Chiều 28 tháng Chạp, chuyến tàu TN4 rời Ga Sài Gòn, chở theo gần 800 hành khách từ khắp các tỉnh của mọi miền đất nước về quê đón Tết Đinh Dậu.
Trưởng tàu Hoàng Công Tích (53 tuổi, lái tàu 34 năm) chia sẻ về cái nghề phục vụ hành khách nhiều vất vả. Đến cuối năm, ai cũng quây quần, đoàn tụ bên gia đình, ông cũng muốn lắm nhưng phải chấp nhận xa vợ, con.
“Ai yêu cái nghề này, chịu đánh đổi thì mới theo nó lâu dài. Bốn năm rồi tôi không đón giao thừa ở nhà. Ráng 3 năm nữa về hưu, tôi bù đắp cho vợ, con sau", ông Tích cười.
Trưởng tàu Tích cho hay ông có 2 người con. Ông muốn con cái nối tiếp cái nghề của mình. Tuy nhiên, con trai ông thì đam mê ngành công nghệ thông tin, trong khi cô con gái thì theo nghiệp ngân hàng.
Trưởng tàu Tích ra sân ga đón khách lên tàu. Ảnh: Lê Trai. |
“Cũng buồn lắm, nhưng nghĩ mình sinh nó ra nhưng trời sinh tính. Tôi cũng nói là nghề của tôi cực khổ như thế đó. Đứa nào thích thì học lớp đường sắt, khi nào tôi về hưu thì nối bước, đi tiếp nhưng tụi nó không chịu”, ông Tích trăn trở.
Lái tàu Lê Thanh Liêm (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng tâm trạng nôn nao về nhà đón Tết với vợ cùng 2 con nhỏ. Liêm cho biết anh lái tàu đã được 10 năm nay, vì công việc anh phải chấp nhận bươn chải trong những ngày Tết.
“Mấy ngày này mà cho tiền triệu thì cũng không ai muốn làm, nhưng vì nghề nghiệp phải chấp nhận. Nhiều năm xa nhà cũng thấy quen, không còn buồn nhiều. Mình đưa hàng nghìn người về quê sum họp với gia đình thấy cũng đỡ tủi hơn”, anh Liêm tâm sự.
Học điều hành tàu, ra trường rồi đi làm, cuộc sống của tiếp viên Ngô Minh Vĩ (28 tuổi, quê Đà Nẵng) quanh năm suốt tháng phiêu bạt trên các chuyến tàu chạy bắc - nam. Với đặc thù công việc "nay đây, mai đó", nhiều lúc Vĩ lo anh khó kiếm được vợ.
|
Lái tàu Liêm quen dần với cảm giác xa gia đình vì công việc. Ảnh: Lê Trai |
May mắn, trong một chuyến tàu, anh gặp và làm quen với một cô gái quê Quảng Ngãi xinh đẹp đang trên đường vào Sài Gòn đi học. Sau khi trao đổi số điện thoại, họ nhắn cho nhau, rồi cô sinh viên phải lòng chàng tiếp viên hiền lành dễ mến lúc nào không hay. Cứ thế, họ yêu rồi tiến tới kết hôn.
“Đến bây giờ, tôi còn chưa dám tin là mình đã có vợ và con trai 2 tuổi. Công việc đi nhiều khiến tôi không có thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, vợ cũng cảm thông và luôn động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc”, anh Vĩ nói.
Đôi mắt Vĩ đượm buồn vì nhớ con trai nghịch ngợm đáng yêu, anh kể mỗi lần tàu đi ngang qua quê, nhìn thấy nhà là anh muốn lao về ôm hôn đứa con trai.
Vĩ kể, không chỉ có anh, nhiều người làm tiếp viên trên tàu, vì công việc thường xuyên di chuyển, không có thời gian để tìm hiểu, yêu đương như những thanh niên khác, nên họ chỉ biết trông chờ những chuyến tàu, đưa tình duyên đến.
Tiếp viên Vĩ nhớ vợ con mỗi lần tàu chạy ngang nhà. Ảnh: Lê Trai. |
“Anh tiếp viên mặc áo màu tím ngồi kia kìa, cũng quen được bạn gái trên tàu. Sang năm họ sẽ tổ chức đám cưới”, anh Vĩ chỉ tay về phía anh tiếp viên đã gần 30 tuổi nói như một minh chứng cho lời anh.
Trong không khí ngày Tết, những nhân viên trên chuyến tàu TN4 vẫn phải làm việc cật lực để đưa những hành khách cuối cùng về đoàn tụ với gia đình.
Nhiều người nhớ con, nhớ vợ da diết nhưng đành chấp nhận bởi yêu cái nghề vận tải hành khách. Giao thừa, bên họ không có người thân, chỉ có buổi liên hoan nhẹ với đồng nghiệp trong tiếng xập xình di chuyển liên tục của đoàn tàu.
Tác giả bài viết: Lê Trai
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn