy quyền làm chủ tập thể XHCN của ĐVTN và vị trí chính trị của tổ chức Đoàn, tập hợp động viên thanh niên toàn ngành thành đội quân xung kích cách mạng trong phong trào thi đua LĐSX, tiết kiệm, thực hành nề nếp chính quy, xây dựng đường sắt XHCN tiến dần lên chính quy và hiện đại”. Đại hội đã bầu BCH Đoàn ngành do đồng chí Ngô Sỹ Thái làm Bí thư.
Ngày 30/12/1978 cùng với CBCNV, tuổi trẻ ngành ĐS đã bàn giao cho TW Đoàn đoàn tàu “Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh”. Đây là việc làm cụ thể, thiết thực của tuổi trẻ ĐS trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Năm 1979, đáp lời kêu gọi của Đảng và lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, hàng vạn ĐVTN ngành ĐS đã tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tình nguyện tham gia các lực lượng xung kích, phục vụ chiến đấu, đảm bảo GTVTĐS. Truyền thống “Dũng cảm- Kiên cường-Thông minh-Sáng tạo”, “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi” trong những ngày đánh Mỹ một lần nữa lại được tuổi trẻ ĐS phát huy trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm của thanh niên để bảo vệ từng mét đường, từng khu ga, từng toa xe, đầu máy. Trong lúc này, trên các mặt trận đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao chất lương phục vụ hành khách, với vai trò tiên phong, gương mẫu, tuổi trẻ ĐS đã phát động và triển khai sâu rộng phong trào “Phong cách thanh niên ĐS”, từ đó nhiều mô hình, phương thức hoạt động, như: Cửa bán vé TN, tổ công tác trên tàu TN, tổ phục vụ TN,…đã hình thành, góp phần từng bước nâng cao chất lượng phục vụ vận tải.
Đại hội Đoàn toàn ngành lần thứ VII (tháng 4/1980) đã phát động phong trào học tập và làm theo những điển hình tiên tiến, nhằm nhân rộng các điển hình thanh niên tiên tiến trong toàn ngành. Đại hội xác định toàn Đoàn tiếp tục thực hiện phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” với những mục tiêu cụ thể: “Phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tuổi trẻ xung kích sáng tạo xây dựng và bảo vệ đường sắt XHCN”. Đại hội đã bầu BCH Đoàn ngành do đồng chí Ngô Sỹ Thái tiếp tục làm Bí thư. Đến tháng 8/1982 đồng chí Phùng Đức Hiển được Hội nghị BCH Đoàn ĐS bầu làm Bí thư thay đồng chí Ngô Sỹ Thái chuyển công tác.
Thời kỳ này, cùng với bối cảnh chung của đất nước, ngành ĐS cũng phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Hoạt động của tổ chức Đoàn ngành ĐS cũng bị tác động. Để khắc phục những khó khăn, BCH Đảng bộ ĐS đã đề ra ba trọng tâm công tác trong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước là: “Tăng cường quản lý, đấu tranh khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực - Chăm lo ổn định đời sống CBCNV- Xây dựng tốt các nhà ga, đoàn tàu”. Hưởng ứng chủ trương trên, Đoàn đã phát động cuộc vận động: “Ba mũi tiến công chống tiêu cực” với những nội dung cụ thể là: “Chống ăn cắp tài sản XHCN - Chống cửa quyền hách dịch, ức hiếp quần chúng và hành khác - Chống tệ vô kỷ luật trong lao động, công tác”…
Đại hội Đoàn ngành lần thứ VIII (tháng 3/1984) là Đại hội “Ba xung kích làm chủ tập thể. Thực hiện nền nếp chính quy, lao động có kỷ cương, có kỹ thuật, đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác”. Đại hội đã thông qua “Quy ước nếp sống mới của thanh niên Đường sắt” và bầu BCH nhiệm kỳ mới do đồng chí Phùng Đức Hiển làm Bí thư. Đến tháng 6/1984, đồng chí Phạm Tăng Lộc được Hội nghị BCH Đoàn TNĐS bầu làm Bí thư thay đồng chí Phùng Đức Hiển chuyển công tác. Thời kỳ này, trước những khó khăn của ngành trong công tác quản lý và công tác phục vụ trên tàu, dưới ga, Đoàn TNĐS đã quyết định triển khai cuộc vận động “TNĐS với quy trình quy phạm và nếp sống văn hoá”, đưa việc thực hiện “Quy ước nếp sống mới của thanh niên Đường sắt” vào nền nếp thường xuyên và là hành động hàng ngày của mỗi ĐVTN.
Năm 1984, Ban Bí thư TW Đảng quyết định giải thể Đảng bộ ĐS, chuyển các cơ sở Đảng trong ngành về sinh hoạt tại địa phương. Năm 1985, Đoàn TNĐS cũng giải thể theo quyết định của Ban Bí thư TW Đoàn và chuyển về sinh hoạt với các địa phương. Ở khu vực Hà Nội, BCH Đoàn Đường sắt Hà Nội (trực thuộc Thành Đoàn Hà Nội) đã được thành lập ngày 21/01/1985. Sau một thời gian hoạt động, mô hình nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, trước tình hình đó năm 1989 Đoàn TN ngành ĐS đã được thành lập lại, trực thuộc TW Đoàn.
III- PHONG TRÀO THANH NIÊN ĐƯỜNG SẮT THỜI KỲ ĐỔI MỚI (TỪ NĂM 1989 ĐẾN NAY):
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, bắt đầu từ năm 1989, ngành Đường sắt tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện. Tuổi trẻ Đường sắt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đường sắt đã cùng CBCNV toàn ngành phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi mục tiêu trong công cuộc đổi mới của ngành Đường sắt.
Việc thành lập Đảng bộ vận tải Đường sắt (ngày 16/6/1988) sau một thời gian chuyển về sinh hoạt với các địa phương là yếu tố quan trọng trong việc tập trung đề ra đường lối chỉ đạo công cuộc đổi mới toàn diện của ngành Đường sắt, với sự khởi đầu quan trọng là thành lập ba Xí nghiệp Liên hợp vận tải đường sắt khu vực trực thuộc Tổng cục Đường sắt (tháng 3/1989); sau đó chuyển đổi mô hình Tổng cục Đường sắt thành Liên hiệp Đường sắt Việt Nam (tháng 4/1990). Đứng trước yêu cầu về công tác thanh niên đường sắt thời kỳ đổi mới, tháng 3/1989 TW Đoàn quyết định thành lập lại tổ chức Đoàn TNĐS trực thuộc Ban Bí thư TW Đoàn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Vũ Xuân Hồng làm Bí thư. Đoàn Thanh niên Đường sắt được tổ chức lại là một yếu tố thuận lợi để đoàn kết, tập hợp, hướng dẫn và động viên tuổi trẻ toàn ngành phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tiến quân mạnh mẽ vào sự nghiệp đổi mới.
1- Phong trào Thanh niên Đường sắt giai đoạn 1989 - 2000:
Với chủ trương nhanh chóng tiếp nhận và ổn định tổ chức theo mô hình tổ chức sản xuất mới, Đoàn TNĐS đã khẩn trương tiếp nhận 61 tổ chức cơ sở và 58 cán bộ chuyên trách thuộc các tỉnh, thành. Cơ quan Đoàn ngành và Đoàn TN các XN Liên hợp cũng nhanh chóng ổn định theo đúng nguyên tắc, điều lệ và phù hợp với tổ chức mới của ngành. Vừa ổn định tổ chức, Đoàn ngành vừa phát động tổ chức trong toàn Đoàn diễn đàn thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ ĐS và sự nghiệp đổi mới của ngành vì sự giàu mạnh của đất nước” nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức động viên đoàn viên thanh niên triệt để ủng hộ, xung kích đi đầu trong sự nghiệp đổi mới Ngành.
Tháng 5/1990, Đại hội Đoàn TNĐS lần thứ IX đã xác định mục tiêu của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ ĐS trong thời kỳ đổi mới là: “Thực sự đổi mới công tác thanh niên, lấy nhiệm vụ xây dựng Đoàn làm trọng tâm,…Vận động đoàn viên thanh niên góp phần cùng Đảng bộ và toàn ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới, làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tuổi trẻ”. Đại hội đã bầu BCH khóa IX do đồng chí Vũ Xuân Hồng làm Bí thư. Đến tháng 01/1991, Hội nghị BCH Đoàn TNĐS bầu đồng chí Đoàn Duy Hoạch làm Bí thư thay đồng chí Vũ Xuân Hồng chuyển công tác.
Kể từ năm 1991, Tổng Giám đốc Liên hiệp ĐSVN và Ban Thường vụ Đoàn TNĐS thống nhất bắt đầu triển khai mô hình ký kết Chương trình phối hợp hoạt động hàng năm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn và ĐVTN trong việc triển khai các phong trào, hoạt động của Đoàn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD của đơn vị và ngành ĐS. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình phối hợp hoạt động trong giai đoạn này là phát động phong trào lao động sản xuất “Kỷ cương - Văn hóa - An toàn” trong ĐVTN toàn Ngành.
Trên cơ sở những kinh nghiệm đã thu được từ việc nhận khoán doanh thu, hàng trăm công trình, phần việc thanh niên tiếp tục được xây dựng, tăng thêm sức lôi cuốn tập hợp thanh niên, tiêu biểu như: Đoàn TN Hà Lào (thuộc Đoàn TN XN Liên hợp I) đi đầu trong việc xây dựng các tập thể lái máy thanh niên với các tiêu chuẩn cụ thể: bình quân đạt 35.000km an toàn một người, tiết kiệm 25kg nhiên liệu một người/tháng; Liên Chi đoàn phân đoạn đèo Hải Vân (thuộc Đoàn TN Xí nghiệp QLĐS Quảng Nam - Đà Nẵng) đảm nhận công tác đảm bảo an toàn chạy tàu qua đèo Hải Vân; ... Đặc biệt là trong quá trình triển khai các công trình rút ngắn hành trình chạy tàu thống nhất Bắc - Nam xuống còn 38h, 36h của ngành, tuổi trẻ ĐS đã tích cực đề xuất, đảm nhận hàng trăm công trình, phần việc thanh niên trong các lĩnh vực duy tu cầu đường, đầu máy toa xe, thông tin tín hiệu,…đồng thời đề xuất, tham mưu thành lập các tổ tàu thanh niên phục vụ giỏi, thanh lịch trên các đoàn tàu này.
Trong lĩnh vực hoạt động KHKT, tuổi trẻ ĐS cũng đã thể hiện được vai trò nòng cốt. Ban Khoa học kỹ thuật trẻ cấp Ngành được thành lập đã thu hút các tài năng trẻ cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới của ngành. Hội thi Sáng tạo Khoa học công nghệ - quản lý Đường sắt lần thứ nhất (năm 1994) và lần thứ hai (1995) do Đoàn TNĐS thường trực tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của CBCNV và ĐVTN trong toàn ngành.
Công tác chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng là con CBCNV tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú và nội dung thiết thực. Phong trào Thiếu nhi bảo vệ đường sắt là một phong trào lớn không những của Đoàn TNĐS mà còn là của tổ chức Đoàn và thiếu nhi cả nước sau nhiều năm bị gián đoạn, với sự nỗ lực, cố gắng của Đoàn TNĐS, phong trào đã được xây dựng và phát động trở lại với những phương thức hoạt động mới, đồng thời huy động được các ngành, các cấp ở các địa phương có đường sắt đi qua vào cuộc và thu được hiệu quả thiết thực, với các hoạt động cụ thể: Hội quân Chiến sỹ nhỏ bảo vệ đường sắt (tháng 8/1989) và Hội trại toàn quốc thiếu nhi bảo vệ đường sắt lần thứ II (năm 1992); Liên hoan Thanh niên tiên tiến ngành Đường sắt lần thứ IV (1992) và lần thứ V (1994) là hai đợt biểu dương, tôn vinh những tập thể SXTN, những ĐVTN tiêu biểu có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động của Đoàn và trong các lĩnh vực LĐSX những năm đầu thực hiện sự nghiệp đổi mới ngành Đường sắt.
Ghi nhận những cống hiến, những đóng góp to lớn của tuổi trẻ Đường sắt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong quá trình xây dựng, phát triển ngành ĐS, năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn TNĐS, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ ba cho tuổi trẻ ngành Đường sắt.
Đại hội Đoàn TNĐS lần thứ X (tháng 8/1995) đã tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thanh niên ĐS giai đoạn 1989 - 1995, đồng thời quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào TN ngành ĐS giai đoạn 1995 - 2000, là thời kỳ ngành ĐS xác định tiến hành mạnh mẽ cuộc cách mạng KHKT để từng bước CNH-HĐH ngành ĐS. Đại hội cũng đã bầu BCH khoá mới, đồng chí Đoàn Duy Hoạch tiếp tục được bầu giữ chức vụ Bí thư.
Xác định tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới, tổ chức Đoàn các cấp cũng đã thường xuyên động viên, cổ vũ phong trào học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện tay nghề, vươn lên làm chủ KHKT trong ĐVTN. Nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lớp học ngoại ngữ, tin học được tổ chức tại các cơ sở thu hút đông đảo CBCNV và ĐVTN tham gia. Nhiều cuộc thi, Hội thi tay nghề, như: Hội thi Người phục vụ giỏi thanh lịch lần thứ nhất (năm 1995) và lần thứ II (năm 1997), Hội thi cơ khí giỏi ngành ĐS lần thứ nhất (năm 1996), Hội thi Người sử dụng tiếng Anh giỏi ngành ĐS lần thứ nhất (năm 1999),…được Đoàn TN các cấp thường trực tổ chức đã làm dấy lên phong trào ôn luyện, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ trong CBCNV, nhất là trong đối tượng ĐVTN, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác. Những kết quả đạt được từ phong trào học tập nâng cao trình độ đã cổ vũ và tiếp thêm khí thế cho phong trào thi đua lao động sáng tạo ĐVTN. Hội thi Sáng tạo KHCN - Quản lý ngành Đường sắt lần thứ III cũng được Đoàn TNĐS sắt tổ chức thành công trong hai năm 1999 - 2000. Chỉ tính trong 5 năm, từ 1996 đến năm 2000 toàn Đoàn đã có 90 đề tài khoa học, 1.237 sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị của ĐVTN ứng dụng hiệu quả trong SXKD. Phong trào Thiếu nhi bảo vệ đường sắt được Đoàn TNĐS tham mưu phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, huy động được các ngành, các cấp, tổ chức Đoàn thể ở Trung ương và địa phương vào cuộc. Các Hội thi tay nghề: Hội thi cơ khí, Hội thi tiếng Anh, Hội thi KHCN và Quản lý lần thứ III; Liên hoan thanh niên tiên tiến ngành Đường sắt lần thứ VI (năm 1997) và lần thứ VII (năm 2000) đã khẳng định rõ vai trò xung kích, gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ của tuổi trẻ ĐS, đặc biệt là của các tập thể, cá nhân ĐVTN tiêu biểu.
Tháng 8/2000, Đại hội đại biểu Đoàn TNĐS lần thứ XI được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã tổng kết hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ngành Đường sắt giai đoạn 1995 - 2000, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn toàn ngành giai đoạn 2000 - 2005 với mục tiêu: “Tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được trong thời gian qua, đưa công tác Đoàn và phong trào TTN của ngành tiếp tục phát triển, hoà cùng xu thế phát triển của tuổi trẻ cả nước; cùng các cấp các ngành tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng tuổi trẻ ĐS thành lớp người trung thành với mục tiêu, lý tưởng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng, là lớp người có tri thức, đạo đức, tinh thông nghề nghiệp, có năng lực nắm bắt, tiếp thu và làm chủ KHCN mới; kế tục xuất sắc truyền thống, sự nghiệp của các thế hệ trước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH ngành ĐS”. Đại hội đã bầu ra BCH khoá mới, đồng chí Trần Viết Bản được bầu là Bí thư.
2- Phong trào Thanh niên Đường sắt giai đoạn từ năm 2000 đến nay:
Tháng 4/2001, Hội nghị BCH Đoàn TNĐS đã bầu đồng chí Nguyễn Quang Trường làm Bí thư thay đồng chí Trần Viết Bản chuyển công tác.
Ngày 04/3/2003 thủ tướng ký quyết định 34/2003/QĐ-TTg thành lập Tổng công ty Đường sắt trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đoàn TNĐS đã kịp thời sắp xếp lại mô hình tổ chức mới, theo đó trực thuộc Đoàn có 05 đơn vị tương đương cấp huyện và 49 cơ sở Đoàn. Đại hội Đoàn thanh niên Đường sắt Việt Nam lần thứ XII (tháng 10/2007) là Đại hội của tinh thần “Đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, xung kích và tình nguyện”. Đại hội đã tổng kết những bước trưởng thành của tuổi trẻ Đường sắt trong thời gian từ 2000 - 2007 và xây dựng mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng Đoàn TNĐS ngày càng vững mạnh giai đoạn 2007 - 2012. Đại hội đã bầu ra BCH khoá mới và bầu đồng chí Nguyễn Quang Trường làm Bí thư.
Với vai trò là trường học XHCN của tuổi trẻ ĐS, từ năm 2000 đến nay Đoàn TNĐS đã không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong tư tưởng CB-ĐVTN, củng cố niềm tin, lý tưởng và đạo đức cách mạng của ĐVTN, thúc đẩy ĐVTN hăng hái thi đua thực hiện nhiệm vụ của Đoàn và của ngành. Công tác xây dựng Đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn được tiến hành đồng bộ, có chiều sâu đã góp phần củng cố và nâng cao một bước chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn. Cuộc vận động “ Đoàn viên phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng CSVN” được đẩy mạnh thực hiện; từ năm 2000 đến 2015, toàn Đoàn đã giới thiệu được 11.512 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, trong đó 4.138 đồng chí đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Từ năm 2003 đến nay, “Tháng thanh niên” hàng năm được Đoàn TNĐS tập trung chỉ đạo hiệu quả, thực sự là dịp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong ĐVTN, là động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD của đơn vị, của ngành và nhiệm vụ của tổ chức Đoàn với hàng trăm công trình, phần việc thanh niên đã được thực hiện thu lại tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đã có nhiều tập thể, cá nhân ĐVTN ngành ĐS được BCH TW Đoàn tặng Bằng khen; đặc biệt trong “Tháng thanh niên năm 2003” Đoàn TNĐS đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2006, Ban Thường vụ Đoàn TNĐS đã tham mưu, phát động “Giải thưởng sáng tạo Đường sắt Việt Nam” (tiền thân là Hội thi Sáng tạo KHCN- Quản lý ngành ĐS) trong toàn ngành. Từ đó đến nay, đã thu hút được trên 80 đề tài, giải pháp KHCN tham gia với gần 67 đề tài đạt giải; trong đó có trên 50% đề tài, giải pháp là của ĐVTN, nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Điểm nổi bật trong hoạt động Đoàn thời kỳ này là đã khẳng định rõ nét vai trò, phát huy cao độ tính xung kích, tình nguyện, chủ động, sáng tạo của tuổi trẻ và tổ chức Đoàn tham gia thực hiện nhiệm vụ SXKD. Từ tháng 5/2005, xuất phát từ yêu cầu thực tế SXKD, Đoàn TNĐS đã phát động trong toàn ngành cuộc vận động “ĐVTN xung kích đảm bảo an toàn trong LĐSX” thông qua việc tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất với 100% ĐVTN trực tiếp lao động tại hiện trường. Đóng góp tích cực vào việc đảm bảo ATGTĐS và tham gia tích cực vào việc cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của ngành. Phong trào thiếu nhi bảo vệ ĐS tiếp tục được đẩy mạnh và nhân rộng; Ban chỉ đạo phong trào đã tổ chức được 7 lần Hội trại Thiếu nhi bảo vệ ĐS, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông Đường sắt,… Bên cạnh đó, phong trào học tập, xung kích trong thực hiện và đổi mới KHCN ngành Đường sắt; phong trào học tập, ôn luyện chuyên môn, nghiệp vụ trong CBCNV, nhất là trong lực lượng LĐ trẻ của ngành được Đoàn TN các đơn vị tham mưu tổ chức có hiệu quả, nhiều Hội thi như: Hội thi Người phục vụ giỏi thanh lịch lần thứ II (năm 2002), lần thứ III (năm 2008); Hội thi trực ban chạy tàu - trưởng tàu khách giỏi lần I (năm 2006); Hội thi Người sử dụng tiếng Anh giỏi lần thứ III (năm 2003), lần thứ IV (năm 2006), lần thứ V (năm 2009), lần thứ VI (năm 2013); Hội thi tin học giỏi lần thứ nhất (năm 2004), lần thứ II (năm 2007), lần thứ III (năm 2010), lần thứ IV (năm 2014); …đã được tổ chức thành công.
Các hoạt động xã hội , uống nước nhớ nguồn được các cấp bộ Đoàn quan tâm, tổ chức thường xuyên, như: đảm nhận phụng dưỡng suốt đời 9 Bà mẹ VNAH; thăm hỏi tặng quà hàng ngàn gia đình có công với CM, gia đình TBLS; vận động, quyên góp hơn 110 triệu đồng ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, 640 triệu đồng giúp đỡ thanh thiếu nhi tỉnh Lạng Sơn và Bình Thuận trong cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”;…. Phong trào VHVN, thể dục thể thao được Đoàn TN các đơn vị phối hợp với công đoàn tổ chức thường xuyên, nhất là vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khoẻ, tăng cường tình đoàn kết trong CBCNV và ĐVTN.
Từ năm 2000 đến nay, đã tổ chức được Liên hoan thanh niên tiên tiến ngành Đường sắt lần thứ VIII (tháng 5/2005), lần thứ IX (tháng 5/2009) và lần thứ X (tháng 5/2013) tại Thủ đô Hà Nội đã biểu dương, tôn vinh 50 tập thể SXTN, 80 cá nhân ĐVTN. Đây là những điển hình ưu tú của tuổi trẻ Đường sắt trong các phong trào, hoạt động của Đoàn giai đoạn 2000 - 2013. Đoàn tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; qua đó nhân rộng các tập thể, cá nhân thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác trong các cấp bộ Đoàn. Năm 2013, đã tổng kết 07 năm thực hiện Cuộc vận động "tuổi trẻ Đường sắt Việt Nam học tập và thực hiện 3 điều Bác Hồ dạy",... Bên cạnh đó, giai đoạn từ năm 2010 - 2014, Đoàn TNĐS đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng 35 “Gương mặt thanh Đường sắt niên tiêu biểu” của các năm là những CB.ĐVTN, những hạt nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác Đoàn và phong trào TTN.
Tháng 7/2009, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu đồng chí Khuất Hữu Đức làm Bí thư khóa XII thay đồng chí Nguyễn Quang Trường chuyển công tác. Công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi của Ngành tiếp tục có những bước phát triển mới. Bằng những nỗ lực cố gắng không ngừng, năm 2010 tại buổi Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập, Đoàn TNĐS Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhì. Đây vừa là vinh dự và cũng là trọng trách, tạo đà cho tuổi trẻ Đường sắt Việt Nam tiếp tục xung kích, tình nguyện, cống hiến đóng góp sức trẻ cho sự phát triển của Ngành và của đất nước. Cũng trong năm 2010, Đoàn TNĐS Việt Nam chuyển về trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương; do đó giảm về cơ cấu tổ chức, mô hình và quy mô hoạt động.
Tháng 01/2012, Hội nghị BCH khóa XII đã bầu đồng chí Dương Văn Thư làm Bí thư thay đồng chí Khuất Hữu Đức chuyển công tác. Tháng 6/2012, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XIII diễn ra tại thủ đô Hà Nội đã đề ra mục tiêu đó là: “Bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hoá cho thanh niên; tạo bước chuyển biến mới về cchất lượng tổ chức, đặc biệt là chất lượng cán bộ, chất lượng cơ sở và chất lượng đoàn viên. Nâng cao sức hấp dẫn của phong trào thanh niên, khơi dậy tinh thần tự giác của thanh niên trong tham gia các hoạt động của Đoàn; tiếp tục đồng hành với thanh niên trên bước đường phát triển, tiến bộ; cổ vũ thanh niên thi đua học tập, lao động, rèn luyện, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy sức trẻ góp phần đưa Đường sắt Việt Nam phát triển bền vững và từng bước hiện đại”. Đại hội đã bầu Bí thư trực tiếp, đồng chí Dương Văn Thư tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư.
Dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng ủy ĐSVN, Đoàn Khối DNTW; sự phối hợp giữa Chuyên môn, Công đoàn, công tác Đoàn và phong trào TTN tiếp tục có những phương pháp đổi mới cả về nội dung và hình thức; thu hút, đoàn kết và tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên trong toàn Tổng công ty tham gia. Đặc biệt năm 2014, Tổng công ty bắt đầu bước vào quá trình đổi mới, tái cơ cấu toàn diện; phát huy tinh thần xung kích, đi đầu trong các khâu yếu việc khó, việc mới, Đoàn Thanh niên Tổng công ty đã chủ động thành lập, giải thể chuyển một số tổ chức Đoàn cho phù hợp với tình hình và yêu cầu hiện tại; đồng thời chỉ đạo các cấp bộ Đoàn và ĐVTN giữ vững tư tưởng, định hướng; chuẩn bị tốt về mặt khoa học kỹ thuật, giỏi chuyên môn cùng những hành trang cần thiết để thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện; mang lại hiệu quả, lợi ích cao cho Tổng công ty. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 07-CT/ĐU, Ban Thường vụ Đoàn TN Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng theo tiêu chí “4 xin”, “4 luôn” trong cán bộ, ĐVTN toàn Ngành, phối hợp với Chuyên môn, Công đoàn Tổng công ty tổ chức Lễ phát động đợt thi đua trong toàn Tổng Công ty; tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn trong tham gia thực hiện tái cơ cấu và đổi mới toàn diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam”. Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến khách hàng và CBCNV đường sắt về phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng: “An toàn - Thuận tiện - Thân thiện - Đúng giờ - Hiệu quả” và việc thực hiện văn hóa ứng xử của CBCNV đường sắt trên website của Tổng công ty, Báo Đường sắt, Công đoàn, Đoàn TN Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền trực quan thông qua các hình thức trực quan như pano, áp phích, chạy nội dung trên các bảng điện tử tại các nhà ga, trên các đoàn tàu, trụ sở cơ quan, đơn vị; đưa nội dung thực hiện tiêu chí “4 xin”, “4 luôn” vào sinh hoạt Đoàn; tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện văn hóa ứng xử với khách hàng của đội ngũ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng; thành lập các đội thanh niên tình nguyện được trang cấp áo đồng phục riêng với song ngữ Việt Anh “Tôi có thể giúp gì cho quý khách?” - “How can I help you?” để giúp đỡ hành khách tại các ga lớn; xung kích đảm nhận nhiệm vụ thường trực đường dây nóng làm đầu mối tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xử lý, giải quyết; tham mưu cho lãnh đạo các cấp đầu tư trang thiết bị, đổi mới quy trình đảm bảo công tác phục vụ khách hàng được tốt nhất.
Song song với đó, Ban Thường vụ Đoàn TN Tổng công ty đã duy trì và tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động "thanh niên tình nguyện cảnh giới đường ngang" tại các điểm có nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông Đường sắt cao trong các dịp vận tải cao điểm phục vụ kế hoạch vận tải Tết, dịp 30/4 - 1/5, Hè và mùng 02/9... đã thu được kết quả thiết thực, đảm bảo an toàn tuyệt đối không để xảy ra tai nạn do chủ quan. Năm 2015, Đoàn Thanh niên Tổng công ty ĐSVN đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức ra quân tuyên truyền về An Toàn giao thông Đường sắt đồng thời tổ chức phát tờ rơi về ATGT Đường sắt tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ góp phần làm giảm thiểu tại nạn giao thông ĐS tại các đường ngang không người gác và các lối đi dân sinh,... . Bên cạnh đó, Đoàn TN các cấp đã làm tốt vai trò định hướng, cung cấp, trao đổi thông tin khoa học công nghệ; tham mưu tạo điều kiện cho ĐVTN tham gia nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng KHCN mới, đảm nhận các đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật...
Qua 61 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tích đóng góp cho đất nước, cho Ngành, Đoàn Thanh niên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương Lao động hạng ba, 03 Huân chương Lao động hạng Nhất, 01 Huân chương độc lập hạng Ba, 01 Huân chương độc lập hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác của các cấp bộ Ngành từ Trung ương đến địa phương.
Phát huy truyền thống vẻ vang qua 61 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hôm nay luôn ý thức sâu sắc được trách nhiệm, vai trò và nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp đổi mới của ngành; nguyện nêu cao truyền thống “Dũng cảm - Kiên cường - Thông minh - Sáng tạo” của các thế hệ thanh niên đường sắt, ra sức thi đua học tập nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao bản lĩnh cách mạng; không ngừng rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch lành mạnh; xung kích, tình nguyện đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới và trong lao động sản xuất, đoàn kết đồng lòng cống hiến ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển lớn mạnh của Tổng công ty; góp phần cùng CBCNV toàn Tổng công ty thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu, đổi mới toàn diện nhằm đẩy nhanh con tàu Đường sắt Việt Nam trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá - hội nhập khu vực và quốc tế.
BCH ĐOÀN TN TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM