Nếu giặc ngoại xâm là kẻ thù từ nước ngoài đến đánh chiếm, xâm lược nước ta, đặt ách thống trị, áp bức, bóc lột Nhân dân ta… dưới nhiều hình thức, và là loại kẻ thù rõ ràng, dễ xác định trận tuyến để đấu tranh, diệt trừ, thì trái lại, “giặc nội xâm” là kẻ thù từ bên trong nội bộ, ở trong từng người, từng tổ chức, đơn vị, cho đến trong một quốc gia, dân tộc. Đây là thứ giặc nguy hại, khó nhìn thấy, khó đấu tranh, khó xác định. Đó là những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, sự thoái hóa, biến chất trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đó là các biểu hiện như: tham ô, lãng phí, quan liêu, các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân…, và những quan điểm, hành vi tiêu cực, sai trái.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đã gọi là “giặc” thì bất luận dù ở bên ngoài, hay bên trong ta phải ra sức đấu tranh, tiêu diệt. Người cách mạng, đảng cách mạng, nhân dân cách mạng phải thắng các loại giặc đó. Bởi vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân phải ra sức chống giặc ngoại xâm và “giặc nội xâm”.
Năm 1952, nhân dịp phát động phong trào thi đua giết giặc, thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh lần đầu tiên đề cập đến khái niệm “giặc nội xâm”. Người nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Khi phân tích về mối quan hệ giữa giặc nội xâm và ngoại xâm, Hồ Chí Minh đã đồng thời chỉ ra mối nguy hại của thứ “giặc ở trong lòng” như sau: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta cần, kiệm, liêm, chính.
Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hi sinh xương máu, đồng bào thì hi sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và Nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám” .
Với sự sáng suốt, Người thấy rõ chẳng những có những kẻ thù ở bên ngoài, mà còn có kẻ thù ở bên trong. Hơn thế nữa, cả hai loại giặc đó thường cấu kết với nhau, là đồng minh của nhau để phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm cần phải tăng cường, chú ý hơn nữa nhiệm vụ chống giặc nội xâm.
Tư tưởng chống giặc ngoại xâm kết hợp với chống giặc nội xâm, chống giặc nội xâm để ổn định và phát triển nội lực, tạo tiền đề để đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm đến thắng lợi hoàn toàn, là tư tưởng sáng tạo của Hồ Chí Minh trên cơ sở vận dụng quan điểm duy vật mácxít vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chí Minh, chúng ta đã tiến hành nhiều đợt học tập, chỉnh quân, chỉnh Đảng, chỉnh huấn cho cán bộ và bộ đội để nâng cao trình độ chính trị - tư tưởng và sự giác ngộ của mỗi người, đồng thời tiến hành tự phê bình, tự đấu tranh với những sai lầm khuyết điểm trong nội bộ các ngành, các cấp thuộc quân, dân, chính, đảng.
Để chống giặc nội xâm có kết quả, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì trước hết phải chú ý rèn luyện đội ngũ cán bộ, vì “có cán bộ tốt việc gì cũng xong”. Phải tăng cường phê bình và tự phê bình. Phải quản lí, kiểm tra, đôn đốc từ nhiều phía đối với cán bộ, từ cấp trên, từ đồng cấp, cho đến từ cấp dưới và đặc biệt là từ quần chúng nhân dân.
Nếu như trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Chúng ta phải luôn luôn nâng cao cảnh giác và tinh thần yêu nước của Nhân dân, dựa vào lực lượng của Nhân dân” thì trong chống giặc nội xâm cũng phải dựa vào dân mới có thể dành được thắng lợi: “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”. Theo Hồ Chí Minh, tiến hành công cuộc chống “giặc nội xâm” còn lâu dài và khó khăn, phức tạp hơn cả sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Người khẳng định rằng: “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót”. Vì vậy, để chiến thắng “giặc nội xâm”, xây dựng chế độ xã hội mới và xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa - sự nghiệp đó càng đòi hỏi rất nhiều ý chí và nghị lực, quyết tâm và sáng tạo, trí tuệ và công sức của nhiều thế hệ người Việt Nam; phải có sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Thực tiễn sự nghiệp chống giặc ngoại xâm giành độc lập tự do và thống nhất đất nước, Hồ Chí Minh đã tập hợp, huy động được mọi lực lượng, đã đề ra được đường lối chiến lược và sách lược vô cùng sáng tạo, đã lãnh đạo và chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân ta phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp để dành chiến thắng vẻ vang, thì trong sự nghiệp chống “giặc nội xâm”, Người đã chú trọng suốt đời tới việc chăm lo và xây dựng Đảng, Chính phủ, quân đội và Nhân dân ta về mọi mặt để theo kịp với xu thế phát triển của thời đại. Hồ Chí Minh đã nêu ra một chương trình rất có hệ thống trong công cuộc chống giặc nội xâm: Từ việc chống các tệ nạn điển hình, đến việc xây dựng người tốt việc tốt; từ việc chống nạn thất học, chống giặc dốt, đến việc khuyến khích học tập, nâng cao dân trí; từ việc xây dựng đảng đến chính quyền và các đoàn thể quần chúng; từ việc chăm lo đời sống vật chất đến đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; từ việc tăng cường giáo dục cho đến việc kiểm tra, thi hành pháp luật; từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, cho đến việc hướng dẫn, chỉ đạo các phong trào của Nhân dân; từ việc kháng chiến cho đến việc kiến quốc…Trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử, chứa đựng một cách tập trung nhất quan điểm, tư tưởng của Người về sự nghiệp chống giặc ngoại xâm gắn liền với công cuộc chống giặc nội xâm, về vấn đề chăm lo phát triển nguồn lực con người…
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” càng trở nên quan trọng và cần thiết. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, Đảng ta đã vạch rõ những thời cơ mới và cả những nguy cơ mới đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhìn lại gần 40 năm đổi mới đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; … Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”, đây đều là những nguy cơ sát thực, không thể chủ quan coi thường nguy cơ nào. Những nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra đó có thể quy thành hai loại kẻ thù bên trong và bên ngoài. Điều này có nghĩa là chúng ta vẫn cần và càng cần phải quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh về chống giặc ngoại xâm và chống “giặc nội xâm”.
Tệ nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn xã hội khác hiện nay đã trở thành “quốc nạn”, là mối lo lắng rất bức xúc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Rõ ràng thứ “giặc nội xâm” đó đã, đang vã sẽ là bạn đồng minh của các thế lực phản động đang âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” đối với đất nước ta. Bởi lẽ, các thế lực thù địch đó sẽ tìm cách lợi dụng nhau, cấu kết với nhau để phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta.
Nhận thức rõ vấn đề như vậy, thì chúng ta mới có thể chủ động đấu tranh có hiệu quả. Ngược lại với những ý kiến của khá nhiều người cho rằng tệ tham nhũng hiện nay là rất khó khắc phục, thậm chí là không thể chống được vì nó bắt nguồn từ mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, vì đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu… Thiết nghĩ, chúng ta có thể khắc phục, đẩy lùi và tiến tới chiến thắng các tệ nạn đó, nếu toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm quán triệt và thực hiện tốt tư tưởng của Bác Hồ về chống “giặc nội xâm”. Tức là phải kiên trì thực hiện đồng thời các biện pháp giáo dục và hành chính, tổ chức và pháp luật, chính trị và tư tưởng, trong Đảng và ngoài Đảng, trong bộ máy nhà nước và trong xã hội, xây đi liền với chống, đặc biệt là phải dựa vào Nhân dân đi đôi với việc nêu cao gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… như Hồ Chí Minh đã dạy và thực hiện rất có hiệu quả. Lịch sử nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây để mất nước trước họa ngoại xâm có nguyên nhân chính là sao nhãng, coi thường nhiệm vụ chống “giặc nội xâm”. Nhìn vào lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chúng ta cũng thấy rõ có những nước, những Đảng Cộng sản đã giành được chính quyền, đã xây dựng đất nước theo chế độ mới tốt đẹp. Thế nhưng, vì không chú ý phòng trừ “giặc nội xâm”, cho nên đã để thứ giặc ở trong lòng nổi dậy làm thoái hóa, biến chất Đảng và Nhà nước (như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội đủ các loại…). Hậu quả đau đớn là đảng tan rã, chính quyền mất, chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không còn…
Thực tế đó là những bằng chứng sống động, để lại những kinh nghiệm và bài học lịch sử về chống giặc ngoại xâm phải đi liền với chống “giặc nội xâm”. Chống giặc ngoại xâm thắng lợi, thì lại càng phải chú trọng phòng và chống “giặc nội xâm” hơn bao giờ hết; phải không ngừng đề cao cảnh giác phòng chống có hiệu quả cả hai loại giặc đó, để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Đó cũng chính là quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” trong giai đoạn hiện nay của cách mạng nước ta.
Tình hình mới, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Đảng ta đã thẳng thắn kiểm điểm và chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” còn diễn biến phức tạp”. Đảng ta nêu rõ, đây là một trong những nguy cơ rất nghiêm trọng làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Trước thực trạng đó, cùng với việc nhấn mạnh đến nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta chỉ rõ cần phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thật vậy, nạn tham nhũng kéo dài, ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ ta. Điều quan trọng hơn là từ thực tiễn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta muốn cảnh báo về hậu quả xã hội nguy hại của nó.
Tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngoài những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội; là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ ta, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta. Đúng như điều mà Lênin trước đây đã cảnh báo về nguy cơ của một đảng cầm quyền chính là ở chỗ đánh mất mối dây liên hệ với quần chúng, rằng “nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là những tệ nạn đó”.
Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, phương hướng chỉ đạo nhằm đấu tranh chống tệ nạn này có hiệu quả. Nhà nước cũng ban hành hàng loạt văn bản pháp luật quy định cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng nhìn chung hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. Nhận thức ra tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đảng ta đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh này là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Vì vậy, các cấp ủy và tổ chức Đảng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với thứ “giặc nội xâm” đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “thật sự trong như pha lê, mạnh như thác lũ” như Bác Hồ từng chỉ rõ, để phục vụ Nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân.
Với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Đảng ta đã chỉ ra, chúng ta cần và nhất thiết phải học tấm gương “Dĩ công vi thượng” của Bác, nâng cao chất lượng thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 18/5/2021, đặt lợi ích của Đảng, của Nhân dân lên trên hết. Nếu thiếu sâu sát thực tế và gần gũi quần chúng, không thật sự tôn trọng Nhân dân thì “giặc nội xâm” càng có đất sinh sôi nảy nở. Chính vì vậy, cần tăng cường giáo dục đảng viên về đường lối, chính sách, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên đi đôi với duy trì nghiêm kỷ luật trong Đảng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các chế độ sinh hoạt, kiểm tra, tự phê bình và phê bình trong Đảng phải thường xuyên, nghiêm túc. Mỗi đảng viên cần phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự điều chỉnh mình để tiến bộ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với tập thể. Đặc biệt cần phải khơi dậy truyền thống trọng đạo lý của dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân tạo thành dư luận mạnh mẽ và rộng khắp để phát hiện và đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, đúng như Hồ Chí Minh chỉ ra: “phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên” . Kiên quyết đấu tranh với “giặc nội xâm” là góp phần làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Mọi hoạt động xây dựng Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng của Đảng đều không ngoài mục đích trên.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn