70 NĂM BÁC HỒ VỀ THĂM NHÀ MÁY XE LỬA GIA LÂM – MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN ĐƯỜNG SẮT

Thứ năm - 15/05/2025 22:34
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm (19/5/1955 – 19/5/2025), xin trân trọng giới thiệu một địa chỉ đỏ – nơi ghi dấu phong trào công nhân và những sự kiện cách mạng tiêu biểu gắn liền với lịch sử vẻ vang của ngành Đường sắt Việt Nam: Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
70 NĂM BÁC HỒ VỀ THĂM NHÀ MÁY XE LỬA GIA LÂM – MỘT ĐỊA CHỈ ĐỎ CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN ĐƯỜNG SẮT
Nhà máy xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905, là một trong những công trình đường sắt trọng yếu do thực dân Pháp xây dựng tại Việt Nam đầu thế kỷ 20. Nằm ở vị trí chiến lược – giao điểm của bốn tuyến đường sắt phía Bắc, nhà máy sớm trở thành một cơ sở công nghiệp lớn,  nơi tập trung đông lao động và nhiều công nhân yêu nước.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914–1918), thực dân Pháp tăng cường bóc lột thuộc địa. Công nhân nhà máy làm việc trong điều kiện hà khắc, lương thấp, thất nghiệp lan rộng, nhưng vẫn nung nấu khát vọng yêu nước. Trong giai đoạn 1919–1929, nhiều công nhân kỹ thuật đã tiếp xúc với tư tưởng tiến bộ qua các tài liệu như báo Nhân đạo, Người cùng khổ, rồi bí mật dịch ra tiếng Việt và truyền bá trong nội bộ. Từ đây, mầm mống cách mạng bắt đầu bén rễ trong đội ngũ công nhân.

Cuối năm 1930 tại nhà máy xe lửa Gia Lâm xuất hiện cờ đỏ búa liềm và những nhóm hoạt động trong công nhân lao động lên tiếng ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ đây, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ. Tháng 10/1937, Chi bộ đảng của nhà máy được thành lập, đã lãnh đạo công nhân liên tiếp bãi công đòi quyền lợi: yêu cầu được tuyển chính thức, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Từ năm 1939, phong trào gặp khó khăn khi thực dân Pháp tăng cường đàn áp, bắt giữ nhiều thành viên lãnh đạo. Dù vậy, công nhân vẫn tiếp tục phản kháng, đòi quyền lợi, đồng thời chuyển hướng hoạt động bí mật, mở rộng ra các làng xã phụ cận.

Khi Nhật vào Đông Dương năm 1940, nhà máy rơi vào tay phát xít Nhật, công nhân phải chịu sự áp bức của cả hai thế lực thực dân – phát xít và chuyển nhiều máy móc lên Đông Anh. Tháng 8 năm 1945, công nhân nhà máy đã phối hợp với lực lượng tự vệ địa phương chiếm huyện lỵ Đông Anh, đánh bại quân Nhật canh gác nhà máy, giành chính quyền và treo lá cờ đỏ sao vàng do chính tay công nhân may; thành lập ủy ban quản trị lâm thời và chính thức làm chủ nhà máy.

Từ 1946 đến 1954, nhà máy được chuyển lên vùng chiến khu Việt Bắc, tiếp tục sản xuất vũ khí phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài của dân tộc .

Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc, công nhân nhà máy đã kiên quyết đấu tranh giữ gìn máy móc, không để cho địch phá hoại. Sau khi ta tiếp quản Thủ đô, nhà máy khắc phục hậu quả của chiến tranh, khẩn trương đi vào sản xuất. Công nhân hăng hái tham gia sản xuất, phong trào thi đua làm tốt, làm nhanh, làm việc với tinh thần người làm chủ thực sự.

Trong không khí đó, đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật Bác, vào 3 giờ 15 chiều ngày 19-5-1955, Bác Hồ về thăm nhà máy. Toàn thể cán bộ, công nhân vô cùng phấn khởi đón Bác. Người đến thăm các đơn vị sản xuất trong nhà máy, sau đó Người ân cần nói chuyện với toàn thể công nhân.
Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm
Bác Hồ nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm
Người đặc biệt nhấn mạnh đến công tác thi đua và giải thích thi đua khác với ganh đua như thế nào Người nói “Muốn thi đua cho có kết quả tốt thì phải đoàn kết, phổ biến kinh nghiệm cho nhau, bền gan và cố gắng học tập”.

Bác Hồ ra về hồi 4 giờ chiều giữa những tiếng hoan hô không ngớt. Tất cả nhà máy đều đồng thanh hô to: “Kiên quyết thực hiện những lời dạy của Hồ Chủ tịch!” Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của nhà máy trong những năm tiếp theo.

Năm 1962 công nhân, cán bộ nhà máy xe lửa Gia Lâm đã đề xuất và thực hiện phong trào: Ngày thứ bẩy đẩy mạnh sản xuất đấu tranh thống nhất đất nước. Phong trào phát triển sâu rộng trong nhà máy, sau đó lan rộng khắp các nhà máy, xí nghiệp trên toàn miền Bắc. Nhà máy được vinh danh là: “ Quê hương của phong trào “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất đấu tranh thống nhất”.

Ngày 22/12/1964 tại nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã xuất xưởng chiếc đầu máy đầu máy hơi nước TỰ LỰC Nguyễn Văn Trỗi - đây là đầu máy xe lửa đầu tiên do các kỹ sư Tổng cục Đường sắt thiết kế và được Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chủ trì chế tạo đạt được sức kéo tới 2.000 tấn, tốc độ tối đa có thể tới 70 km/h. Đầu máy mang tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã kéo chuyến tàu khách đầu tiên chạy đường Hà Nội - Hải Phòng. Đầu máy TỰ LỰC là thành công của tinh thần sáng tạo, tự lực cánh sinh, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
Khánh thành Đầu máy Tự lực 1
Khánh thành Đầu máy Tự lực 1
Với truyền thống đoàn kết đấu tranh, từ những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của giai cấp, công nhân nhà máy đã giác ngộ và đi theo cách mạng để đấu tranh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc và sau này họ đã góp rất nhiều công sức phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước. Nhà máy đã vượt nhiều khó khăn, giành nhiều thành tích mới, được Nhà nước công nhận là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ và đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới,

Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ đến thăm nhà máy Xe lửa Gia Lâm không chỉ là dịp nhớ những điều căn dặn của Bác mà còn là động lực để thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến, đưa ngành Đường sắt Việt Nam vươn xa. Đây là cơ hội để mỗi cán bộ, công nhân viên nhà máy nói riêng và cán bộ công nhân viên toàn ngành nói chung nhìn lại chặng đường đã qua, học hỏi từ lịch sử, và từ đó  “PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG – NỖ LỰC TỰ CƯỜNG – HỢP TÁC HIỆU QUẢ - TINH GỌN ĐỘT PHÁ - KIẾN TẠO TƯƠNG LAI” cùng ngành đường sắt và cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

banner phai 1
banner phai 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây