NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Báo cáo tổng kết năm 2006

Thứ năm - 12/04/2007 15:49

    Tổng Công ty                                                                  Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Đường sắt Việt Nam                                                                    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                                                                            Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2007

Báo cáo

Tổng kết Giải thưởng Sáng tạo Đường sắt Việt Nam - năm 2006 

Phát huy kết quả đạt được từ các Hội thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ - Quản lý ngành Đường sắt (các Hội thi lần thứ nhất, II, III và IV), từ tháng 5/2006, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức phát động Giải thưởng Sáng tạo Đường sắt Việt Nam. Giải thưởng Sáng tạo Đường sắt Việt Nam là giải thưởng được Tổng Công ty ĐSVN trao tặng hàng năm cho các tập thể, cá nhân ở cả trong và ngoài ngành đường sắt có các đề tài, giải pháp mới về khoa học - công nghệ - quản lý và công nghệ thông tin góp phần phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành Đường sắt trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành. Sau hơn một năm triển khai Giải thưởng, Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN -  năm 2006 đã đạt được kết quả như sau:

I. Công tác triển khai, tuyên truyền giải thưởng:

- ở cấp ngành: Ngay sau khi phát động giải thưởng, dưới sự chỉ đạo của Ban tổ chức Giải thưởng với vai trò là Cơ quan thường trực giải thưởng, Đoàn TNĐS đã chủ động tham mưu  triển khai, tuyên truyền về Giải thưởng tới tất cả các đơn vị trong toàn ngành. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền Thể lệ Giải thưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và ngành Đường sắt như: Đài Truyền hình Hà Nội, Truyền hình thanh niên, báo Thanh niên, báo Tiền phong, báo GTVT, tạp chí GTVT, báo ĐSVN, tạp chí KHCN Đường sắt, tạp chí Thanh niên Đường sắt,… Đoàn TNĐS cũng đã in ấn và phát hành 30.000 tờ áp phích tuyên truyền về thể lệ Giải thưởng tới các đơn vị trong ngành. Bên cạnh đó Đoàn TNĐS cũng đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phát huy vai trò của tổ chức Đoàn và ĐVTN trong công tác tuyên truyền, triển khai Giải thưởng, tích cực động viên CBCNV, ĐVTN hăng hái tham gia Giải thưởng ở các cấp.

- ở các đơn vị trong ngành: nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp giữa chuyên môn, đoàn TN tổ chức triển khai thể lệ cuộc thi đến CBCNV, đồng thời tích cực vận động, hổ trợ, động viên CBCNV, ĐVTN tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài sáng kiến cải tiến KHCN mới để tham dự giải thưởng.

II. Kết quả:

            Sau một năm triển khai phát động , Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận được tổng số 20 đề tài, giải pháp của các cá nhân, tập thể tác giả trong và ngoài ngành tham gia Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN - năm 2006 theo 5 chuyên ngành, cụ thể: Chuyên ngành Toa xe (6 đề tài), chuyên ngành Đầu máy (2 đề tài), chuyên ngành Công trình (4 đề tài), chuyên ngành Thông tin tín hiệu (6 đề tài) và chuyên ngành Vận tải (2 đề tài).

            Với tổng số 6 đề tài dự thi, các đề tài dự thi thuộc chuyên ngành Toa xe đã chú trọng nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm thay thế máy móc thiết bị nhập ngoại, tiết kiệm chi phí đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thêm công ăn việc làm cho CB - CNV, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho đơn vị và ngành. Trong đó tiêu biểu là các đề tài: đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công đoàn xe vận chuyển ray hàn dài và thiết bị nâng ray có giá trượt” của tác giả Phạm Đình Thuỷ (Công ty cổ phần TVĐT và XDCT GTVT), đề tài “Thiết kế chế tạo toa xe chuyên dùng chở Container” của nhóm tác giả Nguyễn Quốc Khang, Nguyễn Văn Thố, Phạm Đức Vinh, Đinh Hồng Cương (Công ty xe lửa Dĩ An), đề tài “nghiên cứu thiết kế, tính toán, chế tạo giá quay lắp trên xe M và các quy định liên quan để vận chuyển ray 25m trên đường sắt quốc gia không phải dùng xe đệm” của nhóm tác giả Lê Duy Vân, Nguyễn Trọng Pha, Nguyễn Hồng Linh, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Phong Hải (Công ty VTHHĐS), Trần Tú Bình (Xí nghiệp Toa xe Vinh - Công ty VTHHĐS).

            Từ thực tế các loại đầu máy hiện nay đang sử dụng trên ĐSVN do sau nhiều năm vận dụng, hiệu suất sử dụng cao cùng với điều kiện vận dụng khắc nghiệt nên các loại đầu máy thường phát sinh các sự cố sau quá trình vận dụng, do đó các đề tài thuộc chuyên ngành Đầu máy của các tác giả tham gia Giải thưởng - năm 2006 đã tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm cải tiến kỹ thuật, thiết kế chế tạo mới một số thiết bị duy tu, bảo dưỡng đầu máy....., bên cạnh đó, các tác giả cũng đặc biệt quan tâm đi sâu nghiên cứu các đề tài, giải pháp nhằm tận dụng, cải tiến những vật tư, thiết bị hiện có trong nước nhằm hạn chế đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị nhập ngoại mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng vận dụng đầu máy để phục vụ cho quá trình sản xuất. Tiêu biểu là các đề tài: đề tài “Nghiên cứu thiết kế dây chuyền và quy trình công nghệ đại tu rôto máy điện kéo một chiều trên đầu máy” của nhóm tác giả Hoàng Quang Vinh, Trần Đức Hựu, Lê Kiên Cường, Nguyễn Hoàng Thiện, Nguyễn Tiến Dũng (Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn - Công ty VTHK ĐS Sài Gòn), đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy doa bạc mô tơ điện kéo đầu máy D12E” của tác giả Bùi Văn Hiện (Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng - Công ty VTHK ĐS Hà Nội).

Các đề tài dự thi chuyên ngành Công trình (4 đề tài) chủ yếu tập trung vào việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thi công mới trong xây dựng cầu đường, các giải pháp cải tạo, nâng cấp chất lượng cầu, đường phục vụ công tác đảm bảo an toàn chạy tàu. Trong đó tiêu biểu là các đề tài: đề tài Hướng dẫn chế tạo, thử tải xe đúc, quy trình thi công dầm BTCTDƯL theo phương pháp đúc hẫng cân bằng trong xây dựng cầu” của tác giả Nguyễn Thanh Huyền và Phạm Duy Tuyên (Công ty cổ phần Công trình Đường sắt), đề tài “Nghiên cứu kết cấu mặt cầu liên hợp thép – Composite cho ray đặt trực tiếp không có tà vẹt” của nhóm tác giả Nguyễn Tiến Công, Trần Thiện Cảnh, Trần Thái Sơn (Công ty cổ phần TVĐT và XDCT GTVT), Đặng Vũ Trứ (Công ty Hoá vật liệu và Công nghệ) và Trần ích Thịnh (Trường Đại học Bách Khoa).

Chuyên ngành Thông tin tín hiệu có 6 đề tài tham gia dự thi Giải thưởng - năm 2006 , bên cạnh việc chú trọng nghiên cứu cải tạo, nâng cấp các thiết bị thông tin, tín hiệu phục vụ công tác điều hành và tổ chức chạy tàu góp phần đảm bảo an toàn. Tiêu biểu là các đề tài: đề tài “Nghiên cứu cải tạo tín hiệu gửi tàu ga Hải Vân để giải quyết tầm nhìn tín hiệu giữa tài xế , trực ban chạy tàu và trưởng tàu khi gửi tàu ở ga Hải Vân” của nhóm tác giả Nguyễn Mạnh Hải, Trần Cao Đại, Kiều Xuân Đạt, Dương Anh Tuấn (Công ty TTTH ĐS Đà Nẵng), đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế thử và thử nghiệm hệ tín hiệu lặp lại vào ga đèn màu cho các ga có địa hình phức tạp” của nhóm tác giả Trần Mạnh Dũng, Phạm Văn Dũng, Dương Ngọc Thắng, Đàm Ngọc Mẫn (Công ty TTTH ĐS Sài Gòn). Đặc biệt đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm cảm biến SR-20 và bộ giao tiếp GS-20” của tác giả Trần Văn Quang (Công ty cổ phần Viễn thông - Tín hiệu Đường sắt) đã được Hội đồng xét duyệt đánh giá cao xét trao giải Nhất, đề tài đã được ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể với việc thử nghiệm thiết bị cảm biến SR-20 và bộ giao tiếp GS-20 vào hệ thống cảnh báo đường ngang tự động góp phần đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông khi qua các đường ngang, đường dân sinh không người gác,.

Chuyên ngành Vận tải có 2 đề tài tham gia, đề tài “Những giải pháp nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của ga Sóng Thần trên thị trường vận tải hàng hoá”của tác giả Nguyễn Phi Long (ga Sóng Thần) và đề tài “Xây dựng các biện pháp nâng cao tính an toàn trong công tác chỉ huy điều hành chạy tàu trên đường sắt Việt Nam” của nhóm tác giả Lê Anh Chiến, Nguyễn Thuỳ Dương, Đỗ Viết Hoàn, Nguyễn Tuấn Minh, Lê Chí Vũ (Trung tâm Điều hành vận tải). Các tác giả quan tâm nghiên cứu đến khả năng cạnh tranh giữa vận tải Đường sắt với các phương tiện vận tải khác trong xu thế hiện nay, cũng như nghiên cứu các yếu tố chủ quan, khách quan gây mất an toàn chạy tàu ảnh hưởng trực tiếp đến nhân viên điều hành chạy tàu tại Trung tâm điều hành vận tải.

Tổng kết Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN - năm 2006, Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Tổng Công ty ĐSVN đã quyết định trao giải cho 15/20 đề tài tham dự giải thưởng, cụ  thể là: 02 giải Nhất, 04 giải Nhì, 05 giải Ba và 04 giải Khuyến khích cho các tác giả, tập thể tác giả có đề tài dự thi xuất sắc đạt giải với tổng kinh phí khen thưởng là 34.000.000đ.

 III. Đánh giá chung:

Năm 2006, là năm đầu tổ chức  Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN, tuy còn  một số khó khăn, bở ngỡ, nhưng có thể khẳng định rằng Giải thưởng đã được triển khai, tổ chức thành công, qua đó đã khuyến khích phong trào thi đua lao động sáng tạo trong CBCNV góp phần thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực KHCN tại các đơn vị trong toàn ngành. Các đề tài, giải pháp tham gia Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN - năm 2006 đều có khả năng ứng dụng hoặc được đã các đơn vị ứng dụng hiệu quả vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả SXKD trên các lĩnh vực công tác, làm lợi cho các đơn vị và ngành hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN năm 2006 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Mặc dù Ban tổ chức đã có kế hoạch triển khai, tuyên truyền sâu rộng Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN đến tất cả các đơn vị trong toàn ngành, nhưng một số đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai, hỗ trợ, động viên CBCNV đơn vị tham gia. Vì vậy số lượng các đơn vị tham gia còn hạn chế, chủ yếu là tập trung ở các đơn vị lớn có truyền thống trong phong trào nghiên cứu ứng dụng KHCN mới, ở các lĩnh vực như Thông tin- tín hiệu, Đầu máy toa xe, xây dựng cầu đường và vận tải. Còn lại nhiều đơn vị và một số lĩnh vực công tác các đơn vị thiếu quan tâm triển khai nên chưa cổ vũ, khích lệ CBCNV tham gia nghiên cứu các đề tài tham dự Giải thưởng.  

- Số lượng đề tài các đơn vị tham gia Giải thưởng ở các chuyên ngành không đều nhau, đặc biệt là chuyên ngành quản lý không có đề tài dự thi hoặc ở một số chuyên ngành tuy có tham gia dự thi nhưng số lượng, chất lượng đề tài, cũng như sự đầu tư nghiên cứu của tác giả còn hạn chế so với tiềm năng (như chuyên ngành vận tải, chuyên ngành Công trình).

Từ kết quả Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN - năm 2006, Ban tổ chức giải thưởng trân trọng đề nghị các cấp lãnh đạo chuyên môn, đoàn TN các cấp trong toàn ngành tiếp tục dành sự quan tâm cho công tác tuyên truyền triển khai, vận động, hỗ trợ  CBCNV, ĐVTN của đơn vị tham gia  nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng KHCN mới; đồng thời động viên CBCNV hàng năm tích cực tham gia dự thi Giải thưởng Sáng tạo ĐSVN, nhằm tao nên phong trào nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng KHCN mới phát triển mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị , các lĩnh vực công tác của ngành, góp phần tiếp tục thúc đẩy SXKD của ngành ngày càng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây