NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Giao lưu trực tuyến "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”

Thứ tư - 26/12/2012 13:25

Giao lưu trực tuyến "Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”

Sáng ngày 26/12 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Ban Tổ chức Trung ương Đoàn và Báo Tiền phong đã tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”.
Dự chương trình có các đồng chí: Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã; Lò Quang Tú - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn; Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập Báo Tiền phong; Trần Thanh Lâm – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong; cùng các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Phú Thọ và Bắc Giang.
a
Ban Tổ chức chương trình tặng họa chúc mừng các vị khách mời và các trí thức trẻ tham gia chương trình giao lưu trực tuyến ngày 26/12
Phát biểu khai mạc chương trình giao lưu, đồng chí Lò Quang Tú, Ủy viên BTV, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn đã nhấn mạnh, dự án được triển khai thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các xã nghèo có sự đầu tư nhân tố về con người; thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước với thanh niên, đặc biệt là với trí thức trẻ. Đồng chí Tú cho biết, đến nay đã có 580 đội viên dự án nhận nhiệm vụ ở 580 xã nghèo trong cả nước. Đội viên nhận nhiệm vụ tại xã lâu nhất cũng đã 10 tháng, đội viên mới là 3 tháng. Tham dự chương trình, đồng chí Vũ Đăng Minh cho rằng, Dự án cần được sự đồng thuận của xã hội để giúp các đội viên Dự án hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân. Theo đồng chí Minh, quyết định có 600 đội viên về 600 xã của 62 huyện nghèo tại 20 tỉnh, tuy nhiên 20 xã đã có đầy đủ hai Phó chủ tịch xã nên thực hiện giai đoạn một của dự án chỉ có 580 đội viên về làm việc tại 580 xã. Tại buổi giao lưu, các khách mời của chương trình đã trao đổi tình hình trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch UBND xã tại các xã nghèo; việc phát huy vai trò của trí thức trẻ xây dựng và phát triển địa phương; thông tin, phổ biến một số chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước; thảo luận một số nội dung về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đặc biệt là công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên tại các xã địa bàn dân tộc, miền núi. Phó Chủ tịch xã Tuấn Đại (Sơn Động- Bắc Giang) Nguyễn Thành Phong chia sẻ, từ khi về nhận nhiệm vụ, được sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền địa phương, công việc của tôi cơ bản đã ổn định và đã đạt được một số thành tựu nhất định, đặc biệt trong công việc phụ trách về mảng kinh tế. Chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với công ty Pepsi Việt Nam, phối hợp sản xuất 20 ha khoai tây (chế biến giống Atlantic) và liên hệ với công ty Dragon quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp theo định hướng hàng hóa. Cùng với các cơ quan chuyên môn của UBND xã như: cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y và cán bộ phụ trách lâm nghiệp, đã xây dựng kế hoạch chi tiết về chăn nuôi, trồng trọt và trồng rừng kinh tế cho năm 2013 - Thành Phong cho biết thêm.
a
Các trí thức trẻ cùng với PV Báo Tiền phong (giữa) trả lời trực tuyến các câu hỏi của các bạn trẻ gửi về
Cùng chung tay với xã nghèo vượt khó, đồng chí Nguyễn Anh Ngọc  - Phó Chủ tịch xã Xuân Quỳ, Như Xuân, Thanh Hóa trao đổi: Tôi đang triển khai Đề án "Thử nghiệm mô hình nuôi giun quế phục vụ chăn nuôi gia cầm tại xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân", được bảo vệ tại hội đồng vào cuối khóa tập huấn về kiến thức quản lý nhà nước của ban quản lý dự án. Theo Anh Ngọc, đề án này tận dụng phân thải từ các hoạt động chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp để nuôi giun quế. Giun quế là nguồn thức ăn và dinh dưỡng thường xuyên cho gia cầm, giúp giảm bớt chi phí chăn nuôi và xử lý được nguồn rác và phân thải, bảo vệ được môi trường sống. Lý do tôi thực hiện đề án này xuất phát từ thực trạng, trước đây, tại xã Xuân Quỳ, nguồn thức ăn không ổn định, lượng phân thải do chăn nuôi lớn gây ô nhiễm môi trường, nguồn phụ phẩm từ trồng trọt lại khá dồi dào, thích hợp cho việc nuôi giun quế - Ngọc chia sẻ. Khi đi tìm hiểu mô hình này ở các địa phương khác Ngọc đã nhận thấy có hiệu quả kinh tế rất lớn. Khi triển khai đề án tại xã, người dân rất đồng tình. Ngọc đã mạnh dạn trình bày đề án để thông qua các trưởng thôn, chi bộ nhằm vận động bà con thực hiện đề án này. Với đặc thù địa phương làm nghề nông là chính, để gặp được bà con, chúng tôi phải đi vào buổi trưa hoặc buổi tối - Nguyễn Thị Thu Lan  - Phó Chủ tịch xã Tam Thanh, Tân Sơn, Phú Thọ cho biết. Thu Lan đề xuất, trong quá trình triển khai chương trình, kế hoạch của xã, huyện cần phải có những ví dụ trực quan, thực tế. Bên cạnh đó, tôi thấy cần có thái độ gần gũi, không quan cách; tham gia các buổi họp, sinh hoạt của khu dân cư để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con. Đánh giá về các trí thức trẻ, đồng chí Vũ Đăng Minh cho biết, tôi rất tin vào trình độ, năng lực và đặc biệt là phẩm chất của đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch xã bởi các bạn đã xung kích, tình nguyện đến với đồng bào ở những xã khó khăn nhất của cả nước chỉ với mong muốn cùng với địa phương phát triển kinh tế- xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đây là những phẩm chất rất đáng trân trọng của các bạn tri thức trẻ tình nguyện trong điều kiện kinh tế thị trường. Về chất lượng đội viên chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì các bạn đã được hội đồng tuyển chọn của tỉnh tổ chức rà soát, phân loại và trực tiếp phỏng vấn với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Chủ tịch UBND huyện. Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án hàng năm, Ban Quản lý dự án 600 Phó Chủ tịch xã Bộ Nội vụ vẫn tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội viên dự án trong đó có kỹ năng lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, xây dựng đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội để giúp các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giao lưu  trực tuyến là dịp để các trí thức trẻ bày tỏ những suy của mình ở cương vị Phó Chủ tịch xã thuộc dự án 600 và  những dự kiến hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời với mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội và người dân nơi các trí thức trẻ đang công tác,  góp phần đưa xã nghèo vượt khó phát triển bền vững; qua đó cũng khẳng định sức trẻ dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn là lực lượng xung kích, tình nguyện, hoàn xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho.

 

Nguồn tin: Web TƯ Đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây