NextUpcoming Event

Thất bại của Kế hoạch Navarre và sự ra đời của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Thứ tư - 23/04/2014 23:10

Thất bại của Kế hoạch Navarre và sự ra đời của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Từ sau chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Điện Biên Phủ đã được giải phóng cùng với nhiều châu, huyện khác. Lúc bấy giờ người chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp là Salan cho dù không giữ được Điện Biên Phủ nhưng chưa bao giờ giấu giếm ý định chiếm lại cái cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc này.
Tuy nhiên do vấp phải các cuộc tiến công của Việt Minh trên hầu hết các chiến trường, phải chia nhỏ lực lượng để đối phó nên ông ta chưa thể đưa quân lên vùng đất hẻo lánh nhưng rất quan trọng đó.

Đầu tháng 5 năm 1953, Navarre sang Đông Dương nhận bàn giao nhiệm vụ mới, gánh vác trọng trách thay đổi lại tình hình Đông Dương. Bản kế hoạch Navarre ra đời với những ưu điểm vượt trội đã đem lại niệm tin và hi vọng cho cả Pháp và Mỹ. Báo chí đã dùng không ít những từ ngữ khoa trương để ca ngợi vị chỉ huy mới này.

Ngày 15 tháng 10 năm 1953, Navarre đã điều động 22 tiểu đoàn đánh ra Tây Nam Ninh Bình với cuộc hành quân mang tên Hải Âu, trong trận đánh này có một đại đoàn do De Castries chỉ huy. Sau đó một số tiểu đoàn khác đổ bộ lên bờ biển Thanh Hóa, hoạt động chiến tranh tâm lý ở khu 4… Những cuộc hành quân trên của Navarre nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công của đối phương vào đồng bằng Bắc Bộ.

Về phía Việt Nam, sau khi đánh giá và phân tích bản kế hoạch quân sự quan trọng của Pháp đã có những chỉ đạo để đối phó. Vào mùa khô 1953 - 1954, bộ đội chủ lực Việt Nam kết hợp với lực lượng địa phương mở những cuộc tấn công vào những hướng chiến lược nhằm giải phóng đất đai và buộc Pháp phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó. Trên chiến trường Bắc Bộ chuyển hướng tấn công lên Tây Bắc, tiêu diệt quân đồn trú đang đóng ở Lai Châu, uy hiếp địch ở Thượng Lào, tiến đánh Trung Lào và Hạ Lào. Ở khu 5, đánh Bắc Tây Nguyên để tiêu diệt sinh lực quân đối phương và bảo vệ vùng khu 5 một cách hiệu quả. Các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ cũng được đẩy mạnh với các cuộc chiến tranh du kích. Hướng chính trong giai đoạn này là Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên.

Như vậy những tính toán để bảo vệ một số vùng chiếm đóng của Navarre đã không nhận được kết quả như mong muốn. Sự thất bại của cuộc hành binh Hải Âu làm cho Navarre bế tắc. Lúc này, bản kế hoạch của Navarre đã lộ rõ nhiều sơ hở. Mấy tiểu đoàn Pháp còn lại ở Lai Châu bị lọt thỏm giữa vùng rừng núi Tây Bắc bao la và luôn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Mặt khác, con đường số 6 đi Hoà Bình, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ đang không có vật cản, rất dễ dàng cho Việt Minh đánh chiếm mà không bị cản trở. Trước đó từ cuối tháng 7, Navarre đã có những trăn trở về việc thiết lập những căn cứ "lục - không quân hỗn hợp" hoặc những "căn cứ trận địa" để bảo vệ trực tiếp nước Lào nhưng chưa biết đặt căn cứ đó ở đâu. Suy đi tính lại, Navarre chợt nhớ lời của Salan về cái thung lũng Điện Biên Phủ. Phải chăng Điện Biên Phủ sẽ là địa bàn chiến lược để lấp đầy những lỗ hổng trong những tính toán quân sự của vị chỉ huy này.

Ngày 2 tháng 11 năm 1953, Nava đã chỉ thị cho Cônhi từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 11, chậm nhất là ngày 1 tháng 12, phải đánh chiếm Điện Biên Phủ bằng kế hoạch hành binh mang tên Caxstor để thiết lập một điểm ngăn chặn bảo vệ cho Thượng Lào. Đây chỉ là một hành động dự phòng, nhằm che chở cho Lai Châu và Thượng Lào khỏi bị uy hiếp và nắm lấy số lúa gạo đáng kể trên cánh đồng Mường Thanh có thể lọt vào tay đối phương. 

Trong khi kế hoạch Caxstor đang được người ta đưa lên bàn để cân đong đo đếm thì vào khoảng trung tuần tháng 11, một sự kiện không được mong đợi đã đến khiến tổng hành dinh của Navarre ở Hà Nội rất bất ngờ. Phòng Nhì được tin đại đoàn 316 của đối phương hình như đã xuất quân lên hướng Tây Bắc. Một hội nghị cao cấp được triệu tập với tình thế vô cùng khẩn cấp, quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ được vị lãnh đạo uy lực nhất lúc này phê duyệt. Ngày 20 tháng 11 năm 1953, những cơn mưa dù ào ột đổ về Điện Biên Phủ và trong vòng 3 ngày từ 20 đến 22 tháng 11, 6 tiểu đoàn dù với khoảng 4.500 lính đã có mặt tại Điện Biên dưới sự chỉ huy của viên tướng Gill đầy kinh nghiệm.

Ngày 29 tháng 11 năm 1953, lần đầu lên thăm Điện Biên Phủ, viên Tổng chỉ huy Navarre đã tận mắt nhìn thấy một vị trí đặc biệt quan trọng của thung lũng này cả về quân sự và kinh tế. Điều đó càng củng cố thêm quyết tâm biến nơi đây thành một lô cốt chiến lược của quân đội Pháp. Và thế là chỉ mấy ngày sau, ngày 3 tháng 12 bản mệnh lệnh số 949 bằng giấy trắng mực đen do chính Navarre ký được chuyển đến cơ quan tham mưu và những người có liên quan về chiến lược mới của vị Tổng chỉ huy.

Với việc tăng cường lực lượng, biến Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm cỡ bự, buộc Việt Minh phải chấp nhận chiến đấu nếu muốn giải phóng vùng đất này, chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến chiến lược nóng bỏng của cả hai bên.

Điện Biên Phủ không hiện diện trong kế hoạch Navarre không có nghĩa nó chỉ là một việc làm mang tinh ứng phó nhất thời. Navarre đã bỏ nhiều tâm lực cho quyết định này. Tình hình trên miền Bắc trong Đông Xuân 1953-1954 buộc Navarre phải có một hành động, nếu cuộc hành binh Caxstor không diễn ra ở Điện Biên Phủ thì nó cũng phải diễn ra ở một nơi khác. Trước sau Điện Biên Phủ chỉ giữ một vai trò thứ yếu trong kế hoạch, nhưng vẫn là một nước cờ chiến lược đã được Navarre tính trước những hệ quả một cách tỉnh táo. Quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng một Tập đoàn cứ điểm mạnh tại đây đã cho thấy quyết tâm thôn tính nước Việt Nam cho kỳ được của Thực dân Pháp. Sau khi thất bại ở hầu khắp các chiến trường đồng thời nhằm cứu vãn bản kế hoạch Nava đang bị nghi ngờ về tính khả thi của nó thì lần này vùng rừng núi Tây Bắc hẻo lánh lại là mục tiêu tâm điểm, là nỗ lực cuối cùng, lớn nhất và mang tính chất quyết định cho toàn bộ cục diện cuộc chiến của cả hai bên. Với người Pháp, Điện Biên Phủ có những lợi thế rõ ràng về mặt quân sự và họ đã biến những lợi thế đó thành điểm mạnh trong quá trình xây dựng Tập đoàn cứ điểm này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây