Ngày 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2023. Cùng tham dự phiên họp có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 7 nội dung gồm 3 đề nghị xây dựng Luật và 4 dự án Luật: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Trong năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 phiên họp và nhiều cuộc họp Thường trực Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật. Bước vào năm 2023, đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ để xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho phát triển.
Theo Thủ tướng, cùng với sự chuyển động và phát triển nhanh là những vấn đề phát sinh, những yếu tố mới mà quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết được. Qua công tác chỉ đạo, điều hành cho thấy không ít vấn đề, vướng mắc về thể chế đang đặt ra và cần được khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện. Vì vậy, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi, càng phải quan tâm hơn và với trách nhiệm cao hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ trình để Quốc hội xem xét; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý; những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì bộ, ngành chủ động thực hiện.
Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã rất chủ động, nỗ lực từ đầu nhiệm kỳ đối với công tác này, song cần tiếp tục nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược xây dựng pháp luật vừa phải đảm bảo tiến độ, phải đảm bảo chất lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm là phải bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng các dự thảo luật phải bảo đảm cả tiến độ và chất lượng, với tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, chiến lược.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với 3 đề nghị xây dựng luật và 4 dự án Luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; Dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Các bộ, ngành, địa phương chủ trì soạn thảo trình bày tờ trình tóm tắt các đề nghị xây dựng luật, dự án luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với các đề nghị xây dựng luật, các dự án luật. Bên cạnh đó, Chính phủ thảo luận sôi nổi về sự cần thiết ban hành các luật; tính thống nhất, phù hợp của các luật được đưa ra xây dựng lần này với pháp luật có liên quan và với thông lệ quốc tế và về các nội dung, chính sách cơ bản của các luật, quy định.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận 9 nhóm chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội là Thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Trong đó các đại biểu quan tâm đối với cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội; vấn đề tổ chức chính quyền đô thị; phân bố tài chính, ngân sách; quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị; cơ chế khuyến khích đổi mới sách tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát huy, phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế... Đặc biệt là cơ chế tạo nguồn lực, huy động nguồn lực cho phát triển, nhất là hợp tác công tư.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân, các thành viên Chính phủ thảo luận các quy định về chính sách quản lý, chỉ huy, chỉ đạo lực lượng phòng không nhân dân; chính sách xây dựng lực lượng phòng không nhân dân; chính sách huy động lực lượng phòng không nhân dân; chính sách đối với lực lượng phòng không nhân dân.
Các chính sách này là cơ sở pháp lý xây dựng lực lượng phòng không nhân dân góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung về huy động, hoạt động lực lượng phòng không nhân dân; quy định về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; các biện pháp về bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chính sách đối với phòng không nhân dân...
Cùng với đó các thành viên Chính phủ cũng đã bàn và cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn