NextUpcoming Event

Sự kiện tiêu biểu năm 2022: “Đường sắt Việt Nam - phục hồi và phát triển”

Chủ nhật - 01/01/2023 08:45
Sau 2 năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Đường sắt từng bước hồi phục với nhiều tín hiệu khả quan: Sản lượng, doanh thu đạt 114,4% so với kế hoạch; tai nạn giao thông đường sắt tiếp tục giảm ở cả 3 tiêu chí; kinh doanh vận tải có nhiều khởi sắc; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người lao động… Đó là kết quả của sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành địaphương liên quan; tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, đảng viên, người lao động và việc triển khai quyết liệt hàng loạt các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Điểm lại 9 sự kiện nổi bật của Đường sắt Việt Nam trong năm 2022:

1. Kiên trì các giải pháp đồng bộ, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp; giảm lỗ sâu so với kế hoạch, tạo tiền đề phấn đấu sản xuất kinh doanh của công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bắt đầu có lãi từ năm 2023

Mặc dù 4 tháng đầu năm 2022 vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với việc kiên trì triển khai các giải pháp đồng bộ như: đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp; đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp; chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa; nâng cao chất lượng hạ tầng; nâng cao hiệu quả vận tải (tiết kiệm nhiên liệu, rút ngắn thời gian quay vòng đầu máy toa xe, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành vận tải như: phần mềm cơ báo điện tử, hoàn thiện hệ thống bán vé điện tử, áp dụng linh hoạt điều chỉnh giá vé, giá cước, kế hoạch chạy tàu, phương án giá hợp lý hơn…) nên sản lượng và doanh thu toàn ngành đã có dấu hiệu hồi phục khả quan, giảm lỗ sâu so với kế hoạch, tạo tiền đề phấn đấu sản xuất kinh doanh công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bắt đầu có lãi từ năm 2023.

2. Kinh doanh vận tải có lãi

Kiên trì triển khai các giải pháp nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải như: tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, điều hành thực hiện biểu đồ chạy tàu hiệu quả. Song song với đó, các đơn vị vận tải còn chủ động xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng. Điểm đáng chú ý là các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt như food tour tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu cao cấp tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn (The Vietage)... Đặc biệt, năm 2022 là năm kinh doanh vận tải bắt đầu có lãi sau nhiều năm khó khăn do cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải khác và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

3. Tai nạn giao thông đường sắt giảm ở cả 3 tiêu chí

Năm 2022, Đường sắt Việt Nam tiếp tục hoàn thành mục tiêu giảm tai nạn giao thông đường sắt trên cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương). Cụ thể: số vụ tai nạn giảm 16.6%, số người chết giảm 22,8%, số người bị thương giảm 28,2% so với năm 2019.

4. Chủ động ứng phó bão lũ, nỗ lực khắc phục thiệt hại

Đường sắt là một trong những ngành giao thông vận tải chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt năm 2022 liên tiếp hai cơn bão số 4 (bão Noru) và bão số 5 (bão Sơn Ca) khiến hạ tầng đường sắt bị hư hỏng nghiêm trọng, giao thông đường sắt bị gián đoạn, phải thực hiện chuyển tải hành khách. Song, với việc chủ động phòng chống bão lũ, quyết tâm khắc phục thiệt hại, Đường sắt đã nỗ lực thông tàu trong thời gian sớm nhất.

5. Xây dựng mới nhiều nhà ga, đầu tư nâng cấp xây dựng ke ga, bãi hàng

Năm 2022, bên cạnh việc làm tốt công tác duy tu, bảo trì thường xuyên, đã tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt nâng cao chất lượng hạ tầng, nâng cao năng lực thông qua, tăng sản lượng vận chuyển… Phối hợp tích cực triển khai gói nâng cấp hạ tầng 7000 tỷ, hoàn thành việc xây dựng mới 07/12 nhà ga trên tuyến; cải tạo, nâng cấp cầu yếu, hầm yếu; cải tạo nâng cấp ke ga, bãi hàng.

6. Một số cơ chế, chính sách được tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Đường sắt

Tiếp tục giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; ban hành một số định mức kinh tế, kỹ thuật phục vụ việc xây dựng kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội; đưa vào kế hoạch trung hạn việc nâng cấp cải tạo một số khu ga phục vụ hoạt động vận tải liên vận, tiếp tục nâng cấp cải tạo KCHTĐS trên các tuyến. Đặc biệt, ngày 4/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2022/NĐ-CP “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt” cho phép kéo dài thời hạn sử dụng các phương tiện đường sắt, giúp giảm một phần khó khăn về sức kéo.

7. Tổ chức thành công Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt các nước ASEAN lần thứ 42

Trong vai trò là nước chủ nhà, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42 với sự tham dự của 170 đại biểu và quan sát viên gồm các đại biểu chính thức đến từ Đường sắt 8 nước ASEAN bao gồm:Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đây là lần thứ 5 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này. Với chủ đề “Phục hồi và phát triển”, Hội nghị đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Đường sắt các nước trong khu vực sau đại dịch Covid-19.  

8. Đường sắt Liên vận Quốc tế đạt được nhiều cột mốc mới

Trong chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ ngày 30/10 - 01/11/2022), hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”. Trong đó, hai bên nhất trí hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt; sớm trao đổi, đàm phán sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc ký năm 1992; ủng hộ doanh nghiệp đường sắt hai nước tăng cường hợp tác về nâng cao lượng vận chuyển hàng hóa Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc.

9. Đảm bảo đời sống, việc làm, cải thiện thu nhập người lao động sau đại dịch

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song năm 2022, Tổng công ty đã hoàn thành mục tiêu đảm bảo đời sống, việc làm và cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập người lao động sau đại dịch. Cùng với đó, nhiều hoạt động thiết thực hướng tới người lao động đã được Tổng công ty triển khai như: tổ chức Tết sum vầy tại 275 khu ga; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn; đầu tư trang bị làm việc, điều kiện hoạt động văn hóa thể thao tại các khu ga, cung cầu đường, các công trình thi công trọng điểm, góp phần tạo không khí lạc quan, phấn khởi tin tưởng, người lao động yên tâm công tác, gắn bó với ngành nghề.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây