NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Đời lái tàu: Hành trình giấu nỗi buồn riêng, chở Tết về muôn ngả

Thứ sáu - 27/01/2017 14:05
Không hoa đào, hoa mai, không sum họp với gia đình, những người lái tàu và hàng trăm công nhân ngành đường sắt khác vẫn đang lặng thầm hy sinh hạnh phúc nhỏ bé của mình để đưa những hành khách về đoàn tụ trong ngày tết.
21 giờ, anh Lê Mai Hương, 44 tuổi, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, với tay khoác chiếc áo bông lên vai, xách thêm chiếc túi đựng đồ sinh hoạt cá nhân, tắt điện, đóng cánh cửa phòng trọ nhỏ xíu trên đường Lê Duẩn, sải bước tới ga Hà Nội. Chuyến tàu Hà Nội - Đà Nẵng do anh điều khiển sẽ lăn bánh lúc 23 giờ khuya.
Nhiệm vụ một lái tàu như anh sẽ phải có mặt ở phòng trực ban trước 2 giờ để làm các thủ tục trước khi nhận nhiệm vụ, bao gồm kiểm tra lại các thông số kỹ thuật của tàu, kiểm tra quy trình, giấy phép rời ga cũng như để các nhân viên có trách nhiệm đo nồng độ cồn trong hơi thở, xem anh có đủ sức khỏe, tỉnh táo để làm việc hay không.
Ga Hà Nội những ngày cận tết nhộn nhịp người. Đúng 23 giờ, một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn vào đường ray kêu ken két, con tàu khởi hành, hành trình thứ mấy trăm, mấy ngàn trong đời lái tàu của Lê Mai Hương mà anh không thể nhớ.
 
Đời lái tàu: Hành trình giấu nỗi buồn riêng, chở Tết về muôn ngả - ảnh 1
Với những công nhân ngành đường sắt, Tết là những ngày chở mùa xuân về muôn ngả ẢNH THUÝ HẰNG
Anh Lê Mai Hương gắn bó với ngành đường sắt từ năm 2001. Trước đó, anh bộ đội xuất ngũ từng trải qua khóa học lái tàu gần 3 năm, từ năm 1996 đến năm 1998. Vào làm việc tại Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ năm 2001, tuy nhiên anh Hương chỉ được làm lái phụ trên tàu, năm 2011, anh mới trở thành lái chính. Cung đường quen thuộc nhất của người đàn ông quê ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lợi, Nam Định là Hà Nội - Đà Nẵng. 16 năm rong ruổi trên cung đường này, số cái Tết được ở trọn vẹn cùng gia đình với anh Hương chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Có năm chúng tôi đón giao thừa khi tàu đang đến Nghệ An. Có năm thì tàu vào đến Quảng Bình thì giao thừa. Nhưng cũng nhiều năm, đưa bà con vào ga Đà Nẵng rồi, vài tiếng nữa thì bầu trời đì đùng pháo hoa sang năm mới”, anh Lê Mai Hương nhớ lại.
Lập gia đình từ năm 2006 nhưng vợ và các con sống ở Hà Nam, anh Lê Mai Hương thuê một căn nhà nhỏ ở gần ga Hà Nội để tiện làm việc. Một tháng tranh thủ vài ngày được nghỉ, anh lại lên tàu, dừng ở thành phố Nam Định rồi lại đi xe máy về nhà ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cách đó 8 km. Bố mẹ hai bên, vợ và các con hiểu công việc của anh, không ai dám trách móc.
Đời lái tàu: Hành trình giấu nỗi buồn riêng, chở Tết về muôn ngả - ảnh 2
Đã từ rất lâu rồi anh Lê Mai Hương không biết đến không khí của một cái Tết trọn vẹnẢNH THUÝ HẰNG
Anh Lê Mai Hương bộc bạch: “Từ khi tìm hiểu vợ tôi, tôi đã xác định tư tưởng rõ ràng với cô ấy là, tôi là nhân viên lái tàu, bôn ba đường trường, phải chấp nhận thì mới có thể đến được với nhau. Cô ấy đồng ý, chúng tôi nên duyên chồng vợ và đến nay có một con gái học lớp 4, một con trai đang học mầm non”.
Năm nay, tết Nguyên đán Đinh Dậu, anh Lê Mai Hương lại đón tết ở xứ người. Ngày 23 tháng Chạp, anh tranh thủ về thăm gia đình và ăn với cả nhà một bữa cơm, sau đó lại tất tả lên Hà Nội. Anh sẽ làm việc xuyên giao thừa, đến sáng mùng 2 Tết mới có thể từ Hà Nội về Hà Nam đón tết cùng gia đình.
Dù được gia đình động viên, không ai than trách, nhưng với anh Lê Mai Hương, lái tàu ngày tết là một cảm giác khó tả mà bao nhiêu năm qua anh vẫn chưa thể làm quen.

 

Anh Lê Mai Hương kể: “Tàu ngày tết lúc nào cũng đông như hội. Người bồng bế con nhỏ, người mang thêm hoa đào, quất cảnh, túi quà gói bánh. Dưới ga, người đi tiễn, người cười, người khóc. Trên tàu, người ta rôm rả bàn chuyện đón tết, thăm họ hàng. Tôi nhớ các con tôi chứ, nhớ bố mẹ, nhớ vợ. Dù mình là đàn ông và mình làm công việc này 16 năm, nhưng giây lát vẫn thấy lòng chùng xuống”.
Nhiều bạn bè trong lúc ngồi chơi đùa vui Lê Mai Hương “bao nhiêu ngành nghề ngon lành, như lái xe hơi cũng sướng hơn thì không chọn, đi chọn cái ngành cực khổ quanh năm như lái tàu”, anh chỉ cười. Người đàn ông với khuôn mặt rám nắng nhỏ nhẹ: “Nghề nghiệp chọn mình, tôi yêu công việc này. Có một niềm tự hào khó diễn tả lắm khi những ngày tết thế này, chúng tôi là những người đưa hàng trăm, hàng ngàn hành khách khắp mọi miền đất nước được về nhà đoàn tụ”.
30 năm không đón giao thừa cùng gia đình
Vất vả quanh năm, ban ngày hay đêm khuya, bão gió hay mưa rào, những công nhân tại các đội chắn đường ngang Chúng tôi tới Đội chắn đường ngang Giáp Bát, Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vào một trưa giáp Tết.
Tạ Văn Phong, 35 tuổi, đang nghe điện thoại từ chỉ huy, 10 phút nữa sẽ có hai chuyến tàu tránh nhau tại trạm này. Đội mũ, cầm cờ, Phong ra đường ngang quan sát. Đèn tín hiệu vừa chuyển sang xanh, anh kéo cổng, ngăn dòng xe cộ từ phía đường Giải Phóng (Hà Nội) vào sau đó hạ gác chắn, cầm cờ, mắt nhìn thẳng hướng lái tàu. Công việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại các điểm giao cắt với đường sắt của Phong quen thuộc suốt 8 năm qua.
Đời lái tàu: Hành trình giấu nỗi buồn riêng, chở Tết về muôn ngả - ảnh 4
Anh Tạ Văn Phong đang làm nhiệm vụ tại gác chắn đường ngang Giáp BátTHÚY HẰNG
Chỉ có 2 năm đầu tiên, Phong được về nhà 3 ngày tết, còn lại, anh thanh niên quê ở huyện Kim Động, Hưng Yên, lấy vợ cũng cùng công việc, cùng quê có đến 6 năm phải trực ngày 30 Tết và mùng 1.
“Chúng tôi thuê nhà ở trên Hà Nội. Vợ tôi làm ở Đội chắn đường ngang Gia Lâm, những ngày tết hai vợ chồng gửi con cho ông bà, sáng mùng 2 thì chở nhau về quê bằng xe máy, chiều mùng 3 lại lên thành phố để mùng 4 kịp đi làm, vất vả mãi cũng quen”, Phong thật thà.
Phong có 6 năm chưa biết mùi Tết, sếp của Phong, đội trưởng Đội chắn đường ngang Giáp Bát, anh Nguyễn Đào Việt Phương, 56 tuổi có đến 30 năm chưa biết thế nào là giao thừa, mùng 1.
Làm công nhân gác chắn đường ngang từ năm 1987, nhà ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội anh Nguyễn Đào Việt Phương thường nhận phần trực đêm giao thừa để những anh em công nhân khác ở xa có thể ở gần gia đình.
Đời lái tàu: Hành trình giấu nỗi buồn riêng, chở Tết về muôn ngả - ảnh 5
Với những công nhân gác chắn đường ngang như anh Phong, đón giao thừa cùng gia đình là một điều xa xỉTHÚY HẰNG
Anh Phương thở dài: “Nghề của chúng tôi luôn phải tập trung cao độ, không được phép lơ là, nhưng cũng có khổ tâm riêng. Mình vì tính mạng, sự an toàn của mọi người, nhưng có nhiều người không hiểu, không ít anh em công nhân bị tài xế, người điều khiển xe máy, ô tô chửi bới, dùng cả tuýp sắt đánh vào đầu đến nhập viện vì cho rằng tàu chưa đến mà chúng tôi đã hạ gác chắn làm cản đường họ”.
Anh Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch công đoàn bộ phận, Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát chia sẻ, để động viên, khích lệ tinh thần người lao động, ngoài lương, thưởng tết, những công nhân gác chắn trực đêm giao thừa tết Nguyên đán Đinh Dậu sẽ được lì xì khoảng 100.000 đồng, chúc tết lấy may mắn dịp năm mới.
70% công nhân ở Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát là phụ nữ, ngày tết vẫn phải gian truân, nhưng những công nhân nơi này vẫn tự hào, trong mỗi hành trình tàu đi Bắc, về Nam bình yên, họ đang góp một phần nhỏ bé...

Tác giả bài viết: Thúy Hằng

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây