Cách đây tròn 40 năm, cùng với niềm vui đón chào năm mới 1977, cả nước và toàn ngành giao thông vận tải vui mừng trước một sự kiện hết sức đặc biệt "Thông xe Đường sắt Thống Nhất"
Hai tờ nhật báo: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân ra ngày 1/1/1977 đăng trang trọng trên trang nhất tin, bài về Lễ thông xe Đường sắt Thống Nhất được tổ chức tại ga Hà Nội ngày 31/12/1976. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã gửi thư nhiệt liệt khen ngợi thành tích xuất sắc của 10 vạn công nhân, quân đội và nhân dân tham gia khôi phục tuyến đường sắt, đã hoàn thành trước hạn định kế hoạch thông xe toàn tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Xã luận báo Nhân Dân nhận định đây “là một công trình tiêu biểu của tinh thần lao động anh dũng và sáng tạo”.
Ngày 31/12/1976, Chiếc đầu máy hơi nước Tự Lực 141-121 mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (sản phẩm đóng mới của các kỹ sư, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm từ năm 1964) được chọn kéo đoàn tàu khách của Lễ thông xe khôi phục đường sắt Thống Nhất đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi về đến ga Hà Nội vào ngày 04/1/1977.
Đọc lại những báo cáo, phóng sự, ghi chép trên các báo vào cuối năm 1976, đầu năm 1977, chúng ta khâm phục về thành công của “Bản anh hùng ca lao động” trên công trình khôi phục đường sắt Thống Nhất. Trước hết, đây là thành công của quyết sách của lãnh đạo ở tầm quốc gia, được nhân dân, thanh niên, người lao động cả nước hào hứng tham gia. Đây cũng là thành công của tinh thần lao động dũng cảm, sáng tạo, vượt qua muôn trùng gian khó do thiếu thốn thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu…
Trước khi khôi phục, tuyến đường sắt bị phá hoại nghiêm trọng và hầu như bị tê liệt hoàn toàn. Cầu, cống bị hư hỏng rất nặng, nền đường bị sụt lở, có đoạn hàng trăm km đã thành ruộng, còn rất nhiều bom, mìn .Các nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu và các thiết bị chạy tàu hoàn toàn không có gì.
Ngay từ tháng 5/1975, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định phải nhanh chóng khôi phục tuyến đường sắt Thống Nhất và thành lập Ban Chỉ đạo công trường khôi phục đường sắt Thống Nhất, giao cho ông Phan Trọng Tuệ, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tuyến đường sắt Thống Nhất có 30% qua vùng đồng bằng, 60% qua vùng đồi và 10% qua vùng núi. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng khôi phục đoạn đường từ thành phố Vinh đến thành phố Hồ Chí Minh dài 1.410 km, khổ đường 1 m, chiều dài này bằng 82% toàn tuyến và bằng 52% chiều dài mạng lưới đường sắt hiện có. Gần 10 vạn cán bộ, công nhân, chiến sĩ bộ đội và nhân dân các địa phương ở tại công trường và hậu phương đã ngày đêm ra sức khắc phục nhiều khó khăn như: thiếu sắt thép nghiêm trọng, phải tháo gỡ nhiều mìn, bom nổ chậm khắp đường, cầu… Thời hạn chỉ có 9 tháng mùa khô, nhưng chỉ 5 tháng của năm 1975, ngành đường sắt cùng các địa phương đã khôi phục khẩn cấp và cho chạy tàu từ thành phố Hồ Chí Minh tời Phù Mỹ (Bình Định) và Đà Nẵng tới Huế. Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình đã thu góp trên 10 vạn thanh tà vẹt sắt, đào đắp hàng chục vạn m3 đất, góp phần quan trọng cho thông đường. Và không đầy 14 tháng, kể từ tháng 10/1975 đã khôi phục và cải tạo xong một đoạn đường bị đánh phá và hủy hoại ác liệt dài tới 660 km. Ngày 30/10/1976 thông xe từ Huế tới Tiên An, ngày 7/11 thông xe Quảng Ngãi - Đà Nẵng và từ Tiên An đến Minh Cầm. Đúng 10h55 phút ngày 4/12/1976 đã nối mối ray cuối cùng ở km 446+885.
Thanh niên là lực lượng nòng cốt trên Công trường đường sắt Thống Nhất. Báo Tiền phong số 48 ra số đặc biệt (từ ngày 30-11 đến 6-12-1976), với nhiều bài vở phong phú trong đó có xã luận "Bản anh hùng ca đường sắt Thống Nhất": "Thanh niên trên Công trường đường sắt Thống Nhất cũng như các địa phương tự hào đã trải qua 400 ngày đêm lao động gian khổ anh dũng, hoàn thành trước thời gian công trình mở đầu thời kỳ mới ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Tham gia khôi phục đường sắt Thống Nhất còn có hàng vạn thanh niên ngành lâm nghiệp, bưu điện, các nhà máy cơ khí v.v... Bom mìn giặc Mỹ còn nhiều.Có đoàn viên, thanh niên đã hy sinh anh dũng. Rồi nắng lửa, giá rét, bão, lũ... Nhưng toàn bộ 4.000.000 m3 đất và 1.686 km đường ray đã được làm xong trước thời hạn.Thanh niên Cục công trình I, Công ty 773, lao cầu Yên Xuân, bằng phương pháp chở nổi, xong trước thời hạn 15 ngày. Thanh niên Công ty cầu 11, Xí nghiệp Liên hợp công trình II hoàn thành cầu Long Đại một nhịp 160 m, không có trụ giữa, kiểu đầu tiên thi công ở Việt Nam, xong trước thời hạn 45 ngày. Thông đường từng đoạn tiến tới thông xe toàn tuyến. Mỗi đoạn đường, mỗi nhịp cầu là một chiến công oanh liệt của thế hệ trẻ hôm nay.
Trên Công trường đường sắt Thống Nhất, thanh niên đã phát huy hàng trăm sáng kiến có giá trị, góp 45.000 ngày công "lao động cộng sản", đảm nhận 89 công trình "thanh niên". Nhiều đoàn viên, thanh niên ưu tú đã được vinh dự kết nạp vào Đảng, vào Đoàn.Nhiều thợ giỏi trẻ tuổi xuất hiện cống hiến tài năng. Hàng ngàn thanh niên vùng mới giải phóng trưởng thành rõ rệt trong lao động tập thể. Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến đã tặng cho tuổi trẻ công trường lẵng hoa tươi. Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc nhất trong phong trào "Lao động tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1976" cho thanh niên công nhân đường sắt Thống Nhất".
Thành công khôi phục đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh 40 năm trước gắn với kinh nghiệm dựa vào dân, huy động sức sáng tạo của người lao động vẫn còn mãi trong những ngày đầu năm, khi cả nước đón Mùa Xuân với chiến lược phát triển giao thông vận tải theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ./.
Tác giả bài viết: Khuất Minh Trí - Nguyên Chủ tịch Công đoàn ĐSVN