Đại hội vui mừng được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Dự Đại hội còn có nhiều đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua, với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Đại hội lần này cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng chiến sỹ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc. Đồng thời Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới tạo động lực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đại hội là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước suốt 67 năm qua. Đại hội cũng là dịp để biểu dương, tôn vinh các điển hình, nhân tố thi đua.
Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm 2010 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”, “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng, thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng: Bộ Chính trị thông qua Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, các nghị định của Chính phủ được ban hành kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để triển khai và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đã cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những trọng tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng được Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác khen thưởng trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, bám sát các quy định về tiêu chuẩn, đối tượng; tăng cường khen thưởng cho người lao động, công nhân, nông dân, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, khen thưởng đột xuất, khen thưởng thành tích đặc biệt xuất sắc, khen thưởng thành tích kháng chiến.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm qua cũng còn có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức; việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời.
Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho công nhân, nông dân, người lao động, khen thưởng thông qua việc phát hiện các điển hình tuy đã được quan tâm nhưng chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chỉ rõ thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…
Tác giả bài viết: Quang Phong
Nguồn tin: Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn