NextUpcoming Event

Gặp mặt kỷ niệm 50 năm phong trào “Thiếu nhi bảo vệ Đường sắt”

Thứ ba - 29/12/2009 13:53

Gặp mặt kỷ niệm 50 năm phong trào “Thiếu nhi bảo vệ Đường sắt”

Vừa qua, tại trường THCS Phú Xuyên - thị trấn Phú Xuyên - Hà Nội, được sự uỷ quyền của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Thiếu nhi bảo vệ Đường sắt, Hội đồng đội Trung ương và Đoàn TN Đường sắt Việt Nam đã phối hợp tổ chức buổi Gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm phong trào Thiếu nhi bảo vệ Đường sắt.

Tham dự buổi Gặp mặt, có các đồng chí: Hoàng Tú Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Thiếu nhi Bảo vệ Đường sắt; Khuất Hữu Đức - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn TN Đường sắt Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Ban Đoàn TN Đường sắt Việt Nam; các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và ngành Đường sắt; các thầy, cô giáo cùng 60 em học sinh tiêu biểu của trường THCS Phú Xuyên.

 

Cuối tháng 12 năm 1959, hòa chung trong không khí thi đua sôi nổi cùng CBCNV ngành Đường sắt và nhân dân địa phương trong công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc và khôi phục, bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch của tổ quốc, lần đầu tiên thầy và trò trường THCS Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là trường THCS Phú Xuyên, Hà Nội) đã tổ chức buổi lao động quét dọn vệ sinh nhà ga, phát cỏ, nhặt đá rơi vãi dọc hai bên đường sắt khu vực ga Phú Xuyên. Các hoạt động của Liên đội trường THCS Liên Hòa nhanh chóng lan rộng và được đông đảo thiếu nhi các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua ở miền Bắc hưởng ứng nhiệt tình. Từ đó, một phong trào mới mang tên “Em yêu đường sắt quê em” đã ra đời và trường THCS Liên Hòa được coi là nơi khởi nguồn của phong trào này.

 

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc nước ta, phong trào “Em yêu đường sắt quê em” tiếp tục phát triển và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp bảo đảm giao thông đường sắt thông suốt phục vụ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành Đường sắt bước vào thời kỳ xây dựng đường sắt thống nhất. Cùng với các phong trào của thiếu nhi cả nước, phong trào “Em yêu đường sắt quê em” lại được khơi dậy từ Phú Xuyên, Hà Nội năm 1977. Cũng trong năm này, thiếu nhi cả nước đã sôi nổi thi đua làm kế hoạch nhỏ, thu nhặt 4 triệu kg giấy vụn góp 4 triệu đồng để đóng đoàn tàu Thiếu niên tiền phong. Ngày 26/12/1978 đã khánh thành đoàn tàu mang tên “Thiếu niên tiền phong” gồm 1 đầu máy và 13 toa khách. Năm học 1981 - 1982, Liên đội trường THCS Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội đã có sáng kiến thành lập đội “Chiến sỹ an ninh trẻ tuổi bảo vệ đường sắt” có nhiệm vụ tuyên truyền, nhắc nhở các bạn thiếu nhi có ý thức bảo vệ đường sắt, phát hiện và kịp thời tố giác các hành vi phá hoại đường sắt.

 

Năm 1988, trước tình hình nạn xâm hại đường sắt đe dọa mất an toàn cho những chuyến tàu đang trở nên nguy hiểm và báo động khẩn cấp ở nhiều địa phương, Bác Nguyễn Văn Linh, cố Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục đào tạo và ngành Đường sắt tổ chức cho thiếu nhi cả nước đẩy mạnh các hoạt bảo vệ đường sắt quốc gia. Sau khi nhận được Chỉ thị của Cố Tổng Bí thư, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã họp bàn với ngành Đường sắt và Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em” trong thời kỳ mới, chú trọng việc đảm nhận chăm sóc và bảo vệ những đoạn đường sắt chạy qua quê hương. Liên đội trường PTCS Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã được chọn là nơi phát động phong trào mới. Phong trào “Em yêu đường sắt quê em” được thống nhất tên mới, đó là phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” với nhiều nội dung phong phú và đa dạng hơn. Ngày 1/12/1988, Lễ ra quân phát động phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” của Liên đội trường PTCS Hà Bình được tổ chức rầm rộ và ấn tượng. Từ đấy, thiếu nhi trường Hà Bình đã gửi thư kêu gọi thiếu nhi cả nước cùng bắt tay thi đua phát triển phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” rộng khắp và có hiệu quả ở tất cả những nơi có đường sắt đi qua. Từ Hà Bình, Thanh Hóa, phong trào đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước, đưa phong trào bước vào một giai đoạn mới.

 

Ngày 24/12/1988, Hội đồng Đội Trung ương và Tổng cục Đường sắt (nay là Tổng Công ty ĐSVN) đã mở hội nghị tổng kết kinh nghiệm và ký kết kế hoạch liên tịch tiếp tục triển khai phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” trong toàn quốc. Ngay sau Hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” được thành lập gồm các đồng chí lãnh đạo đại diện cho 6 đơn vị: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương, Bộ giáo dục - Đào tạo, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Báo Thiếu niên tiền phong và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (trong đó Tổng Công ty ĐSVN là đơn vị thường trực).

 

Những kết quả mà phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” đạt được trong 50 năm qua đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân biểu dương, khen ngợi. Đặc biệt, từ năm 1988, dưới sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức đoàn thể; phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những phong trào lớn của thiếu nhi cả nước. Hiện nay, trên cả nước đã có gần 300 trường học kết nghĩa với các đơn vị đường sắt. Mỗi năm, phong trào thu hút hàng chục vạn thiếu nhi tham gia. Với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả như tổ chức Lễ ra quân phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” vào dịp đầu năm học mới; ký cam kết bảo vệ an toàn giao thông đường sắt với các em học sinh; đảm nhận chăm sóc “Đoạn đường em chăm”; hoạt động của “Đội tuyên truyền măng non”, “Đội Thiếu nhi bảo vệ đường sắt”,phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” đã góp phần thiết thực trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường sắt, hạn chế các vụ việc vi phạm và gây trở ngại chạy tàu, tạo môi trường để các em được sinh hoạt, rèn luyện. Trong quá trình hoạt động, các em thiếu nhi đã sáng tạo nhiều mô hình  hay được nhân rộng trong cả nước. Đó là phong trào “Ba không, ba thấy”,  mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”,Từ năm 1989 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 6 lần Hội trại “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt toàn quốc”. Đây là dịp để tuyên dương các tập thể Đội, các em thiếu nhi học sinh có thành tích xuất sắc trong phong trào “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt”, có hành động dũng cảm cứu tàu, cứu người, bảo vệ an toàn giao thông đường sắt. Trong thời gian qua đã có hàng trăm em được nhận Huy hiệu “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt”, Bằng khen của Ban Chỉ đạo Trung ương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào.

 

Tại buổi gặp mặt, Hội đồng đội Trung ương đã tặng 300 khăn quàng đỏ; 25 xuất học bổng cho các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá 5 triệu đồng; Đoàn TN Đường sắt Việt Nam trao tặng nhà trường tủ sách “Đường sắt của em” gồm 52 đầu sách với trên 500 cuốn sách; Công ty QLĐS Hà Ninh trao 25 phần quà cho 25 em học sinh có thành tích xuất sắc trong phong trào Thiếu nhi bảo vệ đường sắt.

Hội đồng đội Trung ương tặng 25 xuất học bổng cho các em học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và học sinh nghèo vượt khó

                 Đoàn TN Đường sắt Việt Nam trao tặng nhà trường tủ sách “Đường sắt của em


Công ty QLĐS Hà Ninh trao 25 phần quà cho 25 em học sinh có thành tích xuất sắc trong phong trào Thiếu nhi bảo vệ đường sắt

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây