NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

ĐSVN tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021

Thứ sáu - 08/01/2021 16:53
Năm 2020, dưới tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ đã khiến ngành đường sắt đối mặt với sức ép và gánh nặng chồng chất trong năm vừa qua và dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới.
Tại hội nghị tổng kết tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vào chiều ngày 8/1, theo báo cáo của VNR, năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng (bằng 79% so với cùng kỳ). Doanh thu 6.565,1 tỷ đồng (bằng 78,3% so với năm 2019). Thu nhập bình quân người lao động 8,27 triệu đồng/tháng (bằng 86,2% so với cùng kỳ).
3AE7DCB1 9995 48D8 9C33 4C2AE3C17725

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR đánh giá, năm 2020 khối đường sắt cũng như các doanh nghiệp khác trong ngành giao thông vận tải phải chịu tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng.
Chưa kể, ngành đường sắt lạc hậu, hạ tầng cũ kỹ, đường đơn và có hàng ngàn đường cong bán kính dưới 300m, không đồng đều tải trọng, trên 14.000 vị trí bị xâm phạm an toàn giao thông, đường sắt đầu tư thay thế hạ tầng cũ chứ không tạo dòng sản phẩm mới nên khó tạo động lực phát triển.
Vì thế, các chỉ tiêu về vận tải hành khách của các công ty cổ phần vận tải sụt giảm sâu so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, dịch COVID-19 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị VTĐS trong các đợt vận tải cao điểm Hè, lễ Tết. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt. 
Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh đưa ra nhận định, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc mà kéo dài sang năm 2021; dự án 7.000 tỷ đồng sẽ tập trung triển khai để đảm bảo tiến độ thi công sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua (khoảng từ 25-30%); sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải hành khách.
“Với tình hình như hiện nay, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty tại 2 Công ty cổ phần vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn và nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua ở 2 đơn vị này sẽ bị xóa sạch trong 3 năm tới đây,” ông Minh nói.
Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quá thấp so nhu cầu, chưa tạo sức hút mạnh mẽ đối với nguồn vốn tư nhân bởi vậy các dự án đều kéo dài hoặc đình trệ, chưa có bước đột phá tạo đà cho bứt phá phát triển, thị phần của vận tải đường sắt ngày càng thu hẹp.
“Đối với các loại hình khác sẽ tạo áp lực để có động lực thay đổi đầu tư hạ tầng. Nhưng đường sắt đường đơn nên không thể tự tạo cho mình áp lực. Vì thế cần có sự thay đổi về nhận thức xã hội và tư duy,” ông Minh nói.
1190170F DDA4 425D 94E8 E6CFEEB4F07C

Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng nếu tính cả giai đoạn 2010-2020, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực đường sắt xấp xỉ 40.000-45.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm từ 4.000-4.500 tỷ đồng. Nguồn vốn có sự tăng trong những năm qua nhưng không được nhiều, chủ yếu để duy trì chạy tàu, bảo trì kết cấu hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.
“Những khó khăn và nội tại về hạ tầng là điểm nghẽn và yếu, không thể làm một sớm một chiều trong thời gian ngắn mà trong thời gian dài về nhận thức, đầu tư, quản lý bảo trì; bộ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật bảo trì đầu tư hạ tầng đường sắt là cực kỳ cũ và lạc hậu vì có nhiều yếu tố đặc thù; tái cơ cấu bộ máy VNR chậm tác động đến nhiều hoạt động quản lý khai thác kết cấu hạ tầng,” Thứ trưởng Đông nói.
Bắt buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ
Khẳng định nếu không đánh giá đúng thực trạng sẽ không lựa chọn giải pháp tốt, theo ông Minh, kịch bản 2021 sẽ hết dịch khi có vắcxin; gói 7.000 tỷ đồng kết thúc và đường sắt sẽ có hạ tầng tốt hơn để năng lực thông quan vận tải, từ đó ngành sẽ có dư địa phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực về cơ chế chính sách không phải là hữu hạn nên cần đề xuất chính sách trên cơ sở các phương thức vận tải khác.
Ông Minh cũng tiết lộ, Đề án tái cơ cấu VNR đã trình 41 tháng nhưng vẫn chờ Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ vào nhiệm kỳ mới. VNR phải tái cơ cấu từ tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ, tái cơ cấu nhân sự và mô hình tổ chức.
“Giai đoạn 2022, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những thứ động chạm quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm và ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở. Chúng ta không ở trong giai đoạn hành khách xếp hàng dài mua vé, cần giảm định biên nên buộc tái cơ cấu ở tất cả các vị trí, kiêm nhiệm bộ máy hành chính, sắp xếp các đơn vị phụ thuộc để quản lý các nguồn lực một cách tốt nhất,” người đứng đầu VNR nói.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng năm 2020 là năm đầu tiên lỗ và mức lỗ này là tương đối cao. Đây là điều lo lắng cho VNR trong phát triển những năm tới.
img bgt 2021 trao co thi dua cua uy ban quan ly von nha nuoc tai dn copy 1610114363 width1280height720

“ĐSVN khó khăn nhiều với cơ chế chính sách, nguồn lực hạn chế. VNR được giao quản lý nhiều tài nguyên tài sản nhưng khai thác kinh doanh ra tiền là gần như không có mà dựa vào ngân sách. 10 năm qua huy động ngân sách tư nhân là rất hạn hẹp vì thế Đề án quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt được giao tài sản cần làm kỹ càng để trình Chính phủ phê duyệt từ đó có các chính sách hút vốn tư nhân,” bà Hà lưu ý.
Bà Hà yêu cầu VNR sớm có báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về dự báo các phương án khác nhau để có cơ sở phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 nhằm thực hiện từ đầu năm; cắt giảm các chi phí, áp dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất; điều chỉnh tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hiệu quả sản xuất kinh doanh, có giải pháp nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên và người lao động đồng thời báo cáo các khó khăn trong thời gian tới để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giải quyết dứt điểm; đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành hỗ trợ ngành đường sắt gỡ các khó khăn về thể chế và chính sách.

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây