NextUpcoming Event

Bức thư khen ngợi hoàn thành đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan của Bác Hồ năm 1955

Thứ hai - 11/05/2020 16:48
Một trong những di sản tư liệu quý của Hồ Chủ tịch hiện nay còn được lưu giữ là bức thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hoàn thành đường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan ngày 28 - 2 - 1955.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp anh dũng, tháng 7 - 1954 hoà bình đã được lập lại trên đất nước ta. Theo Hiệp định Giơnevơ, miền Bắc được giải phóng do nhân dân làm chủ, miền Nam tiếp tục tạm thời nằm dưới sự thống trị của kẻ địch. Đường sắt Việt Nam vì vậy bị tạm thời chia làm hai khu vực: đường sắt miền Bắc và đường sắt miền Nam, lấy sông Hiền Lương làm ranh giới.
Dù còn nhiều khó khăn, song do yêu cầu của tình hình mới, Đảng, Nhà nước đã chủ trương khẩn trương, nỗ lực bắt tay vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu phát triển văn hóa, ra sức củng cố quốc phòng. Trong kế hoạch to lớn, nặng nề và khó khăn đó; việc khôi phục, xây dựng hệ thống giao thông vận tải, nhất là đường sắt được Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Trước hết, ta đã tập trung chỉ đạo tiếp quản tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời huy động nhân tài, vật lực khôi phục tuyến Hà Nội - Mục Nam Quan (Hà Mục) và chuẩn bị khôi phục các tuyến khác.
Việc khôi phục và tiếp quản đường sắt đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; phải có lực lượng lao động đông đảo, có kỹ thuật. Do yêu cầu khách quan đó mà ngành đường sắt miền Bắc được tăng cường thêm nhiều lao động trẻ, khỏe, có văn hóa, có nhiệt tình cách mạng. Vì vậy, đây là một dịp thuận lợi, song cũng rất khó khăn đối với sự phát triển, xây dựng phong trào thanh niên và bộ máy tổ chức đoàn thanh niên đường sắt.
Ngành đường sắt tiến hành tiếp quản tuyến Hà Nội - Hải Phòng rất khẩn trương và đạt kết quả tốt. Ngày 10 - 10 - 1954 ta tiếp quản thắng lợi khu ga đầu mối Hà Nội. Ngày 30 - 10 - 1954 ta tiếp quản đến ga Hải Dương. Ngày 13 - 5 - 1955 ta tiếp quản ga Hải Phòng, hoàn thành việc tiếp quản tuyến Hà Nội - Hải Phòng và đưa tuyến này vào hoạt động bình thường.

Đối với việc khôi phục, xây dựng tuyến Hà Nội - Mục Nam Quan; từ tháng 9 - 1954 ta bắt đầu tổ chức khảo sát, lập kế hoạch và huy động lực lượng. Cuối tháng 10 - 1954 ta bắt đầu khởi công trên toàn tuyến với 4 công trường làm đất, 3 mỏ đá, 1 công trường cầu, 2 đội đặt đường, 1 công trường cung cấp vật tư. Nhân lực toàn tuyến lên tới hơn 60.000 người gồm cán bộ, nhân dân miền Nam tập kết, thanh niên các thành thị như Hà Nội, nhân dân các tỉnh Việt Bắc; trong đó hơn 60% ở độ tuổi thanh niên. Riêng công trường II là công trường do Trung ương Đoàn trực tiếp chỉ đạo đảm nhiệm khôi phục đoạn đường từ Kép lên Phố Vị.
11 5 2020 Phủ Lạng Thương 1
Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, ngày 24 -1-1955 (tức mùng 1 Tết năm Ất Mùi). Ảnh tư liệu.
Trong đó, công trường khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương là nhiệm vụ quan trọng. Ngày 24 - 1 - 1955 (mùng 1 Tết Ất Mùi) đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường. Đứng trên cây cầu sắt, Bác đã gửi lời động viên công nhân, chiến sĩ, chuyên gia xây dựng và nhân dân trong việc khôi phục thị xã.
Thời chiến tranh, cây cầu là huyết mạch giao thông quan trọng, nối liền nguồn chi viện từ Bắc Giang cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau này, thời đánh Mỹ, cây cầu sắt ấy lại phải hứng chịu bao trận mưa bom bão đạn của quân thù. Thời kỳ này cầu sông Thương được ví là cây cầu "Hàm Rồng thứ hai" của miền Bắc. Tại đây đã có nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân ta với quyết tâm cao để bảo vệ cầu.
Chỉ trong thời gian 4 tháng, nhiệm vụ khôi phục đường xe lửa thị xã Phủ Lạng Thương đã hoàn thành. Trước tin vui này, ngày 28- 2- 1955, Bác Hồ đã có thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hoàn thành đường xe lửa Hà Nội- Mục Nam Quan.
11 5 2020 Phủ Lạng Thương 2
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu
Hiện nay, Bức thư là tài liệu hiện vật gốc về di sản tư liệu của Người được lưu giữ và trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Đã hơn 60 năm nhưng ký ức chiến tranh vẫn còn đó qua những tư liệu lịch sử. Bức thư của Bác còn giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm về lịch sử ngành Đường sắt trong cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước.

Nguồn tin: Lịch sử Phong trào Thanh niên ĐSVN; Baobacgiang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây