NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Khai mạc Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ 10, khóa X

Chủ nhật - 19/04/2015 21:53
Sáng 18/4, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ mười, khóa X đã khai mạc. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn chủ trì hội nghị.
Trong thời gian làm việc ngày 18/4 và sáng 19/4, Hội nghị sẽ cho ý kiến về 3 nội dung lớn đó là: đề cương đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X; báo cáo kết quả thực hiện Đề án "Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013-2020" năm 2014; chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030".
 
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ mười, khóa X
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ mười, khóa X
 
 
Tiến tới Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị cũng giành thời gian để báo cáo về cán bộ đoàn tham gia cấp ủy các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự cán bộ trẻ cho Đại hội Đảng các cấp.
 
 
Báo cáo cần nói thẳng nói thật
 
 
Cho ý kiến về đề cương đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất cho rằng, đây không phải báo cáo thành tích hay thi đua, mà cần nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng nói thật mọi vấn đề, đánh giá thực chất và thẳng thắn những kết quả đã làm được, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ.
 
 
"Báo cáo không phải để khoe thành tích hay để thi đua, mà là cơ sở để chúng ta nhìn nhận toàn diện thực trạng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X trong nửa nhiệm kỳ. Vì thế, chúng ta cần báo cáo thực chất để có giải pháp đúng đắn. Báo cáo chỉ ra được rõ ràng những tồn tại, hạn chế mới là đáng tuyên dương, chứ không phải là để đánh giá hoạt động, phong trào ở cơ sở đó tốt hay xấu", đồng chí Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.
 
 
Anh Nguyễn Anh Tuấn - UV BTV, Trưởng Ban Thanh niên nông thông Trung ương Đoàn cũng cho rằng "báo cáo cần nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những gì đã làm và chưa làm được để có giải pháp cải thiện phong trào". 
 
 
Trên thực tế, thời gian qua, có rất nhiều hoạt động, phong trào được các cấp bộ đoàn triển khai, tuy nhiên, không phải phong trào, hoạt động nào cũng thực chất và hiệu quả. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc và tồn tại ở cơ sở không được đưa vào báo cáo hoặc đưa không cụ thể, rõ ràng khiến cho việc nắm bắt, chỉ đạo và triển khai kém hiệu quả. Cần đổi mới tư duy về cách thức đánh giá, báo cáo và tiếp cận vấn đề được nhiều đại biểu chỉ ra.
 
 
“Khi đi công tác cơ sở, chúng tôi trực tiếp nghe và thấy rất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc từ đoàn viên thanh niên địa phương. Thế nhưng khi nhận được bản báo cáo từ Đoàn cơ sở gửi về (qua nhiều khâu thẩm định khác nhau), chúng tôi ít khi thấy đề cập đến những hạn chế đó. Có chăng chỉ được nhắc đến bằng những cụm từ chung chung. Cách đánh giá, làm báo cáo và tiếp cận vấn đề cần được đổi mới về tư duy, nhận thức”, anh Lê Quang Tự Do - UV BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn phát biểu.
 
 
Chị Nguyễn Thị Ngà - UV BTV, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội chia sẻ: "Có hai vấn đề hạn chế được nhìn thấy rất rõ đó là xây dựng tổ chức Đoàn như quản lý đoàn viên, chất lượng cán bộ đoàn, sinh hoạt chi đoàn... và tính nhạy bén của Đoàn đối với tình hình thanh niên. Trong khi Đoàn còn đang loay hoay với văn bản thì thanh niên đã tự tạo cho mình những trào lưu riêng. Do đó, cách làm của Đoàn phải khác các tổ chức khác, đảm bảo tính cởi mở, trẻ trung, cập nhật và cầu thị". Theo chị Ngà để đánh giá nhanh nhạy, chuẩn xác công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ngoài việc căn cứ vào văn bản báo cáo, ý kiến góp ý, khảo sát bằng phiếu, Đoàn nên tổ chức một số hội nghị chuyên đề, những cuộc đối thoại trực tiếp với bạn trẻ.
 
 
Cần có sản phẩm giáo dục, tuyên truyền cho từng đối tượng thanh thiếu niên
 
 
Cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Đề án "Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013-2020" năm 2014, các đại biểu cho rằng, không thể tuyên truyền, giáo dục chung chung tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, mà cần có những nội dung, phương pháp, sản phẩm phù hợp với từng đối tượng.
 
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị
 
 
Anh Hoàng Quốc Thưởng - UV BTV, Bí thư Tỉnh Đoàn Hải Dương cho rằng: "Việc giáo dục đạo đức, lối sống cần bắt đầu từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, trong khi những sản phẩm tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng này còn rất thiếu. Cần có sản phẩm tuyên truyền theo từng khối đối tượng thanh niên, không thể dùng sản phẩm của thanh niên trường học để tuyên truyền cho thanh niên công nhân".
 
 
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Mạnh Cường - UV BTV, Bí thư Thành đoàn TP HCM cho rằng, không thể tuyên truyền, giáo dục chung chung tất cả các đối tượng thanh thiếu niên, mà cần có những sản phẩm phù hợp với từng đối tượng và có thí điểm khảo sát, đánh giá chuyển biến của thanh thiếu niên hàng năm.
 
 
Còn theo anh Nông Việt Yên - UV BTV, Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái, để làm tốt công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên cần xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn làm công tác giáo dục chuyên nghiệp và xác định các nội dung, phương pháp, công cụ giáo dục phù hợp với từng đối tượng thanh thiếu niên.
 
 
Phát biểu kết luận, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên là một nội dung vô cùng quan trọng. Vì thế, mọi chương trình, hoạt động đều phải hướng để giáo dục giới trẻ. Việc giáo dục thông qua những hoạt động gắn liền với thực tiễn đời sống luôn mới đạt được hiệu quả cao. “Việc các bạn trẻ bán dưa giúp đỡ nông dân miền Trung hay bán hành tím giúp nông dân Sóc Trăng không chỉ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tinh thần tương thân, tương ái mà còn tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nói.
 
 

Tác giả bài viết: Kiều Anh

Nguồn tin: doanthanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây