NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Anh Văn là một nhân cách lớn

Thứ ba - 08/10/2013 10:53

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Anh Văn là một nhân cách lớn

Trong suốt câu chuyện với VietNamNet về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của ông, đó là sự nhẫn. Dù ở hoàn cảnh nào, ông luôn kiên nhẫn, nhẫn nại cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân.

>> Cộng đồng mạng thức trắng tiếc thương Đại tướng


Chân chính
 

Nguyên Tổng bí thư cho rằng, vốn giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, được Đảng, Bác Hồ đào tạo, giáo dục, cùng với sự tự học, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, với tài trí thông minh, sáng tạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn.  

"Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào nhau, hỗ trợ nhau, đều hay, đều giỏi: quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa, văn hóa - chính trị - kinh tế - quân sự" - ông nói.

Lê Khả Phiêu, Võ Nguyên Giáp, Đại tướng, bô-xít, mở rộng Hà nội, phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000. Ảnh: Trần Tuấn

Về thành tựu quân sự, ông Lê Khả Phiêu cho rằng trong quá trình lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân.

Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ đều ghi dấu ấn của Đại tướng.

Với chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phiêu khẳng định tư tưởng "Đánh chắc, tiến chắc" và chiến thuật "kéo pháo vào, kéo pháo ra" của Đại tướng thể hiện sự tài tình, trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 
Ông nhớ lại trong Đại thắng mùa xuân 1975, ấn tượng nhất là mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Tôi nhớ lúc đó khi đang ở mặt trận thì nhận được thư viết tay của Đại tướng chỉ đạo chiến dịch. Thư tay gửi đến tận nơi cho chúng tôi với nội dung trên. Ngay khi nhận, chúng tôi đã sao y gửi toàn quân đoàn. Lúc đó, khi có thời cơ thuận lợi, chúng tôi đã xốc lên, vượt lên ở mặt trận..." - nguyên Tổng bí thư bồi hồi nhớ lại. 
 
... Trong suốt thời gian chiến tranh, gần như không có sự kết nối trực tiếp giữa Đại tướng và ông Phiêu. Một người ở mặt trận chỉ huy trung ương. Một người ở mặt trận chiến đấu trực tiếp. 
 
Chiến tranh khép lại. Những trọng trách công việc thời bình khiến hai người gần gũi nhau trực tiếp nhiều hơn. 
 
"Tôi và Đại tướng có quá nhiều kỷ niệm gắn bó. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ" - ông Phiêu nói "Ngay ở chỗ này, anh đến thăm tôi hôm đó... trò chuyện biết bao điều".

Lê Khả Phiêu, Võ Nguyên Giáp, Đại tướng, bô-xít, mở rộng Hà nội, phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng

Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng - ông Lê Khả Phiêu nói. Ảnh: Phạm Hải

Nguyên Tổng bí thư nhớ mãi hội nghị kỷ niệm thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân ở Thái Nguyên năm 1993. 
 
12 giờ đêm trước ngày hội nghị, ông trăn trở bên bàn viết. Cho đến sáng hội nghị khai mạc, ông (lúc đó trong vai trò Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) được mời đến dự và phát biểu. 
 
Đến dự hội nghị khi đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu được mở đầu "Thưa anh Văn", toàn bộ hội trường vang lên tiếng vỗ tay rầm rầm không ngớt của những vị đại biểu, của những cựu chiến binh, cán bộ quân đội... Chỉ cần mấy chữ đó nhưng đã từ rất lâu nay mới trở lại.
 
"Nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng mãi mãi xứng đáng là "Anh cả" của quân đội nhân dân Việt Nam. Bạn bè thế giới, các nhà chính khách, học giả, các nhà quân sự khâm phục, kính trọng Đại tướng và coi ông là một danh tướng tài ba thao lược.
 
Trong suốt câu chuyện với VietNamNet về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của ông, đó là sự nhẫn.

Dù trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những cương vị, trọng trách khác nhau, Đại tướng luôn kiên nhẫn, nhẫn cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân. 
 
"Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng. Một con người như thế, từng trải bao điều, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, đã luôn đặt lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân trên hết" - ông nói. "Có điều tốt là cứ phân công việc gì anh cũng làm. Và làm bằng hết tâm, hết trách nhiệm của mình". 
 
Tư duy mới
 
Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học, luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đại tướng rất coi trọng quá trình tổng kết lịch sử, nhất là những bước ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn để rút ra những bài học cho lãnh đạo và cho chính mình. 
 
Với những lĩnh vực trên, theo nguyên Tổng bí thư, Đại tướng là một người có kiến thức rộng và một tư duy mới. 

Về công cuộc đổi mới của đất nước, với trách nhiệm và tâm huyết của một người cách mạng lão thành đối với sự phát triển của đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp những ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước.
 
Đại tướng luôn khẳng định công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn.. Nhưng ông cũng cho rằng phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ yếu kém, nhược điểm tránh cho được bệnh "chủ quan, kiêu ngạo cộng sản", nhìn rõ mâu thuẫn, thực tế của đất nước, của thế giới để có quyết sách đột phá phù hợp với quy luật, đưa đất nước phát triển tiến lên, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...

Những vấn đề như mở rộng Hà Nội, khai thác bô-xít Tây Nguyên... ông đều có chính kiến và đã gửi thư góp ý cho lãnh đạo cấp cao. 
  
Đại tướng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. 
  
Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, về xây dựng Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc Đảng sử dụng hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí... xóa bỏ tệ nạn xã hội để Đảng xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam.
  
Và trên cơ sở đó, mà xây dựng, củng cố Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mỗi cán bộ, công chức nhà nước phải là công bộc của dân như Bác Hồ từng căn dặn.

Đăng Tấn - Linh Thư

Nguồn tin: Vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây