NextUpcoming Event
Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống ngành ĐSVN: Tiếp nối truyền thống, phát triển xứng tầm

Thứ ba - 20/10/2015 15:40
Ngày 21/10/1946, trong bối cảnh tình hình đất nước ta đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, cán bộ, công nhân viên Đường sắt Việt Nam đã vinh dự được nhận nhiệm vụ tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước ta từ Hải Phòng về Hà Nội sau 5 tháng đi dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô - Cộng hòa Pháp trở về nước bằng tàu biển, qua cảng Hải Phòng.

Nhận rõ đây vừa là niềm tự hào lớn lao, vừa là trách nhiệm nặng nề, cán bộ, công nhân viên Đường sắt từ cơ quan Nha hỏa xa đến những người trực tiếp làm nhiệm vụ ở các nhà ga, trên tàu với tinh thần cố gắng cao nhất, phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền, nhân dân các địa phương tổ chức chu đáo chuyến tàu đưa đoàn công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô tuyệt đối an toàn, đúng kế hoạch, được Người gửi thư cảm ơn, khen ngợi. Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, công nhân viên Đường sắt, ngày 11/3/1996, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định lấy ngày 21-10 hằng năm là ngày truyền thống của Đường sắt Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyến tàu từ Hải Phòng về Hà Nội.

Trải qua 69 năm, ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công nhân viên Đường sắt Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử dân tộc, ngành Đường sắt Việt Nam cũng có những đóng góp to lớn, chiếm một vị trí xứng đáng trong đời sống kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) Hỏa xa Việt Nam vừa tổ chức tốt việc tiêu thổ kháng chiến, đưa máy móc thiết bị lên công binh xưởng, vừa vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ giữ vững một số tuyến đường sắt ở chiến khu Việt Bắc, khu IV, khu V, vận tải liên tục phục vụ kháng chiến, lập thành tích đóng góp vào cuộc trường kỳ chín năm kháng chiến của dân tộc. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1972), với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá ta sửa ta đi, địch phá ta cứ đi”, “Qua sông không cầu, chạy tàu không ga”... Đường sắt Việt Nam đã thực hiện thắng lợi tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, phát huy cao độ truyền thống anh dũng, ngoan cường, thông minh, chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để giữ vững mạch máu giao thông, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau ngày toàn thắng, thống nhất đất nước (30/4/1975), thực hiện quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đường sắt Việt Nam cùng cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành công cuộc khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, lập thành tích chào mừng Đại hội lần thức IV của Đảng (12/1976).

 Khi đất nước bước vào giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, Đường sắt Việt Nam lại tiếp tục nỗ lực “vươn lên trong thời kỳ đổi mới” với quyết tâm đưa sản xuất kinh doanh của ngành từng bước hòa nhập vào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên quyết xóa bỏ và đoạn tuyệt với cơ chế quan liêu, bao cấp. Lãnh đạo ngành đã kịp thời đề  ra 3 mục tiêu trước mắt là: “Làm cho nhân dân bớt kêu; Đời sống cán bộ, công nhân viên bớt khó khăn; Nhà nước bớt gánh nặng tài chính”. Với sự cố gắng vượt bậc, liên tục trong 10 năm đầu tiên của sự nghiệp đổi mới (1989 - 1999), Đường sắt Việt Nam đã trụ vững trong cơ chế thị trường, từng bước phát triển đi lên, đạt những thành tựu đáng tự hào, được xã hội ghi nhận.

Bước vào thế kỷ XXI, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế hiện hành của Nhà nước và để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội, Đường sắt Việt Nam lại tiếp tục đổi mới cơ chế, hoàn thiện mô hình tổ chức vì mục tiêu “Đổi mới, an toàn và phát triển bền vững”. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, sản xuất kinh doanh toàn ngành liên tục tăng trưởng, đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 3 vạn cán bộ, công nhân viên.

Với những đóng góp đó, ngành ĐSVN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (1996); Huân chương Sao vàng (2010); Huân chương Độc lập hạng nhì, hạng ba ; 06 Huân chương Lao động (nhất, nhì, ba); 03 Huân chương Chiến công ( nhất,  nhì,  ba);  Đảng ủy ĐSVN 01 huân chương Độc lập hạng nhất (2005); Công đoàn Đường sắt 01 Huân chương Lao động hạng nhất; 01 Huân chương Độc lập hạng nhì và 01 Huân chương Độc lập hạng ba;  Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đường sắt: 02 Huân chương Lao động hạng nhất, 01 Huân chương Lao động hạng nhì, 01 Huân chương Lao động hạng ba. 13 tập thể đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 11 tập thể đơn vị Anh hùng các Lực lượng Vũ trang; 10 cá nhân Anh hùng Lao động; 03 Huân chương Độc lập hạng nhất, 04 Huân chương Độc lập hạng nhì, 15 Huân chương Độc lập hạng ba; 455  Huân chương Lao động ( nhất, nhì, ba); 19 Huân chương Chiến công (nhất, nhì, ba); 85 Cờ luân lưu của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra còn hàng ngàn cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt đã được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Chặng đường 69 năm (1946-2015), từ Nha Hỏa xa đến Tổng cục Đường sắt, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam và hiện nay là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ vượt qua gian khó xây dựng và trưởng thành của ngành Đường sắt Việt Nam. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ công nhân Đường sắt với tinh thần: Đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo, ý chí chiến thắng khó khăn, chủ động vững vàng trước thử thách, đội ngũ cán bộ, công nhân, lao động Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hôm nay đang đồng lòng quyết tâm thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp hợp lý sản xuất kinh doanh, đưa Đường sắt Việt Nam phát triển xứng đáng với vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tác giả bài viết: Vũ Thị Hồng Minh

Nguồn tin: vr.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

1
2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây