Thúc đẩy hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc

Thứ ba - 25/06/2024 15:56
Chiều 24/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt, năng lượng Trung Quốc, nhân dự hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc ngày 24-27/6.
Theo kế hoạch tới 2030, Việt Nam có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị và đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tổng vốn cho kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông khoảng 84,5 tỷ USD.
TTg tiep CRRC2 8901 1719234111
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Phó chủ tịch Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (CRRC), chiều 24/6. Ảnh: Nhật Bắc

Tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Phó chủ tịch Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (CRRC), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay xây dựng và phát triển đường sắt là vấn đề cấp bách, quan trọng giai đoạn hiện nay. Việt Nam có trên 2.000 km đường sắt, với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa hiệu quả.

"Bối cảnh hiện nay, Việt Nam nhìn nhận khác và sẽ ưu tiên đầu tư đường sắt thời gian tới, do có thể thay thế nhiều loại hình vận tải khác với giá thành rẻ, phù hợp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, đồng thời đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Cuối năm ngoái, Việt Nam - Trung Quốc đã ký Tuyên bố chung về tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Trong đó hai bên nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới; tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đồng Đăng - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hai nước. Ngoài ra, Việt Nam dự kiến tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM.

Phó chủ tịch CRRC Tôn Vinh Khôn cho biết doanh nghiệp này muốn hợp tác cùng phía Việt Nam trong sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe phục vụ khai thác vận tải. Đây cũng là tiền đề hợp tác cho dự án đường sắt tốc độ cao sau này.

"CRRC sẵn sàng hợp tác, đầu tư và cung cấp giải pháp công nghệ cho các dự án xây dựng đường sắt ở Việt Nam", ông Tôn Vinh Khôn nói. Theo ông, công ty này muốn thúc đẩy 3 tuyến đường sắt phía Bắc, tham gia các giải pháp mang tính hệ thống cho Hà Nội, TP HCM để phát triển hệ thống đường sắt đô thị hiện đại.

Ở khía cạnh này, Thủ tướng lưu ý tinh thần đầu tư "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng "vừa làm xong đã quá tải".

CRRC hiện là doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho tuyến đường sắt Trung Lào, đang vận hành tốt và tuyến đường sắt ven biển của Malaysia. Việt Nam có thể áp dụng giải pháp công nghệ tương tự, theo Phó chủ tịch CRRC.

thu tuong 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông và Tín hiệu đường sắt quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

hiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC). Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh kết nối giao thông, trong đó có kết nối đường sắt, phục vụ phát triển xanh, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phát triển đất nước. 

Theo Thủ tướng, Trung Quốc có thế mạnh về phát triển đường sắt kết nối cả nước cũng như đường sắt đô thị, do đó Việt Nam mong muốn trao đổi tìm cơ hội hợp tác, mong Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam thiết kế, thi công, chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt là phát triển các dự án đường sắt từ Vân Nam qua Lào Cai đi Hải Phòng, tuyến Lạng Sơn đi Hà Nội, Tuyến Đông Hưng đi Móng Cái về Hải Phòng. Các tuyến đường sắt này dài hơn 700 km, có vai trò quan trọng, do đó Việt Nam mong triển khai sớm; đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị.

Ông Lâu Tề Lương cho biết, CRSC là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới, hoạt động tại hơn 20 quốc gia và khu vực, bao gồm dự án Jakarta-Bandung HSR ở Indonesia, Đường sắt Hungary - Serbia và Đường sắt Trung Quốc - Lào. Doanh thu năm 2023 đạt hơn 37 tỷ Nhân dân tệ (NDT) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT. 

Tập đoàn mong có cơ hội hợp tác với Việt Nam vì có thế mạnh từ khâu thiết kế đến sản xuất hệ thống tín hiệu kiểm soát đường sắt, từ đó cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn, với giá cả cạnh tranh cho Việt Nam; đồng thời đơn vị có thể đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Sau khi lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam thông tin, trao đổi về các vấn đề liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành ý kiến của tập đoàn về sự cần thiết quản lý đường sắt bằng công nghệ số; cho biết việc đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án đường sắt ở Việt Nam đang gặp khó khăn, do đó Việt Nam muốn hợp tác với Trung Quốc về đào tạo nguồn nhân lực, chỉ huy, kiểm soát, thiết kế trong dự án đường sắt, sau đó là chuyển giao công nghệ. Thủ tướng mong lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục đổi cụ thể với các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam để xúc tiến các dự án, góp phần hiện thực hoá thoả thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây