Sáng 23/9/1958, chuyến tàu đặc biệt do ông Nguyễn Văn Thêm lái đưa Bác Hồ và phái đoàn Chính phủ từ Thủ đô Hà Nội lên thăm đồng bào, chiến sỹ Lào Cai dừng bánh tại ga Làng Giàng để Bác và phái đoàn Chính phủ vượt sông Hồng vào thăm vùng Mỏ Apatit Cam Đường. Tại đây, Bác Hồ đã có buổi nói chuyện rất xúc động với cán bộ, công nhân Mỏ và nhân dân các dân tộc Cam Đường, Tả Phời.
Sau khi dự mít tinh gặp gỡ công nhân lao động và đồng bào xã Cam Đường, 14 giờ ngày 23/9/1958, Bác cùng phái đoàn Chính phủ lên toa xe Va goong trở lại Cửa Ngòi phía đầu cầu Làng Giàng qua phà sang sông, đoàn tàu 424 đợi ở ga đón Bác cùng phái đoàn ngược lên ga Lào Cai.
Trong kho tư liệu của Mỏ còn ghi lại, sáng 23/9, Ga Pom Hán được yêu cầu chuẩn bị một chuyến tàu từ ga đi ra phà Làng Giàng để đón Bác. Nói là chuyến tàu chứ thực chất lúc đó là toa xe Va goong - loại toa xe chở quặng có nhiều bánh sắt chạy trên đường ray khổ 60 cm. Khi toa xe Va goong đưa đoàn công tác và Bác về đến gốc đa Mỏ Cóc thì dừng lại để Bác cùng phái đoàn Chính phủ chuyển sang xe tải Tatra do lái xe Vũ Tràng Tại lái lên thăm khai trường Mỏ Cóc là trung tâm khai thác lớn nhất của Mỏ Apatít lúc bấy giờ. Sau đó quay về, vào dự cuộc mít tinh của công nhân Mỏ và đồng bào Cam Đường đón Bác.
Ga Pom Hán từ xưa đến nay vẫn là ga quan trọng đối với mạng lưới đường sắt của Mỏ để điều phối tàu chở quặng từ mỏ về xuôi (trước đây) và bây giờ là đi Khu Công nghiệp Tằng Loỏng. Hiện nay, Ga Pom Hán đã được xây dựng to đẹp hơn và nằm trong mạng lưới đường sắt công nghệ mỏ của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Với những đầu máy, toa xe hiện đại, đủ năng lực vận tải quặng theo yêu cầu của khách hàng. Trước năm 1990 sản lượng vận chuyển mới chỉ đạt gần 500.000 tấn/năm, nhưng đến nay sản lượng vận chuyển đã đạt trên 4.000.000 tấn/năm.
Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn Thêm, người lái chuyến tàu ngày ấy: “Bây giờ tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai mới khôi phục, còn nhiều đoạn vòng, dốc, có chỗ chưa ổn định, rất dễ xảy ra sự cố. Một chuyến tàu đi trên đường tốt đối với tuổi già như Bác cũng đã mệt lắm rồi, huống hồ đây lại là tuyến đường xấu, lòng tôi cứ rộn lên bao áy náy, lo âu…
Chúng tôi đã bàn bạc với nhau kỹ lưỡng, người nào việc ấy, chúng tôi quyết tâm làm thật tốt công việc ở vị trí của mình. Phần tôi là tài xế, tôi phải điều khiển tay hơi, tay áp thế nào cho chuyến tàu chạy không sự cố đã đành, mà còn phải cho tàu không bị xóc, không giật, chạy phải êm...
Con tàu chở Bác băng băng chạy. Trước nó là chuyến tàu do đầu máy 402 kéo làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.
Chiếc đầu máy cùng với những người lái tàu ngày ấy giành được danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa, rồi tổ lái máy anh hùng”.
Niềm vui sướng của những người lái tàu ngày ấy hòa trong niềm vui chung của đồng bào các dân tộc Lào Cai và trở thành niềm tự hào của cán bộ, công nhân ngành đường sắt trên tuyến Hà Nội - Lào Cai nói chung và ga Lào Cai nói riêng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn